VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XVIII --XIX)

V-T-N và Đỗ Chu,1967
3-5
  NHỚ LẠI CHUYỆN CŨ
      Ngày này 36 năm về trước, tôi theo chuyến bay đầu tiên bay từ Hà Nội đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Mấy ngày tiếp đó, bọn tôi thường đi dự các buổi gặp mặt của sinh viên, sau đó lang thang ra đường.
       Còn nhớ có lần, sau mấy câu trò chuyện bâng quơ, một anh bạn trẻ sẵn Honda hỏi tôi muốn đi đâu sẽ chở đi. Ở SG tôi không có người thân, không có nhu cầu tìm ai, đành bảo anh dẫn đến Nhà sách Khai trí. Trên đường đi bạn trẻ ấy chia sẻ vài suy nghĩ thời sự và nêu câu hỏi :
-- Biết rằng cuộc sống sắp tới sẽ gian khổ, tôi chỉ muốn hỏi những hy sinh của chúng tôi liệu có đáng không.
   Tôi không biết trả lời sao chỉ nói một cách chung chung:
-- Chỉ biết là Mỹ đi rồi, còn tình hình ra sao là do người Việt ta giải quyết với nhau.
     Mấy hôm sau, nói lại với Nguyễn Khải, bị ông mắng cho một trận, sao lại nói thế, sao không bảo là cứ tin tưởng đi, chúng tôi vào đây được thì làm gì không được. Tôi đâm cụt hứng, từ đó đi đâu không dám nho nhe gì nữa.
***
     Như tôi đã viết đây đó, trước 1975, ở Thư viện quân đội, tôi đã được đọc một ít sách báo miền Nam, thường xuyên nhất là các tạp chí Bách Khoa, Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn đề… Trong số những ý tưởng mà tôi đọc được trong các tờ tạp chí đó, có cái câu sau đây của anh Cao Huy Khanh mà tôi cứ nhớ mãi. Nhân có một cuộc trao đổi gì đó với anh em Hà Nội, CHK viết trên Khởi hành, đại ý bảo các anh đừng tưởng chỉ các anh mới là Việt Nam, chúng tôi cũng là Việt Nam. Và trong những năm qua, con người trên mảnh đất này vẫn có điều  tự hào là chúng tôi biết học. 
            Tôi không nhớ nguyên văn nhưng tinh thần cam đoan là thế.

6-5
       TẠI SAO HỌC SINH KHÔNG THI
        VÀO CÁC NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI ?
    Nhiều báo đưa tin loại này. Như tin có trường cấp ba, cả khối 12 không có học sinh thi vào khối C. Trả lời câu hỏi của Đài phát thanh, tôi nói cái lý do thấy rõ nhất là ở phổ thông, các khoa học xã hội được học giống như một môn chính trị thực dụng và những bài bản của những năm chống Mỹ giờ đây vẫn được sử dụng y như cũ nên khó thuyết phục.
     Nhìn chung, ở ta, KHXH chưa thành khoa học, không gây nổi sự ham muốn chân chính ở các em.
     Một điều chú ý là nên gắn việc chọn nghề với việc tiến thân lâu dài của một con người.
   Theo dõi tình hình chính trị  thế giới, ví dụ vụ Ai Cập,  Libya, hoặc sự thay đổi về kinh tế, văn hóa… người ta thường thấy ở nhiều nước – từ Mỹ Anh, đến Nga, Trung quốc, có hai loại người đứng ra phát biểu, một là các đại diện nhà nước, hai là các nhà khoa học xã hội. Các vị trí thức này thường làm bước thăm dò. Ở ta thì không, loại nhân vật xã hội đó chưa xuất hiện và xem ra chưa biết bao giờ mới xuất hiện.
      Làm khoa học xã hội không có chỗ tiến thân, vậy thì vào đó làm gì – tôi đoán là nhiều thanh niên ưu tú đang nghĩ thế.
     Lại còn chuyện ở đây dễ đánh mất mình lắm. Hãy xem nhiều công trình khoa học xã hội đã công bố, chủ biên toàn người có chức có quyền. Trong giới ai cũng biết ông ta chẳng hiểu gì chuyên môn cả. Nhưng phải công kênh ông ta lên thế thì mới xin được kinh phí. Khi góp mặt nghiên cứu theo kiểu ấy, hỏi còn ai làm việc hết mình? Cả làng cả nước chẳng những cứ giẫm chân tại chỗ mà đương nhiên là còn hủi cùn hủi cụt đi nữa.

Ở VN, nếu có chỉ tiêu nào đó không đạt được, không ai làm sao cả. Hơn nữa, VN có quá nhiều hội thảo, kiến nghị -- không có trọng lượng mấy tới hành động. Các bạn nên giảm họp hành và tạo ra các ủy ban hoạch định chính sách, đảm bảo các chính sách, gợi ý được thực hiện.”

CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI
     Đó là chuyện làm ăn kiếm sống.  Chủ một “siêu thị “ nhỏ xíu cạnh nhà tôi bật mí cho biết bán một tháng sống cả năm. Thả nào mà bây giờ nghề buôn phát triển.
     Tôi nghĩ lẽ ra trong trường hợp này,  xã hội phải có khả năng giám sát và đạt được quy định cho giá cả mọi thứ hàng hóa. Với từng loại hàng chi phí cho sản xuất bao nhiêu, chi phí cho lưu thông bao nhiêu, vậy cuối cùng  bán bao nhiêu thì đủ để mọi người chịu được và yên tâm với công việc của mình. Đó chính là sự công bằng. Còn cứ thả lỏng như hiện nay—ai giỏi lừa thì sống—thì liệu mấy ai còn đủ sức làm ăn đứng đắn?

 
8-5
Một đoạn ghi được trong sử
   TRIỀU VUA CUỐI CÙNG CỦA NHÀ NGUYỄN
   QUAN NIỆM VỀ SỰ KẾ VỊ NHƯ THẾ NÀO     
     Trong Đồng khánh Khải Định chính yếu  của quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch tiếng Việt, tr 269, thấy có ghi: Năm Khải Định thứ bẩy(1922), mùa hạ tháng tư, Mệnh cho Hoàng Thái tử sang Tây du học. Dụ rằng
Sở dĩ cha mệnh cho con đi du học chính là muốn con mở rộng kiến thức, tăng cường trí tuệ, đồng thời có được hiểu biết về công việc giao thiệp, để sau khi thành tài có được một tư chất hoàn hảo.
     Vả lại làm  địa vị một người  đứng trên những người khác thì trách nhiệm không phải dễ dàng.
      Với trách nhiệm nặng nề to lớn thì phải có tư chất hơn người mới có thể đảm đương được.
       Nếu may mà con đi du học thành tài trở về  đến khi cha già trăm tuổi qua đời sồi, triều đình lập con nên kế ngôi thì tư chất của con đã đủ để gánh vác trách nhiệm ấy.
       Còn nếu vạn nhất chẳng may vì duyên cớ ngoài ý muốn mà con không học được thành tài khi đó triều đình có đón con về lập lên ngôi thì con phải từ chối nhất thiết không được nhận.
       Nhận ngôi để rồi không đảm đương được trách nhiệm thì  không chỉ hại đến bản thân mà thôi đâu. Cái hại đối với bản thân mình còn là nhỏ, để hại cho tôn miếu xã tắc thì cái hại ấy mới thật là lớn. Con hãy nghe theo lời của cha. "        

9-5
     Tháng năm dương lịch rồi mà Bắc bộ còn lạnh vì gió mùa đông bắc! Đến khí hậu cũng do mưa gió băng tuyết từ tận đẩu tận đâu quyết định, hỏi làm sao kinh tế chính trị xứ mình không bị biến chuyển từ các xứ sở khác ảnh hưởng tới ?


  GỌI RA BỆNH  THÌ ĐÃ QUÁ MUỘN  

   Tin trên VNN
      Khán giả "phát điên" vì phim Việt
    Tức giận, bức xúc, xấu hổ, bực mình, thất vọng, ngượng... là những trạng thái cảm xúc khác nhau của hàng trăm độc giả khi phản hồi về phim truyền hình Việt hiện nay.
 Cạnh đó là danh sách các bài liên quan

  
1


  15-5
     CÓ ĐẤT NÀO NHƯ ĐẤY ẤY KHÔNG ? 
       Có đất nào như đất ấy không
        Phố phường tiếp giáp với bờ sông
       Nhà kia lỗi phép con khinh bố
       Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
 .....
    Đó là mấy  câu thơ  của Tú Xương khái quát cái buối giao thời hỗn hào ở VN đầu thế kỷ XX. Nay thì tôi cũng muốn mượn nó ra để nói về tình hình của chúng ta.
      Tạm khoanh vùng vào một chuyện, là không khí nhà trường, nơi con em chúng ta lui tới hàng ngày.
       Trong một lá thư gửi từ nước ngoài, ca sĩ Khánh Ly nêu một khái quát đại ý học sinh người Việt ở hải ngoại hết giờ học thì lên thư viện, học sinh trong nước ở trường về thì ra quán chơi game.
       Giữa bao nhiêu khía cạnh khác mà mọi bậc phụ huynh hàng ngày đón con trở về phải đau lòng, có chuyện bạo lực học đường.  Đây là một mẩu  tin  tôi cắt ra dán lại:
      Theo số liệu được đưa ra tại "Hội thảo giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/07/2010 thì trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến ngày diễn ra hội thảo, các trường trên toàn quốc đã xử lý kỷ luật, khiển trách gần 900 học sinh, buộc thôi học hơn 730 học sinh và cảnh cáo gần 1.600 học sinh do tham gia vào các vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Riêng năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.
   Từ đó đến nay, con số trên tăng trên tăng là bao – không biết có thể tìm  báo cáo ở đâu?
    
 Với tư cách một người đã học qua các trường từ trường thời Pháp tạm chiếm qua các trường ở Hà Nội sau 1954 và sau này có theo dõi con em ở các nhà trường  từ bắc đến nam, tôi phải nói là chưa bao giờ chứng kiến tình hình tương tự.  
    Cái đáng lo là không những nhà trường mà phải nói toàn xã hội cũng chưa tìm ra phương thuốc chữa chạy hiệu nghiệm cho căn bệnh trên.    
     Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà kinh tế Vũ Thành Tự Anh từng có một cuộc đối thoại về vấn đề này. Các ý kiến được ghi lại thành bài viết mang tên Vóc dáng tự do,tinh thần độc lập vốn  in trên tạp chí Tinh hoa và in lại trên Chung ta.com .  
      Giáo dục phải đào tạo ra những con người tự do, tự mình đi tìm chân lý, sự thật. Nói theo một cách nào đó, sống tức là lựa chọn. Con người tự do là con người có ý chí và có khả năng tự mình lựa chọn, chứ không phải chịu sự áp đặt của người khác, dù là ai, trong lựa chọn. Và khi đã lựa chọn, thì tự mình chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó…
          Thấy hay quá đúng quá.
        Nhưng chợt nhớ đến các tin tức trên báo.
        Nếu đối chiếu với tình hình học trò hiện nay thì người ta sẽ phải nhận là các ý kiến đề xuất nói trên là quá cao vời, quá sang trọng; cái mà chúng ta cần ngay bây giờ là một cái gì khác rất nhiều.
       Thậm chí  có người còn nói với tôi chúng ta có một lớp trẻ đã quá tầm thường hư hỏng, giờ đây không thuốc chữa được nữa.
       Trước mắt, cần thảo luận và cần thêm cả những người gọi bệnh chi tiết chăng?
  Có đất nào như đất ấy không ?  Giờ đây câu hỏi  ấy của Tú Xương  phải ”dịch” ra thành hàng loạt câu khác. Ít nhất là phải một lần chuyển từ không gian sang thời gian để có cái  biến thể (variant ) sau:
-- Có thời buổi nào như thời buổi hiện nay không?


   







Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم