VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tinh thần phê phán của Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo

Trong Tự  phán ( Phan Bội Châu niên biểu ) có đoạn kể lúc mới đến Nhật (1905), Phan Bội Châu gặp một người phu xe Nhật tốt bụng. Người này thấy Phan là dân ngoại quốc, lần đầu đến xứ người, đang lạ nước lạ cái, thì hết sức giúp đỡ, vui vẻ  chở tới nơi đã định, tìm hộ người cần gặp, lại chỉ lấy giá xe đúng mức như mọi đám khác.
       Nói về người, nhưng Phan không quên nói về mình.
       Một nét tâm lý của chính Phan có liên quan trong dịp này được ông  ghi nhận: Trong lúc chờ người phu xe lo việc, ông rất băn khoăn. Người phu ấy chạy xuôi chạy ngược suốt từ 2 giờ tới 5 giờ. Tốn công quá !
        Và ông liên hệ tới cách sống bon chen vô cảm của những người phu xe trong nước. Sau những vụ này tương tự, họ ăn vạ bắt chẹt đủ đường.
       Ông nghĩ bụng,  “ sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e cũng khốn nạn với vấn đề đòi tiền”.
    Cách xử sự của người phu xe Nhật khiến Phan đi từ ngạc nhiên đến thán phục, ông tự  nhủ “ Than ôi ! Trí thức trình độ dân nước ta  xem với tên phu xe Nhật bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao !” (1)
   Đọc xong đoạn này, nhiều người hẳn  giật mình.
    Lâu nay nói tới Phan Bội Châu, ta nghĩ ngay tới một ngọn cờ vẫy gọi lôi cuốn  quốc dân hành động chống Pháp. Con người ông là của những sự việc hoành tráng. Nói như Phan Châu Trinh, ông “ thích dùng quyền thuật, dám làm, nói lớn lối “.  (2)
    Gắn liền với tên tuổi ông là những lời hô hào thuyết phục kêu gọi khích lệ.Theo logic thông thường, ta đoán cái chuyện thói hư tật xấu của dân Việt là một khái niệm xa lạ với Phan. Có biết thì ông cũng bỏ qua để  khỏi cản trở công việc!
     Hóa ra chúng ta  nhầm.
    Đọc lại tập Cao đẳng quốc dân (1928) tìm thấy trong đó những đoạn hết sức thống thiết

    Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả …
     Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, nam hát bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới sống.
   Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng hạnh phúc lắm sao?
Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay, người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ.
 Giọt nước mắt khóc nước vẫn ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng;
  tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội;
 ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay;
 trước mặt người thì ái quốc mà đến lúc đêm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn chim mồi.
   Cha ôi! trời ôi! ái quốc gì? ái quốc thế ư? Đeo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ chân nhân, một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.(3)

    Lúc này, tác giả đã về Huế an trí  nên việc những đoạn trên xuất hiện dưới ngòi bút cuả Phan là dễ hiểu. Ông già bến Ngự thôi không còn là một nhà hoạt động sôi nổi mà trở lại vai trò một  người trí thức. Và trong tâm trí của chúng ta, nó có vẻ là một cái gì lạc  điệu, không phải một Phan Bội Châu chúng ta hằng nghĩ. 
      Quay trở lại những cuốn như Việt nam quốc sử khảo(1908) thì thấy thật ra cách nhìn cách suy nghĩ có tính cách phê phán đã đến với Phan ngay trong lúc hoạt động ở Nhật. Không thấy phương diện này trong tư tưởng Phan Bội Châu tức là làm nghèo ông đi rất nhiều.


 Tinh thần chính trực “ nhìn thẳng vào sự thật”
     Chương thứ năm trong Việt Nam quốc sử khảo mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta.
      Tiết thứ tư của chương bàn kỹ về dân trí mà Phan khái quát chung  bằng một từ “đáng thương “
    (...) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:
    Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.
    Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.
    Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.
   Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.
    Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.
    Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi. “ (5)

      Nhìn chung cả tiết này, có thể thấy  thói hư tật xấu  mà Phan  nêu ra chưa phải toàn diện. Trong phạm vi 15 trang ( Tr 222- 235) của một cuốn sách 140  trang (163- 305), ông chỉ tập trung vào những thói xấu có hại cho công cuộc vận động cách mạng. Đó là cách sống rời rẽ  sự nghi kỵ lẫn nhau, người nào cũng chỉ biết lợi riêng, không ai tin ai, không ai đoàn kết ai.
       Tuy nhiên, trên đà suy nghĩ tự phán ông đã nhìn rộng ra để nói rằng xã hội ta chưa được tổ chức lại một cách hợp lý, cũng như trong sự vụ lợi, ông thấy rõ chúng ta còn dừng lại ở một tầm nhìn tầm nghĩ hạn hẹp, không sử dụng hết năng lực làm người của mình.
        Một thói xấu cũng được  Phan sớm để ý tới là  sự xa hoa. Tại sao ? Để hiểu điều này phải trở lại với hoàn cảnh của Phan lúc đó : Không có thực lực, không có  tiền của.
        Đọc Tự phán thấy ở Nhật có lúc các ông phải đi ăn mày. Trong khi đó thì  trong nước nhiều người không biết dùng của cải vật chất vào việc gì. 
       Trong môt văn bản được viết chủ yếu để tuyên truyền ông không quên nói cả chuyện hôn nhân, chuyện tang ma.
        Nhìn vào những đám cưới phiền phức,  ông thấy ở đó chúng ta bị những lề tục tự phát trói buộc, rồi cứ bày đàn mà theo nhau “ nhà giàu thì hao phí tiền của, nhà nghèo thì phải cầm bán ruộng đất sản nghiệp” “làm một việc hao tổn vô vị, thật quái gở thay’’.
         Hoặc nhìn vào những đám tang trong lúc người trong cuộc đau đớn thì chung quanh ăn uống linh đình, ông bảo “ sao mà  nhẫn tâm thế, sao mà ngu ngốc thế”.
         Đến như cái việc mà cho đến đầu thế kỷ XXI  này, dân ta vẫn coi là một cái gì thiêng liêng, không ai dám mang ra bàn, Phan Bội Châu cũng đề cập tới theo cách riêng của mình.
        Đó là câu chuyện đua nhau làm cỗ thật to gọi là thờ cúng tổ tiên.
         Ông thấy ở cách làm đó một sự phô trương giả tạo. Cái lý của tác giả rất cụ thể
  “ Chưa một ai chết rồi mà còn có thể ăn thịt uống rượu được …Bày biện cỗ bàn, giết thịt bò dê gà lợn để  mời hàng xóm  họ hàng khách khứa  đến ăn uống no say mới thôi, như thế  có phải là mượn  tiếng người chết  để làm sướng mồm người sống hay  không ?
  Thật là nhẫn tâm quá.
   Huống chi  lúc cha mẹ đang sống, một chén cơm một bát canh cũng không cho ăn ; đến khi chết rồi thì lại làm lễ tam sinh  tốn kém hàng vạn để báo hiếu ? Sao lại lừa dối người quá đến thế ?(6)

Tấm lòng và tầm vóc suy nghĩ      
     Cũng như khi hô hào kêu gọi, -- khi nhắc lại  những thói xấu nói trên, Phan Bội Châu  có cái giọng rất thống thiết.
       Ông dùng đến những chữ rất nặng, những chữ mà người khác nói ra sẽ lập tức bị buộc tội là khinh rẻ dân tộc chẳng hạn như ngu, ngu muội ( lắp lại tới 7 lần ).
        Nhiều đoạn sau khi kể thói xấu, lại thường kết bằng một câu hỏi “ Sao mà ngu thế ?” “ thật là ngu quá không thể hiểu được”.
      Nên nhớ những đoạn đang nói ở đây là trích ra từ trong một cuốn sử. Chúng ta biết rằng nền sử học ở  ta đầu thế kỷ XX ít về số lượng mà đơn sơ về quan niệm,  do đó chất lượng non yếu kém cỏi, không đáp ứng được nhu cầu tự nhận thức của dân tộc.
       So với cả trước cả sau, trong cái vẻ còn luộm thuộm vụn vặt, Việt nam quốc sử khảo đã mở ra một quan niệm mới về cách viết sử.
        Phải có cả sử phong tục tập quán. Phải sớm viết sử về tâm lý người dân thường. Phải có cả lịch sử sự giao lưu và tiếp nhận  của ta với nước ngoài . Từ những việc Phan Bội Châu đã làm , người ta có thể rút ra những phương hướng làm sử như vậy.
        Về việc sử dụng chuẩn mực khi phê phán, có đến mấy lần khi nêu ra thói hư tật xấu của người mình, Phan Bội Châu dùng đến những chữ như “ quái gở thay “ “ hoặc đặt câu hỏi “đạo làm người có nên như thế không ? “.
         Tức là khi xét thói hư tật xấu, ông xuất phát từ những nguyên lý nhân bản nói chung.
         Tiêu chuẩn để ông xem xét  rồi từ đó bảo cái này tốt cái kia xấu không phải là những tiêu chuẩn riêng của Việt Nam mà là những chuẩn mực chung của nhân loại.       
       Với cách suy nghĩ như thế, phải nói Phan Bội Châu đã đạt tới cốt cách của một  nhà trí thức theo nghĩa hiện đại.
      Mang so sánh dân mình với dân xứ khác là một điều  nhiều người ngần ngại,  vì rất dễ rơi vào dung tục thô thiển .
       Nhưng  Phan Bội Châu đã làm và làm một cách thuyết phục.
       Sau khi kể khá kỹ ở Nhật người ta tiến hành tang ma hiếu hỷ đơn giản mà chân thành ra sao, ông quay lại phê phán lễ nghi cổ hủ của người mình.
        Vấn đề không chỉ là Phan Bội Châu có một quan niệm thông thoáng đối với các vấn đề đời sống.
        Mà dường như ông còn muốn nói người ta không được phép sống theo thói quen, cứ xưa làm sao nay làm vậy rồi bảo rằng như thế mới là tự tôn tự trọng, là có bản sắc riêng.
        Trong khi không viện dẫn tính độc đáo để biện hộ cho cách sống phiền phức mang nặng hình thức của dân mình, ông giả thiết rằng tất cả các vấn đề của đời sống có thể làm khác như cái cách mà chúng ta vẫn làm.
       Và trước tiên cách sống trình độ sống của cộng đồng luôn luôn phải được xem xét khảo sát đánh giá lại.
        Có thế mới có cơ thoát khỏi những tình thế bế tắc mà chúng ta thường xuyên phải đối mặt .
         
  -----   
(1) Phan Bội Châu Tự phán bản của NXB Văn hóa thông tin  Hà Nội, 2000, tr75-76
(2)  Nguyễn Văn Dương  biên soạn Tuyển tập Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng 1995,   tr 550
(3)Phan Bội Châu. Về một số vấn đề văn hóa  xã hội chính trị NXB Thuận Hóa  2000
tr119-120
(4) Những tác phẩm của Phan Bội Châu, tập I Việt nam vong quốc sử. Việt nam quốc sử khảo NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1982
(5)  Sách đã dẫn, tr .224
(6)Sách đã dẫn, tr227-228


Bài đã in Văn hóa Nghệ An
Số ra 12-2007


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم