2-1
Năm ngoái có môt entry được đưa lên mạng mang tên Nếu như chỉ còn mỗi Việt Nam. Bài viết đùa bỡn, cẩu thả, nhưng có một ý rất hay. Đặt vấn đề không biết vì lý do gì toàn thế giới này biến mất. Dự đoán, lúc đó các mạch viễn thông bị hỏng, không có dự trữ thay thế, cả xã hội như tê liệt. Các thứ xăng dầu nhiên liệu ta có đấy, nhưng không biết khai thác. Tất cả những gì dùng điện trước sau ngừng hoạt động, quần áo chẳng có, thuốc thang thì không, bệnh tật tha hồ hoành hành … Các loại chuyên gia rởm với đủ loại bằng cấp tự phong lúc này trơ ra cái thực chất vô bổ. Cả nước rủ nhau đỉ trồng lúa trồng dâu theo thời các vua Lý vua Trần, may ra tạm sống qua ngày …
Năm ngoái có môt entry được đưa lên mạng mang tên Nếu như chỉ còn mỗi Việt Nam. Bài viết đùa bỡn, cẩu thả, nhưng có một ý rất hay. Đặt vấn đề không biết vì lý do gì toàn thế giới này biến mất. Dự đoán, lúc đó các mạch viễn thông bị hỏng, không có dự trữ thay thế, cả xã hội như tê liệt. Các thứ xăng dầu nhiên liệu ta có đấy, nhưng không biết khai thác. Tất cả những gì dùng điện trước sau ngừng hoạt động, quần áo chẳng có, thuốc thang thì không, bệnh tật tha hồ hoành hành … Các loại chuyên gia rởm với đủ loại bằng cấp tự phong lúc này trơ ra cái thực chất vô bổ. Cả nước rủ nhau đỉ trồng lúa trồng dâu theo thời các vua Lý vua Trần, may ra tạm sống qua ngày …
Sở dĩ tôi ghi lại đoạn này vì đọc trên Vietnamnet 16 -12, 2010, thấy một doanh nhân đề nghị: Mỹ và TQ lãnh đạo thế giới về chính trị và kinh tế rồi, còn "lá cờ nhân văn" chưa ai nắm và Việt Nam hãy nắm lấy lá cờ nhân văn đó của thế giới để sánh ngang TQ và Mỹ (!)...
Rồi nhớ có lần ai đó nêu nhận xét: nhiều truyện cười của mình dân Việt với nhau thì cùng cười sặc sụa mà người nước ngoài nghe, người ta không thể cười nổi.
Lại nhớ một ý của nhà nghiên cứu Phan Ngọc, một chuyên gia về bản sắc VN. Ông bảo” văn học ta mạnh về dân tộc mình, mà yếu về nhân loại nói chung”. Ông viết trên tạp chí Văn Hiến, số ra 11-2002.
3-1
BẠN BIÊT GÌ VỀ ĐÔNG NAM Á ?
Nhân ngày lễ đón năm mới, truyền hình và báo chí toàn đưa chuyện đón năm mới ở Washington, Paris, Moskva, mà không bao giờ thấy có tin cho biết ở Bankog, Manila, Jakarta người ta ăn tết thế nào, có điều gì phải lo toan trước sự chuyển mình của thời gian….
Không chỉ tết nhất mà xưa nay chuyện gì cũng vậy.
May quá, bản tin tham khảo hôm nay in lại bài của một cựu Thủ tướng Sri Lanca phát biểu tại một hội nghị về Nam Á. Bài báo nói nhiều vấn đề, nhưng tôi nhớ hai chi tiết:
-- Một là các chương trình xóa đói giảm nghèo ở đó không đi đúng lộ trình. Rơi vào túi dân giàu cả. Chỉ có 21% dân nghèo được lợi.
-- Hai là quyền lực chính trị đã trở thành phương tiện nhanh nhất giúp người ta giàu có. Các doanh nhân giàu có hàng đầu biét rằng có tìm kiếm quyền lực chính trị thì mới đi xa được.
4-1
RÙA ĐỎ
Nhiều báo cho biết hồ ao Hà Nội mấy năm nay rất sẵn loại rủa đỏ. Chúng dễ sống và thích hợp với những nơi bẩn thỉu, thích ăn các loại xác chết. Chúng lan vào cả Hồ Gươm và bắt nạt cụ rùa trong hồ.
Tôi nghĩ vân vi, về những thứ ngoại nhập nước mình... Nhớ những câu “ đất lành chim đậu”, với lại “ Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. Lại nhớ hồi trước miền bắc khá phổ biến cây bạch đàn trồng trên đồi hoang, trồng nó chả có vất vả gì, cứ thả trên đồi là xong. Sau mới biết hóa ra đó là một loại cây có hại, đất đã trồng bạch đàn rồi thì không còn trồng gì được nữa. Toàn những thứ hợp với bản mệnh dân mình cả.
***
Chuyện bây giờ mới kể là một lối viết báo thời nay chuyên viết lại những chuyện mà hôm qua người ta giấu biệt. Ví dụ như sau đợt đại lễ ngàn năm Thăng Long, được đọc mẩu tin sau đây: Trong ngày hội ấy có chuyện thả chim. Trước đó, chúng sống lay lắt trong công viên Bách Thảo trong khi chuồng trại của chúng vẫn đang xây, hàng ngày uống nước trộn xi măng, và bị những chủ 'nồi cháo' bắt đi bất cứ lúc nào.
Còn đây là chuyện festival cầu Long Biên 20/11/2010. Cũng có thả chim. Nhưng ác "vị sứ giả" vừa được thả ra, chưa kịp mang thông điệp ý nghĩa bay lên được nửa mét, đã bị các công dân thành phố lao vào bắt, chộp, giật; bẻ đầu trói cánh để đảm bảo không thể bay đi đâu ngoài việc... vào nồi.
Trong một bài thơ Gửi người mai sau, B. Brecht viết về thời của ông
Thời thế gì
Mà nói đến cỏ cây
Cũng như đã phạm vào tội ác
Vì thế là làm ngơ trước bao sự kinh tởm quanh mình
Giá sống ở VN hôm nay, khi đọc mẩu tin trên đây không rõ Brecht sẽ chữa lại đoạn thơ trên như thế nào ?
5-1
THẾ GIỚI ĐẢO NGƯỢC
Nhớ lại hồi đi học phổ thông ở Hà Nội sau 1954, các thầy dạy sử giảng là trong xã hội ta, chủ các xí nghiệp sản xuất còn khả thủ, họ được gọi là tư sản dân tộc. Chứ tư sản mại bản đáng ghét vì chỉ nhập hàng nước ngoài về cho dân tiêu xài hư hỏng, họ phải trở thành đối tượng cách mạng, như bọn thực dân vậy.
Nay thì bao nhiêu người thông minh tài giỏi trong xã hôi rủ nhau đi làm cái nghề nhập hàng này. Họ nhạy bén với những của lạ. Họ biết rằng đám có tiền trong nước sẵn sàng chi đậm để hưởng thụ. Và họ được ca ngợi.
Tôi cũng không đến nỗi bảo thủ để đòi tất cả quay về cái cũ. Nay là thời sáng người ta nói gì chiều người ta quên cả, nên cũng chẳng buồn đòi phải được biết hôm qua là đúng hay hôm nay là đúng.
Chỉ nghĩ thế là mấy chục năm nay, với lớp sắp sửa 70 như chúng tôi, thế giới đã bị đảo ngược. Ôi chao, nói thì đơn giản, nhưng có ai dám tính tới chuyện mang cái cây trồng ngược, có ai đi bằng tay được không? Đã đến nước này, làm sao mà còn ra hồn người !
6-1
NHỮNG CHIẾC CẦU ĐÁ
Đọc Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng ngoài của thầy dòng Richard in ở Pais 1778, mới in lại trong Tư liệu Văn hiến --Thăng Long Hà Nội-- Tuyển tập tư liệu phương Tây do Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì việc tuyển dịch. Với trên 150 tr khổ to, thấy đây thực sự là một cuốn lịch sử VN viết theo lối hiện đại – lịch sử xã hội.
Trong sách có chi tiết kể là ngày xưa Bắc bộ cũng nhiều cầu đá lắm, phần lớn là do người Trung Hoa di dân sang xây dựng, sau các thủ lĩnh địa phương đánh nhau phá hết để cản đường tiến công của nhau.
Nhân đây nghĩ về tầm quan trọng của giao thông với một đất nước. Tần Thủy Hoàng xưa thống nhât Trung quốc bằng yêu cầu thư đồng văn xa đồng quỹ. Phải có văn tự thống nhất. Xe phải có cái phần trục bánh sau bằng nhau để đi được mọi con đường trong quốc gia. Và trước đó thì đã yêu cầu các con đường trong quốc gia phải được làm theo những chuẩn mực nhất định, đường đến huyện ( huyện của họ bằng tỉnh của ta) phải rộng đến đâu, đến phủ phải rộng đến đâu.
Dạo này đọc báo thấy nhiều bài nói nhiều việc buôn bán với người Trung Hoa khó khăn ra sao. Tôi tưởng người ta phải biết việc này từ lâu rồi mới phải. Chỉ cần đọc các tài liệu của các nhà buôn các giáo sĩ phương Tây viết về VN các thế kỷ 16-17-18 thì biết. Đến người Pháp trước 1945 họ cũng phải kêu lên là đành bó tay trước sự thao túng của đám nhà buôn Tầu đối với kinh tế VN ở nhiều khu vực.
Một ý nghĩ hay trở đi trở lại trong đầu tôi—mấy trăm năm qua, xứ mình đâu vẫn đóng đấy!
9-1
TUỔI GIÀ...
Mấy ông già tôi quen ngoài sông hôm nay ngồi đọc một câu ca dao mà ở nhiều gia đình thành câu truyền miệng:
Đố:Con gì ăn ít nói nhiều
Mau già lâu chết, miệng kêu tiền tiền.
Trả lời: đám già.
Nhớ một lần khác, một ông già kể có lần một người mẹ đang chơi với con vui vẻ, thấy ông ta đến liền bảo kìa chào ông đi, đứa bé ngó một lúc rồi sợ quay ra khóc.Với nó, khuôn mặt già cả nhăn nheo là một cái gì xấu xa kỳ dị đáng sợ.
Cái già ở đâu cũng thế, chẳng cứ mặt người! Thế mà thử nghĩ xem, chúng ta sống giữa một xã hội già cả cố lỗ-- già trong tinh thần chứ không phải bề ngoài--, cả lớp trẻ hiện nay, sao tôi trông cái cách kiếm tiền chơi bời hưởng thụ, cũng thấy họ già sớm qúa.
...VÀ PHỤ NỮ
Nếu tuổi già tiêu biểu cho suy kiệt thì phụ nữ tượng trưng cho sự đỏng đảnh. Đây là ý của Henry Troyat. Ông này là một nhà văn Nga, sau Cách mạng tháng Mười lưu vong sang Pháp, viết văn, trở thành viện sĩ Viện hàn lâm Pháp. Ông thường viết về nước Nga cũ, nhưng lại từ chối không bao giờ về thăm quê hương. Ông bảo, để cho cái cũ nó được sống đúng như nó có.
Sau đây là đoạn văn mà tôi tạm đặt tên là Đàn bà là gì?, ông viết nhân khi bàn đến nhân vật Grouchenka trong Anh em Karamazov
Người đàn bà, ấy là sự điên cuồng làm bằng xương thịt. Người đàn bà khô héo trong sự chờ đợi, đau khổ trong sự thực hiện những ý muốn của họ. Lúc thì họ ác độc để có cái thứ tỏ ra dịu dàng tiếp sau đó. Lúc thì họ dịu dàng để có cái thú được tỏ ra độc ác liền một khi. Họ có những e lệ tà tâm và những khoái lạc ngây thơ. Họ nói láo với đàn ông, với chúa, với chính họ. Họ đùa với cuộc đời. Họ đứng trước cuộc sống như đứng trước một tấm gương. Họ làm duyên làm dáng. Và họ thay đổi vẻ mặt điệu bộ để tự tạo cho mình cảm giác là mình đang sống. Đối với đàn ông sự trường tồn là bằng chứng của thực thể họ. Và chính do sự đổi thay mà người đàn bà xác nhận sự hiện hữu của mình. Cái ngưòi đàn ông muốn là một, còn người đàn bà muốn là nhiều. Người đàn ông chỉ tự cảm thấy mạnh trong sự ý thức đầy đủ về các đức tính và lỗi lầm của họ. Người đàn bà chỉ cảm thấy mạnh trong vô thức hoàn toàn về bản thân. Người đàn ông, chính là cái thế giới được tổ chức. Người đàn bà chính là cái vũ trụ dị dạng. Đối với người đàn bà, tất cả đều có thể, không gì là nhất thiết với họ cả. (Tôi chép từ bán nguyệt san Văn in ở Sài Gòn khoảng 1971-72, số đặc biệt về Dostoievski )
Đỏng đảnh cũng là một phương diện chủ yếu của đời sống hôm nay.