VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhân việc xuất bản thơ OLGA BERGOLTZ nhớ lại PAUSTOVSKI

Những ngày cuối năm 2010, ở các hiệu sách đang thấy bầy bán thơ Olga Bergoltz, có lẽ là nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ. Cầm cuốn sách trên tay tôi không khỏi nhớ lại một thời bọn tôi—lứa người làm thơ và yêu thơ những năm chống Mỹ từng thuộc lòng mấy bài của nhà thơ này qua bản dịch của  Bằng Việt.
Sự tình là như thế này, hồi ấy chúng tôi đã chán những Thép đã tôi thế đấy, Một người chân chính và cả thơ Maiakovski lắm rồi. Mà Sông Đông êm đềm thì say mê  được một thời rồi cũng thấy có phần xa lạ không vào nổi. Dù rất kính phục, chúng tôi vẫn không muốn sống và viết như Fadeev, như Simonov … Nhưng hồi đó đâu đã biết gì về những Bulgakov, Platonov, vả chăng, phải nói thật có biết cũng không đủ tâm đủ sức mà làm theo. Thế là quay sang những người ở giữa, những người lảng tránh. Không ca ngợi và cũng không phê phán.  Lấy những bi kịch nội tâm làm đề tài chính. Tìm tới một dạng u sầu kín đáo, nửa vui nửa buồn. Luôn luôn đi tìm mà lại biết rõ rằng chẳng gì tốt đẹp đang chờ đợi mình. Chỉ thấy bình tâm trước những vẻ đẹp vĩnh cửu. Thiên nhiên. Nghệ thuật.
        Sau này chúng tôi biết rằng trong văn học xô viết đã nhiều người sớm chọn cho mình cách sống đó. Trước khi thế hệ Evtouchenko, Akhmatova,… xuất hiện, họ đã lặng lẽ nối tiếp nhau viết, từ đó làm nên  một mạch văn học riêng. Có thể kể ra từ  M. Tsvetaieva, Ju. Olesha,  tới V. Panova, M. Aliguier… Và đến sớm nhất, đến trước cả Olga Bergoltz  với những Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ.. hoặc Em hát khác xưa rồi khóc cũng khác xưa theo phải là  K. Paustovski với những Lẵng quả thông, Bình minh mưa , Bông hồng vàng … .       
        Trong cuốn Từ vựng văn học Nga thế kỷ XX, một cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Nga, nhà nghiên cứu Tây Đức cũ Wolfgang Kasack có viết “Ở Liên xô cũ, Paustovski được kính trọng như một trong những  biểu tượng của sự lương thiện và một bậc thầy phát hiện ra chất thơ trong văn xuôi “
         Bài viết sau đây in lần đầu trên một số TT&VH 1992, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Paustovski 

Paustovski, sự thân tình không bao giờ cũ
Có thể là còn nhiều nhà văn khác, được dịch và giới thiệu đầy đủ hơn, được xem là sâu sắc và có tầm vóc hơn. Nhưng nếu hỏi bạn đọc Việt Nam xem trong nửa cuối thế kỷ XX, nhà văn Nga Xô viết nào được yêu mến nhất, nhiều người sẽ không ngần ngại gọi tên: K. G. Paustovski

Encyclopedia Universalis (E.U) là bộ bách khoa toàn thư nổi tiếng khó tính ở Pháp: nó được biên soạn gần như dành riêng cho lớp công chúng chọn lọc, những người hành nghề trí thức. Trong bản E.U. in ra cuối những năm 80, phần văn học Nga thế kỷ XX - mà nòng cốt là văn Nga thời kỳ Xô viết, số nhà văn được nhắc nhở tới chỉ có vài chục, và số được viết thành mục riêng, chỉ có mươi người, toàn những tên tuổi cỡ bự như Gorki, Maiakovski, Akhmatova, Sholokhov v.v... Trong số người được viết riêng này, đáng chú ý có hai người cùng sinh 1892 là M. Tsvetaieva và K. Paustovski. Ở Việt Nam, hai người này có số phận khác hẳn nhau. Một gần như chưa được dịch, chưa được biết tới; một được dịch gần hết và là một tên tuổi vừa được ngưỡng mộ vừa thân tình gần gũi với công chúng rộng rãi.

Đặt bên cạnh một văn tài lỗi lạc như Sholokhov thì trường hợp của Paustovski là một cái gì khác hẳn. Sông Đông êm đềm của Sholokhov cho người ta làm quen với một thế giới gồm toàn những con người sôi nổi nồng nhiệt, cuộc đời nhiều người trong họ gợi nhớ hình ảnh những chiếc lá tan tác trôi nổi giữa một cơn bão cuồng loạn. Có điều, trong trường hợp này, đọc sách có nghĩa là đến với một hiện thực hơn là gặp một tác giả, người ta hết sức cảm phục, nhưng không chắc đã thấy thân tình với người viết sách. Về phần mình, quan hệ Paustovski với sáng tác diễn ra theo chiều ngược lại. Vừa nhiều vừa tản mát, tác phẩm của ông không khỏi gây ra lúng túng cho những ai muốn làm một cuộc thống kê thực thụ. Nhưng cái giọng riêng của ông, thì người ta cảm thấy rất rõ, và con người ông hiện  ra trong tác phẩm gặp rồi là nhớ. Trong văn xuôi của Paustovski, các sự kiện lớn có liên quan đến hưng vong của quốc gia, biến thiên của lịch sử... chỉ là một cái nền lùi lại rất xa; thay vào đấy, chỉ có con người, thiên nhiên và những thứ tương tự như thiên nhiên: tâm tình, nghệ thuật. Sống giữa một thời dồn dập sự kiện, song ông không bị cuốn theo thời thượng (bất kể cái thời thượng đó được sơn trát che phủ kiểu gì). Điều ông bận tâm hơn cả là cuộc sống tinh thần của riêng mình và những người như mình. Sự can đảm của ông bắt đầu từ đây. Trong vẻ uể oải thường trực, một vẻ chán chường không thể cứu vãn - thực chất là một thách thức, nhằm giữ lấy được sự độc lập, nhất quyết không hùa theo đám đông - đồng thời ông vẫn tỏ ra là một nhà văn thiết tha, ân cần, ngòi bút luôn tìm ra những cơ chính đáng để mà thương mến. Trong một số truyện ngắn, người ta thấy Paustovski hay nói tới những giây phút kỳ lạ trong mỗi đời người, những giây phút mà người trong cuộc đôi khi bàng hoàng không hiểu: một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên; một lần lỡ làng để lại bao tiếc nuối; những ao ước không đâu; những hứa hẹn lấp lửng song lại có sức ràng buộc... Tất cả chúng, những giây phút ấy, hình như chẳng là gì cả, mà lại hình như là cái nhân tố làm nên ý nghĩa chính của đời sống. Đứng về phương diện nào đó mà nói, con người hiện lên qua văn xuôi Paustovski là một thực thể tinh tế mà lại rắc rối, phiền toái. Song, nhờ sự vững chắc của kiến thức và trước tiên là nhãn thức của tác giả, sự rắc rối phiền toái ấy lại hiện ra như một vẻ đẹp đầy hấp dẫn. Nhất định là nó gần con người hơn là mọi sự đơn giản hoá xô bồ, thô thiển, đầy rẫy trong văn phẩm của những cây bút cực đoan hoặc nông nổi.
Cũng là một điều thanh khí tự nhiên khi không chỉ trong các tiểu luận, mà cả trong nhiều truyện ngắn, Paustovski thường tìm cách hình dung lại cuộc đời của các nhà văn giàu chất trữ tình, như thể Tchékhov, Bunin, Prishvin... Ông rất yêu các hoạ sĩ ấn tượng và đặc biệt nặng tình nặng nghĩa với H. Andersen. Trong một truyện ngắn mang tên Chuyến xe đêm, cũng như trong chân dung Andersen do Paustovski viết, nhà văn Đan Mạch trở thành sự hoá thân của chính tác giả (nếu ông không cố ý thì vẫn có đủ nguyên cớ để bạn đọc nghĩ vậy!). Đó là một con người vừa sợ hãi phải đối diện với sự trần trụi của thế giới, vừa không bao giờ từ bỏ nỗi niềm ngạc nhiên và cả tấm tình say đắm, muốn rộng mở mọi cảm giác để nắm bắt thế giới đó. Sở dĩ cái mơ mộng bàng bạc khắp nơi trong văn Paustovski trong nhiều trường hợp không trở thành nhàm chán, bởi thực ra, nó không bao hàm một sự lãng quên, một cách lảng tránh, mà ngược lại, là bằng chứng của sự hiểu biết thấu đáo mọi chuyện: càng biết đến cuộc đời phàm tục, con người càng có nhu cầu tự vệ, ở đây là nhu cầu gìn giữ, chi chút cái thế giới cao quý mà mình đã dày công vun xới.

Một trong những thiên bút ký của Paustovski (có in trong cuốn Bình minh mưa, bản tiếng Việt) đội cái tên mộc mạc: Paris chốc lát. Bên cạnh đầu đề, ông không quên chua rõ: Tôi ở đây chỉ có ba ngày trong số hai vạn bốn ngàn  ngày tôi sống trước kia. Hình như Paustovski đã thấy sự vô lý của chính mình, tại sao mình lại quyến luyến với từng góc đường, hè phố, từng con người thoáng gặp ở Paris, để rồi miên man kể về nó liền trong dăm chục trang sách như vậy. Một sự vô lý khó cắt nghĩa như tình yêu! Nhưng nếu bạn đọc đã từng đọc và yêu Paustovski, thì sự vô lý ấy không đủ nổi lên thành một câu hỏi. Bởi Paustovski, đó là nhà văn Nga giàu chất Paris, chất Pháp chính cống hơn ai hết. Paustovski, đó là vẻ tao nhã, tinh tế, cái trong sáng hết sức thông minh, cùng là sự hoàn thiện của hình thức, và khẩu vị không chê vào đâu được. Với những ai đã làm quen với văn học Nga thế kỷ XX qua sự cao giọng ở Maiakovski, nhu cầu giáo huấn khó cưỡng ở Gorki... thì chất tao nhã trong văn xuôi Paustovski không khỏi có lúc cũng rơi vào sự xuôi chiều như mọi người hoặc làm dáng giả tạo - ông vẫn là nhà văn cận nhân tình lạ lùng. Sáng tác của ông có sức vỗ về an ủi. Là Pháp, nhưng cũng là Nga, là Slave, nó là cái chất cổ điển thanh thoát mãi mãi cần cho đời sống tinh thần nhân loại. Không chỉ ở Pháp mà cả ở Mỹ, ở Anh và nhiều nước khác, trong đó có miền nam trước 1975, Paustovski cũng được nhiều các nhà văn các trí thức tìm đọc. Theo chỗ tôi nhớ thì Bình minh mưa từng được nhắc tới trong một vài tùy bút - phiếm luận của Võ Phiến.

Có lẽ cũng vì cái chất tinh tế ấy mà ở Hà Nội từ những năm sáu mươi trở đi, qua bản dịch của Vũ Thư Hiên, sau phải đổi tên là Kim Ân, Paustovski đã dựng tạo nên những ảnh hưởng phải nói là sâu đậm. Ở đây cũng xảy ra một sự trái khoáy vui vui. Trong khi Tế Hanh từng lấy việc một người công nhân cũng mê Lẵng quả thông để dựng nên cả một bài thơ, trong khi Bằng Việt có Nghĩ lại về Paustovski... tóm lại trong khi các nhà thơ Việt Nam hiện đại công khai bộc lộ tình yêu của mình với văn chương cụ Pao, thì các nhà văn gần như không lên tiếng ca ngợi gì. Ít, nhiều tuỳ tạng, họ chỉ lặng lẽ làm cái việc... tiếp nhận ảnh hưởng của nhà văn Nga này. Có thể dễ dàng tìm thấy dấu ấn cách viết, và hơn thế nữa, cách cảm nghĩ của Paustovski, qua sáng tác của hàng loạt cây bút, từ Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn, tới Đỗ Chu, Lê Minh Khuê.. Từ những trang viết của các cây bút ấy, và trước hết, từ những sáng tác của Paustovski mà một số dịch giả đã có công Việt hoá trong những bản dịch thuần thục, Paustovski dường như đã gia nhập hẳn vào đời sống tinh thần của xứ sở này suốt một thời gian dài. Gắn liền với lòng say mê những Tuyết, Bình minh mưa, Cô gái làm ren, Bông hồng vàng là tình yêu sự trong sáng, là cái thiên lương tự nhiên và những nghiêm chỉnh cổ điển trong tình cảm mà giờ đây nhiều người đã đánh mất để rồi nghĩ lại, còn thấy ngẩn ngơ.
Có một thời gian, con người đã sống như thế! Ngày nay, có thể ta sống khác, yêu ghét đã khác, song nghĩ lại về cái thời ấy, người ta vẫn thấy bằng lòng với mình và tự nhủ rằng đó là những gì tốt đẹp, không dễ mà có.
 Đã in trong Những kiếp hoa dại , 1993

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم