VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nên hiểu thế nào về tiếng cười Thượng Đế

 Còn gì khổ hơn trong những cuộc trò chuyện tiếp xúc hàng ngày chúng ta luôn gặp phải những bộ mặt đưa đám. Ngược lại thật dễ chịu khi được sống bên cạnh những người vui vẻ. Thế nhưng chung quanh tiếng cười cũng có thể có dăm bảy cách hiểu...

Một chút hư vô giả tạo
Những cuộc tranh luận nho nhỏ là một bộ phận trong sinh hoạt tinh thần nói chung của con người hiện đại. Theo lẽ thông thường sau một hồi bàn cãi thể nào cũng có kẻ thua người được, người kém thế hơn nếu có đầu óc phục thiện hẳn phải nghiêm chỉnh nhìn nhận chỗ kém cỏi của mình. Đằng này ở ta những người thua cuộc có một lối thoát khỏi thế bí rất lạ. Là lật ngược câu chuyện, coi mọi việc chẳng qua là trò đùa và cười, cười lấy được. Tiếng cười ở đây là một thứ màn ngụy trang, một cách lấp liếm cốt quên mọi chuyện cho nhanh, thực chất là hành động của con đà điểu rúc đầu vào cánh, lảng tránh tất cả. Đôi khi lại thấy lối cười khẩy, ra cái điều đây chỉ là chuyện vặt ta không thèm chấp, cười để làm nhòe câu chuyện trong một màn sương hư vô. Nó tạm thời gỡ cho người thua cuộc đỡ mất thể diện, thậm chí còn làm cho anh ta có cái vẻ sang trọng hơn người, song thực chất cuối cùng thế nào thì cũng chẳng thoát khỏi mắt thiên hạ.

Có nên biến tất cả thành trò đùa?
Trong một đoạn trước, chúng tôi đã bàn qua tới cái cách của một số người, nói như Nguyễn Văn Vĩnh, là gì cũng cười. Những tiếng cười mà Nguyễn Văn Vĩnh miêu tả thường mang tính cách thụ động và là một lời thú nhận về sự bất lực mà người ta không giấu nổi khi không biết nên có thái độ thế nào trước đời sống.
Nhưng còn một loại gì cũng cười khác, người ta chủ động cười, muốn dùng tiếng cười hóa giải tất cả. Có thể lấy một chuyện đã quá xưa để liên hệ:
Các sử gia thời phong kiến ở ta xưa vốn tiết kiệm chữ nghĩa ít khi nói về tình cảm cá nhân của các nhân vật lịch sử, nhất là trong chuyện vui đùa. Vậy mà họ vẫn phải dành cho Lê Long Đĩnh (tức Lê ngọa triều) một ít dòng ngoại lệ. Theo cách trình bày của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì ông vua chết trẻ này (sinh 985, mất 1009) có lẽ là vị vua hay cười nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhiều hành động của vua được miêu tả chỉ có một chủ đích là mua vui: Sai một gã phường chèo chuyên lóc thịt người có tội rồi bảo rằng nó không quen chịu đau và "cười ha hả"; bắt tù binh trèo lên ngọn rồi ở dưới chặt cây, thấy cây đổ thì "cười khanh khách" (Chữ trong ngoặc là lấy nguyên văn từ cuốn sách nghiêm túc đã dẫn). Cái sự thèm cười của vua phát triển đến mức Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn kể "mỗi khi coi chầu, thể nào nhà vua cũng sai những kẻ khôi hài đứng hầu ở hai bên, nếu có ai nói gì thì chúng liến láu nói theo mà cười ồ, để làm át và đánh lạc những tiếng tâu bày việc nước của các quan". Nếu những tiếng cười nói trên ít nhiều có mang những nét bệnh hoạn, thì cái cười cuối cùng kể ra ở đây phơi bày một quan niệm sống, một trình độ của văn hóa trị nước mà nhà vua lúc ấy là kẻ đại diện. Dù có thể là Lê Long Đĩnh không có ý thức, song suy cho cùng, qua cái việc cười giễu cả những chuyện nghiêm chỉnh như thế này, nhà vua dường như muốn bảo rằng không có cái gì trên đời là quan trọng, cái gì cũng có thể mang ra làm trò đùa, kể cả những việc liên quan đến vận mệnh của đất nước. Cái bệnh thích cười như thế không ai có thể thương được!

Liệu có thể xem là những kỳ tích?
Từ bao đời nay, nhu cầu về tiếng cười vẫn là một nhu cầu chính đáng. Bởi lẽ vậy mà văn học dân gian nước nào thường cũng có một bộ phận gọi chung là truyện cười, riêng ở nước ta người xưa còn sáng tạo nên những truyện Trạng với một nhân vật xuyên suốt lấy chuyện chọc ghẹo thiên hạ cho mọi người vui làm lẽ sống. Sở dĩ người xưa cười nhiều như vậy có lẽ là vì đời sống hàng ngày đã khổ quá, trước những tai họa tự nhiên và xã hội, con người ta nhiều phen bất lực không có cách nào đề kháng, phải lấy tiếng cười để giải tỏa mọi ẩn ức. Suy cho cùng, đó là chính là một thứ biến tướng của phép thắng lợi tinh thần không ai bảo ai song đã lây truyền từ đời nọ sang đời kia, và tuy không được định danh đàng hoàng, song ra đời còn sớm hơn sự áp dụng còn uyển chuyển hơn ngón võ của chú AQ bên nước Tàu mà ngày nay nhiều người vẫn ham đọc. Có điều, gần đây một số người có xu hướng tuyệt đối hóa những tiếng cười này và đề cao chúng như một chiến công trên phương diện tinh thần. Mấy năm nay, các loại sách ghi chép tiếng cười dân gian là một món kinh doanh có lãi và được xuất bản thường xuyên, ví dụ như truyện Trạng Lợn. Trong khi vẫn kể toàn chuyện ông Trạng ngẫu nhiên may mắn ra sao, nói liều gặp thời như thế nào thì một trong những cuốn sách loại này được đặt tên khá mĩ miều là Kỳ tích Trạng Lợn, với hàm ý biểu dương vô điều kiện ông Trạng dân gian. Thật chưa bao giờ hai chữ kỳ tích lại bị lạm dụng đến thế.
Tiếng cười đối lập hay tiếp tục sự suy nghĩ?
Khi ca ngợi tiếng cười, một số người gần đây trích dẫn lại câu tục ngữ Do Thái mà nhà văn Pháp gốc Séc M. Kundera dẫn ra nhân bàn về tiểu thuyết: Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười (Milan Kundera Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn học, 2001). Người ta cố ý gán cho câu tục ngữ tuyệt diệu ấy một nội dung thực dụng: cái cười là cao hơn sự suy nghĩ, mọi sự lao tâm khổ tứ đều vô bổ chẳng hề mang lại một lợi ích cụ thể, vậy tốt hơn hết là cười cho xong, cười thoát thân, cười để khỏi bận tâm trước chuyện đời rắc rối. Nhưng liệu có nên dừng lại ở một cách hiểu theo nghĩa đen như vậy? Theo tôi hiểu, suy nghĩ là cả một đặc ân mà Thượng đế dành riêng cho con người, trong khoa học nhân văn có một từ riêng mang tên homo sapiens để chỉ một giai đoạn phát triển quan trọng mà loài người đạt tới, kể từ đó nhân loại mới thực sự trưởng thành. Mặc dù không bao giờ đạt tới chân lý tuyệt đối, song nhờ liên tục suy nghĩ, con người vẫn ngày càng tiến tới trong sự nhận thức đời sống. Có điều trong khi sống với niềm tin "Tôi tư duy vậy tôi tồn tại", thỉnh thoảng họ cần một chút nghỉ ngơi vui vẻ trước khi đi tiếp và tiếng cười được đề cao là với nghĩa ấy, bản thân tiếng cười của Thượng đế nói ở đây cũng đầy chất trí tuệ. Nên chú ý thêm là trong kho từ vựng của Kundera có một từ mà thường người ta để nguyên không dịch, đó là kitsch. Theo ông, kitsch là cái nhu cầu tự nhìn mình trong tấm gương dối trá, nó cũng là thái độ của kẻ muốn tự làm vui bằng bất cứ giá nào mà Kundera không bao giờ chịu nổi. Thành thử nếu cho rằng câu tục ngữ trên được đưa ra như lời kêu gọi vứt bỏ tư tưởng và thay bằng tiếng cười dễ dãi rồi tự cho rằng như thế là mình đã đạt tới sự hiền minh của Thượng đế, thì đó không chỉ là đi ngược với trí tuệ dân gian mà còn đi ngược với chính Kundera nữa.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم