VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày ( 14)

25-10
MỘT LÝ DO KHIẾN GIAO THÔNG HỖN LOẠN
Ở Hà Nội trước năm 1954 và tính rộng ra từ 1975 về trước, đời sống khá bình lặng, phương tiện cơ giới như ô tô rất ít, mọi người có ý để đi cho đúng nền nếp.
Tuy không thành luật, nhưng có một điều, loại học sinh mới lớn như tôi bao giờ cũng được giáo dục để chôn chặt vào đầu:

Đó là, người đi xe đạp và đi bộ không những phải đi vào đường của mình để bảo đảm an toàn tính mạng -- mà cái chính là xe thô sơ phải nhường đường cho xe cơ giới.
Vì đó là những phương tiện dùng cho những người quan trọng hơn, cần phải được đi nhanh hơn.
Còn bây giờ, đường xá hỗn loạn chẳng những là vì ai cũng vội, ai cũng muốn làm ông tướng trên đường, mà một phần là vì chúng tôi, đám người dùng xe thô sơ, chẳng tìm ra lý do gì để phải thương phải nể những người có các phương tiện hơn hẳn chúng tôi cả.
Nếu đó không phải là những quan chức nhân danh việc công để vơ vét cho đầy túi tham, thì cũng là những người giàu lên do ăn cắp do trốn thuế, đang cuồng nhiệt trong việc truy tìm đồng tiền.
Tôi biết rằng nói thế là hàm hồ, là vơ đũa cả nắm, nhưng cuộc sống nhiều khi bất công và vô lý quá, khiến chúng tôi không thể mà cũng không muốn tìm tới một cách nghĩ đúng.
Cái sự không kính trọng được những người (có phương tiện giao thông ) tốt hơn, đã khiến cho một số dân thường chúng tôi, cả già lẫn trẻ, trong khi điều khiển cái phương tiện thô sơ của mình, nhiều khi sinh ra ba bửa làm liều trêu tức thiên hạ.
Một lần đến nơi đây, diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve lập tức kêu lên cuộc sống Hà Nội giao thông ở Hà Nội sao mà hoang dã!

27-10
NHỮNG BIẾN THÁI TỪ HAI CÂU THƠ TẢN ĐÀ
Đạt tới tầm khái quát về dân mình, dạo này câu thơ sau đây của Tản Đà thường được nhiều người nhắc lại:
Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Đó là một trong những câu thơ loại “sấm truyền” từng được bọn tôi ở Hà Nội kháo nhau từ hồi đầu chống Mỹ, đúng hơn là trước sau 1970.
Bọn tôi nói ở đây là một vài anh em tôi quen, vừa tốt nghiệp đại học trong ngoài nước loại khá, mới được tuyển dụng về làm bên Ủy ban khoa học xã hội. Như anh Bằng Việt bên Viện Luật, anh Tạ Ngọc Liễn bên Viện Sử, anh Dương Tất Từ bên Viện Văn..
Một trong những băn khoăn của bọn tôi những năm đó là tính xem lúc này đất nước mình đang ở vào một tình thế như thế nào.
Nên chúng tôi hay đọc lại người xưa, tìm thấy nhận thức của mình trong suy nghĩ của người xưa.
Câu thơ của Tản Đà nói trên còn được đám bạn tôi -- tạm gọi là lớp trí thức trẻ lúc ấy -- đọc trệch đi theo nhiều kiểu.
Dân luật thì “ Nước bốn ngàn năm không có luật—Dân hai lăm triệu đã thừa người “.
Dân sử thì “ Nước bốn ngàn năm không có sử—Dân hai lăm triệu đã thừa người “.

Một câu thơ khác của Bằng Việt viết những năm ấy khó lòng nói là hay, song tôi rất thích mà thỉnh thoảng cứ nhẩm lại: Đánh Mỹ rồi em lại trẻ con.
Nó nói cái gì ở đây nhỉ, tôi cứ nhẩm lại để nhập tâm, dù đầu óc chưa hiểu và phải nói thật là đến bây giờ vẫn chưa hiểu.
Phải chăng đó là lúc chúng tôi dự cảm thấy rằng từ đây nước mình dân mình không bao giờ có sự phát triển hồn nhiên được nữa, và càng vậy thì lại càng muốn trở về với , đáng lẽ phải bắt đầu từ , cái tình trạng hồn nhiên ấy…

28-10
CUỘC SỐNG VÔ NGHĨA
Trên báo TT hôm nay, Lê Đức Dục kể là ở Hà Nội có một tốp bạn trẻ rất tài hoa, trí tuệ, nhưng chỉ tập hợp nhau để tán gẫu và tự xác định mình là thành viên “ Hội của những người sống không mục đích”.
Trên một mạng nào đó tôi quên tên, còn thấy kể một phóng viên nước ngoài từng đến SG hồi trước 1975, nay quay trở lại chợt nhận ra sao một số người hồi trước làm ăn đứng đắn nay cũng quay ra chơi bời hư hỏng. Gặng hỏi thì được người ta trả lời rằng nay chẳng thấy cuộc sống có ý nghĩa gì, nên quậy phá cho qua ngày.

PHÚ QUÝ GIẬT LÙI
Sau 5 năm tuyển sinh liên tục, Khoa sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học, thuộc trường Đại học Văn hoá Hà Nội, cho biết sĩ số càng về sau càng thưa vắng, từ 27 (khoá 11), 19 (khoá 12) và khoá mới nhất là 12 sinh viên.

Lại nhớ có lần một người thống kê là Hà Nội thời hiện đại có mấy cái cầu qua sông Hồng thì càng về sau làm càng mất lâu thời gian và càng chóng hỏng.

31-10
GIÁO DỤC & ĐỒNG TIỀN
Một người lái xe ôm quen tôi đã kể là con anh ta đi học mỗi học kỳ ít nhất phải nộp cho các thầy bộ môn tối thiểu vài trăm, bất kể dốt giỏi thế nào, nếu không không có điểm.
Mạng Dân trí ghi lại lời than thở của một giáo viên Đau xót thay khi sinh viên gọi tiền “đi thầy” là: Tiền Vàng Mã
“Các thầy ơi! Các thầy có biết trò bây giờ gọi số tiền trong phong bì đó là gì không. Tôi cũng là một nhà giáo, nghe được tôi thấy cay đắng quá.”

Báo Tiền Phong thì có bài Đại học hạ sàn, sinh viên mất giá.
Theo Đào Duy Huân- ĐH Tài chính Marketting, mặc dù hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ có việc làm nhưng tỷ lệ có việc làm đúng ngành nghề đào tạo còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 60%.
Ông Huân cho biết: Chi phí đào tạo một sinh viên một năm ở nước ta từ 6 - 10 triệu đồng, tương đương 300 đến 500 USD, trong khi ở các nước tiên tiến từ 10.000 đến 15.000 USD (gấp 30 lần).

Theo thống kê từ năm 1987 đến nay, tốc độ phát triển các trường ĐH, CĐ rất nhanh, năm 1987 có 101 trường thì năm 2010 là 440 trường. Số sinh viên cũng tăng từ 130.000 lên đến 1,7 triệu (tăng 13 lần), nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 22 năm chỉ tăng 0,07%, từ 10,09% năm 1987 lên 10,16% năm 2009. Nhiều trường mới lập ra thiếu cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, người học, cơ sở vật chất

Với một tình hình thế này, thì đám phụ huynh chúng tôi còn biết đặt hy vọng gì ở lớp con cái đang lớn nữa?


LÀM THUÊ NGAY TRÊN NƯỚC MÌNH
Không phải chỉ công nghiệp nước ta giỏi hớt thứ bèo bọt của thiên hạ bằng “gia công” mà nông nghiệp ở ta cũng không thua kém. Một con số trong ngành chăn nuôi đã nói lên điều đó:
“90% thức ăn tinh và thô của bò đều là nhập khẩu”.
Nên báo PLTP mới có bài Trồng nhiều cỏ để giảm giá sữa.

Trong y tế : Đến 90% nguyên liệu làm thuốc cũng mua từ nước ngoài.

Con số trên mạng VN Economy - Doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng giá 180.000 đồng/ha (=10 bát phở)

2-11
Tuyên dương Nobel cho Mario Vargas Llosa : vì “sự phân tích các cấu trúc quyền lực và những mô tả sắc sảo về sự phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân”

Tại buổi giao lưu ở Huế 21-10, một tờ báo kể, Linda Lê ca ngợi tất cả những gì tương phản. Trong cuộc đời nhà văn, bà cho rằng điều đáng nói là sự di chuyển ( tôi đoán là di chuyển theo nghĩa bóng, tức khả năng thay đổi, khả năng làm khác mình – VTN), tính không chính thống. Với bà, văn học là điều luôn vượt qua mọi rào cản.

3-11
CÁI HIỆN ĐẠI & CÁI TRUNG CỔ
Con đường ven đê vùng tôi ở từ ngày được nâng cấp trải nhựa thì lại khiến tôi ngại đi. Đường càng tốt xe càng rồ máy phóng ào ào. Có nghĩa bản năng người đi đường càng được kích động, nên nó trở nên đáng sợ hơn.
Ở VN, cái hiện đại chỉ làm cho cái trung cổ sẵn có được dịp bộc lộ đầy đủ. Cái hiện đại chỉ đóng vai trò như một yếu tố phụ trợ. Chủ đạo vẫn là cái trung cổ. Một sự chuyển pha nửa vời, và vì thế, tình trạng lạc hậu càng trở nên đậm nét.

Điện thoại di động càng phổ biến thì càng cho thấy người mình nói nhiều tào lao với nhau là nhiều, các mối giao tiếp xã hội bùng nổ đến mức thừa thãi nhưng trống rỗng không có nội dung, ồn ào mà vẫn vắng lặng.

Không chỉ đi ô tô bằng tâm lý người đi xe đạp, người ta còn đang làm những ngôi nhà bê tông cốt sắt bằng tư duy của người làm nhà lá.
Trước tiên là đất nào cũng làm nhà được. Và làm theo lối gạn từng thước đất khiến cho các căn nhà như chềnh ềnh ra đường, để tố cáo chủ nó là con người không bỏ nổi tính tham vặt.
Con người giàu có hôm nay từ trước chưa có nhà mà cũng chưa biết thế nào là cuộc sống trong những ngôi nhà hiện đại cả.

4-11
THƯƠNG NHAU KHÔNG XONG
Lũ lụt quá nặng nên người ta tổ chức làm từ thiện tự phát. Nhưng ở một số xã vùng lũ lụt, chính quyền dứt khoát cự tuyệt vì người làm từ thiện đưa hàng thẳng cho dân mà không qua mình.

Lại nhớ hồi chống Mỹ, anh Hoàng Hưng đã khái quát xứ mình là một xã hội thích không được. Muốn học không được mà muốn bỏ học cũng không ai cho phép; muôn khôn không được muốn dại không được; muốn hư hỏng không được mà muốn tử tế cũng không được nốt.


7-11
NHỮNG LIÊN HỆ TỪ NƯỚC NGA
Viết về văn học Nga hôm nay, Sergei Filatov trên Văn học trong thời kỳ quá độ in trên Báo Văn, có đoạn ghi nhận:
Nhà phê bình trẻ Lidija Dovletkireeva ( Nga) khi phân tích nhiều cuốn sách viết về chiến tranh do các nhà văn Chechnja và Nga viết, đã rút ra kết luận rất đáng chú ý: "Chính những cuộc chiến tranh gần đây đã dẫn người đương thời đến ý niệm về sự cần thiết quý báu của hòa bình, đã hướng dẫn người ta trong việc lựa chọn sự ưu tiên không phải là chiến thắng một kẻ thù nào đó mà là khắc phục chiến tranh theo đúng nghĩa của nó vì cuộc sống sáng tạo thanh bình".
Bài phê bình có đoạn viết tiếp:
“ Những vấn đề của ngày hôm nay vốn gắn liền với quá khứ của chúng ta, với cuộc sống tinh thần của chúng ta và với những ưu thế giả tạo vốn ngăn cản việc tạo ra ở trong nước bầu không khí đạo đức lành mạnh.
Không một nước nào trên thế giới lại bị bao bọc bằng những huyền thoại đầy mâu thuẫn trong lịch sử như nước Nga và không một dân tộc nào trên thế giới lại được đánh giá một cách rất khác nhau như dân tộc Nga. Một trong những nguyên nhân, như N. Berdjaevđã nhận xét, là do tính phân cực của tính cách Nga mà trong đó những nét đối lập được kết hợp với nhau một cách kỳ lạ - lòng nhân hậu với tính tàn bạo, sự tinh tế của tâm hồn và chất thô lỗ, lòng yêu chuộng tự do với sự chuyên chế độc tài, sự tự ti với tính ngạo mạn dân tộc và chủ nghĩa Sôvanh.”
Từ Bản tin tham khảo của TTXVN, tôi đọc được một câu trong bài Nước Nga một xã hội không công dân trên Le monde diplomatique tháng 10-2010:
“Quái gở dưới nhiều khía cạnh, chế độ hiện nay điều khiển một đất nước tự do một cách ngược đời”.
Đó là một sự pha trộn giữa “hầu như là Liên Xô “ và “phương Tây giả hiệu”.
Một nhà sử học kết luận ”người ta cuối cùng cũng cảm thấy có được tự do ở một nước triệt để không tuân theo những tiêu chuẩn dân chủ”
Có lẽ đó là cái món tự do vô chính phủ mà tôi đã thoang thóang cảm thấy trong bài Một thứ tự do hoang dại ?
9-11
Sau gần một tháng nô nức đại lễ, nay bình tĩnh nhìn lại, người ta cho rằng đợt phim Thăng Long nghìn tuổi chỉ cho thấy giới điện ảnh tan nát không làm gì nên hồn.
Giới kiến trúc cũng đang hoàn toàn thất vọng về mình. Hình như có một số người chỉ còn có cách trông chờ vào sự có mặt của những ông lớn nước ngoài. Nhưng có người bác ngay, làm gì có ông lớn nào, toàn dân thất nghiệp bên họ sang kiếm ăn, có ai hiểu gì về mình đâu mà đòi có công trình lớn.

THỊ DÂN HUNG DỮ
Tình cờ đọc lại một đoạn ghi chép cũ
Báo Pháp Khoa học & đời sống viết về Tám hiểm họa môi sinh của thế kỷ XXI, Tia sáng số 9-98 dịch lại :
1/ Nhiệt độ tăng 2/ Đất thoái hóa 3/ Nước hết 4/ Hóa chất làm ô nhiễm 5/ Vùng biển bị khai thác quá mức 6/ Phá rừng gây nên dịch bệnh mới…
Sáu cái đó tôi đã nghe ở một vài chỗ khác.
Nhưng có hai khía cạnh mà tôi thấy mới, nó thuộc về hiểm họa xã hội 7/ Mất cân đối dân số, nam nhiều hơn nữ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt và 8/Đô thị hỗn loạn.
Người ta giải thích thêm điểm cuối: nay là thời của những thị dân hung dữ; cuộc sống vô cùng hỗn độn bởi một số dân quá đông cùng sống trong một diện tích quá chật chội.
“Trong một lô cốt không có pháp luật, luật rừng sẽ thay thế luật pháp”

13-11
NHỮNG LIÊN HỆ TỪ NƯỚC TẦU
Báo mạng Thanh niên đưa tin TQ Thả người điên, bắt người tỉnh
Hôm nọ là một tin khác, ở tỉnh Tứ Xuyên, sau động đất, bởi thấy cuộc sống mong manh quá, người ta ly dị nhiều hơn.
Ông Trần Văn Đoàn người Việt dạy khoa chính trị ở Đại học Đài Loan nói, chính ra đám người trung lưu ở đại lục còn đang lo làm giầu. Từ bao đời nay họ đã quen với các triều đình chuyên chế nên nhu cầu dân chủ chẳng là bao.
Trong các ý kiến mà Lưu Á Châu phát biểu, tôi nhớ có cái ý, nhiều người trong hàng ngũ quan chức TQ hiện nay lấy chuyện lo cho con cái trong tương lai để càng điên cuồng tham nhũng.
Các học giả TQ – các giáo sư đại học -- nói về nước họ với nhiều băn khoăn. Họ cũng thường tỏ ra e ngại trước việc Trung Quốc không được các nước láng giềng ưa thích.
Tự nhiên tôi nhớ tới một câu của nhà văn nhà triết học Pháp Ch.Montesquieu ( các cụ ta hồi Đông Kinh nghĩa thục gọi là Mạnh đức tư cưu )
-“ Nếu tôi biêt được điều gì đó có ích cho tôi, nhưng hại cho gia đình tôi, tôi sẽ đuổi ngay chúng ra khỏi đầu.
-Nếu tôi biết được điều gì đó có ích cho gia đình tôi, nhưng lại không có ích cho tổ quốc tôi, tôi sẽ tìm cách quên nó đi.
-Nếu tôi biết được điều gì đó có ích cho Tổ quốc tôi, nhưng lại hại cho châu Âu và cho cả loài người, tôi sẽ coi đó là một tội ác.”
Câu này không có trong cuốn Tinh thần pháp luật mà trong một văn bản khác, nhưng được viết lại và đặt trước cửa khu lưu niệm Montesquieu. Anh Nguyễn Quang Thân khi đến thăm khu lưu niệm này đọc thấy thích quá nên ghi lại và trích in trên báo Nông thôn ngày nay 15-9 -06.
Không biết có nhà trí thức Trung Quốc nào thấy cũng cần phải chia sẻ ý tưởng này của Montesquieu?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم