VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn hóa 2009

10-1
Gặp ông Phạm Duy Hiển. Chúng tôi cùng chia sẻ cảm tưởng xã hội đang thiếu những trí thức có tầm nghĩ bao quát các vấn đề của dân tộc. Không có ai đang nghĩ về VN như một tổng thể.
Mà nay là lúc xã hội cần không chỉ một vài người mà nhiều người, cả một đội ngũ,-- như cách nói quân sự đã thấm sâu vào ngôn ngữ đời thường!

Đầu tháng 12, có một hội thảo về hội nhập. Với nhiều nhà văn hội nhập chỉ đáng mong ước – và trước tiên là được phép vận hành -- với nghĩa phải đưa tác phẩm của họ ra với thế giới.

20-1
Ng B Dũng kể một người bạn vừa nói với anh rằng ông H T dạo này lạ lắm, có lẽ là do hội chứng cô độc ( với nghĩa: hội chứng cảm thấy điều mình nói đúng mà không thể thực hiện), lúc nào ông cũng thảng thốt, muốn đi họp để nói với mọi người, và khi nói thì nói rất dài khiến người ta phát ngán. Có báo rất yêu ông cũng không dám mời ông đi họp, hoặc có mời thì đặt ông nói cuối cùng.


Lại có bài trên ANTG kể là Lê Lựu dạo này hay khóc lóc. Ốm, nhũn não, phải có người dìu đi quanh hồ. Trung tâm của Lựu mấy năm nay tuyển đến 700 nhân viên, ai cũng được Lựu hứa hẹn thậm chí nộp tiền cho Lựu mới được làm. Được một hai tháng thì Lựu đuổi.
Báo Sức khoẻ và đời sống có bài kể cái sự ăn kỳ cục của Lựu. Hết chuyện!

4-2
Một người viết trên TT&VH: Dạo này nhiều tác phẩm nghệ thuật có lối khai thác tình thế bỗng dưng, bỗng dưng muốn khóc, bỗng dưng nổi máu giận đời. Tôi ngờ là có cả một xu thế trong xã hội thích đuổi bắt cái chất tự phát của con người và cho là như thế mới hiện đại.

9-2-09 Một mẩu báo
Thơ trong thời mất giá nên xem ra một số nhà thơ thay vì chấp nhận thực tại, đã rất xông xáo ở khâu tiếp thị thơ. Cây bút trẻ Đoàn Quỳnh Như bày ra giữa bãi cỏ một tấm giấy điều rực rỡ, tự nguệch ngoạc bài thơ Ngày phồng rộp để giới thiệu tập thơ... chưa ra mắt của mình.
Cây bút hiện sống bằng nghề viết kịch bản phim và đóng vài vai diễn nho nhỏ này cho biết do thơ của mình quá bạo liệt nên mãi cả năm rồi chưa xin được giấy phép. Tuy chẳng bán được gì, nhưng "tiết mục" của Quỳnh Như cũng được chấm giải ba "hạng mục" tập thơ trình bày ấn tượng.
Nhà thơ trẻ Ngô Liêm Khoan thì xén rời tập Trở mình trong máng xối của mình ra thành những tờ rơi, đích thân đi phân phát tận tay từng người kèm câu khuyến mãi "anh chị muốn mua nguyên tập, xin ghé qua bàn bên kia". Giữa ngày hội của thơ ca, có một cây bút trẻ nhiệt thành như những nhân viên tiếp thị tờ rơi giữa ngã tư đường phố, vừa thấy phục nhà thơ và vừa thấy thương cho thơ.
Còn nhớ Ngày thơ lần thứ VI, nhà thơ Dương Tường với màn trình diễn thơ gây ồn ào như ong vỡ tổ phía dưới khán đài khi ông quấn xung quanh mình cuộn giấy vệ sinh đã được viết thơ, cạnh ông là hai nhà thơ nữ vừa đi lại quanh ông đọc thơ, vừa giằng giấy vệ sinh thơ ném vào mặt ông

24-2
Hôm qua 23-2, đọc một mẩu văn chương trữ tinh trên TT&VH tả cảnh thiên nhiên “ bây giờ tháng mấy rồi hỡi em”, thấy con người VN bây giờ xúc cảm một cách ngô nghê quá. Văn viết nhạt, lại có vẻ xơ cứng.
Mối giao hòa con người với thiên nhiên mất đi tính nhân văn vốn có.

Trước một đời sống văn nghệ theo kiểu văn hoá đại chúng hiện đại, cái còn lại chỉ là một cảm giác ngổn ngang và sự bành trướng của những yếu tố thấp kém.

10-3
Trang văn nghệ các báo ồn ào về chuyện nhà thơ nọ công bố mấy bài thơ viết trong một đêm định tự tử. Rồi có người tỏ ý không tin. Rồi người làm thơ thanh minh. Chỉ không ai nói gì về chất lượng các bài thơ đó.

Chúng ta đã không còn phân biệt hay dở tốt xấu. Chúng ta chỉ biết mọc lan ra như cỏ dại.
Nhiều. Nhanh. Chỉ không tốt và do đó không “rẻ”, với nghĩa không có khả năng đến với đông đảo bạn đọc tử tế.

15-3
Cảm tưởng lớn nhất về đời sống tinh thần người Việt: không nghiêm túc. Lúc nào cũng chỉ thích đùa. Một thứ người Việt bông phèng đang phổ biến ngay trong xã hội hiện đại.

Có lẽ là theo tinh thần ấy, mà nhiều tiếng thơ trào phúng trở thành cả nước lưu truyền và tác giả được nâng lên thành thi hào.
Nhớ có lần nhân ngày 8=3, một tờ báo gọi người viết mấy câu vè Hôm nay mồng 8 tháng 3—Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi , là một nhà thơ.
Bao giờ tôi có thể lên tiếng về cái sự thấp lè tè này, như lên tiếng về Trạng Quỳnh Trạng Lợn?

Trong một đời sống mệt mỏi người ta biết làm gì ngoài đùa bỡn. Và đùa nhạt đến mấy cũng cứ được khen là hay... Tôi biết tiếng cười này đáng thông cảm, nhưng tôi không muốn kéo dài tình trạng như vậy.

24-3
Một đoạn đối thoại giữa nhà văn Thuận và báo Tuổi trẻ
- Tại các buổi tiếp xúc với độc giả Pháp, phản hồi nào từ họ khiến chị ngạc nhiên, bất ngờ?
- Ðộc giả Pháp không có gì đặc biệt, nhưng khi tiếp xúc với tác giả, độc giả Pháp không nói chuyện riêng, không ngủ gật, không gác chân lên ghế, không cao giọng dạy đời.

31-3

Tôi hay nói người Việt chỉ toàn nói chuyện văn chương. Nhưng tôi nào có khác gì
Vẫn chưa biết cách đọc ra các v/đ của đời sống qua văn hoá.

Xem một bộ phim truyền hình về làng Mộ Trạch Hải Dương, quê hương của
nhiều tiến sĩ, thấy một ông tiến sĩ khoa học lịch sử ca ngợi Vũ Hữu xưa kiểu này:
-- Vũ Hữu không chú trọng sách vở mà chú trọng thực tế VN
-- Vũ Hữu có sáng kiến ( ôi chữ nghĩa của nhà làm sử!) trong việc xây thành cho vua Lê Thánh Tôn
-- Vũ Hữu xin vua cho tổ chức thi toán
--Có hàng vạn người dự

Giáo sư sử học phát biểu tiếp, rằng Lĩnh nam chích quái của Vũ Quỳnh là vừa có giá trị tư liệu vừa có giá trị văn chương. Mà văn chương thì được giảng giải với nghĩa “câu chữ rất đắt “,” tìm tòi rất giá trị”

Trong bộ phim về Mộ Trạch, chữ Hán trên các hoành phi câu đối viết xấu quá. Nên nhớ đấy là một làng nổi tiếng khoa bảng.
Trong phim có cảnh ông đồ viết chữ Hán. Họ trải cho ông ta một tấm chiếu trên cỏ. Chắc ít ai ngờ rằng trên nền chiếu rung rinh đó làm sao viết nổi thứ chữ vuông nghiêm cách, cấu trúc cân đối. Nhớ một trong những tiêu chuẩn tôi được dạy lúc nhỏ khi học viết loại chữ này là phải ngang bằng sổ thẳng, cân đối vững vàng. Được khen một chữ là viết chặt khó lắm!

Cũng trên TV có hình ảnh một ông đồ khác đi lại trên một lối đi cũng thuộc Văn Miếu. Chỉ thấy phía lưng nhưng ông ta vẫn hiện lên với cái dáng ngúng nguâỷ dáng xiêu vẹo như...say rượu. Như đuổi ma, hoặc như ghẹo gái.

4-4
Sân khấu SG lâu nay được khen là gần khán giả. Nhưng gần theo nghĩa nào? Bây gìơ mới biết là họ đi vào những cảnh nóng, những chuyện thô tục, gây sốc.

Một “ hoạ sĩ” tuyên bố cách tân theo kiểu sơn mài mà không cần mài. Cũng như thứ thơ không lời của một ông nhà thơ mô đéc nọ!

Bài rất dài trên báo VN Trẻ, báo động tình hình “ Phê bình văn nghệ địa phương đang chết lâm sàng.” Không có người viết, nhiều người không biết gì cứ bịa ra mà làm. Ban đầu chung quanh khuyến khích, rồi thấy anh kia được nhiều quá, lại quay ra chửi bới.

11-4
Cách đây hai tuần có người ở TV hỏi về hiện tượng thanh niên vẽ nguệch ngoạc ở các di tích, tôi đã nói đó là do sự bế tắc của họ. Vả chăng, việc họ làm có thấm gì so với sự phá hoại của những người dân thường cũng như của chính các ban quản lý di sản.
Hôm nay mở đầu lễ hội hoa anh đào Nhật đọc trên VNN thấy toàn cảnh 500 người công an bảo vệ. Không khí bừng bừng sát khí.
Tôi trả lời báo Pháp luật TP HCM : Chúng ta thiếu một không gian văn hoá. Một người như tôi, tôi tự nguỵện không đến các lễ hội đó mà xin ở nhà, đọc sách.

13-4
Ông Trịnh Cung, nhân 7 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, có bài trên Da màu nói TCS thật ra đầy tham vọng chính trị và ham hưởng lạc, dễ bị các ông cốp lợi dụng. Thế là nhiều người xúm vào chửi ông TC là xấu chơi, bôi nhọ bè bạn.
Có một cuốn sách mới viết về Chuyện tình của các vua chúa VN, kể Ỷ Lan thời Lý Nhân Tông là một kẻ âm mưu xảo thuật.
Báo chí lại chửi. Họ viện lý trong dân gian, Ỷ Lan được miêu tả như một thứ cô Tấm hiền hậu nết na.
Có thể xem như một ví dụ về việc lấy huyền thoại thay cho sử sách. Chúng ta không muốn nghiên cứu người xưa mà chỉ muốn bịa ra hình ảnh người xưa như ta hình dung.
Mà đó là thứ tư duy phổ biến trong xã hội.

17-4
Trên TT&VH có mấy bài ca tụng: mỗi tâm bia ở Văn Miếu là một tác phẩm văn học nghệ thuật đặc săc. Các mộc bản của triều Nguyễn là một thứ di sản văn hoá thế giới không nơi nào có.
Tôi cho rằng cái chuyện không giống nơi nào trên thế giới không phải bao giờ cũng đáng nhấn mạnh. Có những cái không giống nơi nào trên thế giới nhưng vẫn chỉ ở mức xoàng xĩnh, tầm thường. Ta cố mà giữ, nhưng không có nghĩa là nên dùng những lời lẽ quá hào phóng kiểu ấy để khoe với bạn bè.
Lại nhớ có lần tôi cố thuyết phục một người nước ngoài đi xem đền chùa quanh HN, nhưng ông ta dứt khoát bảo không.
Sau nghĩ lại mới biết, trong trường hợp này, cái dở đang chi phối tâm lý những người như tôi là cố nghĩ rằng cái gì độc đáo của mình cũng là “tầm thế giới”, ra cái điều mình không kém ai, sẵn sàng mang những danh hiệu sang trọng nhất quàng lên cổ mình.

Hôm nay thấy đưa tin về việc sửa đổi luật di sản. Khuynh hướng chung là các nhà quản lý chỉ muốn dễ đi cho mình. Hôm trước nói phải lo giữ nguyên trạng, nay đề nghị là giữ một cách nghiêm ngặt.( Chữ nghiêm ngặt có cái tiện là hiểu mỗi người một kiểu và tuỳ tiện cãi cho mình). Báo chí nói rõ vì thiếu tiền nên nới lỏng luật di sản như vậy.
Tôi muốn bổ sung thêm người ta chỉ nhăm nhăm lo khai thác di sản để kiếm lợi. Giết chết di sản cũng được.

21-4
Hà Nội- Hà Tây sát nhập, nhưng Hội nhà văn hai bên thì có vẻ hơi khó hoà hợp. Chuyện không lạ, nhưng lạ ở những lời bình luận.
Theo cách giải thích tôi nghe được, chẳng qua là ở HN, lâu nay có khuynh hướng chuyên nghiệp hoá, trong khi ở Hà Tây, thực chất là một thứ hội quần chúng (?).
Có đúng như thế chăng nữa, tôi nghĩ, thì thực ra họ cũng có khác nhau bao nhiêu! Cả Hội TW của chúng tôi cũng đang trở thành hội phong trào, hội quần chúng đấy thôi.

27-4
Thấy nói đạo diễn Nhật Minh rất vừa lòng với phim Đừng đốt, hỏi ra mới biết phim được nhà nước tài trợ hơn chục tỉ, và về mặt kỹ thuật đạo diễn được thoả mãn hoàn toàn. Chỉ có điều khi tôi hỏi đâu là chỗ mới của nội dung thì không ai hiểu cả. Có người nói rõ phim cúng cụ thôi.

10-5
Người ta đưa từ Canada một bức tượng Phật. Tượng làm từ một viên ngọc khổng lồ. Lại đưa về tận Phật Tích Bắc Ninh. Dân nô nức đi xem, dù sau khi vượt qua tình cảnh tắc đường, sau khi gửi xe đi bộ vào tận nơi chỉ được ngắm độ 5 phút. Đứng ngắm tượng trong không khí khai mù, -- lòng tin của người ta hôm nay được thực hiện trong khung cảnh vậy. Phật ở đây trang sức loè loẹt, người béo, các thớ thịt căng và như bôi môi son nữa. Một người bạn nói vớí tôi nét mặt Phật ở đây rất xa lạ với tâm thức Việt Nam.

12-5
Nguyễn Quang Lập viết đủ chuyện linh tinh trên mạng về các đồng nghiệp và quê hương, viết theo kiểu khẩu ngữ. Tưởng chỉ để đùa, nay in thành sách gọi là Ký ức vụn. Tiếng nổi như cồn.
Thời nay là thế.
Chất Hồ Xuân Hương chi phối cả xã hội VN nhiều thời đại và đang kéo dài đến ngày nay.
Chợt nhớ là trước 1975, ở Sài Gòn, có một hồi người ta không cho phép dạy HXH trong nhà trường, đến mức ông Đặng Thai Mai ngoài Bắc phải lên tiếng phản đối.
Nhớ là những người Trung quốc nghiên cứu VN cũng không coi đây là hiện tượng văn học cao cấp.

14-5
Năm ngoái năm kia người ta đã than thở là ở nghệ thuật sân khấu chẳng ai chịu làm đạo cụ nữa, có vở mới không biết thuê người làm những công việc này ở đâu.
Bây giờ thì là lời than diễn viên ra sân khấu mà không học kịch bản và cứ bịa tràn lan. Ca sĩ lên sân khấu thì hát nhép.

20-5
Nhiều người tỏ ý than tiếc rằng nhiều nét đẹp văn hoá cũ đang mất đi. Như hát ru. Họ đề nghị phải dạy cho phụ nữ trẻ hát ru để họ ru con.
Một chương trình truyền hình đề nghị tôi bình luận về chuyện này. Tôi bảo nét đẹp này là chuyện một đi không trở lại. Các bà mẹ trẻ bây giờ học hát ru sao được? Hát ru đã không còn hợp với nhịp sống nhịp nghĩ của họ.
Nghe có vẻ trái tai nên họ không mời tôi nữa.

Lạ thế đấy, người ta vừa nghĩ tới chuyện sưu tầm âm nhạc cổ là nghĩ ngay tới chuyện đưa nó vào phục vụ đại chúng. Thất bại đến thế này rồi mà vẫn không rút kinh nghiệm. Chẳng nhẽ lại khái quát người ta chẳng hiểu âm nhạc gắn liền với cơ sở xã hội như thế nào?

Nhìn chung với di sản âm nhạc dân gian, có một việc, theo tôi, phải làm. Là bỏ tiền ra giữ lấy nó, bằng cách ghi nó lại thật chính xác như nó vốn có. Trước hết là thế.

Còn việc dạy cho đám phụ nữ trẻ bây giờ săn sóc con cái bằng âm nhạc là chuyện khác, chắc còn phải nghiên cứu nhiều.

22—5
Ng V Thành cho biết giới điện ảnh rất chê Đặng Nhật Minh, cho là phim giả. Có vẻ như tay nghệ sĩ về già chỉ thích là được làm việc với đầy đủ phương tiện hiện đại và đi Tây cho sướng(?).
Ở bên trời Tây, Dương Thu Hương cũng tỏ ý đã mệt mỏi lắm, viết như một thứ lên đồng. Người ta làm sao đọc nổi những trang viết theo lối viểt hoa mỹ mà trống rỗng của nhà văn này -- một bài điểm sách trên báo Pháp viết vậy, tôi đọc bản dịch trên BBC.

29-5
Ca sĩ Thanh Lam tự nhận giọng ca của mình điên điên ngầu ngầu. Nghe kể thì thấy những tài năng đó đều đi vào con đường bế tắc vì không ai hướng dẫn và dễ bị lôi kéo vào những con đường lầm lẫn. Mà cưỡng lại thì quá khó!

1-6
Sau bài Xuân Sách của tôi có bài ông nào đó nói rất buồn cười, đại ý tôi không muốn viết mà lại không thể không viết về bài này ( bài VTN về XS ).
Tôi hiểu nhiều người không thích tôi, nhưng không thể bỏ tôi.

3-6
Ông Bùi Ngọc Tấn có một bài phát biểu rất hay bên một trường đại học ở Mỹ. Ông bảo trong khi người khác viết về những người làm nên lịch sử, thì mình viết về những người bị lịch sử chà đạp và chỉ có cách cam chịu. Đây nguyên là một ý của Camus và ông vận vào mình.
Có lẽ BNT đã được những người như DTường mách nước cho, phải nhận là chững chạc. Tầm cỡ hơn cả Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp(?)

11-6
Báo động từ vốn di sản là tên một mục của báo TT&VH. Đáng chú ý là do một quỹ văn hoá nước ngoài tài trợ.
Đụng vào đâu cũng thấy những hư hỏng biến dạng. Dạo này có cuộc trao đổi về xếp hạng di sản. Thật buồn cười khi nghe một quan chức Bộ Văn hoá đề xuất: Xếp hạng không theo giá trị mà theo độ phổ biến của di sản.

13-6
Tình hình văn hoá đại thể là người ta thi nhau làm những đồ tàng tàng, sau rồi kêu toáng lên là chưa ai làm được cái gì tương tự như mình.

Báo TTVH đưa ra một công thức “bùng nổ giải trí teo tóp văn hoá’. Với tôi lẽ ra phải nói bùng nổ những cai tầm thường dung tục phi văn hóa mới đúng.
Và nó bành trướng ra như một thân thể khổng lồ mà thiếu trí tuệ, thiếu cái đầu.


19-6
      Thư tôi gửi L. một bạn nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt


  
Cháu L.

   Câu văn của Nguyễn Tuân đầy đủ như sau:
 “Sớm nay, tâm trạng tôi lúc nằm nhàn tưởng ở giường với  cuốn sách mở trên ngực là tâm trạng  một người đang vui sống, vui đến nỗi  cảm thấy cái vô dụng của mọi cuộc Cách mệnh  xã hội trên thế giới. Và tính cách vô bổ của mọi thứ Tôn giáo  lúc này lại càng rõ rệt quá. Tôi huýt sáo gió. Tôi hát Tây. Tôi ngâm thơ Tầu cổ"
 Đây là đoạn cuối trong bài Đẹp lòng, in ở cuối tập Tuỳ bút
 cuốn sách này in ở NXB Cộng Lực ở Hà Nội lần đầu năm 1941.
 Cháu có thể tìm thấy trong Nguyễn Tuân toàn tập, Nguyễn Đăng Mạnh  biên soạn, tập II,NXB Văn học 2000, tr. 565

Trước năm 2000, tức là năm 1998, bác đã sưu tầm bản gốc của mấy tập tuỳ bút của Nguyễn Tuân, in vào thành một tập, NXB Hải phòng xuất bản, mang tên Nguyễn Tuân-- Tuỳ bút viết trước 1945
Bài Đẹp lòng in trong sách này
 Đoạn văn trên ở trang 174.
 Chú ý là trong đoạn này hai chữ Cách mệnh và Tôn giáo, Nguyễn Tuân  đều viết hoa

***

Lá thư của cháu hôm nay làm bác hiểu cháu hơn
Theo bác, cái cần thiết nhất cần tập trung nghiên cứu lúc này là đời sống tinh thần của con người VN

1/-- Trước tiên cần nghiên cứu bộ mặt hôm nay của nó.
 Đó chính là cái đề tài mà cháu đang theo đuổi.
Bác không rõ  cháu lấy câu của Vũ Bằng ở đâu, nhưng câu đó nói rất đúng cái tình thế của con người VN sau chiến tranh

Chiến tranh làm cho con người trở nên càn rỡ,  triết lý sống của họ lúc này là " bạo lực trên hết". Đời sống tinh thần họ cùn mòn đi, nghèo nàn đi. Lớp trẻ ở VN đang trong tình trạng thoái hoá
 nếu cháu đọc bác hẳn thấy đây đó bác đã nói  xã hội VN như một rừng cỏ gianh,

Bác muốn khuyên  cháu khi  đọc các tác giả trẻ VN, nên lấy đây là tiêu chuẩn. Tức là xem xem  mỗi người  trong họ biểu hiện cái tư tưởng này như thế nào.
 Bác tin rằng các bạn bên Mỹ cũng nên đọc văn học VN theo hướng này

2/ Muốn biết một người nghèo đi ra sao, phải hiểu họ đã từng giàu có ra sao
Muốn biết một người đã thô lỗ tầm thường đi, phải hiểu họ từng tinh tế và sâu sắc ra sao

 Theo bác để hiểu lớp trẻ hiện nay, cháu phải trở lại với văn học tiền chiến.
 Không phải ngẫu nhiên mà bác đã nói đến Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân  chính là người nói được cái phong phú của tâm hồn VN, đúng hơn, một trình độ làm người của người VN khi bước vào xã hội hiện đại ( tức là trong thế kỷ XX)

Tiếc là, ở VN  cho đến nay, người ta không khai thác văn học tiền chiến theo hướng này.
Bác cũng chưa làm  được gì nhiều.
Nhưng Nguyễn Tuân, với bác chính là một điểm đối chiếu mà nghiên cứu về cái gì thì cũng  phải để một phần thời gian quay về với ông Nguyễn
 bác có viết một ít bài về Nguyễn Tuân, cháu nếu thấy cần thử tìm xem ( một tác giả khác bác cũng đã khai thác theo hướng này  là Thạch Lam)

3/ Đào sâu  thêm một tầng nữa, tại sao người Việt ở vào trạng thái như hiện nay
phải trở về với nguồn gốc của họ
 sự hình thành  họ như những chủ thể văn hoá

bác có  trong nhà bản tiếng Nga của cuốn  Bông cúc và thanh kiếm (The Chrysanthemum and the Sword)
bác ao ước ai đó phải viết về người VN như bà  tác giả này viết về người  Nhật

 Mọi người nghiên cứu văn học VN phải xuất phát từ sự hiểu biết tổng quát về văn hoá VN -- đó chính là điều bác đề nghị với cháu hôm trước

4/ Bây giờ mới trở lại với vấn đề cháu nêu lên lúc đầu
 Ở VN người ta chỉ  nghiên cứu văn hoá VN bằng cách đi thẳng vào đối tượng. Và kết quả thì nghèo nàn như cháu thấy

 Bác tự xác định: muốn hiểu người VN, phải qua so sánh đối chiếu

Lâu nay bác rất đau đầu vì chuyện này, vì nếu đi theo hướng này phải làm việc rất nhiều
Phương châm chỉ đạo bác là qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình

 Hơn thế nữa một điều kinh khủng hơn, là nếu trở lại với nguồn gốc thì cái phần " bản địa" của người Việt lại rất mỏng và nhiều phần kém cỏi
Rất nhiều thứ  người Việt có hôm nay là do từ nước ngoài  (Trung Hoa, Tây phương) mang lại
Hẳn cháu cũng biết một hướng suy nghĩ như thế này ở VN  gây phiền phức cho nhà nghiên cứu,
 Nhưng khốn khổ là bác không từ bỏ nổi

 Sau buổi nói chuyện hôm nọ có vẻ như cháu cũng thấy đó sẽ là một hướng làm việc cần thiết?
Cháu cũng muốn đi theo hướng đó chăng?
Nhưng hẳn cháu thừa biết là con đường này vất vả lắm

***
Bác có cảm tưởng là sau buổi nói chuỵện hôm trước, cháu thấy chia sẻ với bác nhiều điều
 Chính bác cũng đang phải mầy mò tìm kiếm
 Bác rất cần người đối thoại

 Ngay lá thư cháu gửi cho bác đối với bác cũng là bất ngờ, cháu đã khái quát  khá nhanh và đọc thêm được khá nhiều
  Nhờ cháu mà bác phác ra được cái sườn của công việc nghiên cứu  như vừa trình bày ở trên.

Có thể  viết  cho bác mọi điều cháu đang nghĩ. Nên viết bằng thứ chữ Việt có dấu, vì  nhờ thế dễ đọc hơn

**
 Cháu  nói rằng cách nghĩ của bác gần với cách nghĩ của ông già cháu,-- một người làm nghề nghiên cứu về môi trường(?)
Điều này khiến bác rất thú vị
 Cháu hãy nói thêm về điều này cho bác nghe đi.


VTN


15-7
Ông Tế Hanh được chia tay cuộc đời này sau 10 năm bất động và chỉ sống cuộc sống sinh vật. Có đến mấy báo mạng in lại bài của tôi Lời con đường quê.
Tôi rất muốn viết rằng với ông Tế Hanh lúc này, chết là giải thóat.
Cũng như cái lần nghe tin Xuân Diệu mất, giữa rất nhiều ý nghĩ khác nhau, xót xa có, luyến tiếc có, trong cái đầu óc hỗn lọan của tôi lóe lên một ý tưởng lạc lõng -- sống như thế đủ rồi, có khi để cho người khác sống lại hóa hay. Mà như thế thì cái chết đâm ra nhẹ nhõm…Rồi tôi thấy sợ ngay chính ý nghĩ của mình, nên chưa bao giờ tính chuyện nói với mọi người. Nói không rào đón kỹ càng thì họ sẽ bảo tôi độc ác, đê tiện … và đủ thứ khốn nạn khác.

26-7
24-7-09 là ngày dân SG mê cải lương đến rạp Hưng Đạo tưởng niệm Phùng Há. Điều người ta thấy đáng tiếc—một nhà báo kể lại – là mấy diễn viên học trò cưng của PH khi biểu diễn đều quên lời quên vai, nên hát sai hoặc bịa lung tung cả. Đêm tưởng niệm lại có cả những tiết mục hài—một thứ hoàn toàn không ăn nhập với nội dung buổi lễ.
Hình như người Việt không thể sống thiếu tiếng cười.
Tiếng cười ở đây đóng vai trò quên lãng. Khi chúng ta cười thì mặt chúng ta đầy ánh sáng—Nguyễn Đình Thi bảo vậy. Nhưng tôi thấy trong cái ánh sáng này, bóng tối còn nặng nề níu kéo. Và là một thứ ánh sáng nhợt nhạt, bệnh hoạn.

Thư gửi L., 29-7
Cháu L.
Suốt tháng qua bác bận một ít việc nhà và lo viết một bài về trí thức VN, nay đã tạm xong mới viết thư cho cháu đươc

Về lớp thanh niên VN hiện nay-- bác nghĩ để hiểu họ và văn chương của họ, ít nhất cháu nên đọc và suy nghĩ về mấy mảng sách
Một là mảng viết về con người sau chiến tranh. Hai là mảng viết về con người hiện đại xã hội hiện đại nói chung.Và ba là—cái này thì hơi rộng quá, nhưng phải cố làm một cách gọn nhất-- tìm hiểu con người VN được miêu tả qua lịch sử và văn chương ra sao

Về mảng thứ nhất
Bác có ấn tượng đặc biệt về nhứng nhân vật thanh niên trong các truyện ngắn của Hemingway.Từ chiến tranh về, họ như " chết đi một nửa đời người". Họ sống khô cằn thụ động
Cho đến nay ở VN, người ta vẫn lảng tránh không làm công việc tìm hiểu xem cuộc chiến tranh hơn ba chục năm -- mà danh từ chính thức gọi là chiến tranh giải phóng—làm con người VN biến đổi ra sao
Hồi chiến tranh, bác và mấy nhà văn bác quen cũng đã từng nghĩ về vấn đề này. Cảm giác chủ yếu là chiến tranh bòn rút tiêu hủy tất cả cái tốt đẹp trong con người.” Như là một ấm nước trà, chiến tranh lấy đi cái tinh hoa để lại cái bã. Cuộc sống sau chiến tranh là cuộc sống của những con người đống bã “.--- Đấy là cách nói của Nguyễn Minh Châu
Tiếc rằng v/đ này –một v/đ bác luôn bị ám ảnh, nhưng lại chưa viết được nhiều
Cháu có đọc bài bác viết về Bảo Ninh? Và bài về Đặng Thùy Trâm, bài này có cái tên hơi to, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và đời sống tinh thần người Việt sau chiến tranh, cả hai chưa nói được bao nhiêu so với những điều đáng lẽ phải nói.
Bác còn định viết tiếp về con người chiến tranh được miêu tả trong các nhà văn Sài Gòn trước 1975. Có một cuốn rất có không khí là cuốn Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam
Có hiểu con người VN qua chiến tranh mất đi cái gì còn lại cái gì thì mới hiểu lớp trẻ hiện nay.
Ở xã hội VN tất cả không được viết ra, tâm trạng con người chỉ tạo thành một thứ vô thức tập thể và được lây truyền từ người nọ sang người kia, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, nó thành một thứ khí hậu xã hội
Lớp trẻ lớn lên nhập vào mình thứ khí hậu đó, bản thân họ không trực tiếp sống chiến tranh, nhưng họ nhận lấy từ trong cách sống cách suy nghĩ quan niệm cuộc đời của lớp người từ chiến tranh về và họ trình bày ra dưới cái dạng thô thiển của nó

Về mảng thứ hai
Tuy về căn bản xã hội VN cho tới nay là xã hội trung cổ, nhưng các yếu tố hiện đại cứ xâm nhập vào nó.Cả hiện đại chứ không phải chỉ có cái hậu hiện đại như gần đây nhiều người nói
Bác nhớ tới –một cách ngẫu nhiên—những nhân vât của F. Sagan
Bác nghĩ rằng kiểu tâm trạng của các nhân vật Sagan đến nay vẫn đang tác động ở VN hoặc những nước tương tự như VN
Mấy năm trước trong khi làm công việc giới thiệu cuốn Điên cuồng như Vệ Tuệ của một tác giả TQ, bác đã nói qua cái ý này
những ảnh hưởng của nước ngoài sở dĩ tràn vào VN, vì trước tiên trong xã hội VN nó VN nó đã có tiền đề. Điều đáng nói là thường nó ít tiếp thụ được mặt tích cực chỉ phát huy mặt tầm thường kém cói,
Bằng cách liên hệ lớp trẻ VN hiện nay với lớp trẻ trong xã hội hiện đại, con người nghiên cứu trong bác thường bị chi phối bởi cái ám ảnh “ Chính ra tuổi trẻ bao giờ cũng giống với những người cùng thế hệ với họ ở các xứ sở khác hơn là cha anh họ”
Cháu từ hoàn cảnh của mình chắc dễ thấy cái này hơn bác.
Mảng sach thứ ba như vừa nói ở trên là một cái gì quá lớn. Đơn giản lắm ai mà chả biết muốn hiểu lớp trẻ VN hôm nay phải hiểu con người VN nói chung.
Ở đây liên quan đến cái định hướng lớn
Lâu nay nói về con người VN, người ta – trong các tài liệu chính thống – chỉ nói người Việt hiền lành tốt bụng tinh tế nhạy cảm…
Đã đến lúc phải nghĩ khác
Khoảng mươi năm gần đây, bác thích đọc lại mấy bộ sử cơ bản của VN như Đại Việt sử ký toàn thư,Đại nam thực lục
Đọc tập trung để cố hình dung ra lịch sử con người VN, dù là sơ sài
Nghe lại cũng to tát quá, nhưng quả là có vậy, người Việt trong lịch sử táp nham hẩu lốn luôn luôn dang dở bởi luôn luôn trên đường hình thành mà cái yếu tố hoang dại cứ còn mãi, rất khó thuần hóa
Có một loại tài liệu rất hay là những trang ghi chép của người nước ngoài về VN
Bác không đủ chữ Hán và không biết tiếng Pháp để đọc các tài liệu gốc
Nhưng chỉ cần đọc các bản dịch cũng đã hình dung ra được phần nào
Ví dụ đọc các ghi chép của các thương nhân và binh sĩ Pháp,Anh, …đến VN thì thấy trước khi Pháp làm chủ hoàn toàn, xã hội VN là một xã hội của đám nông dân nổi lọan, xã hội hiện ra trong tình trạng bát nháo và tâm trạng con người thì là một bãi lầy ngổn ngang những đau xót căm hờn bất lực
Trên kia bác nói là bác bỏ ra cả tháng để viết một bài về trí thức
Vì sức làm việc của bác kém, cái đó một phần
Nhưng cái chính là bác luôn luôn sợ hãi vì đang đi ngược cái thành kiến chung
Cộng đồng này là một cộng đồng nặng về bản năng và rất trì trệ về phương diện trí tuệ
Khi thoáng nghĩ vậy, bác cũng sợ luôn cho ý tưởng của mình,
Nhưng khó từ bỏ quá
Trở lại với v/đ lớp trẻ hiện nay. Thật là đơn giản, trong lớp trẻ mà chúng ta đang nói hội tụ tất cả các yếu tố theo chiều dọc là lịch sử người Việt và chiều ngang là những vật vã của con người hiện đại
Bác không theo dõi lớp trẻ này, đơn giản vì bác đã già và bận bịu nhiều về lớp người đi trước
Nhưng người ta không thể lảng tránh được cái thời mình đang sống đâu
Cuộc sống của lớp trẻ này nhạt nhẽo ngay trong cái vẻ sặc sỡ ồn ào bề ngoài
Bác có cảm tưởng thứ văn chương mà cháu đọc ở các nhà văn trẻ VN hôm nay là khúc xạ cái tâm trạng đó của lớp trẻ trong xã hội
Chưa bao giờ chất người chất nhân văn trong con người VN thấp như lúc này . Thấp với nghĩa đang bị biến dạng
Họ rất khó hiểu những điều tốt đẹp của thế giới
Một phát hiện của bác trong mấy năm coi mình là già là khi trở về với Khổng Tử thấy ông này vĩ đại theo nghĩa ông đã hình dung ra tất cả cái tiềm năng xấu sẵn có trong con người đám đông; ông tập trung miêu tả trong khái niệm tiểu nhân. Và ông đề ra yêu cầu là con ngườiphải vận dụng lý trí để nâng mình lên thành những quân tử, những con người của ý thức sáng suốt
Thật là ngẫu nhiên, bác thấy những điều Khổng tử miêu tả trong Luận ngữ về người tiểu nhân rất hợp với người VN
Cuộc sống với bác bây giờ không bị ràng buộc gì cả, bác có thể sẽ chẳng viết gì nữa và tất cả những cái bác đã viết cũng chả được ai đoái hoài tới
Cái bác sợ nhất hiện nay là những ý tưởng mà không hiẻu sao, quỷ tha ma làm hay sao đó, nó cứ đến với bác và càng đọc người khác đẻ cưỡng lại mình, bác chỉ càng làm cho nó bắt chặt thêm vào đầu óc.
Bác viết những dòng trên đây cho cháu e rằng làm lây truyền cái đó sang cháu
Nhưng bác chẳng biết làm cách nào khác.
Từng nhận xét cụ thể của bác có thể sai, nhưng căn bản cái hướng nghĩ bác cho là đúng.
Trong khi đó phần lớn các giáo sư đại học VN hôm nay giảng và phần lớn người Việt hôm nay nghĩ về mình là không đúng
Người Việt chưa đạt tới sự tự nhận thức tối thiểu
Thậm chí còn có lúc bác cho rằng cộng đồng này đã sa đọa quá rât khó cứu rỗi trở lại
Nhưng như một con người chúng ta vẫn phải tự minh xác cho mình một điều cơ bản: sự thực dân tộc này là như thế nào?
Cháu chỉ cần chia sẻ cái khao khát cuối cùng này là được. Còn câu trả lời của cháu chắc phải khác của bác. Nhất định phải thế.
VTN

7-8
Nghe nói có một lễ hội dựa chính vào hầu đồng mà người ta mang vào đó rất nhiều yếu tố hiện đại.
Trong bài của Phó Đức Tùng trên TT&VH, có một ý nói “tín ngưỡng đang có nguy cơ trở thành ngành kinh doanh dịch vụ đơn thuần”.

15-8
Khái quát của một nghệ sĩ tên là Ý điên: trong nghệ thuật tất cả những gì kỳ quặc và khó hiểu đều không có giá trị.
Nghe mà phát sợ. Hóa ra các bạn trẻ bây giờ liều quá cứ phát biểu lung tung thôi. Họ đâu có hiểu rằng những cái mới thực sự bao giờ với mọi người cũng khó hiểu. Chỗ tầm thường là chỗ chết của nghệ thuật.
Họ đâu có biết rằng kỳ dị là một phạm trù của nghệ thuật hiện đại.

17-8
Sân khấu cũng đang bị chi phối bởi công chúng. Cuộc sống hàng ngày mệt mỏi, người ta đến rạp để cầu vui. Nhiều diễn viên chính kịch muốn có việc, muốn được sống cảm giác sân khấu phải bỏ cái việc vốn có của mình, chuyển sang diễn hài. Ban đầu, họ vẫn có ý thức về một thứ phượng hoàng xuống làm bạn với gà con, nhưng rồi chính họ biến thành gà con lúc nào không biết.

9-10
Báo chí có nhiều bài nói về thói xấu của người Việt, nhưng thường là nói về cái bề ngoài, như hay ngồi xổm, hay xỉa răng, nịnh hót và ưa nịnh hót…
Hôm nay TT&VH có bài nói về văn hóa ăn của người Việt, một tác giả kể chuyện cha mẹ dậy ăn cái gì không được bỏ dở, hoặc phải ăn trông nồi ngồi trông hướng.
Ng Q Thân còn có bài nói đại ý mẹ tôi dạy chuyện ăn.
Tôi không rõ nội dung, nhưng cái ý ”người xưa dạy người nay “ không thuyết phục được tôi.
Người xưa sống trong hoàn cảnh khác, ngày nay xã hội sang thời hiện đại. chúng ta phải tìm ra cái quan niệm ăn của thời mình—quan niệm này sẽ chi phối từng thói quen cái gọi là từng phong cách ăn của từng người một, nhưng toàn bộ xã hội vẫn có một phong cách chung tạm gọi là phong cách thời đại. Chúng ta phải đi tìm nó.

13-10
Người ta đang làm ra một thứ văn nghệ rất xoàng, những bài thơ chán ngắt -- như bịa ra những kiểu quần áo rất xoàng làm ra những cái nhà những khu phố nhếch nhác… Song vẫn tự hào” gửi cho mai sau”. Vì sao ư– người ta lý sự --mai sau muốn hiểu ngày hôm nay, những năm 2009—2010 này chỉ có cách trở về với những gì họ viết ra, những bức ảnh ghi lại những ngôi nhà người ta đang ở.
Lý thuyết về bản sắc – nói cho oai thôi, cái thói hay viện dẫn bản sắc – sở dĩ phát triển vì nó trợ giúp cho sự trì trệ. Mà đằng sau trì trệ là cảm giác tuyệt vọng: sẽ chẳng có gì thay đổi cả.

V/đ bảo tồn di sản
Trong việc tìm về bản sắc, đang có sự lẫn lộn giá trị, thứ rất quý thì coi làm thường còn thứ vớ vẩn thì lại được tôn vinh.
Theo Nguyên Ngọc (TT&VH 27-8 ), có hiện tượng làm ra thứ văn hóa giả, văn hóa hình nộm -- chẳng hạn ông bảo các liên hoan cồng chiêng là không nên làm bởi đó chỉ là văn hóa hình nộm.
Một tiến sĩ văn hóa học thì đặt cho bài viết của mình một cái tên Hoang mang bảo tồn lễ hội truyền thống. Nhưng đáng chú ý là sau câu trên ông tác giả này đặt một dấu hỏi. Tức đây không phải ý của ông. Ông vừa làm đạo diễn lễ hội Lảnh Giang gây xôn xao vì coi là phá hầu đồng.

15-10
Quá khó để hình thành một quan niệm đúng đắn về di sản.
Điều dễ thấy trước mắt: tình trạng di sản không được đối xử nghiêm túc. Một nhà nghiên cứu kể xuống điều tra về quan họ thấy một xã có tới vài chục nghệ nhân. Thì ra UB đưa toàn người nhà của mình vào để nhận mỗi xuất 20 ngàn đồng.
Cũng theo ông này,hiểu về di sản nhiều mỗi người một phách. Một điệu như xe chỉ luồn kim bị coi là điệu lề lối – điệu chuẩn – trong khi thực ra là điệu vặt. Nhưng các nhà chuyên môn đầy quyền uy như Thúy Cải cũng bảo thế, thì nhà nghiên cứu còn biết nói sao.
Còn chuyện phá luật, phá cách nữa,-- phá theo nghĩa mang nhiều cái hiện đại vào nghệ thuật dân gian một cách tùy tiện.

Một v/đ khác: Một nhà quản lý cỡ cục phó bảo phải đưa di sản cho nhân dân để nhân dân lựa chọn.
Tôi không tin vậy, nay là thời khái niệm sự sáng tạo của nhân dân đã khác nhiều rồi.
Thế thì vai trò của các nhà chuyên môn ở đâu? Chẳng lẽ để toàn bộ đời sống văn hóa rơi vào tay cánh nghiệp dư?

Tiếp tục cách suy nghĩ của mình từ mấy năm nay, ông Nguyên Ngọc trở đi trở lại trên mấy tờ báo cái ý phải giữ lấy làng vì làng là không gian văn hóa cổ, không còn làng thì không thể bảo quản di sản?
Giá kể gặp ông, tôi muốn hỏi, làm sao mà giữ làng bây giờ ?

20-10
Trần Quang Vinh đưa một cái tin Ở Kazakstan, tục cướp vợ trở lại. Vì nghèo quá một phần. Phần vì bây giờ người ta thích làm thế để chứng tỏ mình đang về nguồn. Đây là một cái mốt, đúng hơn là cách người ta che giấu sự ngại ngần không muốn nhìn lên phía trước.

30-10
Mấy câu trong Nhiệt đới buồn
Khi một số lượng quá đông người phải sống trên một không gian quá hẹp, thì xã hội tất yếu “tiết ra” sự nô lệ.
"Sự sản xuất ra một nền văn hóa đại chúng, giống như một nền canh tác độc canh thay thế một cách dữ dằn một đa dạng thực vật, dẫn đến một sự chuẩn mực hóa các kiểu thức và đồng nhất hóa về văn hóa đồng nghĩa với đánh mất bản sắc, sự khác biệt và năng lực sáng tạo, và cuối cùng, là tính nhân văn"
Toàn bộ Nhiệt đới buồn là gì. Một câu trong sách cắt nghĩa, đó là "Suy tư trăn trở chưa xong của người đã đi tìm đến các dân tộc nguyên thủy để lần lại con đường đi đã đưa nhân loại đến hôm nay, và tự hỏi một cách đau đớn, đồng thời lại vui mừng như một phát hiện cơ bản: chúng ta đã đi đến chỗ gì hơn tình trạng ban đầu, xa hơn 'nơi ta đã cất bước ra đi'".

5—11
Đến khách sạn S. ở đầu đường Thanh niên thấy bầy tranh VT. Ôi xấu quá nguệch ngoạc quá. Thế mà trong lời giới thiệu khoe đây là một nghệ sĩ quốc tế, được giải thưởng tác phẩm kiệt xuất ở Mỹ.
Đáng chú ý là mấy dòng nghệ sĩ quốc tế trên là ở văn bản tiếng Việt. Còn bản tiếng Anh không có.

7-11
Đến VTV trao đổi về việc kết nạp hội viên ở Hội nhà văn VN. Tôi bảo căn bản là hoạt động của Hội đã khác với hồi nó ra đời, mà cách làm ăn vẫn như cũ. Mấy người khác nói tới sự phân hóa trong đời sống văn chương và việc có nhiều khuynh hướng mới đòi hỏi được công nhận. Cuối cùng H.T. chốt lại ở yêu cầu BCH phải có tiêu chí rõ. Tôi bảo tiêu chí viết ra rồi vẫn mỗi người giải thích một kiểu; theo tôi là cứ rộng rãi cho nhiều người vào.
Tôi tin rằng lúc này không có đất cho sự sáng suốt. Mọi sự bàn bạc bây giờ là hão hiền cả.

9-11
Từ lâu có tin phim Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên được giải thưởng ở Venice, giải của các nhà phê bình
Nhưng người ta dự đoán là ở VN chả ai xem.
Lại nhớ có lần đọc thấy người ta kể ở TQ có hai loại đạo diễn điện ảnh, một ở trong nước mà làm phim để lấy giải quốc tế. Một chỉ làm cho người trong nước. Ta cũng thế, chỉ có điều ở một quy mô bé nhỏ hơn.

10-11
Nhà văn Hungary được Nobel văn chương nói về mình.
Ông bảo ông là nhà văn của châu Âu. Ông hiện sống ở Berlin vì “Con người ở đây thân thiện với nhau, thân thiện với tôi ngay từ giây phút đầu”.
Về Budapest hôm nay, ông bảo : “Trong vòng 10 năm qua, tình hình tại Hungary xấu đi liên tục. Phe cực hữu và những kẻ bài Do Thái thống trị. Những dục vọng cũ và tệ hại của dân Hung - sự dối trá, khuynh hướng lấp liếm cho qua mọi việc ( người ta dịch là bóp nghẹt, nhưng tôi đoán phải nói lấp liếm cho qua mới đúng—VTN )– càng được thể hiện hơn bao giờ hết. Hungary trong chiến tranh, Hungary và chủ nghĩa phát-xít, Hungary và CNXH, những vấn đề ấy không hề được xử lý, người ta chỉ làm đẹp tất cả”

11-11
Trích thư gửi A.A.Sokolov( Tolia)
Cám ơn anh về cái nhận xét là xưa nay
tất cả những gì tôi đã viết
đều là viết về trí thức

Tôi sẽ tiếp tục viết về các đồng nghiệp của tôi
– và nếu có thể viết chung về văn học VN --
theo hướng này.

Tôi gửi kèm theo đây những ghi chép của tôi về Nguyễn Đình Nghi
Nó là một thứ hồi ký
Bài này đã in ở tạp chí Sân khấu của Hội sân khấu VN số tháng 8 và 9 - 09

Qua ông Nghi cũng như qua một họa sĩ như Bùi Xuân Phái,
Tôi nghĩ, ta đã có thể viết được về quá trình hiện đại hóa văn học nghệ thuật ở VN

Hiện đại hóa ở đây chính là Tây phương hóa
Quá trình này cũng xảy ra trong văn học

Chỉ có điều vì trước đây, ở VN, văn học đã phát triển theo mô hình văn học Trung Hoa, nên quá trình Tây phương hóa rắc rối hơn

Còn ở kịch nói và hội họa, trước đây VN chưa có gì, nên quá trình Tây phương hóa thuần nhất hơn

Còn Nguyễn Minh Châu và Lưu Quang Vũ

Người thứ nhất cho thấy những thành tựu hiện đại hóa được vận dụng
để đưa văn học phục vụ các nhiệm vụ chính trị -- xã hội ra sao
Ông Châu là người nối tiếp tốt nhất truyền thống của văn học VN thời tiền chiến
Có điều là chỉ vận dụng kinh nghiệm đã có thôi
Chứ không có gì phát triển ( như ở các tác giả văn học Sài Gòn)

Còn Lưu Quang Vũ
Đó là một phương diện khác của hiện đại hóa:

Với ảnh hưởng của hiện đại hóa
văn hóa dân gian văn hóa đại chúng có thêm một sức sống mới, một bộ mặt mới

Tôi nhớ một lần anh Tolia bảo với tôi
Văn hóa VN thay đổi vì xã hội VN bây giờ là xã hội tiêu thụ
Đấy là bộ mặt mới của văn hóa đại chúng trước sau 2000

Còn cái bộ mặt cũ của nó— khoảng hai chục năm sau chiến tranh—
Thì như anh nói được LQV đưa lên đỉnh điểm
Và đã kết thúc với LQV


14-11
Một trong những ám ảnh của tôi là về tính văn hóa đại chúng của nền văn hóa từ sau 1945.
Một lần đọc cuốn bàn về folklor, tôi đã nhận ra t/c trì trệ của nó. Nay đọc Levy Strauss, gặp nhiều đoạn khái quát

Thêm một câu từ Nhiệt đới buồn
"Sự sản xuất ra một nền văn hóa đại chúng, giống như một nền canh tác độc canh thay thế một cách dữ dằn một đa dạng thực vật, dẫn đến một sự chuẩn mực hóa các kiểu thức và đồng nhất hóa về văn hóa đồng nghĩa với đánh mất bản sắc, sự khác biệt và năng lực sáng tạo, và cuối cùng, là tính nhân văn". (VTN gạch dưới)
Rất đúng cho văn hóa VN hôm nay!

25-11
Báo Tuổi trẻ bảo viết một bài về tiếng Việt. Muốn về những thay đổi đã đến với tiếng nước mình mà chắc không làm nổi. Tự nhiên nhớ lại đây đó đã có người viết. May quá, nhớ ra một nữ tác giả là Trần Mộng Tú. Talawas 20-7-09 có in lại một bài của bà này mang tên Tôi là ai, trong đó có đoạn

Lại có những lần tôi ở Việt Nam, bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc, tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng chênh vênh trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình ngày trước, hình như đã có điều gì rất lạ. Ngôn ngữ Việt thì thay đổi rất nhiều, pha trộn nửa Hán nửa ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “ấn tượng”, nói theo cách dùng chữ khá phổ biến bây giờ ở Việt Nam. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, đã thế họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích. ( đoạn cuối do tôi gạch dưới—VTN)



26-11
Có một cuộc hội thảo về minh triết ở Huế. Tôi đọc mà thấy nhiều ý tưởng khiên cưỡng và có vẻ vơ vào thế nào đó. Tôi tin ở trí tuệ ở cái dạng rành mạch của nó, chứ không tin ở những khái quát phiến diện kiểu dân gian.

27-11
Một bạn đọc tố cáo: gần đây có phim Nước mắt bào thai, tố cáo chuỵện giết trâu bò đang mang thai để phục vụ các bà bầu. Lại do các em học sinh nghĩ ra, tuyệt thế chứ.
Điều tra kỹ, hóa ra, cái phim từng gây xúc động vì cảm giác nhân văn này là do mấy tướng trẻ bịa ra để ăn giải. Một sự giả dối có tổ chức và cố ý.

8-12
Tôi đã nói đến sự luyến tiếc vu vơ của những những người muốn níu kéo văn hóa cổ truyền. Người ta thắc mắc sao đến các vùng đồng bào dân tộc, thấy chả ai còn ăn mặc như cũ nữa, sao đồng bào bây giờ dùng cả những bộ loa hiện đại trong các buổi lễ cưới.
Ý một số người là muốn đưa bản làng trở lại nếp sinh hoạt như từ bao đời.
Tôi thấy ngược lại.
May quá cuối cùng lại có một tác giả người dân tộc thiểu số lên tiếng.” Phải đưa cái hiện đại đến với vùng núi chứ. Chẳng lẽ bạn mong cho bà con khổ nữa khổ mãi?” (TT&VH 8-12-09).
Còn chuyện bảo tồn di sản ? Ý người viết là chỉ cần lập những khu bảo tồn sống, khoanh nó vào đó là đủ. Và là cách hữu hiệu. Chứ hướng người ta quay về cái cũ thì trước sau sẽ thất bại, mất cả chì lẫn chài.
Tôi đã có lúc nghĩ như thế.

12-12
Đọc kỹ thông báo của Unesco thì thấy sở dĩ họ nhắc đến những bộ môn ( mà họ gọi là tập quán ) nghệ thuật của mình như ca trù, vì các bộ môn này tuy lâu đời nhưng đang có nguy cơ bị thất truyền. Họ có cho mình tiền là cốt để đầu tư vào nghiên cứu, bảo tồn, như chính nó vốn có.
Còn người mình thì lại thích nói rằng đây là một dịp họ tôn vinh mình; coi như của nhà rồi không cần nghiên cứu gì cả; chỉ cần nhân rộng nó ra ( hiểu ngầm với nhau là biến thành một món hàng lôi kéo khách du lịch).

16-12

Báo QĐND hôm nay có bài Sân khấu Việt Nam đang “nghiệp dư hóa”
Lần khác báo TT&VH đưa cái tít : múa đang chỉ là một thứ nghệ thuật xa xỉ.
Còn về văn chương thời nay, nói về một nhà thơ, người ta kể ông “ đạp xe quanh làng và làm thơ”./.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم