(Nhật ký du lịch)
22-5
Chỉ có mười người, lại toàn người già, năm mươi, sáu mươi, người già nhất đã tám mươi ba - đó là tình trạng của đoàn đi Đài Loan chúng tôi lần này. Du lịch Đài Loan quá mới mẻ và chưa hấp dẫn? Có thể thế lắm.
Sau này hỏi thêm, tôi được biết trừ vợ chồng tôi, các thành viên trong đoàn đều đã đặt chân trên rất nhiều xứ sở, có người đã đi tới 20 nước.
Lần này họ đi Đài Loan chẳng qua là để hoàn chỉnh thêm bộ sưu tập du lịch của họ.
Riêng chủ tâm của tôi lần này đi là muốn tìm hiểu thêm nền văn hoá Trung Hoa ngoài lục địa. Tôi đã làm điều này một phần trong những chuyến đi Singapore, Malaysia. Lần này, đối tượng khảo sát sẽ điển hình hơn( xin phép dùng chữ “khảo sát” cho oai. Đi nhặt nhạnh thêm ít tư liệu, thế thôi!)
+
Năm giờ chiều, giờ Đài Loan, chúng tôi xuống sân bay Đào Viên và ra cửa. Ngồi trên ô tô, nhìn ra chung quanh, ấn tượng lớn nhất là hình như chả có gì đập mạnh vào trí não của mình cả.
Sau khi đã đi qua Bắc Kinh, Thượng Hải, cảm giác của tôi, khi đi trên đất Đài Bắc, cũng tương tự như cảm giác sang Praha sau khi qua Moskva.
Từ cái khổng lồ đồ sộ, sang cái đời thường, cỡ quen với tầm mắt cách nghĩ của mình. Từ cái ham hố để khẳng định, thậm chí như là khoe mẽ, sang cái thanh thản, vừa phải. Nhà Đài Bắc 15-20 tầng là cao nhất, nhiều khi chỉ độ 10 tầng. Tỏa ra sau những đại lộ là những dãy phố nhỏ. Không có những vỉa hè thênh thang. Không có những hàng cây thật đều thật đẹp. Không thấy nhiều biển quảng cáo. Không thấy những ngôi nhà mới xây, pa-nô khai trương còn dăng đỏ chói.
… Nhưng chính vì thế, tôi cảm thấy dễ gần. Một dự cảm mách bảo tôi rằng không chừng đây sẽ là thành phố thân thiện.
+
Nhớ lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Tuyệt vời theo nghĩa vừa độc đáo, vừa hoàn toàn có thể hiểu được, và thật tương xứng với cảnh quan núi non chung quanh, đúng là khu lăng mộ mang tầm vóc quốc gia.
Khu kỷ niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc không đẹp bằng. Nó gợi cảm giác có một cái xác quá to so với sức thu hút toát ra ngay từ lần gặp đầu tiên. Gian thờ chỉ gồm bức tượng, trông như những ngôi chùa từ thời Đường Tống mà năm ngoái tôi thấy ở núi Nga Mi.Toà nhà chính trông lại phảng phất phong vị Mãn Châu. Cũng mảng ngói màu xanh, tường trắng. Không có cái vẻ thâm u. Không gợi sự thiêng liêng xa vời. Nhưng chính vì thế lại mang lại cho người tới thăm -- dù chỉ lai vãng vài chục phút – một cảm giác gần gũi. Từ khu tưởng niệm ra phố, không cảm thấy hụt hẫng. Nói cách khác, cả khu tưởng niệm đã là một phần của đời sống người dân Đài Bắc.
23-5
Tự nhủ du khách sẽ hiểu về người Đài Loan, nếu hiểu thêm lịch sử của họ. Mảnh đất bị Nhật đô hộ năm chục năm trở thành nơi nương náu của một đoàn quân thất bại. Sự tự trọng đã làm cho họ trở nên đứng vững trong thế giới này.
Khi ra đảo, cái xã hội Dân quốc bị thu nhỏ lại. Không còn đất đai không còn thành quách di sản. Nhưng còn con người, trước tiên là những gì trong đầu óc con người và hiện ra ở sách vở , ở những hiện vật trong Viện bảo tàng Cố cung. Tức còn văn hóa, thứ văn hoá Trung Hoa cổ điển đã đồng hóa được những ảnh hưởng phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Thứ văn hóa này, có thể nói , có trong dòng máu mỗi người. Trong thói quen sinh hoạt. Trong khao khát có mặt trên thế giới.
Trong bước đường cùng, thế là người ta vẫn có một cõi riêng để tiếp tục làm người. Đài Loan vì thế có lẽ là ví dụ nổi bật về sự có mặt và sức mạnh của văn hoá.
+
Đang từ một nơi phố xá chen chúc những xe, đến Đài Bắc sao thấy như là văng vắng. Dân số 23 triệu, mà xe ở Đài Loan đến hơn 4 triệu gì đó. Năm người một xe. Xét tỷ lệ thì hình như đã quá nhiều. Nhưng sự dư thừa đó không gây khó chịu vì người ta vẫn làm chủ được nó, không đẩy giao thông lên thành hỗn loạn. Nhất là là không gây cảm giác xe che lấp người, xe trở thành người, hỗn hào lộn xộn mà lại hung hãn cuồng bạo, như ở Hà Nội.
Xe trên đường không thấy có các loại hàng hiệu bóng lộn như vừa chở thẳng từ máy bay tới. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết: Do Đài Loan là một trong những cơ sở lắp ráp của Toyota và Nissan, nên xe chạy ngoài đường chủ yếu chỉ có hai loại này, rặt một màu trắng hơi ngà ngà, cốt được việc hơn là khoe của.
Họ bảo quản xe thế nào? Buổi sáng trong lúc chờ xe, tôi bắt gặp một phụ nữ để cái Vespa lên vỉa hè khoá lại, rồi bình thản rẽ vào nơi làm việc là một khách sạn ở một ngõ nhỏ gần đấy.
Người hướng dẫn nói với chúng tôi cứ để thế cả đêm cũng chẳng sao. ở đây không có chuyện hở ra một phút là mất cắp.
Tại sao như vậy? Tôi cho rằng, điều này không chỉ chứng tỏ dân Đài Bắc giàu, mà còn là dấu hiệu cho thấy đây là một đô thị có bề dày lịch sử.
Còn Hà Nội của chúng tôi, Hà Nội luôn luôn ở trong cái thế chưa hình thành. Lúc nào cũng dang dở nhốn nháo tạm bợ, thì làm sao có thể nẩy nở nên một cuộc sống an lành.
Trước mắt tôi là hai công chức trẻ đi làm. Họ ăn mặc giống nhau. Kiểu đồng phục công sở. Sự bình thản của thành phố cũng là sự bình thản trên nét mặt họ.
Nhìn họ thấy trở lại một cảm giác chung: Đài Bắc thì giống như Sài Gòn, còn Đài Trung thì giống như Quy Nhơn, Đà Nẵng trước 1975, cố nhiên có được nâng lên một chút. Cũng những vùng đất không có quá khứ, và con người nghiêm cẩn và khắc khổ sống để bắt kịp xã hội hiện đại.
Người ta buổi sáng yên tâm đi làm vì đồng lương đủ nuôi sống gia đình, vợ ở nhà cơm nước, con cái đi học, mọi nhu cầu đều thoả mãn ở mức tàm tạm.
Còn chúng ta hôm nay? Đi làm “bằng một tai”, còn tai kia phải nghe ngóng, xem có chỗ nào buôn bán thêm được, chỗ nào cần gõ cửa để chạy dự án, để xin học cho con... Mọi chuyện cứ rối tung cả lên vì con người luôn luôn không yên tâm. Luôn luôn có những con đường có thể giàu nhanh hơn, sang nhanh hơn, dù đó là con đường bất chính, song bây giờ với chúng ta chính tà có đâu phân biệt nữa, nếu ta không biết lo cho mình, thì chỉ có thiệt.
+
Một trong những đặc sản của Đài Loan là tắm nước khoáng. Những dãy nhà tắm mộc mạc. Các phòng chờ ken gỗ đơn sơ. Thành bể chỉ trát xi măng chứ không phải các loại đá hoa trơn bóng. Hình như loại nhà nghỉ này đã có từ lâu đời, và dùng cho mọi người, chứ không phải mới nhập khẩu từ nước ngoài để trang trí cho cuộc sống đám dân nhà giàu như ở một số vùng bên ta.
Mấy người cùng đi với tôi, nhân việc nhà tắm quy định phải bỏ hết trang phục, mới kể là Hàn Quốc cũng có chuyện ấy. Nhiều người Việt Nam đến đó không chịu, lấy cớ không hiểu ngôn ngữ cứ mặc quần lội bừa xuống nước. Rút cục cái sự bừa đi ấy cũng xong. Hai kết luận trái ngược:
- Dân mình tài lắm! Sáng tạo lắm!
- Tài gì, sáng tạo gì? Chỉ giỏi ngông ngạo, cứ người ta làm một đằng thì mình làm một nẻo, rồi lại bảo Việt Nam chúng tôi quen thế rồi. Khôn ranh đến độ nhưng cứ làm bộ thật thà, có ông lại e thẹn nữa, mới dễ lừa người ta chứ!
+
Chiều cả xe ghé vào một cửa hàng ăn. Thứ bẩy mà cửa hàng vẫn vắng chỉ có một hai bàn hoạt động, đâu như là các gia đình đến ăn thường xuyên, chủ khách đã quen nhau.
Hỏi ra mới biết, ngay ở các quán thuộc loại bình dân, người ta ăn uống vẫn khá lặng lẽ (ít ra là so với dân đại lục mà tôi biết). Nhưng đúng là dân Tầu, họ đều ăn rất khoẻ. Ở những quán tự chọn, họ lấy về những bát thịt to tướng quẳng vào nồi lẩu, rồi loáng một cái là hết.
+
Làm sao khác được, tôi cứ phải luôn luôn nhớ tới VN để so sánh!
Gia đình có dặn bọn tôi đi Đài Loan thì tìm mua cho một loại thuốc. Về sau nhờ người hướng dẫn du lịch xem đơn mới biết loại thuốc đại lục này, Đài Bắc không có bán. Nhưng trước đó bọn tôi ngồi trên xe đi ngang dọc thành phố và lúc ra phố chơi mới nhận ra đường phố Đài Bắc chỉ nhiều cửa hàng tạp hoá, hàng ăn, còn hiệu thuốc rất ít.
Lại nhớ ở các đô thị Việt Nam bây giờ mua thuốc khá dễ, phố nào cũng có một hai cửa thuốc chất đầy tủ.
Quảng cáo trên T.V. của mình hàng ngày thì đến gần nửa (có người nói hơn nữa) là quảng cáo về thuốc.
Nghĩa là người mình đang ốm đang bệnh nhiều. Ra khỏi chiến tranh đã bệnh tật đầy mình, lại cách làm ăn tổ chức ra một đời sống ô nhiễm như hôm nay, hỏi sao không bệnh?
24-5
Nghe hướng dẫn viên kể, Đài Loan sớm có đường sắt xuyên Đài, rất hoàn hảo trong đó có cả đường cao tốc 300km/h. Đường bộ cũng như mạch máu ôm trùm cả đảo. Đến đại lục bọn tôi đã ngạc nhiên vì mạng lưới giao thông quá tuyệt vời. Nay Đài Loan cũng vậy. Hoá ra, truyền thống làm đường là của người Trung Hoa nói chung (Trong khi đó, một người bạn từng đi du lịch Ấn Độ nói rằng bên Ấn đường xá rất kém, ra khỏi New Delhi, chỉ có những con đường nhỏ đủ cho hai xe xuôi ngược tránh nhau như của Việt Nam. Chưa kể là có khi vài chú bò bĩnh ra cả trên đại lộ.)
Trên đường đến Đài Trung nghe kể dân đây có một phong tục lạ - người già Đài Loan gốc đến 90 % ăn trầu (con số có chính xác?). Các cửa hàng bán trầu nằm dọc các con đường nhánh, ở các thị trấn. Các cô bán hàng đều trẻ, ăn mặc đến mức tối thiểu, chỉ gồm có hai mảnh che thân.
Một kiểu đua đòi theo kiểu Tây phương chăng? Không phải!
Người hướng dẫn để thoả mãn sự tò mò của chúng tôi, đã cho xe đi chậm lại, gọi mua hàng để cô bán hàng xuất hiện và một vài người hiếu kỳ trên xe lén chụp ảnh về khoe với ở nhà .
Nhìn gần hơn thấy ăn mặc cởi mở vậy, nhưng các cô không son phấn gì hết, nét mặt lại hơi buồn buồn .
Từ 1998, lần đầu qua đại lục Trung quốc, tôi đã nhận ra điều này. Là so với Hà Nội, thì ở Quảng Châu, Thượng Hải… tỷ lệ phụ nữ tô vẽ mắt xanh môi đỏ ít hơn hẳn.
Đến Đài Loan, lối sống này càng đậm nét. Vào các trung tâm thương mại lớn bọn tôi gặp rất nhiều thanh niên mà giờ đây hay gọi là tuổi teen, nhưng không người nào có lối trang phục thách thức bất cần như bên mình. Cũng không thấy có những thanh niên cắm những cái loa nhỏ vào tai, chân rậm rịch vừa đi vừa nghe nhạc.
Không thấy những gian hàng bán các đồ hàng hiệu. Ngay một trong mấy trung tâm lớn ở châu Á, trung tâm thương mại “Mộng thời đại” ở Cao Hùng cũng chỉ bán đồ do Đài Loan sản xuất – người hướng dẫn nhấn mạnh. (Chợt nhớ chợ đêm ở Hà Nội, chỉ hàng Tầu là nhiều. Ta với họ đúng là như thế giới đảo ngược của nhau).
+
Một điều thú vị với người Việt khi đi du lịch nhiều nước châu Á là được mặc cả. Không chỉ có cái máy tính nhỏ làm công cụ mà tòan bộ nét mặt cử chỉ hành động của nhiều người cùng đi với tôi ở mọi tua tôi đã tham gia đều toát lên một niềm tự hào. Chúng ta đều là những kẻ lõi đời… Mua bán ở đâu chẳng là chuyện rền rứ lừa lọc… Ta sẽ làm cho dân những xứ giàu hơn ta biết rằng người Việt kiên trì như thế nào sành sỏi như thế nào và quan niệm của người Việt về hệ thống giá trị là linh hoạt đến như thế nào.
Nhưng đến Đài Loan thì cái ngón nghề đó không tìm được đất dụng võ . Ở chợ đêm Phùng Giáp Đài Trung, hoặc Lục Hợp Cao Hùng, có việc giảm giá, nhưng mặc cả đã đã rất khó khăn. Đến khi ra phố mua ở các tiệm tạp hóa nhỏ bình thường thì chỉ có chuyện bán đúng giá. “Giảm giá cho dân du lịch một chút!” “ Cửa hàng nào cũng vậy, chúng tôi không được phép làm khác.”
+
Đền Văn Vũ ở Đài Trung có một cách kết cấu rất lạ, mà tôi chưa gặp ở Trung quốc bao giờ: đem Khổng Tử và Quan Công đặt chung trong một ngôi đền.
Ngoài cửa, hai bên tả hữu, có ghi rõ, một bên là Trọng Võ, một bên là Sùng Văn. Tinh thần này được thể hiện trong kết cấu ngôi đền. Phần thờ Khổng Tử được đặt cao hơn, với bức hoành phi Vạn thế sự biểu, giống như ở Văn Miếu Hà Nội.
Nhưng phần thờ Quan Vân Trường mới thật hoành tráng và hấp dẫn.
Đến chùa Phật Quang Sơn. Bức tượng lớn 40 mét bằng vàng không quan trọng bằng toàn cảnh ngôi chùa. Tôi gặp ở đây không khí một thắng cảnh văn hoá Trung Hoa. Thật vậy, mặc dù thiếu vẻ cổ kính, chùa Phật Quang làm tôi nhớ tới, chẳng hạn, Linh Ẩn Tự ở Hàng Châu. Một tinh thần nghiêm trang của đạo Phật đang ngự trị. Trong lúc lo chụp ảnh, một người cùng đi trong đoàn đã từng qua cả Ấn Độ nhận xét:
- Anh xem, trên các phù điêu tượng Phật này, mặt người nào cũng quá đẹp, cũng thuần hậu mà thánh thiện .
Còn tôi, thì tôi yêu ngôi chùa này, ở hai khía cạnh khác.
Một là những hàng chữ đẹp, đẹp một cách sâu đằm mà phóng túng, tương tự như thứ văn hóa thư pháp có mặt ở Cố Cung, Di Hoà Viên, ở các danh thắng Hàng Châu, Tô Châu, đất Giang Nam hoa lệ .
Hai là cảnh những người đang học ở học viện Phật giáo này đi lại trong khuôn viên ngôi chùa. Họ như đang sống trong một thế giới khác. Cả những người ngồi làm “công việc hành chính” ở các bàn thờ nữa. Thường họ nói khẽ đủ cho người nghe. Thành kính thiêng liêng toát lên từ nét mặt cử chỉ của họ.
Thoáng có ý nghĩ, đây có lẽ là cả một quan niệm về tu hành. Còn ở Việt Nam hôm nay, hình như trong nhiều trường hợp, đi tu chỉ là nhận lấy vai trò môi giới chúng nhân với thần thánh. Tu hành giống như một công việc mà không phải là niềm tin, là lẽ sống. Có đúng thế không hay do sự quan sát và tiếp xúc còn hạn chế của bản thân, mà tôi có ấn tượng như vậy? Cuộc sống phàm tục xô đẩy khiến con người trở nên vô duyên với những gì cao khiết chân chính.
25-5
Trước khi đi, tôi đã lên mạng, đọc sơ qua các tài liệu trên đó viết về Đài Loan. Cả những ghi chép cá nhân của một số bạn trẻ. Và bây giờ mang ra hỏi người hướng dẫn. Hoá ra sai nhiều quá, nghe tôi nói mấy người ngớ ra rồi cười .
Có bạn trẻ viết là Đài Bắc có một cửa hàng bán sách mở của 24/24.
Có bạn lại chụp cái ảnh Cố Cung, khiến tôi tưởng ở Thành phố Cảng này có một Cố Cung làm phỏng theo nguyên bản ở Bắc Kinh.
Toàn chuyện giời ơi đất hỡi!
Theo chương trình hôm nay chúng tôi thăm “Dòng sông tình ái”, nhưng trong không khí oi ả của chiều hè, đoạn sông đào này chả có gì là mơ mộng.
May quá, người hướng dẫn cho chúng tôi đã tìm ra một địa điểm thay thế là ngôi nhà lãnh sự quán Anh lập từ thời nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII.
Nhớ lần qua Malacca, chỗ Malaysia giáp sang Singapore, cũng có một khu vực người ta xác định là dấu vết đầu tiên của người châu Âu trên mảnh đất xa xôi này.
Họ coi sự tiếp nhận với phương Tây đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử xã hội của họ.
Còn ở ta, ở Việt Nam, những chỗ ấy thường bị bỏ qua, thành hoang phế, hoặc để cho cái mới chồng lên cái cũ một cách bừa bãi.
+
Cũng như ở VN, bên ngoài các khu du lịch đại lục là hàng dãy các hàng bán đồ lưu niệm. Cả khu vực Phật Quang Sơn tôi không gặp. Khu vực Hồ Sen chỉ có một bà già ngồi lặng lẽ. Người ta trong lúc chờ đợi xúm quanh một ông già thổi kèn đồng. Trong tiếng kèn nghiệp dư, chất nhạc Đặng Lệ Quân vẫn toát lên gần gũi , đúng là cái vẻ trữ tình riêng thấy ở những bài ca thầm thì mà chúng tôi thường nghe trong đêm khuya.
Các đền miếu nơi đây chả đâu có hòm công đức. Hoặc là nếu bề ngoài hình như có thì nội dung khác hẳn. Trên đường vào đền Xuân Thu ở Cao Hùng, ở một quãng ngoặt cũng có đặt một cái hòm và có cả một bà già ngồi cạnh. Bà vui vẻ mời mọi người đặt vào vài đồng xu tiết kiệm nếu có, và để bù lại, bà đưa chúng tôi mấy tờ bưu ảnh. Còn ở một khu miếu gần đấy, anh bạn cùng đoàn ghé qua, thì sau khi đặt một khoản nho nhỏ tiền “công đức” như ta gọi, anh được nhận một cái vòng tràng hạt đeo tay, chắc là mua ngoài cũng khá đắt.
Tôi buộc phải dừng lại ở cái chi tiết này lặt vặt này vìkhông quên được cảm giác bên nhà. Vào nhiều đền chùa Việt Nam, những hòm công đức đặt trước chúng tôi như thầm vang lên những lời đe nạt:
- Có muốn yên lành tử tế, có muốn được trời phật phù hộ không? Liệu mà đóng góp vào đây đi!
Đằng này là một tinh thần hoàn toàn khác.
Đôi khi tôi muốn nói rằng trong nhiều trường hợp ở Hà Nội và các vùng chung quanh, nhiều người đã làm những công việc tôn giáo bằng một tinh thần phàm tục, bao gồm cả hợm hĩnh. Và tình thế xảy ra giống như một sự áp chế nhau. Tôi không tin đó là tinh thần hướng thượng chân chính.
26-5
Có một chi tiết tí nữa quên:
Hai bên đường cao tốc từ Đài Bắc qua Đài Trung tới Cao Hùng thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp những nghĩa trang. Lạ một điều là mộ ở Đài Loan thường chỉ xây rất thấp, hàng gạch viền quanh mộ độ 20cm, bia đặt đầu mộ chỉ nhỉnh cao hơn một chút độ 30-40cm gì đấy, dù là trên đó, vẫn đọc được những dòng chữ Hán viết theo lối cổ.
Cũng lạ không kém là vào một cửa hàng kim cương, loại mặt hàng dành cho những người giàu. Các cô nhân viên bán hàng mặc thuần một mầu đen, loại vải thô xoàng xĩnh. Phải nhận là ở chỗ này, phụ nữ Đài Loan thua xa những người cùng giới bán hàng ở các cửa hàng trên Tô Châu, Hàng Châu. Hình như ở nhiều nơi khác - kể cả Hà Nội - chúng ta đã chuyển qua một xã hội tiêu thụ, mà ở Đài Loan thì vẫn chưa, hoặc chẳng bao giờ đi theo hướng đó. Nhũn nhặn, chắc chắn, người dân nơi đây vẫn chỉ có lấy công việc làm vui, họ bằng lòng với cái nhịp sống mà người ngoài như chúng tôi coi là khắc khổ.
Một người trong tua du lịch xướng lên:
-- Cốt sao cho dân được sướng.
Tôi muốn cãi lại:
_- Côt sao cho dân làm việc thì lẽ tự nhiên là có tất cả kể cả sự sung sướng
Cảm tưởng về một sự thiết thực cần mẫn khắc khổ cũng trở lại với tôi khi ra sân bay Cao Hùng để trở về Hà Nội. Đọc các tài liệu hướng dẫn, đã thấy nói Đài Loan là điểm dừng thuận lợi của các chuyến bay từ Âu Mỹ sang châu Á, song các sân bay ở đây chỉ gợi cảm giác là tiện dụng, không có những khoảng không to lớn choáng ngợp, không có những mảng trang trí với đường nét độc đáo…mà tôi thấy, chẳng hạn ở Phố Đông Thượng Hải.
Nên nói thêm là trên đường tới các điểm tham quan trong mấy ngày vừa qua, chúng tôi ít gặp khách du lịch Âu Mỹ. Không có những đám Tây ba lô lợi dụng giá cả rẻ và một sinh hoạt buông thả đến tìm nơi hành lạc, Đài Loan hôm nay chủ yếu chỉ có khách từ đại lục ra. Hình như họ đến để hiểu rằng có một Trung Hoa khác họ, mà vẫn làm cho thế giới vì nể. Có thể nhận biết đám khách ở đại lục ra qua cái nhìn tò mò và một chút gì hơi thô trong cách nói năng đi lại của họ. Người ta bảo đông nhất là khách từ Quảng Đông, Phúc Kiến. Trông họ lập tức tôi liên tưởng tới các thím khách mà tôi thấy ở phố Hàng Buồm hồi trước 1954.
+
Tôi đã nói rằng đến Đài Loan để tìm hiểu thêm về văn hoá Trung Hoa ở một điểm mà nó như bị dồn ép, bị bứng từ nơi này qua nơi khác, như người ta bứng một bồn hoa, một chậu cảnh.
Khía cạnh bảo thủ rõ nhất thấy ở nơi đây, là vào các hiệu sách, thấy sách in ra chủ yếu vẫn theo lối in dọc từng cột chữ không phải theo lối in ngang đã phổ biến khắp nơi.
Đọc thư mục một cuốn sách, đáng lẽ ghi là in năm 1984, thì người ta lại đề là năm Dân quốc 73.
Đi sâu vào cách nói cách trình bày của sách vở, thấy vẫn nhiều từ ngữ, nhiều câu cú rộng ra là nhiều phương thức biểu hiện người ta thấy ở nước Trung Hoa thời Lỗ Tấn, chứ không phải Trung Hoa đại lục hôm nay.
Có một nhận xét bất chợt đến trong đầu tôi, Đài Loan giống như một phòng thí nghiệm ở đó có sự kết hợp giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá phương Tây, một sự kết hợp nhuần nhị, chắc chắn, bền vững… Nhưng thôi vấn đề lớn quá, tôi xin tạm dừng lại chờ khi khác nghĩ tiếp.