VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hy vọng đã thành thói quen


{Thực trạng khủng hoảng của nền giáo dục khiến các bậc cha mẹ phải xoay trở bằng nhiều kiểu cách.}

Xếp hàng đã được biết tới như một cách sống điển hình của người Hà Nội những năm chiến tranh. Bắt nguồn từ sự thiếu thốn thường trực, cuộc sống “xếp hàng cả ngày” rút cục tạo cho con người ta một cảm giác vô vọng, hành động kỳ cục không sao hiểu nổi.


Một người bạn tôi kể trong những năm ấy, nhiều lần cứ thấy có đám xếp hàng, dù đang đạp xe trên đường chị cũng lao vào chiếm chỗ giữa đám người ồn ào. Chỉ một, hai lần chị mua được thứ hàng ưng ý. Còn phần lớn là những cuộc xếp hàng vô ích. Nhưng bận sau thấy có đám đông người chị vẫn lăn xả vào.

Khủng hoảng giáo dục đến hồi kịch liệt

Đến lúc nào đó hình thành một thói quen, tôi thường nhớ tới nó khi theo dõi nhiều hoạt động xã hội hằng ngày, như các phong trào thi đua, các cuộc chạy theo mốt, các đám lễ hội, du lịch… và hôm nay là chuyện học sinh lao vào học hè.

Ở đây không khỏi có lỗi của những người biến giáo dục thành hoạt động kinh doanh, lợi dụng tâm lý quá lo lắng của cha mẹ với con cái để từ đó kiếm lời.

Nhưng để việc đó sang một bên, về phía chúng ta, tại sao chúng ta bảo nhau giơ đầu cho họ chém như vậy?

Tôi nghĩ đây chỉ là thêm một bằng chứng về sự khủng hoảng giáo dục đã đến hồi kịch liệt và hằn sâu vào lòng người, trở thành trạng thái tâm lý xã hội cố kết bền vững.

Nhiều người quanh tôi hôm nay hối thúc con cái ngày đêm đèn sách trong tâm lý tuyệt vọng. Trong thâm tâm thừa biết là sau khi nhận con cái ta vào học, nhà trường hiện nay chỉ cho ra những sản phẩm rất ít được việc cho xã hội. Thế nhưng làm sao bây giờ? Tìm đâu một chỗ học khác? Tiền đâu cho đi nước ngoài? Thôi thì chỉ đành thúc con cái học thêm, học nữa...

Cố gắng trong bế tắc

Theo tôi nhớ, khoảng cuối 2009 (?), một hãng tin nước ngoài từng có một cuộc phỏng vấn ở hàng loạt nước để xét xem người dân ở nước đó có bằng lòng với cuộc sống không. Và trái với dự đoán của họ, hóa ra ở ta dân tình nói chung vui vẻ, số người bằng lòng và tin tưởng ở cuộc sống lại cao hơn so với người dân nhiều nước khác.

Làm sao có thể sống không hy vọng được? Dường như đó là cái lý lẽ ngấm ngầm đứng đằng sau giải thích cho mọi nỗ lực.

Niềm hy vọng đã thành thói quen, hy vọng ở mọi việc hằng ngày và cả những lĩnh vực có quan hệ tới tương lai, như trong việc lo cho tương lai lớp trẻ, người ta càng không thể không hy vọng.

Nhà thơ Đức Bertold Brecht (1898-1956) có một bài thơ mang tên 1940, trong đó ông kể lại cuộc đối thoại giữa ông với người con trai. Con ông lần lượt hỏi có nên học toán không, nên học tiếng Pháp nữa không, cần học sử không. Trong bụng nhà thơ thừa hiểu học không là gì. Thế nhưng bản năng làm cha không cho phép ông nói hết sự vô nghĩa của đời sống với đứa con. Bất ngờ mà tự nhiên, cuối cùng bài thơ lại chốt bằng hai câu ngược hẳn với mạch đối thoại nói trên “Thế rồi tôi nói: Ừ con - Con học toán, học Pháp văn, học sử”.

Sau khi kêu lên rằng cách tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè hiện nay có xu thế biến mùa hè thành cả một thảm họa với lớp trẻ, một số bậc phụ huynh đang muốn đi tìm những phương thức sinh hoạt hè mới để làm cho đời sống của cả chúng ta lẫn lớp trẻ có tính nhân văn hơn. Ghi nhận của tôi lúc này là cả hai đều có thật, cả sự tất yếu của thảm họa lẫn tính chân chính của cái nguyện vọng muốn thay đổi, muốn vượt lên trên thảm họa.

phapluattp29/6/10

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم