Từ những đoạn văn bị bỏ quên của Xuân Diệu...
Là một hồn thơ tinh tế, biết ghi lại từng chút phân vân thấp thoáng trong lòng người, song Xuân Diệu cũng là một người lao động miệt mài, cả đời lo "mài sắt nên kim". Có một nguyên tắc chi phối cách sống làm việc của Xuân Diệu, nhiều người quen ông đã được chứng kiến - ấy là: đã viết ra cái gì, ông đều mong thu góp nó lại để từ những bài báo nhỏ gom thành sách.
Cũng bởi vậy, nên bản thân tôi không khỏi cảm thấy thú vị, khi thỉnh thoảng bắt gặp ở tác giả Thơ thơ cái hành động ngược chiều . Là tự tước bỏ những gì đã viết, tóm lại là một sự cố ý tự bỏ quên, có vẻ "không Xuân Diệu" chút nào hết. Sau đây là hai ví dụ:
Sau Đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam (7-1948), Xuân Diệu có viết một bài tường thuật rất hóm, điểm mặt đủ loại anh tài có mặt ở Việt Bắc lúc ấy: "ngành nhạc có Nguyễn Xuân Khoát (Con voi hay Thằng Bờm?)... "Đỗ Nhuận như bẻ cong được những song sắt". "Bạn Nguyễn Tuân cái đầu to tát". "Văn Cao vóc người không cao"…
Bài báo tuy ngắn song sinh động tới mức gần ba chục năm sau, năm 1977, Xuân Diệu còn lấy ra in lại vào tập Mài sắt nên kim. Và sau khi Xuân Diệu qua đời, bài viết lại được chọn in vào Tuyển tập Xuân Diệu, tập II. Có điều nếu so sánh bài in báo 1948 với bài lấy vào sách hồi sau, thì thấy có chút sai khác nho nhỏ: Trong bản gốc, đến phần các đại biểu thảo luận về tính dân tộc trong văn học, sau mấy câu "anh em đều đồng ý: nghệ thuật phải dân tộc hoá, nhưng đều nhận rằng: tính cách dân tộc không phải là cái khung chết, mà luôn luôn tiến hoá thay đổi", còn có một đoạn sau này Xuân Diệu bỏ đi.
Đoạn ấy có liên quan đến Phan Khôi:
“Nhân vấn đề dân tộc, cụ Phan Khôi lấy ca dao, dẫn chứng cho hai dân tộc tính Việt Nam: phản kháng và trào phúng. Giọng Quảng Nam rắn rỏi của cụ thêm ý vị cho những câu hát bình dân kỳ thú. Có mấy câu này, ít ai được nghe (có lẽ là tính đến thời điểm 1948 - V.T.N, chú), và tỏ tính cách hay sinh sự của vua quan:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên đến tận Thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”
Cũng trên Văn nghệ, trong mục Tiếng thơ đăng ở số Văn nghệ bộ đội (ra các tháng 4-5/1949), Xuân Diệu điểm qua những bài thơ hay viết về bộ đội cho đến lúc ấy: Bức tranh sinh hoạt (Minh Tiệp), Đội biệt động (Hồng Chương) Viếng bạn (Hoàng Lộc). Và đây là đoạn viết về Nhớ Tây tiến của Quang Dũng mà khi in vào tập Tiếng thơ (1951), Xuân Diệu tước đi, nên sau này ít người biết:
"Đến đây, tôi nói tới bài Nhớ Tây tiến của Quang Dũng. Bài thơ hơi buồn, có đoạn buồn lắm; tứ thơ không mới, có những câu văn hoa. Nhưng toàn bài rung rung như những giây đồng. Đọc lên trong miệng còn ngân âm nhạc. Cái cảnh miền Tây gian nan đặc biệt: bộ đội Tây tiến là một trong những bộ đội nhiều hy sinh. Đánh giặc đã đành, mà người với rừng núi còn tranh nhau ai thua ai được. Một bạn tôi lên thăm bộ đội qua thượng du Thanh Hoá, trên biên giới Lào Việt, kể rằng: "Núi giăng màn trùng điệp; một anh đội viên chỉ quãng chập chùng trước mặt, nói: - Một mình tôi phụ trách năm cây số núi”. Lên đến nguồn sông Mã, còn đâu là gần đồng bằng. Lúc mới đầu chưa quen thổ ngơi, nhiều chiến sĩ chết. Có lẽ cái rùng rợn buổi đầu ấp sâu vào tâm hồn tác giả. Những chiến sĩ lưa thưa giữa nghìn trùng rừng núi chắc cảm thấy mình "cheo leo chòi biên cương" cảm thấy mình lạc đời. Những anh con trai Hà Nội lên đến đây cạo trọc đầu, hay là sốt rụng cả tóc, người mặc áo chàm hay là mặt lây sắc lá, hay là ốm tái màu da; giặc sợ các anh như sợ hùm; nhưng các anh dù thế nào cũng nhớ Hà Nội cho được:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mầu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Bài thơ chỗ thì đẹp, chỗ thì ghê, man rợ rồi lại êm ái: đoạn sau cùng đầy những tiếng từ ly.(*) Những tên đất Sài Khao, Mường Lai, Pha Lương... ngân động. Đến cái tên Sầm Nưa thì câu thơ buồn mà hay quá: hồn đây là tâm hồn người sống nghĩ chuyện bên Lào:
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi. "
... tới vai trò "vào sổ" của báo chí
Nói cho đúng ra, những đoạn Xuân Diệu bỏ quên như trên là có cân nhắc. Khi ông làm sách, đời sống văn nghệ đang có những điểm gọi là “nhạy cảm”, đưa các đoạn ấy là "không có lợi". Phải rứt ruột mà bỏ đi những đoạn đã viết, ông có tiếc. Nhưng nhu cầu an toàn lại là cần hơn. Và Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu, như chúng ta biết.
Nhưng như thế không có nghĩa là Xuân Diệu chưa bao giờ viết ra hai đoạn văn trên. Ngược lại, tôi cho rằng trong những toàn tập tuyển tập Xuân Diệu làm hôm nay, hai đoạn văn trên lẽ ra phải được lấy lại đầy đủ, hoặc ít nhất cũng phải ghi vào phụ lục. Chẳng những mang những ý tưởng từng thực sự là của Xuân Diệu, chúng còn cho thấy sự vận động sự thích nghi của tác giả với hoàn cảnh.
Chính nhìn vào những đứa con đã bị từ bỏ , người ta càng hiểu thêm cái ông bố đã sinh ra chúng.
Mọi cái nhất thời đều có khả năng gia nhập vào cái vĩnh viễn.
Chẳng những thế, có thể xem đây chính là những ví dụ cho thấy một vai trò của báo chí mà người ta hay quên: vai trò lưu trữ.
Khi cầm trên tay tờ báo, nhiều người thường chỉ nghĩ thứ hàng tươi sống này sẽ nhanh chóng "bị vượt qua". Hôm nay tôi cầm số báo này, thì mai tôi cầm số khác. Và khi các số báo sau xuất hiện, nó sẽ làm cho số báo tôi đang cầm trên tay chả còn ý nghĩa gì nữa. Báo chí, ấy là một cái gì phù du, sớm nở tối tàn.
Cảm giác đó là đúng, có điều, không phải là phương diện duy nhất của báo chí. Trong khi phần chủ yếu trong số lượng in một tờ báo được mang bán lẻ - và sau khi đọc xong, người ta dùng làm giấy gói hoặc mang bán cân - thì một số nhỏ được dồn lại mang đóng thành những bộ sưu tập. Và từ nay, báo mới thật sống cái kiếp kỳ lạ của nó - những chứng nhân vĩnh cửu của lịch sử. Đó là một cách để đời sống vào sổ những việc mình đã làm. Một ý tưởng cũng như một sự việc đã một lần được ghi trong một cột báo nào đó, tức là đã tồn tại vĩnh viễn. Có thể bị vùi trong quên lãng, nhưng không bao giờ nó chịu mất hẳn.
Một “trường” thể nghiệm
Hoặc dưới hình thức sách in, hoặc dưới hình thức sách trên mạng, thời gian gần đây các nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã công bố các bộ sưu tập lớn, từ Tao đàn, Thanh Nghị, Tri Tân tới tạp chí Tiên Phong, tạp chí Văn Nghệ ra trong kháng chiến chống Pháp.
Nếu chịu khó phiêu lưu trong thế giới của các bộ sưu tập báo chí đó, người ta sẽ có thể làm được cái công việc rất khó khăn, là dựng lại bộ mặt lịch sử - lịch sử từng vấn đề cụ thể cũng như lịch sử nói chung.
Riêng đối với các sáng tác văn học, việc nghiên cứu các dạng tồn tại lần đầu của nó trên mặt báo rồi đối chiếu với bản cuối cùng, lại càng hứa hẹn nhiều thú vị. Nhiều khi ở đây có sự sai lệch, và tạo nên những dị bản mà sự so sánh chúng với nhau có thể khiến ta biết thêm nhiều điều thuộc về sự thay đổi của bản thân tác giả cũng như mối quan hệ giữa tác giả và hoàn cảnh.
Trước khi in sách các nhà văn các thời trước thường cho tác phẩm của mình xuất hiện trên một tờ báo, để giúp cho tác giả lắng nghe dư luận và có quãng lùi để khách quan đánh giá lại “ đứa con tinh thần “ của mình. Lúc này báo chí không chỉ có vai trò một thứ bà đỡ với văn học mà còn đóng vai một trường thể nghiệm( chữ “trường” ở đây không phải nhà trường, mà ý nói một không gian được mở ra để dành cho một công việc mới mẻ nào đó). Đó là một thứ phong tục tốt mà ngày nay có nhiều phần bị xao lãng.
(*) Cách nói “bài thơ viết về chiến tranh có một vẻ đẹp làm người ta ghê ghê , đẹp một cách man rợ…” là cách nói chỉ thịnh hành trước 1950, về sau không được phép dùng nữa. Từ ly là gì, chúng tôi sơ bộ tra một số từ điển cũ chưa thấy. Tạm đoán là từ giã và ly biệt, nhưng cũng thấy chưa thật ổn.
Bài đã đăng báo Văn nghệ 19-6-10, riêng chú thích (*)
chỉ mới đưa vào blog.
Là một hồn thơ tinh tế, biết ghi lại từng chút phân vân thấp thoáng trong lòng người, song Xuân Diệu cũng là một người lao động miệt mài, cả đời lo "mài sắt nên kim". Có một nguyên tắc chi phối cách sống làm việc của Xuân Diệu, nhiều người quen ông đã được chứng kiến - ấy là: đã viết ra cái gì, ông đều mong thu góp nó lại để từ những bài báo nhỏ gom thành sách.
Cũng bởi vậy, nên bản thân tôi không khỏi cảm thấy thú vị, khi thỉnh thoảng bắt gặp ở tác giả Thơ thơ cái hành động ngược chiều . Là tự tước bỏ những gì đã viết, tóm lại là một sự cố ý tự bỏ quên, có vẻ "không Xuân Diệu" chút nào hết. Sau đây là hai ví dụ:
Sau Đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam (7-1948), Xuân Diệu có viết một bài tường thuật rất hóm, điểm mặt đủ loại anh tài có mặt ở Việt Bắc lúc ấy: "ngành nhạc có Nguyễn Xuân Khoát (Con voi hay Thằng Bờm?)... "Đỗ Nhuận như bẻ cong được những song sắt". "Bạn Nguyễn Tuân cái đầu to tát". "Văn Cao vóc người không cao"…
Bài báo tuy ngắn song sinh động tới mức gần ba chục năm sau, năm 1977, Xuân Diệu còn lấy ra in lại vào tập Mài sắt nên kim. Và sau khi Xuân Diệu qua đời, bài viết lại được chọn in vào Tuyển tập Xuân Diệu, tập II. Có điều nếu so sánh bài in báo 1948 với bài lấy vào sách hồi sau, thì thấy có chút sai khác nho nhỏ: Trong bản gốc, đến phần các đại biểu thảo luận về tính dân tộc trong văn học, sau mấy câu "anh em đều đồng ý: nghệ thuật phải dân tộc hoá, nhưng đều nhận rằng: tính cách dân tộc không phải là cái khung chết, mà luôn luôn tiến hoá thay đổi", còn có một đoạn sau này Xuân Diệu bỏ đi.
Đoạn ấy có liên quan đến Phan Khôi:
“Nhân vấn đề dân tộc, cụ Phan Khôi lấy ca dao, dẫn chứng cho hai dân tộc tính Việt Nam: phản kháng và trào phúng. Giọng Quảng Nam rắn rỏi của cụ thêm ý vị cho những câu hát bình dân kỳ thú. Có mấy câu này, ít ai được nghe (có lẽ là tính đến thời điểm 1948 - V.T.N, chú), và tỏ tính cách hay sinh sự của vua quan:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên đến tận Thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”
Cũng trên Văn nghệ, trong mục Tiếng thơ đăng ở số Văn nghệ bộ đội (ra các tháng 4-5/1949), Xuân Diệu điểm qua những bài thơ hay viết về bộ đội cho đến lúc ấy: Bức tranh sinh hoạt (Minh Tiệp), Đội biệt động (Hồng Chương) Viếng bạn (Hoàng Lộc). Và đây là đoạn viết về Nhớ Tây tiến của Quang Dũng mà khi in vào tập Tiếng thơ (1951), Xuân Diệu tước đi, nên sau này ít người biết:
"Đến đây, tôi nói tới bài Nhớ Tây tiến của Quang Dũng. Bài thơ hơi buồn, có đoạn buồn lắm; tứ thơ không mới, có những câu văn hoa. Nhưng toàn bài rung rung như những giây đồng. Đọc lên trong miệng còn ngân âm nhạc. Cái cảnh miền Tây gian nan đặc biệt: bộ đội Tây tiến là một trong những bộ đội nhiều hy sinh. Đánh giặc đã đành, mà người với rừng núi còn tranh nhau ai thua ai được. Một bạn tôi lên thăm bộ đội qua thượng du Thanh Hoá, trên biên giới Lào Việt, kể rằng: "Núi giăng màn trùng điệp; một anh đội viên chỉ quãng chập chùng trước mặt, nói: - Một mình tôi phụ trách năm cây số núi”. Lên đến nguồn sông Mã, còn đâu là gần đồng bằng. Lúc mới đầu chưa quen thổ ngơi, nhiều chiến sĩ chết. Có lẽ cái rùng rợn buổi đầu ấp sâu vào tâm hồn tác giả. Những chiến sĩ lưa thưa giữa nghìn trùng rừng núi chắc cảm thấy mình "cheo leo chòi biên cương" cảm thấy mình lạc đời. Những anh con trai Hà Nội lên đến đây cạo trọc đầu, hay là sốt rụng cả tóc, người mặc áo chàm hay là mặt lây sắc lá, hay là ốm tái màu da; giặc sợ các anh như sợ hùm; nhưng các anh dù thế nào cũng nhớ Hà Nội cho được:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mầu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Bài thơ chỗ thì đẹp, chỗ thì ghê, man rợ rồi lại êm ái: đoạn sau cùng đầy những tiếng từ ly.(*) Những tên đất Sài Khao, Mường Lai, Pha Lương... ngân động. Đến cái tên Sầm Nưa thì câu thơ buồn mà hay quá: hồn đây là tâm hồn người sống nghĩ chuyện bên Lào:
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi. "
... tới vai trò "vào sổ" của báo chí
Nói cho đúng ra, những đoạn Xuân Diệu bỏ quên như trên là có cân nhắc. Khi ông làm sách, đời sống văn nghệ đang có những điểm gọi là “nhạy cảm”, đưa các đoạn ấy là "không có lợi". Phải rứt ruột mà bỏ đi những đoạn đã viết, ông có tiếc. Nhưng nhu cầu an toàn lại là cần hơn. Và Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu, như chúng ta biết.
Nhưng như thế không có nghĩa là Xuân Diệu chưa bao giờ viết ra hai đoạn văn trên. Ngược lại, tôi cho rằng trong những toàn tập tuyển tập Xuân Diệu làm hôm nay, hai đoạn văn trên lẽ ra phải được lấy lại đầy đủ, hoặc ít nhất cũng phải ghi vào phụ lục. Chẳng những mang những ý tưởng từng thực sự là của Xuân Diệu, chúng còn cho thấy sự vận động sự thích nghi của tác giả với hoàn cảnh.
Chính nhìn vào những đứa con đã bị từ bỏ , người ta càng hiểu thêm cái ông bố đã sinh ra chúng.
Mọi cái nhất thời đều có khả năng gia nhập vào cái vĩnh viễn.
Chẳng những thế, có thể xem đây chính là những ví dụ cho thấy một vai trò của báo chí mà người ta hay quên: vai trò lưu trữ.
Khi cầm trên tay tờ báo, nhiều người thường chỉ nghĩ thứ hàng tươi sống này sẽ nhanh chóng "bị vượt qua". Hôm nay tôi cầm số báo này, thì mai tôi cầm số khác. Và khi các số báo sau xuất hiện, nó sẽ làm cho số báo tôi đang cầm trên tay chả còn ý nghĩa gì nữa. Báo chí, ấy là một cái gì phù du, sớm nở tối tàn.
Cảm giác đó là đúng, có điều, không phải là phương diện duy nhất của báo chí. Trong khi phần chủ yếu trong số lượng in một tờ báo được mang bán lẻ - và sau khi đọc xong, người ta dùng làm giấy gói hoặc mang bán cân - thì một số nhỏ được dồn lại mang đóng thành những bộ sưu tập. Và từ nay, báo mới thật sống cái kiếp kỳ lạ của nó - những chứng nhân vĩnh cửu của lịch sử. Đó là một cách để đời sống vào sổ những việc mình đã làm. Một ý tưởng cũng như một sự việc đã một lần được ghi trong một cột báo nào đó, tức là đã tồn tại vĩnh viễn. Có thể bị vùi trong quên lãng, nhưng không bao giờ nó chịu mất hẳn.
Một “trường” thể nghiệm
Hoặc dưới hình thức sách in, hoặc dưới hình thức sách trên mạng, thời gian gần đây các nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã công bố các bộ sưu tập lớn, từ Tao đàn, Thanh Nghị, Tri Tân tới tạp chí Tiên Phong, tạp chí Văn Nghệ ra trong kháng chiến chống Pháp.
Nếu chịu khó phiêu lưu trong thế giới của các bộ sưu tập báo chí đó, người ta sẽ có thể làm được cái công việc rất khó khăn, là dựng lại bộ mặt lịch sử - lịch sử từng vấn đề cụ thể cũng như lịch sử nói chung.
Riêng đối với các sáng tác văn học, việc nghiên cứu các dạng tồn tại lần đầu của nó trên mặt báo rồi đối chiếu với bản cuối cùng, lại càng hứa hẹn nhiều thú vị. Nhiều khi ở đây có sự sai lệch, và tạo nên những dị bản mà sự so sánh chúng với nhau có thể khiến ta biết thêm nhiều điều thuộc về sự thay đổi của bản thân tác giả cũng như mối quan hệ giữa tác giả và hoàn cảnh.
Trước khi in sách các nhà văn các thời trước thường cho tác phẩm của mình xuất hiện trên một tờ báo, để giúp cho tác giả lắng nghe dư luận và có quãng lùi để khách quan đánh giá lại “ đứa con tinh thần “ của mình. Lúc này báo chí không chỉ có vai trò một thứ bà đỡ với văn học mà còn đóng vai một trường thể nghiệm( chữ “trường” ở đây không phải nhà trường, mà ý nói một không gian được mở ra để dành cho một công việc mới mẻ nào đó). Đó là một thứ phong tục tốt mà ngày nay có nhiều phần bị xao lãng.
(*) Cách nói “bài thơ viết về chiến tranh có một vẻ đẹp làm người ta ghê ghê , đẹp một cách man rợ…” là cách nói chỉ thịnh hành trước 1950, về sau không được phép dùng nữa. Từ ly là gì, chúng tôi sơ bộ tra một số từ điển cũ chưa thấy. Tạm đoán là từ giã và ly biệt, nhưng cũng thấy chưa thật ổn.
Bài đã đăng báo Văn nghệ 19-6-10, riêng chú thích (*)
chỉ mới đưa vào blog.