VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hòa hợp hòa giải trong lịch sử

Tìm lại dấu người xưa để hiểu thêm bài học về đối xử với người cùng một nước
Khi giặc ngoại xâm tới, xã hội Việt Nam thời Trần có phân hóa, và không thiếu người cộng tác với kẻ thù hoặc buộc phải sống trong vùng chúng kiểm soát. Đánh giặc xong, đối xử với họ thế nào bây giờ?
Trong số các việc quan trọng trong năm 1289-- là năm đầu tiên sau ba lần đánh thắng quân Nguyên -- sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi bên cạnh việc định công, là việc trị tội những kẻ hàng giặc. Trần Ích Tắc, "thuộc chỗ tình thân cốt nhục", hoặc Đặng Long, "cận thần của vua", một người rất giỏi văn chương thời bấy giờ, cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên có một việc đáng lưu ý được ghi như sau :
"Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng Hoàng [Trần Thánh Tông] sai đốt hết để yên lòng những kẻ phản trắc." (1)
Việc này cũng có ghi trong Khâm địnhViệt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng. (2)
Quân Nguyên chỉ vào Thăng Long ít ngày.
Quân Minh chiếm nước ta hơn chục năm, đã tổ chức nên cả một xã hội khá ổn định.
Quá trình đánh chiếm các căn cứ của giặc kéo dài nhiều ngày nhiều tháng với rất nhiều công việc, kể cả cái việc mà nói như chúng ta ngày nay là giải quyết hậu quả. Cụ thể là đánh đến đâu, phải lo chuyện hàng binh đến đấy.
Khâm địnhViệt sử thông giám cương mục ghi tình hình giữa năm Đinh Mùi 1427: "Bấy giờ những người đã đầu hàng ở các thành cả nam lẫn nữ gồm hơn 6000 người. Vương sai các lộ Thiên Trường Kiến Xương Lý Nhân và Tân Hưng thu lấy mà nuôi dưỡng, đừng để cho họ long đong không yên chỗ.
Đặt rõ thể lệ chuộc tội bằng tiền cho vợ con và gia quyến của ngụy quan. Các người trong gia quyến và các nô tì của các ngụy quan từ bố chính sứ ti xuống đến sinh viên đều được chuộc tiền có tầng bậc khác nhau." (3)
Chẳng những chăm lo hàng binh, nếu có thể, còn cần lôi cuốn họ tham gia chiến đấu. Đó là chủ trương bắt nguồn từ cấp cao nhất. Trước khi đánh Đông Quan, đã đánh Thị Cầu. Sau khi Thị Cầu đầu hàng, tháng 3, ngày 19, Vua ra lệnh: "Người trong nước ai có vợ con hoặc anh em đã bị quân giặc ở các thành cướp bắt làm vợ, làm thiếp hoặc làm tôi tớ nay chúng đã ra hàng, nếu chủ nhân có thể cùng tham gia đánh vào thành Đông Quan, chém được hoặc bắt được giặc, sẽ cho tra hỏi tìm người thân thích của họ giao cho lĩnh về, và người có chiến công vẫn được thưởng cấp bậc, tùy theo từng hạng."
Đoạn này tôi lấy ở Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. (4)
Đánh xong giặc, Lê Lợi lên ngôi 1428, thì ngay năm đó và năm sau 1429 cũng có mấy lệnh chỉ liên quan đến những người từng làm việc với ngoại bang.
1/ Tháng 4 nhuận (năm Mậu Thân 1428– Thuận Thiên năm thứ nhất -- VTN chú ) ra lệnh chỉ rằng: những quân dân bị bắt vào bốn thành Tây Đô Đông Kinh Cổ Lộng Chí Linh đã được bổ vào các quân phụ vào quân Thiết đột mà có ruộng đất nhà cửa tịch thu thì được trả lại.
2/ Ngày 30 [theo văn mạch, đây là mùa hạ, tháng 4 Kỷ Dậu 1429, Thuận Thiên năm thứ 2-- VTN chú], ra lệnh chỉ rằng những ngụy quan trước đã có lệnh tha tội và cho chuộc mệnh thì cho miễn cả ruộng đất( không phải sung công).
Cả hai đoạn này có ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. (5)
Một việc lớn sau chiến tranh là chuyện chiêu mộ hiền tài. Nhiều sách sử đã ghi chuyện này. Riêng ở Việt Sử cương mục tiết yếu có thêm chi tiết liên quan tới ngụy quan chúng tôi cho in đậm thêm như sau: "Xuống chiếu tiến cử nhân tài còn bỏ sót. Có lệnh rằng: Hào kiệt trong thiên hạ có thể còn bị bỏ sót hoặc chìm đắm không có ai tiến cử, không kể là ngụy quan hoặc dân thường, đều đến chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh [ tự tiến]. (6)
***
Ở đây, tôi thử tìm lại một số tài liệu lịch sử để thấy trong quá khứ, vấn đề đã được ông cha ta giải quyết thấu tình đạt lý, ngườì nay không thể không biết.
Sử học VN sau 1945 tập trung vào nông dân khởi nghĩa và các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm nên không khỏi có phần làm nghèo lịch sử dân tộc. Song nhu cầu trước 1975 chỉ cần có vậy, nên có thể châm chước.
Song đọc kỹ thì thấy ngay là các bộ sử cổ còn ghi nhiều sự kiện và để lại nhiều bài học quý, từ việc giải quyết tình hình hậu chiến, tới các việc lớn - nói như ngôn ngữ ngày nay - là xây dựng kinh tế phát triển giáo dục .

Đáng lẽ phải tiếp tục tìm về quá khứ với các vấn đề phong phú của nó, từ đó rút ra bài học cần thiết thì chúng ta lại không làm.
Cố nhiên trở lại với lịch sử chỉ là bước đầu. Trên cơ sở các sự kiện xưa và nay, công việc cấp thiết còn là giải thích được tại sao người xưa hành động vậy còn ngày nay chúng ta lại hành động vậy.
Nhà ngoại giao Vũ Văn Sung trong bài trả lời phỏng vấn trên mạng VietnamNet 26-4-2010 đã nói chiến tranh càng kéo dài và ác liệt thì việc hòa hợp hòa giải càng khó khăn. Đó mới là một, thực ra đi sâu vào tư liệu có thể thấy còn nhiều lý do khác. Vì công việc hậu chiến quá ngổn ngang, con người chưa tìm ngay được một cách xử lý quá khứ khôn ngoan nhất. Vì cách nghĩ hẹp hòi. Vì bị tình cảm bức xúc chi phối… Tất cả những lý do này cần được trao đổi rộng rãi để tham khảo.
Giúp cho hậu thế hiểu rõ thêm về cái thời chúng ta đang sống không chỉ là trách nhiệm của giới sử học vốn rất mỏng mảnh yếu ớt hiện nay, mà đúng ra là của mọi người.
Ghi chú
(1) ĐVSKTT bản in của Nxb Khoa học xã hội H. 1985,2 tập, tập II, tr.63
(2) KĐVSTGCM 2 tập, tập I, Nxb Giáo dục H. 1998 tr. 541
VSCMTY Nxb Khoa học xã hội H.2000, tr. 188
(3) KĐVSTGCM sđd, tr 815 . Ở đoạn chú giải có ghi rõ thêm Thể lệ chuộc tội bằng tiền bao gồm vợ con gia quyến của bố chính sứ ti: 70 quan; vợ con gia quyến của sinh viên hoặc thổ quan: 10 quan; còn các nô tì cả trai lẫn gái: 5 quan
(4) Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, ĐVTS, bản của Nxb Khoa học xã hội 1978, tr 59
(5) như ở chú thích (1) các tr. 295, 301
(6) VSCMTY sđd, tr 301
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà phê bình và nghiên cứu văn học đang sống tại Hà Nội.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم