VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thơ tình và con người riêng tư trong thơ Xuân Diệu sau 1945

                                                   
 Những  thích ứng với hoàn cảnh đã làm nên  sự  thay đổi lớn lao trong số phận một nhà thơ. Với Cách mạng và kháng chiến,  một Xuân Diệu  từng mang tiếng là quá Tây không chỉ trở  thành một nhà thơ công dân sôi nổi mà còn một nhà thơ tình có một cảm quan rất thực tế, luôn luôn biết chăm sóc đến những cái nho nhỏ bình thường trong đời sống, đồng thời lại  tự mở rộng trong việc  ghi lại những xúc cảm đa dạng ở con người.
        
       Chữ bình thường vốn có thể hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Thời tiền chiến, bình thường ở Xuân Diệu có hàm ý thiên về cuộc sống trần trần mà ai cũng thấy  hàng ngày. Ông đã có dịp bộc lộ điều này qua những lời chê trách Hàn Mặc Tử. Với ông, thơ Hàn  nhiều khi  như tiếng nói của kẻ trần truồng đi ngoài phố, đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, miệng kêu tôi điên đây, tôi điên đây. Ông cho Hàn là quá đáng. Và là những gì gì nữa không thể hiểu được. Dưới cái bề ngoài  giống như một bà già lắm lời khó tính, ở đây ( cũng như nhiều lần về sau ) Xuân Diệu đã nói thực. Ông không chịu được những gì siêu việt  tức vượt lên thông thường, hư vô, xa lạ.
      Thơ tình Xuân Diệu hồi ấy đã mang dáng dấp  phàm trần. Thế nhưng người ta lại phải nói ngay rằng nó có chút  gì đó cao sang, nuột nà, quý phái. Còn thơ từ sau 1945 có một cốt cách khác. Nó bình thường với nghĩa mộc mạc giản dị như thứ quà của người nghèo.
     Nhà thơ lắng nghe lòng mình và ghi lại  đủ thứ  rung động   mà người  khác có thể cho là lặt vặt. Một lần đèo người  yêu  trên xe đạp “ Em ngồi ríu rít ở sau  xe Em nói lòng anh mải lắng nghe Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm -- Đời vui khi được có em kề.” Một lần nghe mưa,  nhớ tới người yêu đang xa cách,  tự hỏi không biết giờ này em đang làm gì, để  rồi thầm nhủ   “ Thôi em nghỉ việc khuya rồi--Chăn mưa em đắp cùng trời với anh “.  Nhìn áo mà nhớ người, cái mô-típ ca dao ấy  được một nhà thơ thời nay nhắc lại, sao có gì tội tội  “ Áo nhìn anh lại thương em – Hiểu vì vất vả cho nên vai gầy “.  Ngay  những  lần đón nhau sau xa cách, người ta vẫn giữ được cái chừng mực phải chăng, biết  hoà tình cảm riêng của mình vào đời sống cộng đồng : “ Anh  là quê hương của em, em trở lại nhà -- Em là quê hương của anh,  anh mừng đi đón “.       
         Đó là tâm tình ngự trị ở  những con người của một thời đại  quá vất vả do đó dễ sinh  ra khắc kỷ. Thuở ấy, người ta luôn luôn phải tự nhủ rằng mình không có quyền lo cho cá nhân, không có quyền đòi hỏi, nay không phải lúc hưởng thụ.  Sự tự nguyện sống cái đời sống hàng ngày với bao nhiêu lo toan chắt chiu nhặt nhạnh, làm thay đổi cả những cảm quan con người bình thường. Ai cũng biết rằng thịt bổ lắm nhưng không có thịt thôi thì hãy khen rau là ngon ; và bởi  vì đã từng có phen bị đói nữa không có cả rau mà ăn, nên cái điều  kêu  rau ngon  vẫn chính là lời nói  thật.
      Nam Chi Đặng Tiến từng có sự ví von xác  đáng về Xuân Diệu giữa hai thời kỳ : “  Xuân Diệu đã  cướp một mâm tiệc Bồng Lai đem về làm một bữa cơm trần thế  cho những người ăn vì cần ăn, chứ không phải ăn cho vui miệng. Thơ Xuân Diệu ngày xưa là áo gấm,  thơ Xuân Diệu ngày nay là manh áo nâu sứt chỉ đường tà.”
       Cái điều đúng cho thơ Xuân Diệu nói chung đó càng đúng với thơ tình  nói riêng.
       Trong cái vẻ bình dân cơm bụi, nhiều bài  thơ  tình Xuân Diệu thời gian sau 1945 đơn sơ mộc mạc trong cách cảm cách nói. Khi xuất thần, nó có vẻ đẹp của ca dao hoặc thơ cổ điển, tưởng không thuộc về thời gian nào, tuy rằng nhìn kỹ thì lại vẫn mang dấu ấn của tư duy nghệ thuật hiện đại.
       Đây là hai  câu thơ mở đầu bài thơ Nguyện nói về những ước ao nho nhỏ : Nguyện miếng ngon đừng vắng bóng em – Nguyện cảnh đẹp có êm bên cạnh.
       Những câu thơ  như thế chỉ có thể  có ở một nhà thơ Việt Nam, mà cũng chỉ có thể có ở Xuân Diệu. Bởi  đọc lại người ta không khỏi nhận  ra cái điều nằm sâu mãi dưới đáy lòng bao nhiêu người Việt và từng được những Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,  Nam Cao diễn tả theo nhiều cách khác nhau : miếng ăn ám ảnh con người ; miếng ăn là chuyện tình nghĩa. Xuân Diệu cũng vậy, mặc dầu là một nhà thơ, nhưng ông luôn  xem trọng chuyện  đời thường chuyện  thực tế. Ai đã có dịp gần  nhà thơ đều biết, tác giả Thơ thơ hàng ngày rất hay nói về chuyện ăn  uống. Trong lúc người khác chỉ nói điều ấy ở chỗ riêng tư thì Xuân Diệu viết thẳng nó lên mặt giấy. Nguyện miếng ngon đừng vắng bóng em … Người đời sau có thể xem thường cái vẻ chân thành cổ cổ của người viết. Thế nhưng cả đến ngày hôm nay nưã, chỉ những người đã có tiếp xúc nhiều với phương Tây và dám nói lên ý nghĩ của mình một cách trực tiếp  nhất,  mới có thể viết những câu như vậy.
      Trong văn nghiệp của Xuân Diệu có một bộ phận là thơ dịch.Thế hệ những người yêu thơ những năm chống Mỹ hẳn nhớ hồi  ấy có một dọng thơ bạn bè xa lạ song lại hết sức thân thiết, nhờ Xuân Diệu  mà  trở nên thân thiết,  đó là thơ Blaga Dmitrova. Lạ một điều nếu  khi sáng tác và trong việc nhìn nhận đánh giá sáng tác trong nước, Xuân Diệu rất kỵ thơ không vần thì khi dịch Dmitrova, ông lại sử dụng thứ thơ không vần này một cách tinh tế. Thơ dịch  bộc lộ một phía khác trong con người nghệ thuật ở Xuân Diệu : ông phục  thiện, ông tìm ra  hình thức để thích ứng với  nội dung,  và ông dám có những thể nghiệm. Hơn thế nữa, có thể nói thơ dịch  là nơi ông gửi gấm tâm sự cũng tức là nơi ông nói thông qua người khác.
        Trở lại với  thơ tình Xuân Diệu  và thử so sánh  với những bài thơ tình chính Xuân Diệu  đã dịch.
       Một điều dễ thấy : người thi sĩ Việt Nam  vẫn có cái  cách biểu  hiện tình cảm riêng của người Việt.  Thơ  nhà thơ Pháp  Paul  Eluard : Anh bước tới em  anh bước mãi mãi về ánh sáng --  Đời có thịt xương hạnh phúc đã căng buồm  --Ánh sáng tràn trề những mộng và đêm --Hẹn với rạng đông những cái nhìn tin cậy. Hoặc thơ nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet : Khi đạt tới em  anh mới biết em là nơi không đạt tới bao giờ. Ngay trong thơ tình, họ vẫn có xu hướng triết lý. So với họ, thì thơ Xuân Diệu  cũng như các nhà thơ Việt Nam  đời thường và thiết thực hơn nhiều.
     Nhưng đấy là xét đại thể.  Sự tiếp nhận phương Tây vẫn ngấm dần dần,  con người  tự mình khác đi mà  không hay biết.  Trong số những bài thơ dịch, có bài sau đây ít người để ý, nhưng theo tôi mang rõ chất Xuân Diệu :
                                     
                                            THƠ NGỢI  NÀNG   ĐI- TÔ
                                                                                                      RENE DEPESTRE
Những ngày mai của anh hiện trên mặt em
Như  gân lá trên lá cây- ăn -bánh
Miệng em khi cười như chạm trong lửa thắm 
Vẻ  dịu dàng ánh lên trong đôi mắt em
Như  giọt nước long lanh trên tấm cừu sinh động mượt êm  
Sóng gợn reo say trên làn thân thể 
Và  lòng anh yêu da thịt của em 
Như  tiếng chuông ngân  đổ hồi ròn rã 
Đổ liên hồi trong máu khiến say thêm  
Anh như  những dòng sông bỏ dòng chảy cũ 
Để chảy vào lòng cát sắc em xinh
Anh như  những đàn én bay về tổ 
Năm  năm về tìm trời của em xanh
Mùa lại mùa anh vững bền vẫn ở 
Trong mùa xuân bất tận những mơn trớn  ân tình  
Anh ở trên đất này  đặng mà vĩnh viễn 
Được lở và bồi trong sóng mạnh của em
Em ái ân hồi anh lại mỗi đêm
Như  một trái tim lại hồi nhịp  đập
  Đời anh, hỡi nàng tiên rượu bồ  đào trong mắt 
Đời anh hỡi niềm  say mía ngọt mê li
Đời em tạo đời anh như một ngọn lửa gỗ cháy diệu kỳ 
Ngọn lửa in lên chân trời vô biên của nhân loại 
     Nên nhớ không gian đây là Hà Nội và thời gian là khoảng những năm sáu mươi. Hồi ấy không ai tưởng tượng được  có lúc thơ văn tiếng Việt lại đi vào diễn tả những cách nghĩ kiểu Vi Thuỳ Linh hay Đỗ Hoàng Diệu bây giờ. Bởi thế việc một bài thơ như Thơ ngợi nàng Đi-tô  thế này  được dịch ra đã là bạo lắm. Khoảng 1986-1988, khi cùng ở Moskva, nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương lớn lên ở miền nam trước 1975 tỏ ra rất thích thú khi  nghe tôi đọc bài này. Anh vốn không nghĩ Xuân Diệu lại viết ra dưới hình thức dịch một bài thơ có nhiều cảm giác về xác thịt như thế. Huỳnh Như Phương phải nhờ tôi chép lại hộ, vì Thơ ngợi nàng Đi - tô  in ra trong tập thơ Những nhà thơ da đen, và sau này không mấy khi  được nhắc tới.
     Cần phải nhắc lại Thơ ngợi nàng  Đi-tô, vì ở sáng tác Xuân Diệu cũng có những bài mà người ta thấy có bóng dáng  của nó. Trong bài Phượng mười năm đã có hai câu thơ hôi hổi  nồng nàn “ Ta cùng mình như cành cây riết quấn – Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời “. Còn đây là bài Đổi trao:
Đêm qua mới thật là đêm
Tình như  biển cả nghĩa thêm sông dài 
Đôi ta hoá một con người
Bốn trời con mắt một nơi tâm hồn. 
Hai ta đã đổi trao hồn 
  Đổi trao thân vẫn hãy còn  đổi trao
Những gì  đẹp nhất thanh cao
Chứa chan bốn mắt nghẹn ngào bờ  tim  
Tìm nhau mãi giữa bầu đêm
Ngôi sao anh với sao em mỉm cười
  Đổi trao ánh mắt qua trời 
  Đôi bông hoa đỏ giữa vời vô  biên  
     Chỗ mới trong chất liệu thơ thì quá rõ, theo chỗ tôi nhớ  xưa nay chưa có bài  nào của Xuân Diệu nói chuyện chung chạ  “  đôi ta hoá một con người “ rõ như bài này  ( kể cả thơ tình trước 1945 ). Có điều có vẻ như  chỉ sau mấy câu ấy, tác giả đã hoảng, phải  có bốn câu cuối làm nhoè đi, đánh trống lảng. Mà lúc đã phải đối phó như thế thì  chữ nghĩa sáo mòn cổ lỗ không ai không thấy.
     Có thể nói tâm thế tác giả là vừa cũ vừa mới, ông đã đón nhận của thế giới nhiều thứ nhưng rồi lại vẫn bám chắc trên mảnh đất Việt Nam.
     Hồi Thơ thơ, chữ em trong thơ Xuân Diệu chỉ để dành cho những người mà nhà thơ yêu. Cô gái bị gián cách bởi một khoảng không mà chàng trai không bao giờ vượt nổi. Từ sau 1945, chữ em này đổi nghĩa, người con gái  có vai mới: vai người vợ, người ấy ở ngay đây, hai người chung sống hàng ngày. Anh thương em khi ngủ,  Anh đợi  em về ăn cơm, Đi đâu anh cũng nhớ em, Đánh đau em  --  ngay tên một số bài thơ đã nói lên điều đó. Nhưng rồi người ấy chỉ ở với với Xuân Diệu trong một thời gian ngắn. Cuộc chia tay đã tới, xót xa cho cả hai bên.  Xuân Diệu đã làm một số bài thơ ghi lại nỗi đau đớn của mình trong giờ phút chia tay. Bài Chầm chậm đừng quên... sau khi nhắc lại những kỷ niệm cũ, chốt lại ở cái ý: tình yêu như sợi dây trói đã dính vào da thịt cả hai, nay dứt ra, trong sợi dây có dính cả máu và nước mắt.
     Muôn sợi ngàn dây đã thắt nhau
     Em ơi chầm chậm tháo gì mau
     Tháo dây, rứt cả vào da thịt
     Anh biết bao giờ mới hết  đau 
     Dây buộc đôi ta lại với  đời
     Gỡ  dây, gỡ cả cuộc  đời thôi
     - Chớ quên hoa duối, hoa sim dại
     Em hỡi! Đừng quên hoa anh ơi
 Biết tạc đâu ra em của anh có những đoạn trong đó người làm thơ như chết lặng đi trước cuộc vĩnh biệt sắp sửa:
     Anh lấy thịt xương đâu chứa  đầy mộng ước
     Anh lấy gì biến hoá để thành em?
     Anh bóp vụn ngày, anh xé nát  đêm
     Anh vá víu những người trên trái  đất
     Người ta có thể vô cùng xinh đẹp
     Có  thể thông minh, có thể  rạng ngời
     Có  thể yêu anh đi nữa - em ơi
         Anh không thể kiếm tìm em đâu cả!
   Với thơ tình vậy là thơ Xuân Diệu giàu thêm bao sắc thái tình cảm mới, mà phần thơ công dân không có. Ở đó có những phút rợn ngợp, có tiếng nức nở, có sự thất vọng. Ở  đó lại có cả  nỗi sợ, dù chỉ một nỗi sợ nho nhỏ làm người ta tê tái : Anh có nhà có cửa – Nhưng không vợ không con – Sợ cái bếp không lửa-- Sợ cái cửa không đèn.
      Cũng có cái vẻ buồn buồn tội tội là cái cách mà Xuân Diệu công bố thơ tình của mình, cùng là cái cách mà ông đến với bạn đọc. Thời ấy tình cảm cộng đồng lấn át. Người ta bảo nhau sẽ là có lỗi nếu ngồi làm loại thơ đi sâu vào tình cảm cá nhân. Thơ tình không được khuyến khích mà chỉ là một thứ vợ lẽ con thêm cho phần nào hay phần ấy. Vì thế, sự thực là sinh thời tác giả, trừ tập Cầm tay chỉ là một chùm nhỏ in chung với Mũi Cà Mâu (1962), Xuân Diệu không  được in một tập thơ tình nào của riêng mình.
      Khi mới bước vào nghề văn, mà cũng là hồi  đầu chiến tranh, tôi cũng có cái thói quen của nhiều bạn bè thời ấy, là xin phép được  đến thăm  Xuân Diệu, ở 24 Điện Biên Phủ Hà Nội. Có một dạo đường Điện Biên Phủ còn mang tên Cột Cờ. Không biết ai viết, chỉ thấy cái câu  lục bát sau đây  được truyền tụng như  là lời Xuân Diệu “ Nhà tớ 24  Cột Cờ – Ai thân thì đến, ai lờ thì đi “. Cũng có những hôm chúng tôi  được Xuân  Diệu  ân cần trò chuyện  từ lúc tới đến lúc về ; lại cũng có những  hôm nhà thơ mải làm việc, chúng tôi ngồi đọc một số sổ tay ghi chép của ông và đọc những bài thơ mới làm. Sổ tay tôi còn ghi  như sau : -- Quà : 3/1/65-15/1/65 --Đêm mùng sáu tết 5-6/2/65 --Xuân bên Hồ Tây  5/2/65 -- Mặt em 27/1/65—9/2/65 --Một sớm mai xuân 1/4/65-- Em tặng quạt 18/7/65--Nhớ đôi mắt 13/3/66   vv.vv… Như chỗ tôi chép được,trong số 40 bài làm hai năm 65-66 này, có độ mươi mười lăm bài sẽ được Xuân Diệu chia vào các tập như Tôi giàu đôi mắt, Thanh ca.. nhưng đáng tiếc là số chưa in lại  nhiều hơn.
     Không biết sinh thời Xuân Diệu có bao giờ nói với các anh  Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Hữu Nhuận, Hoàng Cát …không,  nhưng đúng là với tôi, có lần ông bảo ông sẽ làm  đủ thơ để hình thành nên một từ điển thơ tình,  người đọc khi gặp điều gì xúc động trong tình yêu, giở từ điển của ông, tra theo chữ cái  đầu tiên, sẽ tìm ra bài thơ mà mình cần.
     Đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa nhìn thấy khả năng cái nguyện ước ấy của nhà thơ được thực hiện. Một bên là những cuốn sách của ông được chất đống lại trong một toàn tập sáu tập dày cộp mà văn bản không hề có khảo chứng chú giải tối  thiểu. Một bên là những tập thơ mỏng in theo kiểu hàng chợ bán rải rác cho đám bạn đọc nghèo. Xuân Diệu chỉ đang có hai cách ấy để sống mãi với đời.
2005

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم