VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phải nghĩ về thủ đô

Ta yêu Hà Nội, đừng chỉ yêu bằng lời nói và xúc cảm trái tim. Đằng sau hai chữ tình yêu, tôi muốn nói tới nhu cầu của chúng ta phải nghĩ về thủ đô, quan tâm tới thủ đô, thấy nó quan hệ tới cuộc đời của mình. Trong lời bạt viết cho cuốn Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng) in năm 1961, nhà văn Nguyễn Tuân từng đưa ra một nhận xét chung: “Hình như hầu hết danh nhân, anh hùng cổ kim nước ta đều là những con người Hà Nội. Các vị ấy có thể quê quán gốc tích ở “ngũ tỉnh đàng trong, tứ tỉnh đàng ngoài!” nhưng cái đoạn trội nhất của các bậc ấy vẫn là diễn ra trên mảnh đất thủ đô”. Nguyễn Tuân không nêu cụ thể nhưng tìm vào lịch sử, người ta có thể kể ra hàng loạt tên tuổi làm bằng chứng cho nhận xét của ông. Trong phạm vi văn học, đó là bản danh sách kéo dài từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương... qua Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Thế Lữ rồi Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu, Huy Cận... Họ đã trưởng thành cùng với trung tâm văn hóa của cả nước. Tưởng như không có dịp tới thủ đô, mỗi người không thể trở thành chính mình. Đây là những bằng chứng đánh dấu chất hội tụ, cái đặc điểm không chỉ riêng cho Thăng Long mà là dấu hiệu của thủ đô bất cứ nước nào. Khả năng hội tụ làm cho “mảnh đất trong sông” đơn sơ này trở thành thiêng liêng. Có điều lạ mà ít người để ý: Chỗ mạnh này của Thăng Long thật ra đã được người viết Chiếu dời đô nhìn thấu. “Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”. Theo truyền thuyết, đây là những dòng do tự tay người sáng lập vương triều Lý viết. Dường như Lý Thái Tổ muốn nhấn mạnh sức sống của thủ đô là ở mối quan hệ với những gì ngoài nó, chung quanh nó, những gì là cả đất nước. Nhiều thế hệ sau đã sống bằng cái ý tưởng đó. Nhưng không phải cái gì người ta biết là có thể làm ngay! Trong một xã hội luân chuyển giữa chiến tranh và trì trệ, nhu cầu đô thị hóa không cao, các đô thị ở Việt Nam lúc đầu chỉ là trung tâm quân sự, sau đó là nơi để cho người các vùng phụ cận đến buôn bán. Sở dĩ Thăng Long có lúc được gọi là kẻ chợ là vì như vậy. Các gia đình quan lại cũng như các gia đình buôn bán ở Thăng Long xưa thường vẫn sống theo kiểu hai mang, một chân ở nông thôn, một chân trên phường phố. Sự hội tụ trong những năm chinh chiến chủ yếu là hội tụ theo nghĩa tinh thần. Người ta nghĩ về thủ đô như nơi kết tinh hồn thiêng đất nước, nó mang lại cho con em xứ này tinh thần nồng nhiệt “xả thân vì nghĩa lớn”. Những giai đoạn ổn định lại đòi hỏi một cách nghĩ khác. Sàng lọc tinh hoa là nhu cầu đặt ra với cả nước. Và sự thực là Hà Nội đã lớn lên theo hướng đó. Thủ đô như tự hiểu mình sinh ra để làm cho được việc đó. Nói như Nguyễn Tuân: “Cũng là một điều đúng vậy, khi mọi người bảo rằng thủ đô là cái nơi kết tinh mọi phong vị nhân tài của một dân tộc đời này qua đời khác. Cho nên những con người thủ đô bao giờ cũng bén nhạy sắc cạnh hơn những người khác với tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nó, với tất cả cái trí, cái dũng, cái tài, cái tật của nó”. Cũng ý ấy, một thi sĩ thời chống Mỹ như Bằng Việt đã viết hai câu thơ cô đọng: Mỗi hạt cát hạt vàng lịch sử Hà Nội kiên tâm gạn lọc công bằng Vào những ngày, những suy nghĩ ấy lại đến với anh với tôi với tất cả chúng ta. Như một thói quen tự nhiên, với thủ đô người ta thường chỉ nói tới tình yêu. Hà Nội mà chúng ta yêu, một cách nói như thế sẵn sàng được mọi người chia sẻ. Nhưng hôm nay chỉ như thế là không đủ. Đằng sau hai chữ tình yêu, tôi muốn nói tới nhu cầu của chúng ta phải nghĩ về thủ đô, quan tâm tới thủ đô, thấy nó quan hệ tới cuộc đời của mình. Nghĩ về thủ đô là nhu cầu mà cũng là quyền lợi của mỗi công dân của một đất nước đã trưởng thành. Cái suy nghĩ thấm đậm tình yêu này không chỉ đau đáu trong lòng những người dân Hà Nội nhiều đời hoặc tối thiểu là từ đầu thế kỷ XX. Trong đời sống hằng ngày, tôi còn bắt gặp nó nơi tâm trí bộ phận cư dân mới “nhập tịch”, dù đó là những gia đình bắt đầu cắm rễ ở thủ đô từ sau kháng chiến chống Pháp, hay những người mới lớn đến đây làm ăn từ sau chiến tranh, khi mở ra nền kinh tế thị trường. Mà sao lại chỉ nói tới cái tình yêu đậm chất suy nghĩ của những người coi thủ đô là nơi cư trú? Còn những người Hà Nội đang đi làm ăn lập nghiệp nơi khác và còn bao la những công dân của mọi miền đất nước? Cái ám ảnh lớn nhất của người dân một nước sau chiến tranh là trở lại với đời sống bình thường. Theo sự kiếm sống thường nhật kéo đi, chúng ta đâu đã nghĩ được nhiều. Chất nông dân bao đời bồi đắp trong mỗi người xui ta chỉ nghĩ về vùng quê nơi có mồ mả cha ông, cũng tức là nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng một đất nước phát triển không phải chỉ là phép cộng của nhiều vùng quê “anh nào lo anh ấy”. Một đất nước cần có cái đầu tập trung những thông minh sáng láng nhìn thấu tương lai. Nay là lúc tư tưởng hội tụ cái hay, cái đẹp bốn phương mà Chiếu dời đô phát biểu càng trở nên có ý nghĩa. Với tất cả chúng ta, đó là một yêu cầu mà với thủ đô, đó là một thách thức. Cái nhu cầu tự nâng mình lên, gạn lọc lấy tinh hoa, kéo cả cộng đồng phát triển, cái nhu cầu ấy không phải chỉ riêng của người Hà Nội mà đang trở nên sâu nặng trong mỗi người dân nước Việt. Khi ta đòi hỏi có một thủ đô hội tụ tinh hoa cũng là lúc ta đang khơi nguồn cho những gì tốt đẹp tiềm ẩn trong mỗi chúng ta ngày một nẩy nở để đóng góp cho đất nước. phapluatonline

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم