Theo dõi những đợt thể thao Việt Nam thi đấu với nước ngoài, tôi thường buồn vui lẫn lộn. Mừng vì thấy mình có dịp cọ xát học hỏi. Nhưng buồn vì nhiều lẽ.
Buồn một phần vì trình độ của mình còn quá non so với khu vực và quốc tế. Mà còn buồn vì người mình đang bị tâm lý ăn thua chi phối và cái cách mình động viên nhau để đạt được ít thành tựu nhiều khi nó tầm thường thô thiển quá.
Nói cụ thể là đáng lẽ trước khi thi đấu phải lo đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng và đánh giá đúng thực chất của mình, thì với nhiều người, điều quan trọng nhất lại là chạy giải thưởng để tạo ra một cú đột phá. Họ ngầm bảo: cứ treo giải thật cao, rồi việc gì cũng làm được.
Trong một cách nghĩ như vậy, thấy có sự nông nổi, dễ dãi. Nhất là thấy có sự cầu may, thiếu tự tin, tự đặt cho mình những yêu cầu quá cao để rồi làm khổ mình, khi thất bại lại giãy giụa đau đớn. Riêng với những vận động viên thể thao thì đã nảy sinh tâm lý vòi vĩnh, mặc cả.
Một hoạt động lành mạnh như thể thao, với nhiều người trở thành một cú làm ăn, một vụ đánh quả, chứ không phải nơi rèn luyện tài năng và ý chí.
Chẳng những thể thao lo thưởng mà ở đâu cũng thấy có chuyện giải thưởng. Đố vui. Mua hàng. Chọn bài hát. Đoán người trúng giải… Cứ muốn thu hút người ta vào một việc gì đó cho thật đông vui là thấy bày ra giải thưởng. Và tôi cảm tưởng lúc nào một bộ phận xã hội cũng như trong cuộc đỏ đen cờ bạc. Lúc nào cũng chen chúc ồn ào, cũng í ới giục giã nhau đi thi cho mau, may ra được thưởng, không thi ngay chỉ có thiệt.
Lại còn nhiều đợt học tập tìm hiểu về vấn đề gì đó mà các địa phương và các đoàn thể vẫn làm nữa chứ! Làm ăn nghiêm túc thì dễ khô khan; phải thêm một tí giải thưởng vào như một chất xúc tác để cho hoạt động này thêm hấp dẫn - ban đầu người ta chỉ nghĩ đơn giản vậy. Nhưng rồi cứ đà ấy mà kéo, rút cục trước mắt chúng ta việc nghiêm túc biến thành một trò câu khách. Người ta thi, người ta làm việc, người ta bỏ ra bao nhiêu thời giờ, thậm chí người ta mưu mẹo kiếm chác nữa, tất cả chỉ vì giải thưởng.
Hàng ngày xem ti vi luôn thấy có chuyện các đơn vị, các ngành mừng công kỷ niệm. Rồi nhân dịp sáu tháng đầu năm, nhân dịp cuối năm, các cơ quan bước vào tổng kết. Không rõ trong thực tế, những buổi tổng này có rút ra được kết luận nào sâu sắc không, nhưng xem cách đưa tin trên mặt báo và các phương tiện truyền thanh truyền hình, thì thấy nhiều khi nó được làm theo lối chiếu lệ.
Ở đó người ta nói với nhau quá nhiều những lời sáo rỗng. Và ở đó, đang hình thành một lối đánh giá nhau xem xét nhau hòa cả làng, giản đơn, dễ dãi. Ý tôi muốn nói tới cái lối lôi nhau ra thưởng một cách… vô tội vạ. Thưởng tràn lan. Thưởng theo niên hạn. Cứ ai không có khuyết điểm gì lớn, là được thưởng. Tôi tin là mình không nói gì quá khi cho rằng lối thưởng như thế là một cách xúc phạm đối với những người làm việc tốt, họ nghĩ rằng có ai biết cho công lao đóng góp của mình đâu, cá mè một lứa cả, thế thì từ nay về sau, không tội gì phải cố cho thêm nhọc xác!
Thưởng nhau đại trà như thế chỉ là làm hỏng nhau thêm, cái hại này ai cũng thấy vậy mà cũng cứ nhắm mắt để mở rộng phong trào phát thưởng và lĩnh thưởng.
Một nhà nghiên cứu lịch sử trung đại kể với tôi rằng các vua triều Nguyễn có lối ban thưởng rất tế nhị. Thưởng cho một viên quan, chỉ báo cho ông ta biết rồi bảo cứ về, sẽ cho lính mang tới nhà. Tại sao? Vì trước triều đình như thế là đã bố cáo cho mọi người thấy là ông ta có công lao rồi. Còn không làm công khai, vì biết thông thường ở những xã hội còn kém phát triển như xã hội ta, con người khi nhận phần thưởng thường bộc lộ những mặt không mấy dễ thương, ví dụ như quá hý hửng đến mức gần như là hèn hạ. Vua hiểu triều thần, không muốn cái phần xấu xí trong người bầy tôi tài năng của mình có dịp bộc lộ, nên tránh cho ông ta trước. Bồi dưỡng nhân tài lâu dài mới là một mục đích sâu xa của ban thưởng.
Tự nhiên có lần đọc báo thấy những người tổ chức một cuộc thi nghệ thuật than thở rằng cái khó nhất của họ là tìm ra những ban giám khảo công bằng và làm việc hiệu quả, có sức thuyết phục với công chúng. Tôi đọc và cứ nhớ mãi: cuối cùng vấn đề là vậy - khen thưởng không chỉ quan hệ với số đông. Mà trước tiên nó cho thấy năng lực và tầm vóc thực sự của những người chủ trì hoạt động một ngành nào đó. Những người này định ra những chuẩn mực như thế nào, hiểu biết về ngành mình đến đâu? Có hiểu lao động của người dưới quyền và muốn trình độ họ ngày một nâng cao? Tức ở đây là chuyện tổ chức và định hướng công việc. Và đằng sau đó là quan niệm của nhà lãnh đạo về con người, cùng những cách tác động để kích thích con người.
Gọi nó là một thứ văn hóa khen thưởng mới đúng, thứ văn hóa rất cần thiết cho những người có quyền.
thesaigontimes
thesaigontimes