THÓI XẤU THỊ DÂN VÀ VĂN MINH ĐÔ THỊ
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn: Tôi không phản đối việc người các nơi đổ về đô thị. Tôi chỉ phản đối việc mang cái xô bồ nhếch nhác về đây.
Một người bạn nước ngoài nói với tôi: Lối sống của các ông qua cách đi đường có tính chất bạo lực sao ấy.
LTS: Đã gần hai năm TP.HCM thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kết quả còn rất hạn chế, chúng ta chưa có được những thị dân đúng nghĩa.
Vậy thì ở những thị dân “chưa đúng nghĩa” ấy, đâu là những thói xấu phổ biến? Nó ảnh hưởng thế nào đến việc xây dựng đô thị văn minh? Làm sao để có những thị dân, những đô thị đúng nghĩa?...
Bắt đầu từ ý thức tham gia giao thông, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn thẳng thắn:
Đô thị Việt Nam sinh ra trong hoàn cảnh đất nước nhiều xáo trộn, đời sống văn hóa có nhiều hỗn loạn. Người đô thị là những người muốn tổ chức lại đời sống của mình nhưng không có thói quen, không có chuẩn để phấn đấu theo. Cho nên theo tôi, đô thị của ta vẫn còn là một bức tranh chưa được định hình.
. Thưa ông, có vẻ như ý thức tham gia giao thông cũng nói lên rất nhiều điều về lối sống của người đô thị hiện nay?
+ Một người bạn nước ngoài nói với tôi: Lối sống của các ông qua cách đi đường có tính chất bạo lực sao ấy. Người nọ đe nẹt người kia, bấm còi thật to như để áp chế, tranh giành, thúc giục kiểu “ông không đi tôi đâm ông bây giờ”.
Chưa kể, đường sá ở đô thị rất chật chội, chúng ta chỉ lo chen lấn và tranh giành nhau. Đi ngoài đường người ta nghĩ mình không cần tử tế nữa, mà cũng không thể tử tế được. Đến công sở người ta phải ngồi nghỉ, văng tục mấy câu cho hả giận rồi mới làm việc. Điều đó làm hại đến nhân cách của chúng ta, đến cả những cái thương mến bình thường nhất cũng mất đi.
. Các đô thị đang bị quá tải và nó ảnh hưởng đến không gian sống và lối sống của người thành thị như thế nào, thưa ông?
+ Tôi nhớ có lần trời mưa, tôi dắt xe vào trú ở ngã tư. Nhưng một bà liền đuổi tôi đi để lấy chỗ bán hàng. Cả cái vỉa hè chung họ cũng cho là của họ. Tôi mới nghĩ mãi thế này thì TP đâu phải của mình nữa. May lắm mình về cái nhà của mình và làm chủ nó nhưng cũng đã yên thân đâu. Bao nhiêu là tiếng ồn từ ngoài đường, từ nhà hàng xóm cứ vọng vào ầm ĩ.
Tôi cho rằng chúng ta đang sống trong những TP bị đánh mất. Không thể tưởng tượng nổi ở Hà Nội ngày nào cũng gặp chuột chết vứt ra đường. Vào một quán ăn ngon cũng chẳng được ngồi yên mà thưởng thức. Bao nhiêu người chực sẵn, chỉ chờ mình đứng dậy là giành chỗ ngay...
Đặc tính “vô danh”
. Sự tự do, tùy tiện có phải một phần là do đặc tính “vô danh” của người thành thị?
+ Ở nông thôn, một người luôn được biết đến là cháu ông nọ, con bà kia... Còn ở TP thì không ai biết ai. Khi rơi vào tình trạng “vô danh”, lập tức cái tự do, tùy tiện được bộc lộ. Hơn nữa, nhiều người hiểu rất sai về tự do, nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm, càng làm những điều bị cấm thì coi như càng tự do.
Người thành thị, nhìn sâu xa trong lịch sử, đều có gốc gác là người nhà quê. Họ là những người muốn thay đổi, muốn làm lại cuộc đời mình. Nhưng nông thôn Việt Nam rất bảo thủ, người Việt Nam nói chung thường thích chê bai những người thay đổi. Vì thế người đô thị từng có mặc cảm mình là “con hoang” của nông thôn.
. Mặc cảm đó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển đô thị, thưa ông?
+ Tôi ví dụ, nếu như một đứa trẻ được tin tưởng mình là đứa con đáng hy vọng của gia đình thì nó sẽ tự tin và sống tốt hơn. Còn đô thị chúng ta vẫn bị xem là “con hoang” nên cứ phải mò mẫm mà đi. Nhiều người sống ở đô thị luôn có mặc cảm ly hương là có lỗi nên nhất định phải quay về. Như vậy, anh sống ở TP nhưng anh không toàn tâm toàn ý với cuộc sống mới của mình, làm sao anh có thể là mũi nhọn của đô thị.
Bỏ qua cơ hội “nâng mình lên”
. Phải chăng vì tình trạng “chín người mười làng” mà việc hình thành những chuẩn mực chung trong lối sống người thành thị là không dễ?
+ Tôi nói trường hợp cụ thể ở Hà Nội. Trước chiến tranh (năm 1945), thâm nhập thủ đô rất khó khăn. Người tứ xứ phải cạnh tranh rất nhiều, phải giỏi giang mới có thể có một chỗ đứng ở đó. Họ cũng rất nể trọng TP và muốn sống theo nếp sống thành thị. Nhưng từ sau chiến tranh, vội vội vàng vàng thế nào, nhiều người lên đô thị mà vẫn giữ nguyên những nếp sống tùy tiện và cho rằng như thế mới là “chân quê”. Như vậy, họ vừa góp phần vào việc níu kéo đô thị, vừa bỏ qua luôn khả năng tự nâng mình lên thành con người hiện đại.
Tôi vẫn cho rằng thành thị là nơi có sức thu hút và sàng lọc cao, cái tinh hoa sẽ thắng cái kém cỏi. Tôi không phản đối việc người các nơi đổ về thủ đô. Tôi chỉ phản đối việc mang cái xô bồ nhếch nhác về đây.
. Ông đang nói về “tâm lý tiểu nông”?
+ Tiểu nông có những cái hay của nó. Nhưng cái “tâm lý tiểu nông” chưa được nhận thức, không được phê phán để biết mình phải sống thế nào mới là cái có hại.
Ví như việc ma chay ngày trước có thể “ò í e” vì thuở ấy đời sống vắng lặng, phải dùng tiếng kèn để gợi không khí sống. Nhưng bây giờ, ở thành thị chật chội, họ vẫn cứ mang cả loa đài hét vào tai người khác, trẻ con, người già mà ốm chỉ có nước chết thôi.
Không thể cứ mãi mò mò đi đêm
. Nghĩa là theo ông, chúng ta phải sống khác lối sống ngày hôm qua?
+ Khi tôi nói chúng ta phải sống khác thì nhiều người lại nghĩ là tôi đang chê bai này nọ. Không nên vậy. Phải thành thật mà nói với nhau rằng chúng ta sống còn dở lắm. Chúng ta không thể sống như thời nông thôn vắng lặng, cả xóm chỉ dăm chục người. Chúng ta đang sống trong 1 km2 với bao nhiêu người thế này, xe cộ đi lại thế này, sao lại giỗ tết, ma chay như ngày trước được!
Tôi hay nói dân tộc Việt Nam là một khối tự phát khổng lồ. Nó thể hiện trong cách cư trú ở nông thôn: Một nhóm người, một dòng họ đi đến đâu tiện thì ở đó, không cần cải tạo gì hết. Nhưng cư trú ở đô thị thì có ý thức. Người ta mong muốn một cuộc sống tốt hơn và họ cải tạo mọi thứ xung quanh.
Tôi cho rằng văn hóa cư trú rất quan trọng nhưng cũng không có mấy người nghiên cứu kỹ lưỡng về điều này. Chúng ta cứ lấy tấm lòng ra nói với nhau. Nhưng tấm lòng là cái rất mù mờ, đỏng đảnh, sáng yêu chiều đã ghét. Trong khi lý trí, hiểu biết mới là cái phù hợp trước nhất với sự phát triển của đô thị.
Theo tôi, các nhà khoa học phải dành nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu về đô thị. Qua đó có thể biết là chúng ta sống với nhau như thế nào, các dân tộc khác sống như thế nào. So sánh mình với họ, thấy được cái nào của mình dở, cái nào của họ hay, hôm qua mình thế nào, hôm nay và mấy chục năm nữa ra sao. Chứ không thể cứ sống theo kiểu mò mò đi đêm hay “vón cục” lại với nhau mãi được!
. Xin cảm ơn ông.
THÙY LINH - BẢO PHƯỢNG
phapluat online\14/12/2009