VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bột phát hồn nhiên

“ Người Việt chúng ta sống ở trong nhịp điệu trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống với tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca “.
“ Văn hóa Việt Nam quý ở phần tình cảm hơn phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức “.
Hoài Thanh đã viết như vậy trong bài Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)
Năm 1951, trong tập sách nhỏ Mấy vấn đề nghệ thuật gồm mấy chục trang mỏng, in bằng trên dó, - và sau này không thấy in lại nữa – Nguyễn Đình Thi cũng nhấn mạnh tính hồn nhiên tự phát của văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn theo ông, âm nhạc ta thiếu hẳn phần hòa âm là phần đòi hỏi trí tuệ. Với ông, lục bát như con sông miên man chảy, nó dễ tràn bờ, và thường phung phí sức lực.
Lùi về trước nữa, những Trần Trọng Kim,Phan Khôi, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên … đều đã viết về phương diện này của tính cách Việt với tinh thần phê phán. Rằng chúng ta nông nổi nhẹ dạ. Ta dễ dãi chấp nhận của người mà không lo tìm lấy tư tưởng của mình. Ta có ngay cách tháo gỡ mỗi khi gặp nước bí, nhưng lại rơi vào bế tắc trong những sứ mạng lớn. Riêng hai câu thơ Tản Đà “ Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con “thì khi đã vào sâu trong trí nhớ ai, nó ở hẳn đấy không ra nữa, bởi ai cũng giật mình thấy đúng.
Mặc dù trong lý lịch trích ngang, Kiều là nhân vật lấy từ một truyện Trung Hoa song khi cần nhắc đến một nhân vật văn học “ đặc chất Việt Nam “ người ta gọi tên Kiều. Tại sao ? Tôi nghĩ ở đây các thế hệ bạn đọc không sai. Nhà có hoạn nạn, chẳng tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, Kiều chỉ khóc lóc rồi đòi đi bán mình. Lời khuyên Từ Hải ra hàng là cả một trọng tội … Tất cả chỉ vì Kiều đặt tình cảm lên trên mà thiếu hẳn sự suy tính cần thiết trước mọi diễn biến cuộc sống.
Trong một bản dich cuốn Trung Hoa đất nước con người ra tiếng Việt, tôi đọc thấy Lâm Ngữ Đường viết rằng nếu cần tổng quát về đức tính của người Trung Hoa, thì đó là công thức “sự ưu việt của tâm linh chiến thắng hoàn cảnh vật chất“. Nhưng ở một bản dịch khác,câu trên lại chuyển thành “phần nhiều những tính cách của người Trung quốc được xây dựng trên nền tảng tri thức khá vững vàng “. Tiếp đó người ta giải thích thêm “ người Trung Hoa là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới”. Họ “ biết chiến thắng hoàn cảnh vật chất bằng sự ưu việt của trí tuệ “, hay nói cách khác,“trong văn hóa Trung Hoa, sự tôn trọng trí tuệ và tầng lớp trí thức trở thành một hằng số văn hóa “.
Tôi không có bản gốc để kiểm chứng song giữa hai bản dịch, thấy tin ở bản thứ hai hơn. Người Trung quốc đặt trí óc vào công việc trong khi chúng ta đặt vào đó tình cảm. Cách cư xử như Tố Hữu viết“ Trái tim lầm chỗ để trên đầu “ không chỉ đúng với nhân vật nàng Mỵ Châu trong truyền thuyết xưa mà đúng với người Việt nói chung, ngay trong sinh hoạt hàng ngày lẫn cả khi cần giải quyết việc “quốc gia đại sự “. Đặc biệt là mãi đên hôm nay học thuật của ta vẫn ngoi ngóp tẻ nhạt không sao trở thành một thứ tự ý thức sáng suốt đồng hành với mọi tiến bộ xã hội.
Đành nghĩ đó đã là cái bản sắc cái trình độ riêng của mỗi giống người, không phải bỗng chốc thay đổi được.
Sự vô tâm – đúng hơn sự hạn hẹp của tầm nhìn, sự dễ dãi trong thích ứng, sự ngại ngùng biếng nhác trong suy nghĩ,- tất cả những biểu hiện đó làm hại tới sự phát triển. Dù rất thiện chí thì cũng phải nhận như vậy. Thế nhưng đáng lẽ phải xót xa lo lắng thì đằng này vẫn xảy ra một tình trạng ngược lại. Nhiều người thích lý tưởng hóa cái thói quen trẻ con đó. Họ không tìm cách nâng mình lên để phù hợp với nhu cầu mà sẵn sàng để sự nông nổi níu chân. Và “ – ma đưa lối quỷ đưa đường - lại tìm những chốn đoạn trường mà đi “, câu Kiều xưa vẫn có sức ám ảnh như một tiếng sáo tiền kiếp.
TT&VH 26-6-07



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم