VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chung quanh câu chuyện xuất ngoại của văn chương Việt nam

Thời buổi này ai mà chẳng muốn có dịp đi ra nước ngoài để tìm hiểu thêm về thế giới, nữa là những người viết văn. Và nếu đó không phải là những chuyến du lịch hoặc đi theo sự phân công phân nhiệm của cấp trên, mà là cái sự đi ra đầy vinh quang, tức đi bằng tác phẩm của mình, thì với mỗi người cầm bút, lại là điều đáng tự hào. Có thể đọc ra niềm mong mỏi nói trên của các nhà văn ta qua những lời họ bàn bạc với nhau chung quanh chuyện đưa văn chương ra với bè bạn xứ người. Tin tức truyền đi rôm rả lắm.Trong đám những người nặng lòng với văn chương, thỉnh thoảng vẫn nghe có lời đồn thổi đại ý rằng ở Pháp ở Mỹ rồi ở Thuỵ Điển và Đan Mạch,ở Nhật Bản cũng như bên Hàn quốc, thơ của mình, truyện của mình, người ta cũng dịch vô khối. Sở dĩ bảo là chuyện đồn thổi, bởi nó chỉ có một li một leo sự thực : văn chương ta dịch thì cũng có được dịch ; nhưng không phải là vô khối đâu, mà chỉ đơn sơ, lót đót, lẻ tẻ, vụn vặt, nói chung là ít lắm, ít đến mức nếu đứng ở toàn cục mà xét phải thấy xấu hổ. Mới đây, sau khi đi nhận giải văn học Asean hàng năm, nhà thơ Bằng Việt than thở đại ý ngay trong khu vực cũng chẳng ai biết gì về ta cả. Hoặc trên báo Văn nghệ, một thành viên của đoàn nhà văn đi thăm Trung quốc kể rằng khi hỏi xem các bạn có biết gì về văn học Việt nam, thì thấy họ ngớ ra một lúc sau mãi mới nhớ đến một cái tên, đó là cuốn Từ tuyến đầu Tổ quốc. Đối với khu vực Âu Mỹ, tình hình có khá hơn một chút, song nếu đặt nó trong sự bùng nổ dịch thuật ở đó thì phải nói văn học ta chưa có chỗ đứng, chưa thành mặt hàng, chưa ra tấm ra món nào hết. Vậy thì nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào ? Những cách bắt bệnh bốc thuốc tức là cách giải thích đang được lan truyền hiện nay đã thực hợp lý chưa ? Xin được bắt đầu bằng một chuyện bên kinh tế. Đọc báo cũng như xem ti-vi, nhiều người hẳn nhớ gần đây, các ngành xuất khẩu của ta thường gặp khó khăn, hàng không tiêu thụ được, có khi đã theo tàu vào cảng mà còn bị trả về. Khi kể lại việc này, những người viết bài trên báo thường không quên tỏ ý oán trách là thiên hạ người ta khắt khe, nếu không nói là thiếu thiện ý, họ chỉ thích đặt ra cho lắm các loại rào cản, cốt để hạn chế việc làm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó chỉ cần nghe kỹ đầu đuôi câu chuyện thì người không am hiểu gì về kinh tế cũng có thể đoán ra : sở dĩ thiên hạ họ không mua hàng ta, nguyên nhân chỉ là vì các mặt hàng ấy không bảo đảm yêu cầu mà họ đặt ra từ trước. Nếu lại biết thêm rằng những yêu cầu này người ta áp dụng không chỉ với Việt Nam mà với mọi loại hàng nhập khẩu nói chung thì có thể đoán những lời than phiền trên là vô căn cứ. Ta ít hiểu về việc người, nên nghĩ sai cho người. Giống như những đứa trẻ quen được chiều mà sinh làm nũng, ta muốn người ta thương cho phận nghèo hoặc kinh tế lạc hậu mà đặc cách chiếu cố, rồi không được thì đập chân đập tay hoặc thở dài oán trách. Trở lại với tình hình văn học. Khi cắt nghĩa hiện tượng văn học Việt nam ra nước ngoài còn khó khăn, nhiều người thường có xu hướng đổ thừa cho những nguyên nhân khách quan.Tại người làm đối ngoại của ta ít hiểu về văn học.Tại tiếng Việt khó quá. Tại chúng ta không khéo quan hệ với người, không giỏi tuyên truyền để cho người ta biết thêm về mình. Những cách cắt nghĩa loại này theo tôi, không phải là sai, song chỉ dừng lại ở những nguyên nhân bên ngoài, trong khi đó việc trước tiên cần làm là rà soát lại chất lượng sáng tác của ta, tìm thấy ở đó những nguyên nhân sâu xa của tình hình trì trệ. Thời còn chiến tranh hoặc sau đó ít năm, người ta có thể dịch ta ít nhiều vì lý do hữu nghị, dịch xong rồi để đấy không có ai đọc cũng vẫn cứ dịch tiếp. Nay thì hoàn cảnh đã khác. Nếu những của cải về tinh thần ta đưa sang không đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nói toàn những chuyện người ta không quan tâm, nhân vật xa lạ với họ, cách nghĩ của người trong sách ngớ ngẩn ẩm ương kỳ cục họ không hiểu nổi... thì những dịch giả nước ngoài dù có yêu mến ta đến mấy cũng “ chắp tay vái “. Vì họ biết có dịch ra, sách cũng không ai đọc và trước tiên là không ai mua. Về phần mình, nếu tỉnh táo, chúng ta cũng sẽ chẳng thích thú gì với cái việc đãi bôi đó cả. Có thể có người trách tôi nhìn mọi việc quá thực dụng, nhưng trong thế giới hiện đại, không thực dụng sao được ?! Cái lối thần bí hoá văn chương, thích thì thào khấn khứa, nào là ở đây rất nhiều bí mật, nào là có những cái hay không ai cắt nghĩa nổi, và có cái hay của dân tộc này dân tộc khác không hiểu nổi...., những cách nghĩ ấy đã quá lỗi thời, không thích hợp với công cuộc giao lưu văn hoá đang được tiến hành sôi nổi giữa các nước, các dân tộc. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhân những khó khăn trong xuất ngoại nay là lúc ta nên nhìn lại chính ta. Xét trong tâm lý : Có phải lâu nay ta chỉ tính tiếp nhận của người mà còn ít nghĩ tới chuyện đóng góp với người ? Có phải lâu nay chúng ta thường chỉ mong chờ ở họ một ít ban phát, một ít thương hại, mà chưa tính chuyện đóng góp với bạn bè, rộng hơn là chinh phục họ, buộc họ phải tiếp nhận ? Về chất lượng công việc : Có phải thứ văn chương chúng ta làm ra thường chỉ dừng lại ở trình độ một thứ hàng nội địa dùng tạm với nhau mà chưa bao giờ đạt chuẩn mực quốc tế ? Và do chỗ bằng lòng với tình trạng tiêu thụ nội địa như vậy, ta thường dễ dãi và không có yêu cầu cao về nhau, chỉ ra sức chiều chuộng tâng bốc nhau, mà bỏ qua cả những chuẩn mực cần thiết, đến mức thỉnh thoảng có người nước ngoài biết tiếng Việt nhìn vào, họ cũng ngán luôn ? Tôi chợt nhớ lại một câu chuyện : khoảng 1986-1989, tôi có dịp làm việc tại một nhà xuất bản của Liên xô cũ, ở đó có một người bạn Nga rất giỏi tiếng Việt, anh thường bảo tôi rằng tiếng Việt với anh là một thứ cần câu cơm. Biết vậy có một tờ báo mình in ngay ở bên Moskva ngỏ ý nhờ anh đảm nhận phần dịch để đưa tới bạn đọc Nga, nhưng nói thế nào anh cũng từ chối. Khi nghe tôi gặng hỏi sao không nhận, có phải vì tiền ít không thì anh bảo không phải, cái chính là các tác giả viết tiếng Việt kém quá, kém đến mức không thể thương được. Cứ dịch y như nguyên văn thì anh mang tiếng. Mà viết lại bằng tiếng Nga thì quá tốn công anh không muốn. Cái căn bệnh” không thể thương được “ nói ở đây, nếu tôi không nhầm,đến nay càng bùng phát, lan ra không chỉ trên mặt báo mà trong cả các tập truyện ngắn truyện dài, và chỉ nội một lý do đó thôi cũng đã làm cho cái ngày văn chương ta đến với bạn bè xứ người còn xa lăng lắc./.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم