VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi tầu đi tây

Mấy suy nghĩ về những cuốn sách viết về người Việt ra nước ngoài Lời giới thiệu viết cho tập sách gồm ba ký sự , Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Đi Tây của Nhất Linh và Tôi thầu khoán hay là Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương. Sách do NXB Hội nhà văn và Phuong Nam Corp cho in, tháng 6-2002 1. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam trong các thế kỷ gần đây (cả người Trung Hoa lẫn người phương Tây ) khi trở về nước đã viết sách kể lại chuyến đi của mình và một số cuốn loại này đã được dịch ra riếng Việt.

Chẳng hạn một nhà sư Trung quốc là Thích Đại Sán có cuốn Hải ngoại kỷ sự ( phụ đề “ Sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII” ), một trí thức nổi tiếng khác là Chu Thuấn Thuỷ thì có An nam cung dịch kỷ sự ( Ký sự đến Việt Nam năm 1657), Crístophoro Borri có Xứ Đàng Trong năm 1621, A.de Rhod có Lịch sử Vương quốc đàng ngoài. Nếu có dịp sục vào các thư viện lớn hoặc các thư viện chuyên ngành người ta còn dễ dàng bắt gặp các loại tạp chí nghiên cứu về tôn giáo, địa lý, lịch sử ở phương Tây có trích in báo cáo tường trình hoặc nhật ký ghi chép của các nhà thám hiểm nhà truyền giáo khi đến Việt Nam. Mỗi khi được phát hiện, chúng thường được các nhà khoa học ở ta sử dụng làm tài liệu, một số nhỏ đã được in lại trên các báo tạp chí ( riêng tạp chí Xưa và nay và chuyên san Nghiên cứu Huế hai năm 2000 - 2001 đã trích in một số hồi ký có giá trị ) Dòng chảy đó ngày nay còn được tiếp tục. Tận dụng điều kiện ngày càng có nhiều khách đến Việt Nam du lịch ( ngoài ra có một số ở lại khá lâu để làm việc ), nhiều tờ báo ở ta hiện nay đặt hẳn ra một mục là trò chuyện với người nước ngoài yêu cầu họ nói thật những ý nghĩ khi đến thăm và làm việc ở đây.. Những cuốn sách ấy những bài báo ấy (cả xưa lẫn nay ) không chỉ cung cấp thêm một ít chi tiết mà quan trọng hơn từ những chi tiết ấy người đọc Việt nam có thể hình dung ra hình ảnh của chính ta qua tấm gương kẻ khác. Trong khi tiếp tục khai thác luồng sách trên, một câu hỏi đồng thời nảy sinh trong tâm trí nhiều người : Thế còn cái luồng ngược lại là sách vở tài liệu ghi chép những chuyện người Việt ra nước ngoài thì sao ? Có mảng sách đó không ? Có cần sưu tầm để làm một cuộc tổng duyệt không? Xét trên một phương diện rộng rãi là cả xã hội, chúng có thể có ích hay không ? Câu trả lời dĩ nhiên là có ! Và việc sưu tầm giới thiệu nên được làm ngay,có đến đâu giới thiệu ngay đến đấy, chưa cần lớp lang trật tự quá cẩn thận. Cuốn sách Đi Tàu đi Tây ra đời nhằm mục đích đó. 2. Thời trung đại, giao thông khó khăn, việc đi lại bị hạn chế, ngay trong đất nước mình nhiều người đã đi chưa hết. Người Việt cũng ít đầu tư vào công việc buôn bán lớn, những hình thức tương tự như xuất nhập khẩu hiện đại lại càng không thấy. Mà đó chính là cơ hội tốt để người ta có dịp vượt qua biên giới đi tới những miền đất lạ. Thực tế cho thấy hình thức xuất ngoại gần như duy nhất của con người lúc bấy giờ là đi sứ, đại khái là những ông quan được cử đi cống nạp hoặc đàm phán về một việc gì đó. Ngay trong một số truyện cổ tích và truyện nôm khuyết danh ( như Tống Trân Cúc Hoa ) truyện cười ( như Trạng Lợn ), đã thấy có những nhân vật kiểu sứ thần như thế, điều này đánh dấu một sự thực là hình ảnh kẻ đi công cán ở nước ngoài đã trở thành một thứ siêu mẫu trở đi trở lại trong tâm thức xã hội . Tuy nhiên có một khía cạnh khác nên sớm lưu ý, đó là những cuộc đi này thường được hình dung như một cái gì thuộc về nghĩa vụ bắt buộc, hơn nữa thường quá sức chịu đựng của con người. Có khi một chuyến đi kéo dài tới chục năm và là một cực hình cho đương sự cũng như vợ con gia đình ở nhà. Thành thử những chuyến xuất ngoại ấy mất đi gần hết ý nghĩa mà nó có thể có. Thế còn bước sang thời hiện đại ( cũng là thời văn hoá VN tiếp xúc với văn hoá Tây phương ) thì sao ? Xét kỹ ra thì chuyện đi làm ăn ở nước ngoài chưa phải là nhiều. Trên báo Tiếng dân 1936( tờ báo do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm), người ta đọc được một bài báo ngắn kể về chuyến đi của cụ Phan Chu Trinh sang Nhật. Lần ấy cụ có dịp gặp thủ tướng Nhật Bản tên đọc theo âm Hán Việt là Đại Ôi. Bài báo kể rằng trước khi nói nhiều chuỵện quan trọng ông Đại Ôi có hỏi cụ Phan là người nước nào và thân tình nhận xét, đại ý nói tôi đã nghe về Việt Nam từ lâu nay mới gặp một người Việt Nam chứng tỏ các ông ra ngoài quá ít. (Xem Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, NXB Đà Nẵng 2001 trang 123 ). Hiện chúng ta không có số liệu chứng minh lại càng không có số liệu từ việc người Tầu người Nhật ra nước ngoài ra sao để so sánh, nhưng phải thấy là nhận xét của Đại Ôi là thiện chí và có cái lý của nó. Song, đó là chuyện đầu thế kỷ, từ đó về sau mọi việc diễn ra theo một quy luật khác hẳn, nếu đặt trong tương quan thời gian để so sánh người Việt ra nước ngoài ở các thời kỳ khác nhau thì lại phải thấy bước sang thế kỷ XX, có sự thay đổi vượt bậc và điều này cũng được phản ánh cả trong sáng tác văn chương. Một ý nghĩ luôn luôn lởn vởn trong đầu óc nhân vật chính của tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh, nó quyết định nhịp độ tiến triển của câu chuyện, là việc Dũng sẽ trốn sang Tầu. Trong Gió đầu mùa có một truyện ngắn mang tên Người lính cũ, ở đó Thạch Lam cho một người đã từng sang Pháp từng ghé qua Paris,và có vợ đầm, giờ về nước thân tàn ma dại, nằm bẹp trong một quán tranh nghèo than thở về cuộc đời. Mà không nói đâu xa, hẳn không ai quên được rằng Nguyễn Công Hoan từng có truyện ngắn Thế là mợ nó đi tây ( cái sự đi tây nói ở đây có cả nghĩa đen của nó với chữ Tây viết hoa, chứ không chỉ có nghĩa bóng như chúng ta vẫn hiểu ).. Lẽ tự nhiên là từ sau 1945 người Việt xuất ngoại ngày càng nhiều hơn và tác phẩm viết về những cuộc đi nay phải nhiều hơn hẳn. 3. Trong nền văn học trung đại ở Việt Nam có một tác phẩm mà cách viết rất gần với tư duy văn học hiện đại nghĩa là mộc mạc trực tiếp không định làm văn không lo khái quát mà chỉ thấy gì ghi nấy. Đó là trường hợp Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác. Có điều tác phẩm là một hiện tượng hiếm hoi. Nhìn chung,con người lúc ấy không những đi ít mà có đi (kể cả đi trong nước lẫn ra nước ngoài ) cũng không tính chuyện ghi chép lại những điều quan sát được cũng như những cảm giác mình đã thể nghiệm. Do điều kiện vật chất khó khăn ( kể cả văn tự lẫn phương tiện phổ biến ) nếu đôi khi có làm việc này đi nữa, người ta chưa thể tỉ mỉ ngồi viết văn xuôi mà vẫn chỉ trình bày một ít cảm tưởng cô đọng qua những bài thơ. Lại do khuôn khổ của tư duy văn học lúc đó, người đi sứ thường tự trình bày như những nhân vật mang chuông đi đấm nước người, hành trạng nhân cách của họ được bao phủ trong màn sương huyền thoại,trong ghi chép của họ không có những mẩu chuyện với những chi tiết cụ thể nhất là ở đó không có con người cá nhân. Tư duy văn học hiện đại giúp cho con người Việt Nam thế kỷ XX khi xuất ngoại có một tâm thế khác hẳn. Họ mở to mắt quan sát cái hiện thực bày ra trước mắt họ và lắng nghe những phản ứng của lòng mình. Sau những chuyến đi ấy, nhiều trang sách được ghi lại làm chứng cho một dịp tiếp xúc, cọ xát, đối chiếu... Ban đầu có thể những ghi chép đó chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp cho cá nhân người viết sử dụng và trong điều kiện có thể thì truyền tay cho bạn bè và người thân cùng đọc. Về sau –cũng giống như tình hình xảy ra ở nước ngoài -- xuất hiện loại ghi chép dành để công bố trên sách báo. Bề nào mà xét thì trước mắt chúng ta vẫn là sự trưởng thành của ý thức cá nhân,và do đó cũng là của cộng đồng luôn thể. 4. Mặc dầu vậy, giờ đây chưa thể nói là vừa qua chúng ta đã vươn tới cái giới hạn tối ưu mà thể tài cho phép. Ngay trong nửa cuối thế kỷ XX, sự tiếp xúc với nước ngoài đã trở nên thường trực hơn song điểm lạimột hai chục nămganf đây, cũng chưa thấy có cuốn sách nào được xem như một sự kiện văn học. Điều này không khó cắt nghĩa. Thế giới ngày nay chứng kiến không ít trường hợp người của dân tộc này, nước này đã để cả đời chuyên chú vào việc ghi chép phong cảnh con người và nghiên cứu kỹ văn hoá một nước khác ( đôi lúc chúng ta nghe giới thiệu người này là một người Anh chuyên về lịch sử Ân Độ, người kia là một người Đức chuyên về văn hoá châu Phi, hoặc một người Mỹ chuyên về âm nhạc Trung quốc là với nghĩa đó ). Tác phẩm của họ là kết quả của một sự theo dõi liên tục trong nhiều năm dài, một sự khổ công kê cứu sách vở để tìm cách hiểu kỹ đối tượng và từ đó đạt ra những câu hỏi khái quát về cái thực tế mà mình tiếp xúc... Nói hẹp hơn trong phạm vi du ký,có những chuyến đi dẫn tới kết quả lớn lao là phát hiện ra một bộ phận của nhân loại mà chưa ai biết tới ;đồng thời lại có những chuyến đi làm thay đổi cả một đời văn ( loại như Chuyến đi đến Congo hoặc Từ Liên xô trở về của André Gide ). Chưa thể nói rằng ở ta có những cuốn du ký có tầm cỡ tương tự, tại sao? Rồi đây với việc các hồi ký này có dịp được in lại hẳn sẽ có lúc có người để công tìm hiểu những nét đặc sắc trong các du ký mà người Việt đã viết khi ra nước ngoài. Trong phạm vi một ít nhân xét sơ bộ, chúng tôi chỉ cảm thấy ở ta mọi chuyện thường còn dừng lại ở mức sơ lược, cái gì cũng có nhưng không cái gì đến nơi đến chốn. Bởi lẽ cảm hứng nghiên cứu ở ta thường không được coi trọng. Mà không có nghiên cứu tư liệu từ trước thì một chuyến du lịch đắt tiền cũng trở nên tầm thường chứ đừng nói một chuyến đi có tính chất khảo sát khoa học. Lại nữa,do chỗ người nước ta trước đây thường chỉ đi nước khác khi hoàn cảnh bó buộc, khi đi phần nhiều bận tâm bởi sứ mệnh được giao phó và nói chung còn bị ám ảnh bởi chuyện mình hơn là chuỵện người, nên cũng dễ hiểu khi thấy những ghi chép này thường nặng về hướng nội, nhân dịp đối diện với một thực tế mới lạ mà suy nghĩ lại về chính quá khứ của mình. Khách quan mà xét, đóng góp của một số tập du ký là ở chỗ nó góp phần vào việc tự soát xét lại mình, tức quá trình tự nhận thức của dân tộc. Sự tự nhận thức ấy chỉ có được trong thực tế va chạm rồi so sánh đánh giá. Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình. 5. Do hiểu được ý nghĩa bức bách của công việc, nên mặc dầu khả năng có hạn chúng tôi vẫn mạnh dạn bắt tay vào sưu tầm biên soạn bộ sách thu góp các tác phẩm mang tính cách du ký nhật ký, hoặc đơn giản là những ghi chép mà các bậc tiền bối đã viết sau ít chuyến xuất ngoại, để in ra dần dần (*) . Sau đây bạn đọc sẽ có dịp đọc lại những trang viết về đề tài này của ba tác giả quen thuộc là Nguyễn Tuân, Nhất Linh và Lê Văn Trương. Cả ba cuốn khác nhau về nhiều mặt từ mục đích chuyến đi, tâm sự của người ra đi cho đến cách xúc cảm của các đương sự khi tiếp xúc với con người và cảnh vật xứ người,và cả cái cảm hứng chủ đạo nó nhất quán chi phối ngòi bút tác giả. Có điều, chính vì thế khi gộp cả lại, chúng gợi ra một ấn tượng sơ bộ nhưng khá đa dạng. Hy vọng rằng qua đây bạn đọc sẽ tìm thấy hứng thú và cùng với chúng tôi đi tiếp trên con đường theo dõi một mảng văn chương thú vị mà lâu nay vẫn bị bỏ qua. Ghi chú về văn bản 1/ Các tài liệu được in ở đây đều dựa vào những ấn bản được in ra lần đầu. Trong từng phần cụ thể chúng tôi đã có ghi rõ nguồn tài liệu mà chúng tôi dựa vào để biên soạn tập sách. 2/ Ngoài một số chú thích sẵn có của tác giả ( đánh số A-rập ), người biên soạn còn bổ sung nhiều chú thích ( đánh dấu hoa thị ).Thông thường đó là những trường hơp chúng tôi thấy cần cắt nghĩa thêm để tiện cho việc tiếp nhận những văn bản đã in ra hơn nửa thế kỷ trước. ------- (*) Rất tiếc là đến nay chúng tôi chưa có điều kiện để tiếp tục công việc. Xin cáo lỗi với bạn đọc -- 16- 6-२००९

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم