VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Văn học miền nam 54-75 trong cách nhìn của VƯƠNG TRÍ NHÀN hôm nay

Trong những năm gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, bởi có một nhu cầu đến từ những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị chính thức loại trừ sau 30/4/1975.
Trong chiều hướng đó, hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị, tiếng nói của nhà phê bình và nghiên cứu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà văn mền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.
Qua những nhận định và phân tích của Vương Trí Nhàn, chúng ta sẽ thấy sự tiếp cận văn học giữa hai miền chưa bao giờ thực sự gián đoạn, và riêng ông, ông mong được đóng góp tích cực vào việc mở rộng con đường hợp nhất hai nền văn học Nam Bắc để có thể vẽ nên toàn diện bộ mặt văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.



Thụy Khuê: Thưa anh Vương Trí Nhàn, xin cảm ơn anh lại một lần nữa vui lòng đóng góp tiếng nói trên đài RFI. Trước hết xin hỏi anh là hiện nay có dấu hiệu nào cho chúng ta thấy là văn học miền Nam đã bắt đầu hiện diện lại trên địa bàn văn học ở trong nước hay chưa?
Vương Trí Nhàn: Lâu nay, Văn học miền Nam như cứ tồn tại một cách lấp lửng ở Hà Nội, lúc thì xuất hiện, lúc có vấn đề nổi lên, tuy không thành vấn đề lớn, vấn đề liên tục. Thời gian gần đây vì có chuyện một số sách của Dương Nghiễm Mậu được in lại, sau đó lại bị phê phán, thành ra có người nghĩ rằng nó đang bị đẩy lùi đi. Tôi thấy không phải, mà thực chất khoảng mùa thu năm ngoái, năm 2007, báo Văn Nghệ mở ra mục giới thiệu một số tác phẩm của văn học Sàigòn trước 75 và đã in một số truyện ngắn. Và đúng kỳ 30 tháng tư năm 2008 này, báo Văn Nghệ có ra số đặc biệt, lần đầu tiên đưa vào sưu tập mười truyện ngắn in ở Sàigòn trước năm 75, đấy là một điều đáng chú ý. Theo tôi, trong xã hội đang có nhu cầu muốn nhìn lại, tiếp cận lại bộ phận văn học này, tôi thấy đây là điều cần thiết và cũng muốn góp sức vào đó.

T.K.: Truớc khi đi xa hơn nữa, xin hỏi anh về tình hình trước năm 1975, ở Hà Nội thời ấy đã có ai đọc một vài tác phẩm của Văn học miền Nam hay không, và nếu có, chuyện đó đã xẩy ra như thế nào?
V.T.N.: Văn học miền Nam hồi đó về Hà Nội ít ỏi lắm ,muốn đọc khó lắm , nhiều khi phải mò mẫm đi tìm tìm thấy rồi, đọc thấy hay rồi muốn kêu lên với mọi người cũng phải tự nén lại . Song, một cách tự nhiên , một số người chúng tôi biết rằng có nó , đinh ninh tin rằng một người muốn làm văn học một cách đứng đắn phải tìm tới nó -- các nhà văn từ Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, rồi Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... hay lớp trẻ bọn tôi như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt , Trúc Thông hay một số bạn khác đã nghĩ như vậy. Không bồng bột không sôi nổi ào ạt , nhưng chúng tôi đã liên tục tìm kiếm , không bỏ qua một trường hợp nào mà không tìm kiếm . Có thể là chẳng ai hiểu văn học miền Nam cho đến đầu đến đũa , có thể sự hiểu chỉ loanh quanh ở những mảnh vụn, nhưng làm sao khác được , vừa đọc vừa đoán thêm tưởng tượng thêm cũng là quý lắm rồi . Và đã có một sự chia sẻ thậm chí như là giữa hai bên hình như vẫn có một cuộc đối thoại ngầm nữa . Vả chăng cái sự xa lạ là mãi về sau này mớí xuất hiện chứ ban đầu chính thức đâu có phải vậy. Có lần tôi đã tìm thấy một văn bản năm 56, ông Nguyễn Tuân, thay mặt cho giới văn nghệ Hà Nội, đã viết thư cho những người viết văn ở miền Nam, nói rằng chúng ta sẽ cùng lập một đoàn đại biểu để đi dự hội nghị nhà văn ở Tân Đề Ly, bên Ấn Độ và chúng ta sẽ chờ cơ hội sáng tác để góp phần vào nền văn hóa dân tộc. Đây là chuyện ít người biết cả người ở Hà Nội cũng không biết tôi cho rằng chúng ta nên tìm cách nhắc lại với nhau kẻo hiểu làm mãi , hiểu lầm và tự mình bó buộc mình một cách phi lý.
Về sau này , từ những năm cuối chiến tranh và nhất là ngay sau 1975 đôi lúc có cảm tưởng là với giới viết văn Hà Nội đời sống văn chương miền nam là bỏ đi những người viết văn ở Sàigòn trước kia toàn là kẻ thù cả. Không phải thế. Nói người ta cứ nói mà đọc người ta cứ đọc . Gần đây càng ngày tôi càng thấy nhiều ý kiến nói rằng đánh giá thế nào thì đánh giá, có thể phê phán, có thể nhận xét thế này thế kia, nhưng phải công nhận rằng văn học miền Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX và ở đó có rất nhiều vấn đề, nhiều đóng góp và phải có nó nữa thì văn học Việt Nam mới là chính mình. Vậy phải nghiên cứu tìm hiểu hẹ thống hóa lại phải in lại Trên nguyên tắc không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ còn làm thế nào cho đúng, cho tốt nhất, sự thực là không thể không làm được. Tôi cho là thời gian tới, việc này phải được triển khai một cách bài bản , tuy rằng đi vào cụ thể cũng có rất nhiều khó khăn.

T.K.: Thưa anh, qua những dịp nói chuyện với anh, tôi biết là anh đã đọc khá nhiều văn học miền Nam từ lâu rồi .Nhưng hình như trước đây anh ngại phát biểu về vấn đề này. Ngày nay, anh sẵn sàng trở lại vấn đề này một cách công khai . Vì sao như vậy, chắc ở đây phải có một lý do sâu xa?
V.T.N.: Đúng là thời gian gần đây, tôi cảm thấy không thể im lặng mãi mà cần nói nên nói . Sở dĩ vậy lý do rất đơn giản . Cái chính là đời sống trong nước gần đây có nhiều khó khăn, quá, không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều mặt khác.Với tư cách là một trí thức, một người viết văn, điều làm tôi đau lòng nhất là nhìn thấy con người hiện nay, có cái gì đó như là suy thoái, tha hóa, tầm thường đi, trở nên hung hãn càn rỡ hơn, chỉ biết chiều theo những bản năng thấp, ham hưởng thụ và mệt mỏi, chán ngán, làm bậy. Tôi thấy chúng tôi những người viết văn có lỗI trong chuyện này và trước mắt phải nhận lấy trách nhiệm suy nghĩ và lý giải vấn đề này. Trong quá trình lý giải đó, tôi đi tới ý tưởng là con người hôm nay là hệ quả của chiến tranh . Nghĩ gì thì nghĩ, xã hội Việt Nam hôm nay là xã hội hậu chiến. Có người bảo đã 30 năm nay rồi; nhưng theo tôi, thực sự xã hội Việt Nam vẫn còn đang phát triển theo quy luật của chiến tranh và nếu chúng ta không nói rõ ra những đặc điểm của con người hậu chiến, không trở lại cuộc chiến tranh, thì không thể hiểu được đời sống trước mắt và không thể gọi ra căn bệnh của con người hiện nay được và cũng không thể góp phần chạy chữa và giúp con người sống tốt hơn được. Tôi tìm thấy ngay, những điều mà tôi suy nghĩ, ở Văn học miền Nam, cái phần mà tôi đã biết, đã đọc từ trước. Nó đã giúp tôi hiểu cả hai miền trong chiến tranh . Nó lại là cái sơ sở để cắt nghĩa tình hình hôm nay. Chúng ta đều biết rằng: trước 75, Văn học Việt Nam tồn tại ở hai mảng là Văn học miền Bắc và Văn học miền Nam. Nhưng có lúc trong tài liệu nghiên cứu, người ta chỉ thấy có Văn học miền Bắc thôi, còn bộ phận kia coi như không có. Hiện nay các sách văn học sử, hoặc là không viết gì, hoặc viết mấy câu qua loa có tính chất phê phán, nhưng sự thực là trong thời gian 45-75, rõ ràng chúng ta có hai nền văn học cùng tồn tại và hai nền văn học đó bổ sung cho nhau, mỗi bên có giá trị riêng và giá trị đó không thể bỏ được.

T.K.: Anh nghĩ như thế nhưng vẫn còn nhiều người nghĩ ngược lại anh, tại sao vậy?Và anh có lập luận nào để bảo vệ ý kiến anh?
V.T.N.: Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn học miền Nam là hình như họ nghĩ như thế này: tức là nếu công nhận Văn học miền Nam thì [Văn học] miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Tôi nghĩ "cách nghĩ chỉ có một [nền văn học] thôi" là không phải, vì như vậy sẽ gây ra nhiều rắc rối trong việc tiếp cận nhau. Tôi cho rằng chúng ta có cả hai [nền văn học], và hai bên bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ độ một trăm năm sau, nếu muốn nhìn lại xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, muốn hiểu con người sống như thế nào thì cần phải đọc cả hai. Nền văn học miền Bắc, tôi tạm gọi là văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh, còn nếu nói có những trang sách nào diễn tả được con người trong chiến tranh thì tôi thấy nó rõ trong phần văn học miền Nam. Qua những cuốn sách tôi đã đọc, từ Võ Phiến Mai Thảo Nhật Tiến Thế Uyên… chỗ nào tôi cũng thấy chiến tranh xa gần đều có dây dưa tớI chiến tranh . Sát sườn hơn những tác phẩm của Y Uyên , Nhã Ca, của Phan Nhật Nam, hay những bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn . Một ngườI như Dương Nghiễm Mậu, ngoài Cũng đành , Nhan sắc , Con sâu , tôi nhớ còn khá nhiều bút ký in trên bán nguyệt san Văn khoảng 1072-74 , ở đó có một nhân vật có tên là Trực , nhân vật Trực trở đi trở lạI nhiều lần vì hình như là chỗ để tác giả tự bộc lộ . Đọc những trang sách này , tôi hình dung ra được là chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh ghê gớm như thế nào, con người Việt Nam đã bị thương như thế nào méo mó như thế nào , trở thành như thế nào qua cuộc chiến tranh đó. Tôi cho rằng, nếu trong truyền thống, chúng ta có mảng văn học chức năng, động viên thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thì Văn học miền Bắc nối truyền thống đó rất rõ. Ngược lại, Văn học miền Nam nối tiếp truyền thống văn học của Nguyễn Du, của Đặng trần côn – Đoàn Thị Điểm, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, mảng nói về những đau khổ của con người và sự bơ vơ, khó khăn, bất lực, không biết đi lối nào trong đời sống này và cả tính bi thương, đau đớn của con người. Mảng đó tôi thấy rõ ở Văn học miền Nam đầy đủ hơn.

T.K.: Nếu đặt Văn học miền Nam vào mạch chung của thế kỷ XX, anh thấy nền văn học này đã giữ địa vị nào và đã làm được gì cho nền văn học dân tộc của chúng ta, nói chung?
V.T.N.: Chúng ta biết rằng thế kỷ XX là một bước chuyển của Văn học Việt Nam, trước đó chúng ta có nền văn học theo mô hình Trung Hoa, ở đó có hai bộ phận chính, một gần với dân gian, một nữa là văn học chức năng, văn dĩ tải đạo. Sang thế kỷ XX, văn học chúng ta hiện đại hóa tức là vận động theo mô hình văn hóa phương Tây, đến năm 1945 đã hoàn chỉnh. Sau năm 45, chúng ta có hai mảng văn học như tôi nói ở trên tức là Văn học miền Bắc và Văn học miền Nam. Văn học miền Bắc đi theo luật riêng , một mặt, nó tiếp theo văn học tiền chiến, và một mặt – mà là mặt chủ yếu -- thì muốn làm công việc khai phá mới , đi lại từ đầu, tức là đi từ văn học dân gian lên và phủ nhận những kinh nghiệm của thời tiền chiến. Đặt trong cái mạch chung thì đến đây bên cạnh phần nối tiếp, có sự đứt gẫy . Ngược lại, chính Văn học miền Nam, rõ nhất là thời kỳ 54-75, theo tôi là sự tiếp nối tiền chiến đầy đủ hơn, với những vấn đề mà các nền văn học Đông Nam Á thường thấy là sử dụng quan niệm văn hóa phương Tây, nói lên được đời sống con người đương thời, có sự nối tiếp những di sản cũ, có sự tiếp nhận một cách bình thường đối với ảnh hưởng nước ngoài. Nhìn đạI thể , nếu Văn học miền Nam trước sau vẫn nằm trong một mạch liên tục với nước ngoài , thì Văn học miền Bắc, trước 75, gần như cô lập, chỉ có mạch nối tiếp với Trung Hoa và Nga, nhưng chỉ tiếp nhận được cái phần bề ngoài , vả chăng, ngay cả Nga và Trung Hoa lúc đó cũng đứng cô lập với thế giới. Vì vậy, có thể nói: Văn học miền Nam là sự tiếp nối bình thường của văn học tiền chiến, -- tức là thuận theo cái dòng trôi chảy bình thường của lịch sử , chỉ có khác là trong điều kiện xã hội hậu thực dân, khi người Việt Nam bắt đầu nắm được vận mệnh mình và nghĩ phải làm sao đưa nền văn học của mình vào xây dựng xã hộI mớI , tuy nhiên tất cả là còn nham nhở dở dang và sớm buông xuôi mệt mỏi .

T.K.: Nếu cần tìm về bản chất Văn học miền Nam, theo anh, những giá trị nào là cơ bản của nền văn học này?
V.T.N.: Ở đây có hai giá trị cơ bản của văn học, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Tôi hiểu giá trị hiện thực như thế này, đọc Văn học miền Nam trước 75, tôi hiểu con người Việt Nam trong chiến tranh, chúng ta thấy ở thành thị, quân đội nước ngoài tập trung đến, với bao nhiêu đảo lộn của con người; còn nông thôn thì nay thuộc phe này, mai phe kia, con người bị chiến tranh xua đẩy đi khắp mọi nơi, đấy là những bức tranh hiện thực. Có lần tôi đọc một cuốn sách ít người biết lắm, cuốn Bướm khuya của Túy Hồng, hay là cuốn Đoàn lữ binh mùa thu của Nhã Ca chẳng hạn, nhưng cuốn như thế cho thấy đời sống xã hội - nhất là qua các nhà văn nữ- khi Mỹ vào, được tổ chức như thế nào để chuẩn bị chiến tranh và đã gây bao nhiêu thay đổi trong đời sống con người. Cái hiện thực diễn tả ở đây không phải là cái hiện thực mà chúng ta quen nghĩ, tức là ở đó phải có giai cấp nọ, giai cấp kia, phải có địa chủ, tư bản, nông dân - quan niệm hiện thực đó nó cổ rồi, nó khô cứng- mà là không khí hiện thực chung, hiện thực ngột ngạt, đau đớn, có lúc như ma quái, người ta không thể nắm được, nó nằm ngoài người ta, người ta đành phải chấp nhận nó và cảm thấy ở trong một môi trường mà mình bị nung nóng lên, bị lệch mọi hành động và suy nghĩ của mình. Thì bức tranh về xã hội chiến tranh như thế, tôi thấy rất nhiều trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, ở phần tốt nhất của họ, ở phần họ đúng là nhà văn, thì họ đã nói lên được thực trạng xã hội, ở đấy, đọc thấy rõ hơn, và có cảm tưởng như trở lại không khí của một đất nước, đã trải qua ba mươi năm quá đặc biệt. Đặc biệt trong đó có một chủ đề mà tôi cho là chủ đề nhân đạo, tức là nền văn học có sự thông cảm với con người, chia sẻ với con người. Có một số người hay hiểu nền văn học nhân đạo là văn học thương yêu con người, ca ngợi con người, đấy cũng là một cách hiểu. Nhưng theo tôi, điều quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa nhân đạo là hiểu con người, thông cảm với con người, thấy tất cả những sự phức tạp, cái ghê gớm, cái kỳ lạ của con người, nhất là chia sẻ với con người trong trạng thái nhân thế của nó.

T.K.: Xin anh kể ra một vài tác giả hay tác phẩm nào trong nền Văn học miền Nam đã làm cho anh căn cứ vào đó để nói lên những điều anh vừa nói.
V.T.N.: Tôi nhớ là trong những cuốn sách của nhà văn Dương Nghiễm Mậu thì tôi thấy rất rõ những lúc, trong thời kỳ đầu, Dương Nghiễm Mậu có nhiều suy nghĩ rất trừu tượng, trong Cũng đành, về vấn đề tồn tại như thế nào, mình có quyền hành động gì, sự lựa chọn đúng hay sai, mình đúng như thế nào, bản mệnh đã bị dày vò thế nào, đấy là phần đến rất sớm ở Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền và một số người khác. Về sau, khoảng sau 72, tôi được biết là Dương Nghiễm Mậu cũng có những tiểu thuyết như Con sâu, cũng đã diễn tả tâm trạng đời sống con người trước 75. Rất tiếc là tôi chưa được đọc cuốn này nhưng tôi được đọc nhiều bút ký ngắn của Dương Nghiễm Mậu tả những chuyến đi theo các đơn vị quân đội đến Tây Nguyên, ra Quảng Trị và nhân vật các sĩ quan trẻ trong đó, tôi thấy diễn tả được hết những đau đớn của con người, chứng kiến đất nước mình, lớp trẻ bị chết, bị thương, mất hết sự thiêng liêng của đời sống và bơ vơ không biết làm thế nào.
Một tác giả nữa, mà khoảng năm 72, bọn tôi ở quân đội cũng rất xúc động, xôn xao lên là cuốn của Phan Nhật Nam, không phải cuốn nhiều người hay nói tới là cuốn Mùa hè đỏ lửa, diễn tả không khí chiến trường rất ác liệt, mà là cuốn trước đó, cuốn Dấu binh lửa. Theo tôi, Dấu binh lửa có giá trị rất lớn, vì nó cho thấy sự tan vỡ tâm hồn, tan vỡ đời sống tinh thần của người thanh niên lớn lên trong một đất nước chiến tranh. Từ chỗ là một người đầy nhiệt huyết, muốn biết, muốn hiểu, muốn đóng góp, muốn làm cái gì cho dân, cho xứ sở, biến thành người hư hỏng, chán ngán, không còn là mình nữa và biết là mình lội sâu vào trụy lạc, hư hỏng và con người trở nên trâng tráo, chai lỳ, bất nhẫn, Phan Nhật Nam kêu lên là mình không còn là mình nữa, mình đã đánh mất mình rồi, xã hội đã làm hỏng mình rồi. Tất cả những điều đó đều đọc được trong Dấu binh lửa. Tôi nhớ là tôi hay nói chuyện với những nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, các anh đều công nhận rằng đọc cuốn sách này thấy rất rõ sự vận động tâm lý, vận động đời sống tinh thần của con người trong xã hội như thế và bọn tôi ghi nhận ngay cách diễn tả, cách viết rất trực tiếp và khả năng sử dụng tiếng Việt của Phan Nhật Nam trong Dấu binh lửa ở một tác phẩm có tính chất tự thú như thế. Sau này Bảo Ninh có viết Nỗi buồn chiến tranh, đọc Nỗi buồn chiến tranh tôi lại nhớ đến Dấu binh lửa và tôi có đưa cho anh Bảo Ninh xem, Bảo Ninh nói với tôi: Nếu tôi đọc cuốn Dấu binh lửa này thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Tôi có cảm tưởng rằng đây là một trong những cuốn sách viết về chiến tranh mà bọn tôi ghi nhớ mãi và cho rằng ở chỗ đó, nó thể hiện đầy đủ những đóng góp của Văn học miền Nam, tức là ghi nhận được trạng thái nhân thế, tinh thần của con người một thời, tất cả những đau đớn, vật vã của con người trong một hoàn cảnh phi nhân văn và chính từ đó chúng ta có thể giải thích tất cả những biến động trong đời sống từ sau 75 đến nay.

T.K.: Thưa anh, có thể nói là sự trở về với Văn học miền Nam của anh còn có một lý do khác, đó là từ khi về hưu anh có nhiều thì giờ đọc hơn và anh cũng đã khám phá ra nhiều cái mới.
V.T.N.: Tôi cũng xin thú thật là, gần đây, về hưu rồi, tôi mới có điều kiện đọc nhiều, một trong những say mê của tôi là đọc sử của mình suốt những thời kỳ cũ. Thật ra ở Hà Nội người ta viết sử rất kém, từ lúc tôi đi học đã... không có sử. Rất xấu hổ phải nói là một người viết văn, trí thức như bọn tôi, mà chưa bao giờ tiếp xúc một cách nghiêm túc với những bộ sử rất quan trọng của chúng ta như bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Cương Giám Khâm Mục hay những bộ sử sau này như Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn chẳng hạn hay sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, thời người Pháp sang tổ chức lại xã hội của mình. Tất cả những trang sử ấy, bọn tôi biết quá ít, sự thực là chúng tôi có những định kiến sai lầm, những thành kiến, rồi cứ nuôi những thành kiến đó mà cứ tưởng đó là chân lý. Tôi có được may mắn là tự tìm ra được niềm vui đọc lại những cái đó và từ mảng ấy, tôi hiểu được đời sống hôm nay. Thế thì Văn học miền Nam cũng là một bộ phận, một di sản của dân tộc, nó như những bức ảnh, những cuốn phim, ghi lại đời sống một thời. Với những nhà văn của một đất nước, với tư cách là trí thức của đất nước, tôi nghĩ chúng ta rất cần lùi xa lại quá khứ và từ khoảng cách xa như thế, nhìn chung cả lịch sử tinh thần của dân tộc, chúng ta sẽ có được những khái quát để đóng góp xây dựng đời sống trước mắt.

T.K.: Tôi biết là anh đang có một dự định nghiên cứu dài hơi, anh có thể cho biết sơ qua về công việc mà anh đang bắt đầu làm không?
V.T.N.: Tôi đang làm việc tổng kết lại hoạt động của đời mình, theo nghĩa là dù mình có mấy chục năm làm việc nhưng nó cũng như là một bản nháp lộn xộn, bây giờ tìm xem cái gì là chính, vì thế, tôi nhận viết cuốn sách về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trên con đường ấy, tôi nghĩ là chúng ta phải đánh giá lại Văn học tiền chiến, để thấy nó như là biểu hiện dạng thức văn hóa dân tộc trong nửa đầu thế kỷ XX, sang nửa sau, phải kể cả mảng Văn học miền Bắc (Văn học cách mạng) và Văn học miền nam. Trong quá trình xử lý như thế, tôi biết rằng sự chuẩn bị còn quá ít và chưa đầy đủ và bọn tôi còn có những thiếu sót rất cơ bản, thí dụ khả năng có thể tiếp xúc được với những ngành nghiên cứu mới nhất của phương Tây, thì lại không có, chỉ mầy mò thôi. Và có lẽ việc làm đầu tiên là mình phải thay đổi quan niệm, phải cởi mở, cởi mở theo nghĩa không phải để cho qua mà chính là để xác thực với thực tế hơn, gần với sự thực, gần chân lý hơn. Tôi mong muốn cả những người viết văn ở Hà Nội, ở Sàigòn cũ và bây giờ một số ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng đã có một thời gian nào đấy để nghĩ lại và vượt qua thành kiến cũ của mình, tạo được sự mới mẻ với đời sống văn hóa, văn học của dân tộc trong thế kỷ XX. Tức là chúng ta phải chấp nhận điều chúng ta phải thay đổi.

T.K.: Vừa rồi anh nhấn mạnh đến việc chúng ta phải thay đổi, theo anh, cái mà chúng ta phải thay đổi ở đây cụ thể là gì? Và tại sao chúng ta lại phải thay đổi? Bài học quá khứ đã cho ta những kinh nghiệm như thế nào?
V.T.N.: Đối tượng vẫn thế thôi, nhưng sự tiếp cận của chúng ta hôm qua đã thất bại thì hôm nay phải đổi cách nhìn, phải có những công cụ mới, cái nhìn mới. Trong thực tế đời sống nghiên cứu văn học, văn hóa ở Hà Nội cũng đã có như thế: trong một thời gian dài ở Hà Nội Văn học tiền chiến coi như rất yếu kém, nhiều hư hỏng. Những tác giả như Vũ Trọng Phụng coi như không được in lại, Nguyễn Công Hoan cũng có những sai lầm, Ngô Tất Tố cũng hạn chế, Tự Lực Văn đoàn coi như vứt đi hết, chỉ có Thạch Lam được yêu mến một chút thôi, chứ còn tất cả đến bây giờ vẫn coi lãng mạn là xa rời đời sống, nhiệm vụ dân tộc. Từ lúc trước 75 hiểu như thế, đến bây giờ thì khác hẳn, bây giờ lại bắt đầu nhìn Văn học tiền chiến như một niềm tự hào của văn hóa, văn học dân tộc, thì tôi thấy rõ ràng chúng ta đã thay đổi, tôi muốn rằng sự thay đổi ấy cũng sẽ đến với Văn học miền Nam, trong cái nhìn Văn học miền Nam trước 75. Tôi thấy, ví dụ như người Nga, họ cũng nhìn thấy ở văn học hải ngoại của họ, người Trung Hoa cũng tìm thấy ở Văn học Đài Loan, Văn học Hồng Kông những giá trị. Ở Đài Loan có những nhà văn như Bạch Kiến Chúc mà các sách văn học sử của Bắc Kinh coi là quan trọng của nền Văn học Trung Hoa thế kỷ XX. Những quan niệm của mình phải thay đổi. Người ta lại bảo có những hạn chế. Tôi thấy ai mà chẳng có hạn chế, ví dụ bây giờ đọc bất cứ cuốn sách nào ở Hà Nội, đều thấy nói rằng Nguyễn Du có nhiều tư tưởng hạn chế, nhưng không phải vì hạn chế ấy mà tất cả chúng ta bỏ, không say mê Kiều và cảm thấy Kiều là phần thân thiết, gần gũi và là một tiếng nói tâm hồn của chúng ta. Tôi thấy trong việc trở lại Văn học miền Nam, vẫn còn nhiều thành kiến cũ, vẫn có những ngần ngại, cố chấp làm chúng ta khó thay đổi. Tôi thấy cần phải có sự giải phóng tư tưởng, và phải có những tiêu chuẩn rất cơ bản, thí dụ như tiêu chuẩn vì quyền lợi chung của dân tộc, vì tính chất nhân đạo, tính chất nhân văn của con người. Những tiêu chuẩn ấy mới là những sâu xa của văn học và trên những cơ sở như thế tôi tin rằng việc này sẽ được tiếp tục tốt hơn.

T.K.: Nếu so sánh sinh hoạt văn học hiện nay ở trong nước với sinh hoạt văn học miền Nam trước 75, anh có thấy điểm tương đồng nào giữa hai nên văn học này?
V.T.N.: Gần đây tôi thấy rõ ràng là văn học ở trong nước hiện nay đang có nhiều điểm giống như Văn học miền Nam trước 75, kể cả sự phát triển văn hóa đại chúng, kể cả sự học đòi nhiều lúc hơi xô bồ, tuỳ tiện đối với phương Tây, cái mệt mỏi của con người, nỗi băn khoăn của người trí thức để có một nền văn học khác đi, so với sức cuốn của xã hội hiện đại. Nhiều lúc ở Hà Nội này, tôi đọc và tôi cảm thấy những hiện tượng quanh mình tôi đã gặp một lần đâu đó, và tôi nhớ lại là trước năm 75 tôi đã đọc ở Sàigòn, bên cạnh Bách Khoa, bên cạnh Văn, đã có những nhốn nháo, nhố nhăng, tùy tiện rất buồn cười mà ngay lúc bấy giờ nhiều người đã kêu rồi. Ngay ở phương diện ấy, Văn học miền Nam cũng đã làm bước hội nhập đi trước so với văn học trong nước bây giờ mà các nhà văn trẻ hiện nay đang muốn thay đổi, họ cũng không muốn viết, không muốm sáng tác như những người đi trước, như bọn tôi, nữa; thế nhưng sự chuẩn bị không có. Sự chuẩn bị này, dĩ nhiên lỗi không phải ở lớp trẻ mà là ở lớp người đi trước, chúng tôi đã không góp phần chuẩn bị cho họ, thành ra, ngay ở phương diện này, các nhà văn trẻ cũng có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, những ví dụ, những bài học, để học theo, những bài học hữu ích cho công việc của họ.

T.K.: Chắc anh cũng đồng ý với tôi là mặc dù giới trẻ trong nước hiện nay không có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với Văn học miền Nam, nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ, tìm tòi kỹ thì chúng ta vẫn thấy có một vài ảnh hưởng nào đó của Văn học miền Nam trên một số tác giả trẻ hiện nay. Vậy anh có thể lý giải cụ thể thế nào về hiện tượng này?
V.T.N.: Cụ thể thế này. Chúng ta đều biết rằng Văn học miền Nam vẫn có cách xuyên thấm vào đời sống. Ví dụ như thơ, các hội thơ gần đây đã bắt đầu đưa Thanh Tâm Tuyền lên thành một tìm tòi của thơ thế kỷ XX ở Việt Nam và trong dư luận miệng tức là trong các cuộc trao đổi, mọi người trông vào các tìm tòi của các nhà thơ ở miền Nam trước 75 như những bước khai phá tiếp tục Thơ Mới, để tìm tới một giai đoạn mới của thơ và để thơ Việt Nam hội nhập thế giới. Tôi cho là thơ của các nhà thơ ở miền Nam trước 75, trong chừng nào đó, nó đã giải quyết việc này, một cách liên tục, một cách đại trà rộng rãi, và đã đạt được mức thành công. Nó sẽ góp phần thúc đẩy văn học trong nước. Tôi thấy tình trạng trong nước bây giờ rất trì trệ và có cái gì như là bế tắc, người ta muốn tìm nhưng không biết tìm gì và cái tìm ra thì thiếu điều kiện cơ bản cho nên không phải là cái mà người ta cần. Tôi thấy ngay đến cả các vấn đề như thế nào là tiểu thuyết? văn xuôi là như thế nào? chấp nhận phương Tây như thế nào? thì các nhà văn trẻ bây giờ cũng có thể đọc lại các nhà văn miền Nam trước 75. Thế rồi cách thể hiện cá nhân như thế nào? quan hệ cá nhân, xã hội thế nào? họ cũng có thể tìm thấy trong các nhà văn miền Nam cách thể nghiệm của mình. Giới nghiên cứu chúng tôi cũng thấy điều đó, chính chị Thụy Khuê đã có lần viết trong bài Văn học miền Nam, về việc xây dựng Văn học miền Nam ở Sàigòn trước năm 75, có những nhóm người trẻ lúc bấy giờ đầy những ao ước xây dựng nền văn nghệ mới, qua giai đoạn tiền chiến rồi, qua giai đoạn Pháp cai trị rồi, một nền văn nghệ của nước mình. Việc mà nền Văn nghệ miền Nam làm được: thứ nhất là tiếp nhận di sản cũ, nối tiếp truyền thống các nhà văn cũ và thứ hai là tiếp nhận một cách bình thường văn học, văn hóa nước ngoài, coi đó là nguồn góp ý cho mình, coi đó là cách mình có thể tựa vào để phát triển.

T.K.: Xin hỏi anh về di sản văn học. Theo anh thì Văn học miền Nam có vai trò gì trong việc bảo tồn Văn học tiền chiến và trên mặt nghiên cứu văn học, theo anh, miền Nam có để lại thành quả nào mà anh thấy vẫn còn hữu ích cho giới làm văn học hiện nay không?
V.T.N.: Trong việc di sản Văn học tiền chiến, thì trong một thời gian dài, ở Hà Nội mất đi rất nhiều, nhiều tài liệu bị cất vào thư viện, sau đó không ai đọc, cuối cùng không biết ở đâu. Thì chính là ở Sàigòn, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đã bắt đầu có sự nối tiếp, chuẩn bị, sưu tầm tài liệu, đã góp phần làm dài di sản chung của chúng ta. Gần đây, như tôi biết, Từ điển văn học đã đưa vào một cuốn sách văn học sử mà riêng bản thân tôi rất thích thú và đã mua về để coi như là cuốn sách rất tốt về văn học sử Việt Nam, đó là cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ. Những người có theo dõi văn học Sàigòn, đều biết hồi ấy có nhiều người rất nổi trên phương diện nghiên cứu văn học và biên khảo, ông Phạm Thế Ngũ chỉ là một nhà giáo và cuốn sách mà tôi nói chỉ là một cuốn giáo trình; nhưng thực sự gần đây, tất cả mọi người đều công nhận đó là một cuốn sách viết rất nghiêm túc về Văn học Việt Nam nói chung, bằng chứng là cuốn sách đó đã được đưa vào Từ điển văn học, do nhóm của Viện Văn Học chủ trì. Tất cả những thành tựu của Văn học miền Nam, như cuốn sách về triết học của Trần Thái Đỉnh, cuốn Triết học hiện sinh cũng đã được in lại. Hôm qua tình cờ tôi đọc lại cuốn Văn học miền Nam Tổng quan của Võ Phiến, thì ông Võ Phiến cho biết cuốn đó có thời gian là cuốn bán chạy nhất, năm nó ra đời ở Sàigòn. Điều đó tôi rất thông cảm bởi vì hiện nay ở Hà Nội cũng thế thôi: có một khao khát tiếp nhận những cái mới của phương Tây, tiếp cận những tinh hoa của họ, tôi thấy việc đó thì Văn học miền Nam đã đi trước và để lại những thành quả mà bây giờ chúng tôi không dễ gì vượt qua.

T.K.: Thưa anh, nếu đưa được nền Văn học miền Nam trở lại văn đàn thì anh thấy điểm nào có thể giúp ích ngay cho sinh hoạt văn học hiện nay trong nước?
V.T.N.: Nhìn chung, tất cả những phần đóng góp của Văn học miền Nam đối với nền văn học dân tộc, hứa hẹn nhiều bài học quý báu cho việc xây dựng nền văn nghệ của chúng ta. Thí dụ việc xây dựng ngôn ngữ văn học. Hiện nay trong đời sống Hà Nội, ngôn ngữ giao tiếp thông thường... rất kinh khủng. Hôm nọ có người viết bài về việc giữ chủ quyền trong ngôn ngữ, ý nói đang có cuộc xâm lăng ngôn ngữ từ tiếng Anh, đến tiếng Hán xâm nhập vào tiếng nói rất loạn xạ, và ngay cả ngôn ngữ văn học của những người cầm bút hiện nay cũng hết sức lộn xộn, hết sức nhếch nhác, lâu lắm không có người viết văn hay. Trong lúc đó, tôi đọc lại Văn học miền Nam, với những ngòi bút bậc thầy, ở phần hay nhất của mình, thì Mai Thảo có những trang viết hết sức văn học, rất hay, Võ Phiến có giọng văn riêng, cho thấy một đời sống tinh thần không thể có ở thời tiền chiến được. Rồi rất nhiều nhà văn khác, như Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam, v.v... cả những nhà văn tương đối phổ thông hơn như Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng v.v... ở họ, đều là những thể nghiệm ngôn ngữ mà đi sâu hơn thì ở đó nó có cái mạnh của tiếng nói Hà Nội, có cả cái mạnh của văn hóa miền Nam, của Sàigòn lục tỉnh, tôi thấy hai điều đó được kết hợp nhuần nhụy trong những nhà văn, một số nhà văn di cư, mang lại cho ngôn ngữ văn học của Văn học miền Nam một mực thước và sau đó đạt cái chuẩn mà đến bây giờ bọn tôi vẫn trông vào đó để học hỏi. Hoặc trong việc dịch những tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, cách xử lý tiếng Việt của các dịch giả, tôi thấy đó là điều bọn tôi phải nể và phải tiếp nhận học hỏi và phải công nhận những đóng góp của họ. Tôi chỉ muốn nói là gần đây tôi đã có phản ứng như thế và rất muốn chia sẻ với mọi người như thế.

T.K.: Thưa anh, câu chuyện đã khá dài, trước khi từ giã, anh thấy có những điều gì anh muốn nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy.
V.T.N.: Tôi chỉ muốn nói một điều là hiện nay tôi bị ám ảnh bởi điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá. Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, cách làm việc, thì khó khăn vật chất rất cụ thể như tư liệu thì mất rất nhiều và không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hóa, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Gần đây trên mạng talawas cũng đã trích đăng lại một só tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực những người nắm được bao quát chung thì không có và hiện nay tài liệu cũng rất thiếu sót. Cụ thể những bộ báo, sách quan trọng như tập Bách Khoa, Văn... thì không biết ở trong và ngoài nước người ta còn bao nhiêu và làm thế nào đưa nó lên thành tài liệu nghiên cứu cho tất cả mọi người. Làm được như thế thì cũng đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, văn học mạng hiện nay rất phát triển nhưng không ai làm việc lưu trữ này, dự trữ tài liệu, để thúc đẩy việc nghiên cứu Văn học miền Nam. Trong quá trình nghiên cứu văn học, tôi rất muốn có dịp nào đó chúng ta cùng trở lại Văn học miền Nam, đọc lại nó để hiểu nó.

T.K.: Xin thành thật cám ơn anh Vương Trí Nhàn.
Bài "nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn" đăng trên HỢP LƯU số 103 tháng 1&2 năm 2009
Thụy Khuê thực hiện
Chương trình Văn học nghệ thuật RFI, ngày 14 và 21/6/2008

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم