VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

. Sa đà, trót dại, hối hận

Ngoài nghĩa thông thường, bỏ lỡ mất thời cơ cần thiết, trong tiếng Việt, lỡ làng còn hàm nghĩa một sự lầm lẫn, một bước quá trớn. Nói hẹp hơn, nó chỉ việc trai gái chiều chuộng nhau, sàm sỡ với nhau quá “mây mưa đánh đổ đá vàng”, sau sinh ra hối hận thì sự đã muộn.
Trong văn học Việt Nam, ít ra đã có vài lần cái sự lỡ làng với ý nghĩa nói trên được các nhà văn nhà thơ nhắc tới. 1. Trường hợp “cổ điển”, phải kể là bài thơ Không chồng mà chửa của Hồ Xuân Hương. Mặc dù lên tiếng từ góc độ nạn nhân, góc độ người gánh chịu hậu quả của cái lầm lỗi mà cả hai bên cùng có trách nhiệm, song bài thơ vẫn có cái giọng ôn hoà, vừa phải. Có lẽ sự đa mang ở đây đã là kết quả của một say đắm, nên chi, khi nhớ lại nó, người phụ nữ không tỏ ý oán trách người đàn ông, không hối tiếc. Nàng kể lại mọi chuyện một cách thản nhiên. Đi xa hơn nữa, nàng còn không quên biện hộ cho mình. Không có, nhưng mà có, mới ngoan Làng xã đồng bằng Bắc bộ từng biết tới tục lệ độc ác là gọt tóc bôi vôi kẻ không chồng mà chửa. Đặt bên cạnh cái lệ làng ngặt nghèo ấy, lời biện hộ nói trên mang tính cách một sự thách thức rõ rệt nếu không muốn nói là còn pha cả chút trâng tráo nữa. 2. Trong một xã hội quen yên tĩnh và sợ mọi chuyện quá đáng, như xã hội Việt Nam, câu chuyện chàng rể ăn nằm với mẹ vợ là chuyện không bình thường và nếu vẫn gọi đấy là lỡ làng, thì phải nói thêm: một sự lỡ làng kỳ cục, quái gở. Một đề tài không có chất thơ tí nào, nếu đem thơ đồng nghĩa với sự thi vị, như vẫn thấy ở mỹ học cổ điển. Phải cỡ như Tú Xương mới đám đưa nó vào thơ, qua lời kể của ông, câu chuyện lỡ làng “độc nhất vô nhị” nói trên đây vào trí nhớ người ta, như một cái tin giật gân trên báo chí, chuyên cung cấp chuyện cho đám ngồi lê đôi mách. Đáng nhớ nhất có lẽ là hai câu đối chan chát: Chép miệng bà nuôi to cái dại Phờ râu ông rể ẵm con so Sự thể đã đến mức thế, không ai có thể thông cảm được. Tú Xương cũng không thông cảm, mà chỉ cười cợt, chế giễu. 3. Trong văn học tiền chiến, sự lỡ làng theo nghĩa trót dại này còn được nhắc tới trong các phóng sự cũng như tiểu thuyết. Đọc Kẻ đến sau của Lê Văn Trương, người ta bắt gặp một cốt truyện đại khái như sau: một người đàn ông lấy được người vợ rất đoan trang. Có lần, trong một cuộc chung chạ, chợt anh ta phát hiện ra vợ mình đã một lần sinh nở, và mình trở thành kẻ đến sau, chẳng qua làm cái sái nhì chứ chẳng ngon lành bở béo gì! Điều tra kỹ, thì ra người đàn bà ấy đã một phen lỡ làng thật, nhưng sau hối hận cải tà quy chính, nhất quyết làm người đứng đắn cho thiên hạ biết. Câu chuyện như vậy không ra khỏi lối thuyết minh đạo đức thường thấy ở nhà tiểu thuyết Lê Văn Trương. So với không khí Âu hoá đương thời mà Vũ Trọng Phựng từng phơi bày trong Giông tố, Số đỏ... thì nhân vật của Lê Văn Trương đã cũ rồi, đừng nói là so với ngày hôm nay. 4. Chắc chắn rằng trong xã hội liên miên ba bốn chục năm chiến tranh như xã hội ta, những chuyện lỡ làng trong đời sống không thiếu, chết nỗi các nhà văn từ 1985 về trước thường gạt chúng sang một bên, coi là chuyện không đáng kể. May lắm thì như trường hợp Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi, nhân nhiều việc khác, người ta mới thấy tác giả kể thoáng qua là cô bộ đội trong đó đã một phen lỡ làng với người mình yêu, rồi phải ra Bắc chửa đẻ. Nhưng tác giả cũng nhanh chóng dừng mạch chuyện ở đó, để bắt sang các vấn đề khác. 5. Bàn thêm - Sở dĩ sự lỡ làng với nghĩa hẹp mà chúng ta đang nói, đang được khai thác, bởi lẽ đôi khi nhờ nó, người ta có dịp hiểu kỹ cái phức tạp của sự đời. Trong cách nhìn nhận các trường hợp lỡ làng kiểu này, có thể bắt gặp cả những nét đặc trưng cho tâm lý dân tộc nữa. Đến nay, trên phương diện này, có lẽ tác giả Truyện Kiều vẫn là người đi xa hơn cả và tỏ ra tinh tế hơn cả. Trong thực tế, không có tình huống nào đáng gọi là lỡ làng xảy ra với các nhân vật phụ nữ trong Truyện Kiều. Mặc dù trong cảnh tình tự thề bồi, tình cảm Kim-Kiều đã lên đến mức đắm đuối, dải là hương lộn bình gương bóng lồng, song khi Kim Trọng đưa ra lời yêu cầu cuối cùng thì Kiều đã nghiêm mặt ngăn lại, rồi giảng giải một hồi, khiến Kim Trọng cũng phải vì nể. Chỉ có điều lạ là chính nàng Kiều rất chừng mực đó, sau này, trong cảnh đoạ đày lại tự nhủ: Biết thân đến chốn lạc loài Nhị đào thà bẻ cho người tình chung Kiều cũng hối hận, nhưng so với kiểu thông thường, thì đây là kiểu hối hận theo chiều ngược lại, hối hận rằng mình đã không làm cái điều nhiều người con gái khác đã làm. Nếu coi lỡ làng (với nghĩa sa đà trót dại) là một tội lỗi, có thể bảo Kiều vô can, trắng án trong hành động, nhưng đã phạm tội trong cái ý nghĩ. Cái sự biết thế... của Kiều thoạt tiên khiến cho người ta sửng sốt. Nhưng sau sửng sốt là thông cảm, bái phục. Sao Kiều chân thành thế? Sao nàng dũng cảm thế trong việc gọi ra ý nghĩ của mình? Trong cả sự chừng mực dừng lại đúng lúc trong hành động, lẫn sự biết thế phóng túng trong ý nghĩ, Kiều thật đã vượt lên để gần trung với hình mẫu một con người lý tưởng của mọi thời đại, ở đó, không có phân chia giữa khuôn khổ cổ điển với phong cách hiện đại. {chuyện cũ văn chương}

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم