VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nông thôn đang đi về đâu?

Trong trăm ngàn mối dây ràng buộc con người đô thị VN với nông thôn và nông dân, có một đầu mối mà từ thời kinh tế thị trường mới xuất hiện đó là... các ô sin. Những người nông dân ấy có mặt trong mỗi gia đình. Ô sin bán hàng, ô sin giúp việc nhà, ô sin trông trẻ. Và bởi lẽ cái việc tiếp nhận một ô sin vào gia đình nhiều khi ngẫu nhiên tuỳ tiện chẳng có tiêu chuẩn gì hết, nên rất khó tìm được phương án ổn định. Điều an ủi duy nhất cho những người còn tò mò: nhân đây người ta thường có dịp tiếp nhận nhiều ô sin khác nhau. Sự đa dạng trong thông tin về nông thôn bắt đầu từ đây. Và cả sự trung thực nữa. Các ô sin thường không có việc gì phải giấu giếm về thực trạng làng quê mà từ đó họ ra đi. Với tính cách đại diện của một nông thôn đang vật vã trên con đường hiện đại hoá, họ cho chúng tôi một bức tranh đại khái gồm hai khía cạnh chính như sau: 1/ Nông thôn ta như là đang tàn lụi đi. Sản xuất theo kiểu cũ, làm chẳng ra tiền. Ai khôn ngoan khéo léo đã bỏ đi hết. Còn lại chỉ là những người chán chường bất lực. 2/ Trong cái làng xóm đang rỗng đi trông thấy như thế, nhiều nơi chính quyền tha hồ thao túng với nghĩa bán đất cho các khu công nghiệp, mở lễ hội để kiếm tiền, nói chung là nghĩ ra đủ trăm phương ngàn kế để bắt dân đóng góp, thực tế là bóp nặn dân chúng. Sự bất lực trước tương lai thấy rõ nhất là ở giáo dục. Trẻ chưa đến tuổi trưởng thành không biết học để làm gì, các trường học chỉ sống thoi thóp, thầy chẳng buồn dạy, trò chẳng buồn học. Người dân mệt mói chán chường sinh ra chơi bời đề đóm rượu chè cờ bạc đĩ điếm nghiện hút đủ trò đủ kiểu. ... Tôi không dám nói rằng những thông tin trên là chính xác. Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân và nhiều người quen, nó đang là chuyện phổ biến. Chính lúc ấy tôi nghĩ đến tờ báo của chúng ta. Về các khu vực khác của đời sống, tôi có thể tìm ở các tờ báo khác. Nhưng muốn biết về làng xóm quê ta, tôi phải tìm tới đây. Nói cách khác đã gọi là nông thôn ngày nay thì phần lớn bài vở phải hướng tới nông thôn và nông dân. Hơn thế nữa, cái mà tôi mong không phải chỉ là chuyện làm ăn sản xuất giống má thuốc trừ sâu, cách bảo quản, chỗ bán hàng các chính sách người dân cần biết. Mà quan trọng nhất là cái tâm lý phổ biến đang chi phối người nông dân, cái thực trạng của nông thôn hôm nay, tức một ít giả định làm tiền đề giúp cho mỗi người tự giải đáp câu hỏi: Nông thôn ta đang đi về đâu? Sau đây là một bước đi thành công nó có ý nghĩa khẳng định cả một phương hướng làm việc: truyện ngắn Một thời gió bụi của Nguyễn Khải. Trong thiên truyện viết từ 1991 này, nhà văn kể rằng có một cán bộ đang sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông Tú (nhân vật chính trong truyện) đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con. Thì ra xưa nay, trong đầu óc những người như ông Tú, nông thôn là một khu vực bình yên, êm ả, lại có vẻ thơ mộng nữa. Còn lần này về thăm quê, ông Tú nhận ra truớc mắt mình là một thực tế quá ư ngổn ngang bề bộn, “một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử, cái quá khứ gần nhất là các hợp tác xã nông nghiệp cũng không còn, cũng đã bị phá tan tành”. Quay trở lại với đô thị, ông Tú nghe một đứa con hỏi “Về quê có vui không?”, đành đáp “Cuộc sống gay gắt lắm”. Lại nghe hỏi “Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố ?”, ông chỉ còn cách trả lời “Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả”. Trong số những truyện ngắn Nguyễn Khải viết sau đổi mới, thiên truyện Một thời gió bụi này không được nhắc nhở nhiều lắm, giữa cảnh văn chương nháo nhào hiện nay, ngay trong giới cầm bút viết văn chuyên nghiệp cũng không mấy ai nhớ tới nó. Nhưng theo tôi nó có tính chất tiên tri—nó chỉ ra cái xu hướng mà càng những ngày gần đây càng thấy rõ. Ít ra nói lên một sự thực: nông thôn ta đang thay đổi, và suy nghĩ của nhiều người về nông thôn cũng đang thay đổi (chữ người ở đây bao gồm cả dân nông thôn lẫn dân thành phố). Không phải ai cũng có được một ngòi bút tài năng và nhạy cảm như Nguyễn Khải. Nhưng tôi nghĩ rằng các nhà báo của chúng ta có thể làm cách khác. Không viết truyện ngắn thì chúng ta viết điều tra ký sự phóng sự. Một cái tin ngắn, một tấm ảnh...các thể tài báo chí vốn khá phong phú, ta đã khai thác được mấy? Điều quan trọng là phải có khao khát. Chừng nào còn nhìn nông thôn và người nông dân như một bí mật cần đối thoại cần tìm hiểu cần khám phá..., cái việc làm báo hàng ngày sẽ không còn tẻ nhạt nữa. Chất men say sẽ đến với những ngòi bút có lý tưởng nghề nghiệp cao quý. Chúng ta sẽ trở nên có ích cho xã hội. 15-3-09

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم