Hàn Phi đến nước Tần làm thuyết khách, dâng vua Tần bài văn "Nan ngôn" (Ngại nói): "Bầy tôi là Phi sở dĩ ngại nói là vì: nếu lời nói thuận tai, trơn tru, đẹp đẽ, văn vẻ, hoa mỹ thì bị xem là phù hoa mà không chân thật. Nếu lời nói đôn hậu, cung kính, thẳng thắn, cẩn thận thì bị xem là vụng về không giống người ta. Nếu nói nhiều, dẫn nhiều lại hay so sánh thì bị xem là trống rỗng, vô dụng. Nếu nói tóm tắt, gọn gàng, trình bày thẳng mà không tô vẽ thì bị xem là gay gắt mà không giỏi biện luận. Nếu nói gay gắt đến những người thân cận, nêu rõ từng người thì bị xem là gièm pha và không nể nang người ta. Nếu nói chuyện rộng lớn, sâu xa không thể lường được thì bị xem là huênh hoang, vô dụng. Nếu nói chuyện vụn vặt trong nhà, trình bày hết điều này đến điều khác thì bị xem là thô lậu. Nếu lời nói gần với thế tục, giọng không làm phật lòng người trên thì bị xem là tham sống và nịnh hót người trên. Nếu lời nói khác xa thế tục, coi thường người ta thì bị xem là lừa do. Nếu lời nói lưu loát, nhanh nhẹn, biện luận thông suốt, có nhiều văn vẻ thì bị xem là hoa hòe hoa sói. Còn nếu bỏ văn chương, chỉ cứ theo phép tắc mà trình bày thì bị xem là quê mùa. Nếu luôn đem chuyện Kinh Thi, Kinh Thư nói chuyện bắt chước người xưa thì bị xem là kẻ tụng sách xưa. Chính vì vậy cho nên bầy tôi Phi ngại nói và rất lo lắng". (Hàn Phi Tử - Thiên III bản dịch của Phan Ngọc).
Đó là cái khó của Hàn Phi Tử ngày trước. Ngày nay, đất nước đang vào vận hội mới, khẩu hiệu "đổi mới hay là chết" chắc vẫn còn ý nghĩa trong ngày hôm nay. Bởi vì, nếu không thoát khỏi nguy cơ tụt hậu mãi thì suy cho cùng vẫn là một kiểu chết. Điều quan trọng là người lãnh đạo cần tháo gỡ cho mọi công dân cái khó mà Hàn Phi đã phải nơm nớp trước đây, người dân thì tự giải tỏa được cái "ngại nói vì rất lo lắng" của người góp ý thì chắc chắn trí tuệ dân tộc được hanh thông, "cơ hội vàng" lại một phen bừng sáng trong tầm tay đất nước.
Đất nước nên hay hư, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm là vậy.
Nguồn:
Thể thao văn hóa