Sài Gòn Tiếp Thị số tết Mậu Tý có bài sản xuất mà không biết chợ, trong đó ghi lại ý kiến của mấy nhà văn về thị trường văn chương và một số mong mỏi của họ về nghề nghiệp. Bài viết muốn nhìn nhận sáng tác theo con mắt kinh tế; văn chương được coi như một ngành sản xuất tinh thần; tác phẩm là hàng hoá. Đây là một hướng nghiên cứu thú vị và có thể giúp chúng ta sòng phẳng với nhau hơn mỗi khi cần đánh giá tình hình.
Với tư cách một người cũng quan tâm tới vấn đề này, tôi xin có một số ý bàn góp.
Nhà sản xuất
Nhìn theo góc độ kinh tế, phải nói là guồng máy văn chương hiện nay chưa chuyển thành thị trường với đúng nghĩa của nó, các nhân tố như người viết, người đọc, người trung gian, môi giới thiếu tính chuyên nghiệp.
Nó cũng là một thị trường nội địa, với nghĩa cả người sản xuất lẫn người kinh doanh – cả người viết lẫn người làm xuất bản – gần như không có ý niệm gì về việc đưa văn chương ra nước ngoài với tư cách hàng hoá. Hiện tượng làm sách để đi các hội chợ quốc tế vốn phổ biến với toàn thế giới lại hầu như chưa được người trong cuộc ở Việt Nam tính toán tới.
Thời bao cấp đẻ ra một loại nhà văn mà chỉ nó mới có. Người ta nói nhiều về tình yêu văn chương. Nó được coi là yếu tố thứ nhất mà cũng là yếu tố bao trùm. Ngoài ra mọi thứ bị coi nhẹ. Thiếu hiểu biết về nghề. Hiểu sai về vai trò của văn chương. Chất chuyên nghiệp kém. Thêm nữa nghe có vẻ lạ tai, nhưng quả thật là người viết thời ấy khá... lười biếng. Trước 1991, nhà văn Pháp L. Aragon có lần sang Liên Xô đã kêu ầm lên về chất lượng làm việc của giới cầm bút ở Nga và các nước cộng hoà lúc đó. Ông nói đùa: viết như thế này thì có chết đói cũng là phải! Ở ta cũng vậy.
Có điều là các giá trị hồi ấy thịnh hành lối trong nhà mẹ hát con khen hay. Do chỗ quen được khen – mà hình thức làm cho bất tử thú vị nhất là đưa vào tận nhà trường phổ thông – nhiều người loàng xoàng cũng thường xuyên phong thánh cho mình và các đồng nghiệp. Người ta cũng hay thì thào với nhau về vẻ thần bí của nghề nghiệp để biện hộ cho sự dông dài chơi bời của mình.
Từ sau 1985, khi đời sống văn học bắt đầu thay đổi, thì trong tâm trạng người viết có phân hoá. Thoạt đầu là cố bám đuổi ảo tưởng mới. Đến lúc thất bại thì lúng túng. Đau đớn vì thấy mình không có được cái vinh quang như cũ, họ quay về oán trách giới xuất bản và chê bai bạn đọc.
Xưa ở miền Bắc, rượu Làng Vân ngon nổi tiếng. Nay người ta toàn nấu rượu bằng sắn, và thị trường tràn ngập làng Vân chất lượng kém. Rượu làng Vân giả hoàn toàn bị đánh bại bởi các thứ rượu nấu theo phương thức công nghiệp. Tại sao người lao động lại đổ đốn như vậy? Chẳng qua có một thời gian dài, cả xã hội thiếu đói, làm hàng xấu thế nào cũng có người mua, nên dễ dãi tuỳ tiện trở thành thói quen, tất cả chỉ biết chạy theo số lượng.
Tình trạng này cũng thấy xảy ra ở nhiều nghề thủ công, trong đó có nghề văn.
Người ta không chỉ hiểu sai về thị trường văn học, mà luôn thể, còn hiểu sai về chính mình. Với ảo tưởng sẵn có, nhiều người ngỡ là mình lúc nào cũng có vô vàn bạn đọc và tự cho phép mình tha hồ làm bừa làm ẩu. Việc này lúc đầu lại được đám dân buôn chuyến trong văn chương khuyến khích, nên có tạo ra một sự phồn vinh giả tạo. Nhưng bằng cách đó người ta làm xói mòn niềm tin ở văn chương và cũng làm hỏng ngay chính ngòi bút của mình nữa.
Bạn đọc là cả một vấn đề đau đầu của văn chương hiện nay, nó cũng là một chỉ số cho thấy thực chất thị trường văn chương. Tuy nhiên, tôi xin phép để chủ đề này trong một dịp khác, mà muốn tiếp tục bàn thêm về giới sản xuất, tức là những người cầm bút.
Sau những phút bốc lên mà viết, không thiếu người cảm thấy khó thích ứng nổi, nên oán trách và lên án thị trường. Nhưng làm sao mà quay trở lại như xưa được nữa? Oán trách thì oán trách vậy, họ lại sôi sục vào cuộc, thử làm những cuộc liên minh với ma quỷ, viết theo đơn đặt hàng. Lợi dụng sự ưu ái của xã hội, họ mang cái tiếng nhà văn ra làm một thứ vốn kinh doanh, thực chất là tạo nên những cú làm ăn theo kiểu chụp giật. Lúc hứng bất tử, người ta lầm tưởng rằng mình là “kẻ am hiểu thị trường”, tức “kẻ hợp thời”. Những người lao động chân chính, chuyên làm hàng thứ thiệt, thì bị lép vế, coi rẻ.
Mấy lời trữ tình ngoài đề
Vang lên như một ấn tượng xót xa từ bài báo Sản xuất mà không biết chợ là nỗi ao ước của Nguyễn Huy Thiệp về người biên tập có con mắt xanh đủ hiểu đủ chia sẻ đủ gượng nhẹ với mình, đồng thời là những nhà làm xuất bản muốn đem văn chương đến cho người đọc và biết yêu nhà văn.
Tôi nhớ tới nhà thơ Đức B. Brecht (1898 – 1956). Biết phát hiện ra chân lý qua những hình thức nghịch lý là đặc điểm của nhà tư tưởng này. Một lần, ông bảo đáng thương thay là những dân tộc phải cần đến những anh hùng. Lần khác, thiết thực hơn, ông bảo ông thích sống trong xã hội mà người ta không cần đến lòng tốt của người láng giềng, vì đã có luật pháp quy định hành động của mọi người. Liên hệ tới câu chuyện chúng ta đang bàn, tôi muốn nói với anh Thiệp: cái mà chúng ta ao ước hơn là một thị trường văn học đích thực. Vì tới lúc bấy giờ, tự nhiên là các biên tập viên và các nhà làm xuất bản sẽ tìm mình thôi, chính niêu cơm của gia đình họ quyết định cái việc họ phải có mắt xanh với mình, chia sẻ với mình, và tình yêu này mới thật bền vững.
Tình trạng thị trường hiện nay, là thuộc về chúng ta, xứng với chính chúng ta.
Người làm hàng và chất lượng hàng ra sao thì chợ như vậy, mọi chuyện có cái lý riêng của nó.
Ngày 09.03.2008 theo sgtt