Những dòng nước ngược
Chuyện buồn giữa đêm vui là tên một thiên truyện của Nam Cao trong đó có nhân vật chính sau khi mời họ hàng đến ăn bữa cơm cuối, kể lại cho vợ nghe về một người cô hôm ấy không có mặt.
Để nội dung cụ thể sang một bên, hãy nới tới cái ý nghĩa khái quát nằm sau đầu đề thiên truyện: cuộc đời chung quanh chúng ta chẳng bao giờ trọn vẹn. Bởi vậy, hình như trong những ngày vui, những người không quá vô tâm, những người có lương tri thường không khỏi nhớ tới những gì chưa được hoàn thiện, những bất công khổ sở còn đầy rẫy quanh mình. Cái buồn ở đây không phải bi quan, càng không phải để làm dáng. Ngược lại, nó là tình cảm tự nhiên ở những con người lành mạnh, có yêu cầu cao về đời sống, và nhạy cảm với những gì đang diễn ra chung quanh.
Nếu không phải tất cả, thì một số nhà văn Việt Nam, nhất là nhưng cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ này - Nguyễn Công Hoan và Khái Hưng, Thạch Lam và Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Thanh Tịnh... đã nghĩ như vậy. Khá nhiều thiên truyện mà họ đã viết nhân những ngày tết và nội dung có liên quan đến tết, lại là những truyện gợi cảm giác buồn bã.
Người ngựa và ngựa người của Nguyễn Công Hoan có hai nhân vật chính thì một là anh phu xe đói khách, hai là cô gái làng chơi ế hàng, không có tiền cũng cứ gọi xe để
dử mồi. Cuối cùng cả hai đều thất vọng. Cô ả trốn biệt. Anh phu xe bị quỵt tiền. Giữa lúc ấy “tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.
Tối ba mươi của Thạch Lam được xây dựng từ một cảm hứng hoàn toàn khác, song cũng buồn không kém. Cả hai nhân vật chính “sống đời truỵ lạc” (chữ của tác giả) song thực ra họ đều là người tử tế, do sa cơ nhỡ bước mà rơi vào vũng bùn. Đêm tất niên,
không có khách lai vãng, hai người càng cảm thấy lạnh lẽo. Họ mua các thứ về thắp hương, cúng tổ tiên, cha mẹ và tủi về thân phận của mình, ôm nhau khóc.
Ngày tết là ngày của hy vọng. Các nhân vật chính trong thiên truyện mang tên Đón khách của Nam Cao cũng không nghĩ khác. Ông bà đồ Cảnh ở đây chỉ mong kiếm cho đứa con gái của mình một tấm chồng sáng giá. Họ nhịn nhục đi vay tiền làm bữa cỗ thật to chờ anh chàng rể tương lai. Nhưng chính lúc đó, họ nhận ra sự thật: anh chàng Sinh, mà họ định bẫy, chỉ buồn tình đùa bỡn gia đình họ cho vui. Anh đã có đám khác. Điều oái oăm là ở chỗ tin thất thiệt đổ ụp xuống gia đình ông đồ Cảnh giữa ngày mồng hai tết.
Có thể kể thêm ra đây nhiều thiên truyện tương tự, ở đó, cái nền xảy ra câu chuyện là những ngày xuân chỉ khiến cho những nỗi đau khổ của các nhân vật thêm nổi bật. Thanh Tịnh từng miêu tả cái vui gượng gạo trong đêm giao thừa của những hành khách trên một chuyến xe lửa cuối năm. Khái Hưng trong một thiên truyện pha hồi ký, kể lại cảnh mình bị khám nhà giữa đêm ba mươi tết (ấy là hồi ông còn làm đại lý xăng dầu ở Ninh Giang). Trong Quê người của Tô Hoài, có một nhân vật tên là Thoại. Do quá nghèo túng, giữa đêm tất niên, Thoại xoay ra đi lùng chó, những con chó sợ pháo chạy lung tung giữa đồng. Nhưng cái mưu đồ ấy cũng không thành. Thoại bị một trận đòn nhừ tủ, đến nỗi xấu hổ quá, dắt vợ con bỏ làng ra đi. Tóm lại, “khôn ngoan đến cửa quan mới biết - Giàu có đến ba mươi tết mới hay” - hình như trong những ngày tết, ai đã vui lại vui hơn, ai đã buồn lại càng buồn hơn. Ngày xuân ngày tết chỉ làm rõ hơn cái tình thế mà mỗi người sẵn có. Và chỉ cần để ý kỹ chung quanh một chút thôi, người ta sẽ nhận ra ngày những cái tết eo hẹp, đạm bạc của những nguời quanh mình để không bao giờ đẩy sự vui vẻ tới mức quá trớn - hình như các nhà văn muốn nói thêm với bạn đọc điều ấy.
Thế cái quy luật này có tồn tại trong thơ, như đã tồn tại trong văn xuôi tiền chiến? Câu trả lời: cũng gần như thế! Cố nhiên, thơ vui ngày tết thì nhiều rồi, nhưng thơ buồn cũng không phải không có. Lấy một ví dụ: Có lần, các nhà sưu tầm thơ Nguyễn Bính đã chọn những bài thơ ông viết về mùa xuân và cảnh tha hương làm thành một tập riêng gọi là Xuân tha hương, trong đó, riêng những bài đầu đề có chữ tết, chữ xuân đã đến hơn chục bài: Xuân về, Vườn xuân, Thơ xuân, Xuân thương nhớ, Hội xuân, Mùa xuân, Rượu xuân, Nhạc xuân, Tết của mẹ tôi, Tết biên thuỳ... Những người quen biết Nguyễn Bính trước 1945 thường kể ông là người duy nhất hồi ấy có thể sống được bằng nhuận bút thơ. Vậy nên có thể dự đoán khá nhiều bài thơ nói về xuân về tết này được làm theo com-măng của các báo. Song, mặc dù được làm theo đơn đặt hàng, đây vẫn là những bài thơ
khá hay. Nếu thời gian mới làm nghề, thơ Nguyễn Bính về xuân và tết thường là những bài thơ vui, thơ về sau, âm hưởng chính lại là buồn bã.
- Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh
- Dang dở một thân nơi đất khách
Tết này ta lại ngắm hoa suông
- Huyền Trân Huyền Trân Huyền Trân ơi!
Mùa xuân mùa xuân mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.
Những câu thơ vui, nhí nhảnh của Nguyễn Bính viết về xuân kiểu như Mùa xuân là cả một mùa xanh - Trời ở trên cao lá ở cành... được nhiều bạn đọc trẻ tuổi ghi nhớ. Nhưng cũng có phần chắc chắn không kém là những câu thơ xuân kể lại cảnh cô quạnh, đơn độc của tác giả cũng đã là bàu bạn của lớp người từng trải, hơn thế, là lời an ủi cho những người cùng cảnh ngộ.
Bài viết này mượn nhan đề một tập thơ của Tú Mỡ. Điều may mắn cho chúng tôi là đọc lại tập thơ trào phúng đó cũng có mấy bài viết về tết, mà cũng là Dòng nước ngược, với nghĩa: tuy tác giả không tả những cảnh buồn đau thất vọng, song ông cũng không hùa theo đời, tô vẽ cảnh tết, mà lại nhìn thấy trong ngày vui này những cái nhố nhăng nhếch nhác. Đây là một ví dụ:
Ghét tết
(thơ yết hậu)
Thiên hạ sao ưa Tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!
Tiêu pha thực tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo nợ
Điên!
Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thối!
Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!
Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi.
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!
Cố nhiên, nghĩ như Tú Mỡ cũng có phần cực đoan. Sau một năm lao động vất vả, chúng ta có quyền vui tết. Điều có thể chia sẻ với Tú Mỡ trong trường hợp này là: có được một cái Tết cho hợp lý, có ý nghĩa mà cũng là có văn hoá -- cái đó không phải dễ.