Không chỉ những nghi lễ thiềng liêng chào đón năm mới mà mấy ngày kết thúc năm cũ với nhiều người Việt Nam cũng là một thời điểm rất thú vị . Sự chờ đợi quả có cái vị say người khiến cho ai cũng cảm thấy náo nức . Già trẻ tuỳ theo khả năng mỗi người một tay lo liệu cho tết . Bận rộn mà vui . Cho đến buổi chiều ba mươi thì mọi sự chuẩn bị coi như đã xong .
Nhiều gia đình có thêm bóng dáng những người đi xa lúc này vừa mới trở về . Bữa cơm tất niên chưa có cái vẻ thành kính như các bữa cỗ ngày tết nhưng lại đầm ấm tự nhiên . Không phải ngẫu nhiên mà , ở chỗ riêng tư , nhiều người thú nhận rằng đây chính là bữa ăn ngon nhất trong suốt dịp tết , cũng như không khí chuẩn bị vất vả tất bật xem ra lại thú vị hơn những ngày được trịnh trọng gọi là năm mới .
Những buổi chiều ba mươi tết đã được nói tới như thế nào trong các sáng tác văn chương từ xưa tới nay ? Tôi chưa có đủ tài liệu để trả lời câu hỏi này ,chỉ xin nói một cách sơ lược : Suốt thời trung đại bút pháp ước lệ chi phối văn chương Việt Nam , bởi vậy khó lòng tìm thấy ở đó những nét sinh hoạt của người xưa . Chỉ bước sang thế kỷ XX , một đôi khi , cái giờ phút đặc biệt của buổi chiều ba mươi mới có dịp được các nhà văn nhắc nhở tới qua những trang viết mà sau đây là một vài ví dụ .
Tiếng gạo vo sàn sạt _Vịt gà kêu quang quác , nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mở đầu bài thơ Chiều ba mươi(1963) của mình bằng mấy câu rất gợi không khí như vậy . Sau khi tả tiếp vài hình ảnh Quang níu cong đòn gánh Mẹ về chợ kia rồi hoặc Cắm đào lên lọ sứ Ông ngắm ra ngắm vào Trên bàn thờ tiên tổ Khói hương bay ngạt ngào ,tác giả kết luận ồ năm chưa đi hết Mà nghe xuân đến rồi !
Ngược lại với vẻ đơn sơ mộc mạc của bài thơ nói trên , thiên tuỳ bút của nhà văn Nguyễn Tuân in trong tập Một ngày một đêm cuối nămMột chuyến đi (1939 ) lại nói về chiều ba mươi từ một góc độ khác hẳn . Nhân chuyện mấy nhà tài tử sang Hồng Công đóng phim ,tác giả vẽ nên tâm trạng buồn bã của một số người phải xa nhà trong dịp năm cùng tháng tận ,qua đó càng thấy những buổi chiều ba mươi để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi người Việt Nam như thế nào .
Thế nhưng cùng với sự thay đổi của thời gian ,những buổi chiều ba mươi và tiếp đó là đêm giao thừa không phải cứ được đón nhận mãi như cũ . Trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (in lần đầu 1983) của Nguyễn Minh Châu có một thiên truyện mang tên Giao thừa .Nhân vật chính ở đây là một ông già sống theo nếp cũ , thường sau bữa cơm tất niên còn bắt con cái quây quần ,không cho đứa nào đi đâu hết .Đến một năm nọ , lũ con đã trưởng thành không chịu được nữa ,chúng chỉ hào hứng với không khí chiều ba mươi trong gia đình được một lúc , cơm xong là lấy xe đi chơi với bạn bè .Ban đầu ông già cũng làm mặt nghiêm (và lấy cả xe điếu ra doạ ) nhưng về sau ông phải lặng lẽ cho qua . Với thiên truyện này , Nguyễn Minh Châu tỏ ra khá nhạỵ bén trong việc nắm bắt tâm lý con người đương đại .Trong khi tôn trọng truyền thống đồng thời mỗi thế hệ có cách riêng của mình trong việc chia tay với năm cũ và đón năm mới , đấy là cái điều ngày càng được con người hôm nay tán thành .
Chuyện cũ văn chương