Nghĩ về tiếng cười
Thành ngữ tục ngữ ca dao cũ từng ghi nhận tiếng cười như một hiện tượng đa dạng :
Cười góp, cười giòn, cười gằn, cười lạt, cười gượng, cười ngất, cười sằng sặc, cười ha hả,cười trừ, cười rơi nước mắt … Với đủ cung bậc như vậy, tiếng cười mới trở thành một phương tiện giao tiếp giữa con người với con người, hơn nữa một công cụ để giúp người ta nhận thức về mình, hoàn thiện mình.
Ai rồi cũng có lúc đáng cười thôi. Trước lầm lỗi của người khác, người ta phải mang thái độ khoan dung, nó cũng là thái độ tỉnh táo biết mình biết người :
Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước hôm sau người cười
Một trường hợp khác, sự giao đãi thành thực và đáng thương hơn :
Tôi chắp tay tôi lạy bạn đừng cười
Lòng tôi không trăng gió nhưng tôi gặp phải người gió trăng
Đây là lời của Súy Vân, nhân vật trong vở chèo cùng tên, từ trên sân khấu, hướng về đám đông người xem, hướng về dư luận. Lúc ấy, Súy Vân đang vướng phải mối tình vụng trộm với Trần Phương. Nàng hiểu đang bị chung quanh đàm tiếu. Tự nàng cũng thấy tiếng cười đó là chính đáng, nên mới có một thái độ phục thiện như vậy.
Dường như Súy Vân cũng phần nào hiểu cội nguồn sâu xa của cái điều đáng cười ở mình. Tự nàng chưa dám hứa điều gì cả. Nhưng nàng ghi nhận tiếng cười đó là lành mạnh là có lý.
Thái độ thường thấy của con người trong nền văn hóa dân gian trước tiếng cười là như vậy.
Song không phải bao giờ cũng vậy. Dân gian cũng không quên ghi lại thái độ trâng tráo của một số người. Họ có thái độ hoàn toàn ngược với Súy Vân vừa nói .
Cười hở mười cái răng … từ câu nói mỉa mai này toát ra cái bất cần của con người. Không cần biết ai cười thế nào, họ không chấp nhận. Xem đó chỉ là một hành động sinh lý, họ thây kệ.
Cười ba tháng chứ ai cười ba năm. Người nói câu này còn từng trải và thâm thúy hơn. Họ hiểu tính cách mong manh của tiếng cười. Không ai để ý được ai quá lâu. Song đằng sau sự từng trải và thâm thúy đó cũng là bất cần là dung dưỡng cho sự làm bậy của chính mình và kẻ khác.Tiếng cười vô nghĩa (!) Sự vô cảm muôn năm(!). Đóng vai trơ trẽn là thắng tất .
Nó giống như thái độ của lớp người mặt dày tim đen (trong “hậu hắc học “)mà nhà nghiên cứu Trung quốc Lý Tôn Ngô đã tổng kết khi bàn về thành bại của người Tàu trong lịch sử .
Những câu tục ngữ này như một lời cảnh báo. Trong xã hội hiện đại, sự trâng tráo với tiếng cười càng phát triển. Và tiếng cười cần phải mạnh hơn thì mới xuyên thủng được sự trâng tráo đó.
Thứ Ba, 05/02/2008 tuoi tre online