VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những ý nghĩa mà các thi sĩ Việt Nam đã tìm thấy ở rượu



Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta
Có thể coi mấy câu thơ ấy của Tú Xương là một cách hiểu phổ biến về rượu trong các nhà thơ cổ, từ thế kỷ XX về trước. Uống thì các vị vẫn uống, rồi lại liền ngay đấy cười cợt chế giễu cái sự ham hố buông thả của mình. (Say sưa nghĩ cũng hư được - Hư thời hư vậy, say thời cứ say - Tản Đà). Bảo các vị đạo đức giả e hơi quá! Chẳng qua thời buổi bấy giờ buộc người ta phải thế, phải ra mặt áp chế những ham muốn của mình, phải yên phận sống trong đạm bạc, khổ hạnh. Và để sống tự nhiên mà vẫn tận hưởng mọi niềm vui trần thế, người ta chỉ có cách phân thân nói một đàng làm một nẻo.
Nhưng cũng ngay từ thời phong kiến, trong thâm tâm nhiều thi sĩ rượu đã là một cái gì tốt đẹp hơn nhiều. Rượu là sinh thú của cuộc đời. Là niềm hoan lạc. Là lý do khiến cho đời đáng sống, cũng tức là cái kỷ niệm còn sót lại của một linh hồn sau quãng đời trầm luân, khổ ải. Về phương diện này, bài thơ sau đây (mà tương truyền là của Phạm Thái) đã là một thứ tuyên ngôn:
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè kè
Diêm Vương phán hỏi mang gì đấy
- Be!
Bước sang thời hiện đại, các thú lăng nhăng ngày một nhiều, song đóng vai trò chủ đạo, vẫn là ba món Tú Xương đáng kể, và rượu rõ ra là một món vừa thông dụng, vừa cao quý. Trong số các thi sĩ Việt Nam, Tản Đà có lẽ gần với Lý Bạch hơn cả. Với ông, rượu là bè bạn, là môi sinh. Ông ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, viết báo khi say và tiếp khách ở toà soạn bằng cách mua thức nhắm về làm với nhau một bữa rượu. Vậy mà ông vẫn viết đều đều, sức vóc ông trong nghề viết là sức vóc một đại lực sĩ, ngoài thơ - truyện, ký ông viết cũng tài, mà làm báo cũng một tay bợm! Những bài thơ sảng khoái ca tụng rượu nhiều lần xuất hiện dưới ngòi bút Tản Đà đánh dấu thời kỳ người ta không còn cảm thấy tội lỗi khi hưởng thụ, cũng không phải phân thân nói một đàng làm một nẻo nữa. Có điều thú vị là tự mình uống nhiều đã đành. Tản Đà còn muốn mọi người cùng uống:
Yêu cầu cho khắp mọi nhà
Rượu ty bãi hết rượu ta cất tràn
Tránh cho dân nỗi lầm than
Bã chôn, men giấu, nhà đoan phạt bừa
Tha hồ rượu sớm trà trưa
Nghiêng trai dốc chén say sưa tối ngày.
ở Lưu Trọng Lư, rượu tượng trưng cho cuộc sống phóng túng của một lãng tử. Trong bài thơ nổi tiếng mang tên Giang hồ có tới mấy lần ông nhắc đến rượu mà lần nào cũng chứa chan tình cảm:
- Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
...
- Để lòng với rượu cùng say
- Giờ này còn của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
Trần Huyền Trân làm thơ không nhiều, nhưng có những bài như là rưng rưng trong hơi rượu. Nhà thơ có cái bút danh khăn yếm (chữ của Tô Hoài) từng có những cuộc uống rượu ly biệt với Tản Đà và Lê Văn Trương. Thơ ra đời trong những lúc ấy. Khi mời mọc nhau, ai cũng muốn uống thật nhiều, vì thấy bao nhiêu cũng là không đủ.
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
Khi sảng khoái, nao nức không cần đến rượu bởi biết lúc nào uống cũng kịp, còn uống với nhau vào những dịp khác.
Thôi đợi mùa nao trái chín lành
Tóc này về rúc với râu anh
Bấy giờ hắt toẹt ba chum rượu
Cười kể tâm tình thuở tóc xanh
Tóm lại, với Trần Huyền Trân, rượu là kỷ niệm tình nghĩa bạn bè, là chất men nồng mang lại chút ấm áp trong cuộc đời lạnh giá.
Với một thi sĩ khác là Thâm Tâm thì còn hơn thế, con người càng uống càng tỉnh này nhìn cuộc đời cái gì cũng có liên quan tới rượu. Với ông, rượu trở nên một thứ ngôn ngữ thường trực. Ông nhìn mưa bay bằng con mắt ấy:
Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
Nhìn cả cuộc đời thoáng qua bằng con mắt ấy:
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
Hầu như toàn bộ thơ Thâm Tâm là tinh hoa chắt ra từ “Cái sống ngang tàng quen bốc men”. Thơ viết bằng rượu. Rượu làm nên thơ. Còn có vinh dự nào hơn?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم