VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thiếu vắng cảm giác hội nhập

Thật trớ trêu, nhưng phải nói thực, một số nhà báo trẻ mà tôi có gặp hình như thiếu hẳn mục tiêu phấn đấu. Nhìn vào những người đi trước, họ chưa bằng lòng. Nhưng làm thế nào để tự hoàn thiện thì họ không biết.
Trong những lần gặp các bạn đó, khi tôi thử hỏi có bạn nào thường xuyên đọc một tờ báo nước ngoài – đọc không phải để lấy thông tin và xào xáo lại phục vụ mấy người tò mò, mà là để học hỏi về nghề và lo làm tốt hơn việc đưa tin trong nước, câu trả lời thường là không.
Hoặc tôi ướm thử, bạn có biết là nếu ở trường hợp của bạn tức đang làm cho một tờ báo như bạn và phải theo đuổi một chuyên đề như bạn, thì một nhà báo nước ngoài làm như thế nào không ? thì câu trả lời cũng là tương tự.
Tôi cho rằng như vậy là các bạn trẻ của tôi đã bỏ lỡ một dịp may, một cơ hội lớn mà thời đại mang lại để từ đó trưởng thành.
Thủy sản và rau quả, may mặc và đồ gỗ, chè cà phê và thủ công mỹ nghệ -- nhiều ngành sản xuất của chúng ta đang hăng hái tham gia vào quá trình hội nhập bằng cách làm hàng xuất khẩu.
Quay về nhìn vào một ngành như truyền thông báo chí, thì vấn đề này hình như chưa đặt ra.
Đây tôi chưa nói tới việc viết cho người nước ngoài đọc.Về nguyên tắc chắc chẳng ai phủ nhận rằng sẽ rất may mắn cho đất nước, nếu trong hàng ngũ những người viết báo, có một vài cây bút đặt hẳn mục tiêu viết cho bạn bè nước ngoài, nhờ đó mà họ hiểu thêm tình hình V N, rồi khi có dịp sẽ đến V N làm ăn hoặc thăm thú du lịch.
Có điều dù rất yêu mến và tự hào về nhau thì ai cũng thấy ngay là loại nhà báo đó ở ta hiện nay gần như chưa có. Lâu nay, giới báo chỉ chỉ tự đặt cho mình một mục đích khiêm tốn là tác động tới bạn đọc trong nước.
Điều này có những lý do hoàn toàn chính đáng. Không ai giao cho ta việc ấy cả. Mà trình độ đào tạo của chúng ta thì hạn chế. Mấy ai được đào tạo ngoại ngữ cẩn thận ? Mấy ai được đi thực tập ở các cơ sở nước ngoài ?
Vậy là có muốn cũng không làm được.
Có điều, rồi với cái việc chưa kịp làm ấy, nhiều người lờ đi, coi như không có. Ta bằng lòng với việc mãi mãi nhường đất cho các cây bút nước ngoài để họ nói về Việt Nam thế nào tùy ý họ.Thôi thì chịu vậy !
Song nâng cao tay nghề , đưa báo chí ta đạt tới trình độ quốc tế lại là một điều nhất thiết bắt buộc với mọi người.
Có một mục đích của hội nhập kinh tế mà ta hay quên. Đồng thời với việc tăng thêm nguồn thu cho đất nước, việc nhận làm hàng xuất khẩu còn có ý nghĩa là một dịp để các ngành sản xuất trong nước tự hoàn thiện. Tức để đưa trình độ làm ăn của chúng ta vượt lên trên trình độ lạc hậu những năm chiến tranh và tiến tới trình độ của thế giới hiện đại. Khi quay về phục vụ người tiêu dùng trong nước, hoạt động của các ngành sản xuất đó sẽ hiệu quả hơn.
Với báo chí cũng có tình hình tương tự.
Sự thiếu vắng cảm giác hội nhập đang níu chân chúng ta lại .
Hồi chống Mỹ, lớp thanh niên Hà Nội mới vào nghề báo như bọn tôi không chỉ không biết một ngoại ngữ, mà có biết cũng không có báo nước ngoài để đọc. May mà ngay từ hồi đó , Thông tấn xã Việt nam có tổ chức dịch các loại tài liệu tham khảo để phục vụ cho loại cán bộ từ trung cao cấp trở lên. Mặc dù biết “ phạm luật’ tôi vẫn thường nằn nì các bậc đàn anh cho đọc nhờ. Mục đich của tôi chỉ là xem thiên hạ người ta làm báo ra sao từ đó học hỏi nâng cao tay nghề của mình. Cho đến nay khi mà các loại tài liệu này đã được phổ biến rộng rãi hơn, tôi vẫn giữ được thói quen hôm qua. Ngôn ngữ báo chí ở các loại bài đó vẫn hấp dẫn tôi .
Cái điều hồi trước bọn tôi ao ước thì các bạn trẻ ngày nay có điều kiện làm được mà phần nhiều lại bỏ qua, tôi cứ nghĩ mà tiếc quá , nên muốn kêu lên để may ra liệu có ai nghe .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم