Muối mà không mặn còn gì là muối, sử mà không có cái phập phồng của đời sống con người trong quá khứ, làm sao gọi là sử được...
Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339), thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có điều ông cũng rất giỏi tham lam vơ vét. Khi làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung Quốc, ông ra lệnh cho quân không được đội các nón kiểu phương Bắc mà phải đội nón của một làng gần đấy gọi là nón ma lôi để phân biệt. Nghe thì có vẻ rất nghiêm! Có biết đâu, trước đó ông đã sai người nhà mua sẵn nón về bán, mỗi chiếc giá đắt gần bằng một tấm vải, nhờ thế cũng có được một “chiến công tưng bừng” trên phương diện kiếm lợi bỏ túi.
Câu chuyện trên không thấy ghi trong các bộ sử hiện đại, kể cả Việt Nam sử lược, tôi chỉ biết được nhờ mấy hôm buồn tình lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đọc. Đến khi tìm lại Đại Việt sử ký toàn thư thấy có thêm một chi tiết có sức tố cáo mạnh hơn. Có lần người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn công khai tuyên bố: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ?”.
Câu chuyện về Trần Khánh Dư trước tiên mang lại cho tôi một sự an ủi, hóa ra nhiều chuyện đời nay chỉ là phóng chiếu những chuyện đời xưa.
Về tham nhũng, Đại Việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn (sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi”.
Về những dễ dãi trong việc ban quan tước, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi: “Triều Tây Sơn phong tước quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá. Danh khí tồi đến như thế! Muốn cho khỏi loạn, có thể được không?”.
Theo nhà triết học Bertrand Russel, “đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại” (trích lại từ Giáo sư Hà Văn Tấn). Nghe ra có vẻ đau đớn chua xót, nhưng thực ra đó mới là động cơ đủ sức thúc đẩy người ta “đi tìm thời gian đã mất”.
Mấy năm nay ở ta có hiện tượng điểm sử của học sinh trong các kỳ thi trung học kém một cách thảm hại. Và nói rộng hơn, lớp trẻ hiện nay ngán các bài sử ở trường đến tận mang tai, bất đắc dĩ phải học sử, lúc học lên, có không biết thi vào trường nào khác mới chịu thi vào sử.
Tại sao như vậy? Nhiều người nói là các giáo viên chúng ta không biết dạy. Có người dám viết rằng đã gọi là lịch sử thì bao giờ cũng nhàm chán khô khan, khó hiểu, lặp đi lặp lại. Họ tính chuyện tăng tính hấp dẫn của môn sử bằng tranh vẽ với lại phim ảnh, bởi tin rằng chỉ các biện pháp kỹ thuật thật xịn ấy mới giúp cho môn học đỡ ngấy.
Nếu chúng ta biết rằng ở các nước, lịch sử vẫn được người ta coi là một môn học sinh động và có sức lôi cuốn bậc nhất với học sinh, thì có thể thấy đầu mối câu chuyện không phải là ở chỗ ấy. Lịch sử sao lại nhàm chán cho được?!
Việc học sinh và người dân ở ta ngán sử, theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các bài sử được giảng khô cứng, tẻ nhạt thiếu hẳn chi tiết thực tế. Chuyện ngày xưa được kể lại mà cứ như chuyện ngày nay. Ngôn từ và cách nói của lịch sử thiếu vắng. Cũng như thiếu hẳn cảm giác về một thời gian đã qua, vừa xa lạ vừa gần gũi. Thế thì ai mà thích được?
Vỏ đã vậy, còn ruột thì sao? Một môn học chỉ hấp dẫn khi người ta tạo cho người học cảm tưởng ở trong đó có rất nhiều bí mật, kể cả những chuyện có thực mà không một đầu óc nào tưởng tượng nổi. Nó mời gọi người ta khám phá, chứng kiến, lý giải.
Cái hồn này của sử ở ta không có. Ngược lại, người viết sử chỉ cho thấy một thứ lịch sử trên sơ đồ, lịch sử đã chưng cất phục vụ cho một mục đích giáo dục đúng đắn nhưng quá đơn điệu. Thí dụ nói đến nhà Trần đánh quân Nguyên chỉ toàn cho thấy mấy lần vua tôi bàn nhau quyết tâm Sát Thát, nói đến vua Quang Trung chỉ nói đến chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi… Ở trung học cũng vậy, mà lên đại học cũng vậy. Còn chuyện những người cầm quân và làm việc nước lúc ấy quan hệ với nhau ra sao, suy nghĩ cụ thể như thế nào trong hành động , có những chính sách cụ thể ra sao sau chiến thắng - tương tự như hai mẩu chuyện tôi vừa đọc được - thì không bao giờ cho học sinh biết và gợi cho chúng cần biết.
Sau khi học qua chục năm ở trường phổ thông, đám trẻ thông minh hiện nay lúc vui đùa thường mang những công thức mà chúng học được trong các giờ sử ra giễu cợt: nào “có áp bức có đấu tranh”, nào “tinh thần yêu nước và căm thù giặc đã tạo nên sức mạnh”.
Khi cảm thấy không được tôn trọng, không cảm thấy cái thiêng liêng trong kiến thức mà vẫn buộc phải học,người ta không có cách phản ứng nào khác.
Muối mà không mặn còn gì là muối, sử mà không có cái phập phồng của đời sống con người trong quá khứ, làm sao gọi là sử được?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339), thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có điều ông cũng rất giỏi tham lam vơ vét. Khi làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung Quốc, ông ra lệnh cho quân không được đội các nón kiểu phương Bắc mà phải đội nón của một làng gần đấy gọi là nón ma lôi để phân biệt. Nghe thì có vẻ rất nghiêm! Có biết đâu, trước đó ông đã sai người nhà mua sẵn nón về bán, mỗi chiếc giá đắt gần bằng một tấm vải, nhờ thế cũng có được một “chiến công tưng bừng” trên phương diện kiếm lợi bỏ túi.
Câu chuyện trên không thấy ghi trong các bộ sử hiện đại, kể cả Việt Nam sử lược, tôi chỉ biết được nhờ mấy hôm buồn tình lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đọc. Đến khi tìm lại Đại Việt sử ký toàn thư thấy có thêm một chi tiết có sức tố cáo mạnh hơn. Có lần người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn công khai tuyên bố: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ?”.
Câu chuyện về Trần Khánh Dư trước tiên mang lại cho tôi một sự an ủi, hóa ra nhiều chuyện đời nay chỉ là phóng chiếu những chuyện đời xưa.
Về tham nhũng, Đại Việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn (sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi”.
Về những dễ dãi trong việc ban quan tước, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi: “Triều Tây Sơn phong tước quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá. Danh khí tồi đến như thế! Muốn cho khỏi loạn, có thể được không?”.
Theo nhà triết học Bertrand Russel, “đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại” (trích lại từ Giáo sư Hà Văn Tấn). Nghe ra có vẻ đau đớn chua xót, nhưng thực ra đó mới là động cơ đủ sức thúc đẩy người ta “đi tìm thời gian đã mất”.
Mấy năm nay ở ta có hiện tượng điểm sử của học sinh trong các kỳ thi trung học kém một cách thảm hại. Và nói rộng hơn, lớp trẻ hiện nay ngán các bài sử ở trường đến tận mang tai, bất đắc dĩ phải học sử, lúc học lên, có không biết thi vào trường nào khác mới chịu thi vào sử.
Tại sao như vậy? Nhiều người nói là các giáo viên chúng ta không biết dạy. Có người dám viết rằng đã gọi là lịch sử thì bao giờ cũng nhàm chán khô khan, khó hiểu, lặp đi lặp lại. Họ tính chuyện tăng tính hấp dẫn của môn sử bằng tranh vẽ với lại phim ảnh, bởi tin rằng chỉ các biện pháp kỹ thuật thật xịn ấy mới giúp cho môn học đỡ ngấy.
Nếu chúng ta biết rằng ở các nước, lịch sử vẫn được người ta coi là một môn học sinh động và có sức lôi cuốn bậc nhất với học sinh, thì có thể thấy đầu mối câu chuyện không phải là ở chỗ ấy. Lịch sử sao lại nhàm chán cho được?!
Việc học sinh và người dân ở ta ngán sử, theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các bài sử được giảng khô cứng, tẻ nhạt thiếu hẳn chi tiết thực tế. Chuyện ngày xưa được kể lại mà cứ như chuyện ngày nay. Ngôn từ và cách nói của lịch sử thiếu vắng. Cũng như thiếu hẳn cảm giác về một thời gian đã qua, vừa xa lạ vừa gần gũi. Thế thì ai mà thích được?
Vỏ đã vậy, còn ruột thì sao? Một môn học chỉ hấp dẫn khi người ta tạo cho người học cảm tưởng ở trong đó có rất nhiều bí mật, kể cả những chuyện có thực mà không một đầu óc nào tưởng tượng nổi. Nó mời gọi người ta khám phá, chứng kiến, lý giải.
Cái hồn này của sử ở ta không có. Ngược lại, người viết sử chỉ cho thấy một thứ lịch sử trên sơ đồ, lịch sử đã chưng cất phục vụ cho một mục đích giáo dục đúng đắn nhưng quá đơn điệu. Thí dụ nói đến nhà Trần đánh quân Nguyên chỉ toàn cho thấy mấy lần vua tôi bàn nhau quyết tâm Sát Thát, nói đến vua Quang Trung chỉ nói đến chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi… Ở trung học cũng vậy, mà lên đại học cũng vậy. Còn chuyện những người cầm quân và làm việc nước lúc ấy quan hệ với nhau ra sao, suy nghĩ cụ thể như thế nào trong hành động , có những chính sách cụ thể ra sao sau chiến thắng - tương tự như hai mẩu chuyện tôi vừa đọc được - thì không bao giờ cho học sinh biết và gợi cho chúng cần biết.
Sau khi học qua chục năm ở trường phổ thông, đám trẻ thông minh hiện nay lúc vui đùa thường mang những công thức mà chúng học được trong các giờ sử ra giễu cợt: nào “có áp bức có đấu tranh”, nào “tinh thần yêu nước và căm thù giặc đã tạo nên sức mạnh”.
Khi cảm thấy không được tôn trọng, không cảm thấy cái thiêng liêng trong kiến thức mà vẫn buộc phải học,người ta không có cách phản ứng nào khác.
Muối mà không mặn còn gì là muối, sử mà không có cái phập phồng của đời sống con người trong quá khứ, làm sao gọi là sử được?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn