(Báo cáo trình bày tại Hội thảo “Khớp nối với Việt Nam: Một cuộc đối thoại liên ngành” lần thứ 4 tại Honolulu, Hawaii ngày 8 tháng 11 năm 2012)
Người dịch: Hoa Quốc Văn
https://leminhkhaiviet.wordpress.com/tag/cong-dong-tuong-tuong-viet-nam/
*****************
Dẫn
nhập
Đầu tuần này, nhà sử học lừng danh Benedict Anderson đã trình bày một bài phát biểu ngay
tại đây,
trong cùng căn phòng này, trong đó ông nói về chủ nghĩa dân tộc và ý thức nhân loại. Ông đưa ra luận điểm cho rằng chỉ có một ít lần trong lịch sử nhân loại, ý thức của con người đã thay đổi đột ngột đến nỗi họ trở nên không thể hiểu cách nghĩ của những người sống trước họ. Một lần như thế là khi con người chuyển sang theo một tôn giáo mang tầm thế giới (world religion). Chẳng hạn, một khi
người ta
chuyển sang theo đạo Cơ đốc, họ không còn nghĩ như các tổ tiên tiền Cơ đốc nữa, họ thậm chí cũng không thể thực sự hiểu cách nghĩ của tổ tiên mình. Ý thức của họ đã thay đổi.
Benedict Anderson (sau đó) tiếp tục nói về cách thay
đổi khác của ý thức nhân loại, và đó là thông
qua sự chấp nhận tất cả những ý tưởng đi kèm sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Một khi trở thành cảm thức phổ biến để con người tự xem mình là bộ phận của một quốc gia, nó khiến họ không thể nào nhìn nhận thế giới bằng bất kì cách thức nào khác, và họ trở nên không thể hiểu được tổ tiên mình đã nghĩ như thế nào.
Ở Việt Nam, sự biến chuyển này bắt đầu ở đầu thế kỉ XX, và trong vòng một thế hệ, nó được hoàn tất, đến nỗi cho đến thập niên 1920s, nhiều người Việt Nam không còn nghĩ như tổ tiên họ đã nghĩ trong
nhiều thế kỉ trước, thậm chí cũng không thể hiểu được gì thêm về cách nghĩ của tổ tiên mình.
Điều tôi muốn nói hôm nay là phải xem xét thời điểm ở đầu thế kỉ XX này, khi các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa lần đầu tiên được thể hiện bởi các trí thức người Việt, và khi ý thức thay đổi.
Tôi chắc rằng nếu người ta không hiểu cái gì đã xảy ở đầu thế kỉ XX, thì người ta không thể hiểu bất kì giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam bởi đầu thế kỉ XX là một thời đoạn mà mọi thứ đều thay đổi.
Thực vậy, nó là một trong những thời đoạn hiếm hoi khi ý thức thay đổi, và rốt cuộc nó thay đổi triệt để đến nỗi những người sống sau thời điểm ấy đã mất mát phần lớn khả năng suy nghĩ như những người sống trước đó.
Sự biến đổi này đặc biệt rõ ràng trong các trước tác lịch sử ở giai đoạn này. Ở đầu thế kỉ XX, các trí thức canh tân người Việt đã khớp nối với các ý tưởng từ thế giới bên ngoài và rồi đã tạo ra vô số tác phẩm viết về lịch sử cấu thành nên một sự đổi thay triệt để trong cách viết sử.
Trước thế kỉ XX, các sử gia Việt Nam không viết về “Việt Nam” hay “người Việt Nam”, mà thay vào đó họ viết về các quân vương. Tuy nhiên, với sự chấp nhận các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa từ phương Tây, kèm theo các ý tưởng về chủng tộc và tiến hoá, tất cả điều này đã thay đổi.
Chúng ta có thể thấy sự thay đổi ngay lập tức bảng từ vựng trong các trước thuật ở thế kỉ XX, khi chúng tràn ngập những khái niệm mới như: dân tộc, tổ quốc, quốc dân, văn minh, khai hoá, tiến hoá, ái quốc tâm (lòng yêu nước), cạnh tranh và chủng tộc.
Tất cả đều là những khái niệm mới được giới thiệu từ phương Tây, và chúng đều đóng một vai trò trong sự biến đổi ý thức của người Việt.
Sự biến đổi tri thức xảy ra ở Việt Nam đầu thế kỉ XX khi người ta bắt đầu nghĩ bằng các khái niệm dân tộc chủ nghĩa là một sự biến chuyển dĩ nhiên đã xảy ra ở phương Tây trước đó không lâu. Vì vậy, sự thay đổi ý thức này không phải là cái gì đó độc nhất đối với Việt Nam. Nó xảy ra hầu như ở khắp mọi nơi.
Điều có phần độc nhất đối với Việt Nam là một thực tế rằng cách nghĩ này tới nay vẫn còn được duy trì ở diện rộng, trong khi nó đã thay đổi ở các phần khác của thế giới.
Người ta có thể nói rằng những người như Benedict Anderson đã giúp cho các nền học thuật ở nhiều nước trên thế giới ngày hôm nay
thay đổi ý thức của chúng một lần nữa giữa nhiều thành viên trong cộng đồng học giả quốc tế, thật là phổ biến khi nghĩ rằng các quốc gia là những cộng đồng tưởng tượng và rằng chúng là những cộng đồng được tưởng tượng rất gần đây thôi.
Vì vậy, sau khi thảo luận về sự thay đổi tri thức đã xảy ra ở đầu thế kỉ XX, tôi sẽ kết thúc phần trình bày này bằng việc đưa ra một vài suy ngẫm về tình trạng của nghề sử ở Việt Nam hiện nay.
Quốc
gia
Để hiểu các ý tưởng về việc những nhân tố nhất định của lịch sử Việt Nam đã dần được nhìn nhận khác nhau như thế nào ở đầu thế kỉ XX bởi các nhà sử học Việt Nam, lí tưởng là chúng ta cần trước hết có một hiểu biết về diện mạo của nền sử học truyền thống.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ phần trình bày này, không có đủ thời gian để làm điều đó. Chỉ cần biết rằng các công trình sử học trước thế kỉ XX được viết như những cuốn sách hướng đạo luân lí cho các quân vương và các quan
chức phụng sự họ.
Tuy nhiên, ở đầu thế kỉ XX, các học giả Việt Nam bắt đầu nghĩ về quá khứ bằng những cách mới, sau khi tìm hiểu cách nghĩ và cách viết sử của phương Tây.
Ở chính thời điểm đó, trước tác lịch sử ở nhiều nước phương Tây đang tập trung vào vấn đề quốc gia hơn là vào quân vương.
Hơn nữa, sử gia ở phương Tây lúc bấy giờ cũng chịu ảnh hưởng của các ý tưởng đến từ thuyết tiến hoá tự nhiên và xã hội, và cố gắng trình bày về các quốc gia của họ như là sự kế tục về mặt lịch sử trong quá trình tiến hoá của các xã hội.
Các trí thức Việt Nam canh tân ở bước chuyển đầu thế kỉ XX bắt đầu áp dụng một số ý tưởng này để tái định nghĩa và viết lại lịch sử vùng đất của họ.
Những trước tác lần đầu tiên giới thiệu những ý tưởng mới và cách nghĩ mới này, chủ yếu được viết bằng Hán cổ, khi mà chỉ đến đầu thập niên 1920s tiếng Việt hiện đại viết bằng chữ Latin mới bắt đầu thay thế đáng kể việc dùng chữ Hán cổ trong các trứ thuật lịch sử.
Trong bất kì trường hợp nào, trong tất cả các ý tưởng mới được giới thiệu trong các công trình trình này, ý tưởng về dân tộc chắc chắc là quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất.
Ở đầu thế kỉ XX, các tác giả Việt Nam đã làm rõ rằng khái niệm quốc gia không phải là khái niệm quen thuộc với nhiều người ở vùng đất của họ, và rằng để cho người ta hiểu được khái niệm này cần phải nỗ lực, và phải làm thông qua giáo dục.
Sau đây dẫn lời của Hoàng Đạo Thành, tác giả của một văn bản lịch sử mới viết năm 1906:
“Khi người ta lên 7 tuổi và vào trường tiểu học, họ cần phải học văn học dân tộc và lịch sử của nó. Điều đó cũng đúng với phụ nhân, vì đây là cách chúng ta
khiến cho từ “quốc gia” khắc sâu vào trí não mỗi người.
Hẳn phải củng cố điều đó để nó không thể lay
chuyển; khiến nó bám chặt không thể rơi rụng. Do đó, họ sẽ xem lãnh thổ quốc gia như tài sản của chính họ, và sẽ hành xử với nhau như đồng bào”[1].
Điều này tạo nên một thế giới quan thiên lệch hoặc bất cân xứng.
Khi viên quan triều Nguyễn là Hoàng Cao Khải miêu tả điều mà những người đã học để thi trong suốt nhiều thế kỉ được biết, ông khẳng định:
“Họ biết về Hán (Cao
Tổ) và Đường (Thái Tông), mà không biết rằng Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ là những quốc chủ. Họ biết về Khổng Minh
(tức Gia Cát Lượng) và Địch Nhân Kiệt, mà không biết về Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn là những đại thần. Họ biết về chiều cao núi Thái Sơn, độ sâu sông Hoàng Hà, mà không biết mạch núi tổ của Tản Viên Sơn, hay
nơi khởi nguồn của sông
Mekong. Điều này, do đó, khiến người dân của nước ta làm theo phong tục của những dân tộc khác. Từ mũ mão, hôn lễ, tang lễ hay tế lễ, chẳng có gì lại không tiến hành từ sự bắt chước Trung Quốc”[2].
Nói khác đi, các tác giả ở đầu thế kỉ XX cho
rằng chỉ với việc học tập phương Bắc, người dân trong
quá khứ đã không thể tìm hiểu về chính mảnh đất của họ, và hệ quả là, họ không có ý thức rõ ràng rằng họ cấu thành một quốc gia
riêng.
Vì vậy, để khiến ý tưởng về quốc gia “khắc sâu” vào trí não của người dân, họ cần phải học lịch sử của đất nước mình, điều họ không thể làm trước đó.
Chủng tộc
Vậy là ở đầu thế kỉ XX, có một nỗ lực thận trọng nhằm phân biệt trong
đầu óc người dân 2 nơi mà ngày nay
chúng ta gọi là Việt Nam và Trung
Quốc để khiến người dân xem vùng đất của họ là một đất nước [riêng].
Đồng thời, có những nỗ lực để khiến người dân tự xem mình là bộ phận của một chủng tộc, một khái niệm mới khác đến từ phương Tây.
Một trong
những học giả sớm nhất là Ngô Giáp Đậu, người viết về “tộc loài” trong
một văn bản lịch sử viết năm 1911
có tên Trung
học Việt sử toát yếu.
Ở đó ông cho
rằng ở thời viễn cổ, người dân ở khu vực này đều là bộ phận của tộc Da vàng (Hoàng tộc), nhưng họ được chia
thành các nhóm khác nhau
như: Man,
Liêu, Thái và Chăm.
Đây đều là những khái niệm mà giới tinh
hoa người Việt cầm quyền ở thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX dùng để chỉ những tộc người mà ngày nay chúng ta gọi là “dân tộc ít người” ở địa bàn của họ.
Vào lúc Ngô Giáp Đậu viết công trình sử học của mình, những tộc người này chủ yếu sống ở các vùng
núi, và ông cho rằng về mặt lịch sử họ đã bị dồn vào những vùng đất xa xôi khi những người dân di cư chuyển đến khu vực này từ phương Bắc.
Ở đây, Ngô Giáp Đậu đã cung cấp một bản danh sách dài những sự kiện lịch sử đề cập đến việc những người mà ngày nay chúng ta gọi là “người Hoa” đã đến định cư ở khu vực thuộc Việt Nam hiện nay. Từ những phạm nhân do triều Tần gửi đến đồn trú ở khu vực, các học giả tị nạn cuối thời Hán, những “quan lại, binh lính và người dân đều đến từ phương Bắc” từ thời Tấn đến Đường, đến những người trung thành với nhà Minh đến khu vực này khi triều đại này rơi vào tay nhà Thanh. Ngô Giáp Đậu chỉ ra gần 2 thiên niên kỉ nam tiến của những người mà ông gọi là “Hoa nhân”, một khái niệm ngày nay thường được dịch là “người Hoa”. Như Ngô Giáp Đậu khẳng định, “cư dân người Hoa sống ở Nam thổ bành trướng từng ngày và dần hoàn thiện khả năng” – đến nỗi những người vốn định cư ở đây – người Man, Liêu, Thái, và Chăm – bị buộc phải vào vùng đồi núi.
Từ mô tả này, có vẻ như Ngô Giáp Đậu cho rằng người Việt là “người Hoa” hay như chúng ta gọi là “người Trung Hoa”.
Tuy nhiên, ở cuối phần này của cuốn sách, ông khẳng định rằng “Trong
[các kì]
khảo hạch những người có khả năng chứng minh
sự vĩ đại của mình
trong vương quốc bằng công cụ là các tác phẩm văn chương và những thành tích quân sự, [9b] họ về cơ bản là hậu duệ của người Hoa” (9a-b), do đó gợi ý rằng giới tinh hoa khác về dòng máu với dân thường.
Vậy là khi các trí thức Việt Nam ở đầu thế kỉ XX cố gắng hiểu dân của họ bằng các khái niệm liên quan đến chủng tộc, họ làm vậy bằng cách tự xem mình giống như người Hoa hoặc Hán, nói khác đi, tương tự như những người sống ở phương Bắc. Họ làm điều này một phần bởi họ có những chứng cớ lịch sử cho thấy dòng cư dân Nam tiến, nhưng cũng bởi những người đến từ phương Bắc có quyền lực hơn, và những ý tưởng về chủng tộc mà các học giả Việt Nam học được ở đầu thế kỉ XX được kết hợp với các ý tưởng từ thuyết tiến hoá xã hội về sự cạnh tranh trong các xã hội hay chủng tộc.
Trong một thế giới như thế cần phải mạnh mẽ, và các học giả Việt Nam nhìn trở lại lịch sử của họ, họ thấy sức mạnh của mình trong việc tàn phá một vương quốc, vốn là đối thủ truyền kiếp của họ, vương quốc Champa.
Chẳng hạn, một tác phẩm có tên Nam
Quốc giai sự truyện được phát hành bởi Đông Kinh nghĩa thục, một ngôi trường theo tư tưởng canh tân mở năm 1907, có một thiên nói về “滅占城, Diệt Chiêm Thành” trong đó ca ngợi việc đánh bại người Chăm, những người hàng xóm phía Nam của người Việt,
trong một trận chiến thế kỉ XI của ông vua Lý Thái Tông.
Rồi trong
một tiểu luận có tên “Việt Nam
quang vinh chi lịch sử” 越南光榮之歷史 công bố năm 1922
trên tờ Nam
Phong, một học giả có tên là Lê Dư đã tìm thấy sự vẻ vang trong quá khứ của Việt Nam theo 2 cách.
Thứ nhất là mảnh đất này chưa bao
giờ bị sáp nhập vào Trung
Quốc, và thứ hai người Việt đã tiêu diệt vương quốc
Champa và sáp nhập nó [vào Đại Việt].
Lê Dư lưu ý rằng khi
Việt Nam được thiết lập vào thiên niên kỉ đầu sau Công nguyên, lãnh thổ của nó không rộng hơn một tỉnh của Trung
Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể mở rộng từ mảnh đất bé nhỏ của nó và có thể thôn tính lãnh thổ của vài vương quốc khác. “Đó chẳng phải là những chiến thắng vẻ vang và đáng nhớ nhất hay
sao?” Ông dùng câu hỏi tu từ.
Sau đó Lê Dư tiếp tục bàn về vài vương quốc mà Việt Nam dần sáp nhập.
Ông bắt đầu với Champa (Chiêm Thành) và lưu ý rằng địa bàn của vương quốc này không hề nhỏ. Sau đó, ông đề cập đến một vài thời điểm quan trọng trong quá trình dần chinh phục và sáp nhập Champa khoảng 500 năm – từ 1044 đến 1691. Rồi Lê Dư kết luận bằng cách tuyên bố rằng “Ngày cuối cùng tiêu diệt vương quốc Champa là ngày trọng đại ghi dấu việc hoàn thành những thắng lợi quân sự của người Việt ta” (ngã Việt).
Và trong khi ở đây Lê Dư không bàn về người Việt là ai bằng các khái niệm liên quan đến chủng tộc, các học giả khác đã kết nối khả năng bành trướng về phía nam với cốt lõi chủng tộc của họ.
Dương Bá Trác, trong một tiểu luận năm 1918 đã nói ở trên, chỉ rõ rằng sự bành trướng về phía Nam này là có thể bởi đây là công việc của “Hán tộc ta” trong bản tiếng Việt và “đường đường Hán tộc” trong bản tiếng Hán cổ.
Vậy là sau vài thế kỉ viết sử để ghi chép những ưu nhược điểm về luân lí của các vị quân vương, các sử gia Việt Nam đã áp dụng triệt để các ý tưởng mới ở đầu thế kỉ XX. Họ bắt đầu tập trung vào vấn đề quốc gia thay vì quân vương. Họ cũng nỗ lực xác định chủng tộc của quốc gia, và họ cố chứng minh rằng chủng tộc và quốc gia của mình không bị tiêu diệt trong cuộc cạnh tranh giữa các chủng tộc bằng cách tôn vinh sự tiêu diệt dân Chăm của chính họ, một hành động khả thi một phần bởi họ là bộ phận của Đại Hán tộc.
Một vấn đề không được thảo luận nhiều ở đây là về thời cổ đại. Lịch sử
--
Vì vậy, ngày nay lịch sử Việt Nam được nhìn nhận không chỉ bằng những khái niệm rất khác với giai đoạn trước thế kỉ XX, mà nó cũng rất khác với cách nhìn nhận từng tồn tại ở đầu thế kỉ XX khi sự biến chuyển mang tính dân tộc chủ nghĩa trong ý thức lần đầu tiên đã dẫn dắt các nhà sử học Việt nam quan niệm về lịch sử Việt Nam theo những cách mới.
Tức là, dễ dẫn đến sự tranh cãi về việc liệu cái cách nhìn hiện thời vào những phương diện nhất định của lịch sử Việt Nam có thể được xem như một sự cải thiện trong tri thức của chúng ta về quá khứ, hay đó là một sự xuyên tạc bởi các nhu cầu chính trị và tình cảm.
Thời cổ của quốc gia Việt Nam đã được xác nhận bởi chính trị, chứ không phải bởi học thuật.
Việc thiếu vắng nhận thức về sự xâm lược và tàn phá của người Việt trong quá trình bành trướng về Nam là một cái nhìn bị quy định về mặt chính trị, chứ không dựa trên cứ liệu lịch sử.
Cuối cùng, mối quan hệ lịch sử với mảnh đất phương Bắc đã bị chính trị hoá đến nỗi khó ai có thể nói gì khởi sắc một chút về quá khứ.
——
Kết quả của tất cả điều này là một thế kỉ sử học Việt Nam đã thành hình trong sự tạo lập những lằn ranh tri thức đã được quyết định một cách đầy cảm tính và chính trị tính. Trong khi hoàn toàn có thể hiểu được tại sao điều này đã xảy ra lúc ban đầu, thì giờ đây khi người Việt muốn khớp nối với thế giới và thế giới muốn khớp nối với Việt Nam, những lằn ranh tri thức bị quyết định đầy cảm tính và chính trị tính như thế đang gây cản trở cho sự khớp nối đó.
Ở đây, khá là thú vị khi nhìn lại việc các trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX đã thực sự khớp nối với các ý tưởng từ thế giới bên ngoài lúc bấy giờ. Ngày nay, chúng ta có lẽ không thích những ý tưởng về chủng tộc và việc tuyên dương sự xâm lược của họ, nhưng đó là những ý tưởng “sắc bén” lúc bấy giờ, và chúng là những khái niệm “quốc tế”. Điều thú vị nữa là cứ liệu của họ có giá trị lịch sử đối với nó.
Ngày nay, các ý tưởng về chủng tộc không được ủng hộ, nhưng những ý tưởng bị giao
nhiệm vụ chính trị về quan hẹ giữa “người Việt” và “người Hoa” rất khó đối diện với một sự thật là vô số “người Hoa” là bộ phận của quốc gia của “người Việt”.
Các học giả ở đầu thế kỉ XX không gặp vấn đề với điều này. Cái nhìn của họ về hoàn cảnh này hẳn quá đơn giản, nhưng họ không lảng tránh nó.
Các học giả ở đầu thế kỉ XX cũng không lảng tránh một sự thật là người Việt Nam trong lịch sử đã chinh phục và tàn phá thế giới của những kẻ khác. Sự tuyên dương những sự kiện ấy có thể là thái quá, nhưng một lần nữa, họ không lảng tránh [sự thật] lịch sử này.
Cuối cùng, vấn đề cổ sử cũng là một chủ đề khác mà các học giả ở đầu thế kỉ XX có vẻ như gần với sự thật hơn [ngày nay].
————————–
Tóm lại, tôi phải khẳng định rằng khi
tôi nghe
Benedict Anderson nói ở đây ít ngày trước, tôi cảm thấy chán khi tôi không thấy ông nói cái gì mới.
Tuy nhiên, những quan
điểm của ông về sự biến chuyển trong
ý thức là những quan
điểm mà trọn nhiều năm sau
khi ông bàn đến lần đầu trong cuốn Những cộng đồng tưởng tượng, chúng vẫn chưa được khảo nghiệm, xem xét khi khảo sát quá khứ các nhóm người như người Việt. Tuy nhiên, người Việt đã trải qua những thay đổi to lớn và ý thức của họ cũng thay đổi theo.
***
Nguồn: Liam
C. Kelley, “Imagining the Nation in Twentieth Century Vietnam”
Presented at the
4th “Engaging With Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue” Conference
in Honolulu, HI on 8 November 2012.
URL: https://www.academia.edu/5378568/_Imagining_the_Nation_in_Twentieth_Century_Vietnam_
[1] Hoàng
Đạo Thành, Việt
sử tân ước toàn biên [Complete Compilation of the New
Testament of Việt History], (1906), A. 1507., tựa, 1a-1b.
[2] Hoàng
Cao Khải, Việt sử yếu [Summary of Việt History], (1914), R.
173, đinh a-b.