“Có những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống; có những cuốn sách
làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời
xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời. Có lẽ không
chỉ nhân vật trong truyện mà không thiếu người trong chúng ta cũng có một đời
sống trớ trêu vô lý thế chăng? Vậy phải sống thế nào bây giờ để khỏi xót xa, ân
hận?”
Một
người cũng trạc tuổi như nhân vật Sài, sau khi gặp Sài qua những trang sách của
Lê Lựu, tâm sự như vậy. Mà không chỉ riêng anh. Ở nhiều người, ý hướng thiết
tha nhìn lại đời mình cứ thấy rộn lên, sau khi đọc Thời xa vắng, người
ta lấy Sài ra để soi vào đời mình, vận vào mình. Đó là một thứ may mắn mà chỉ
rất ít tác phẩm đạt tới.
CẮN
RĂNG LẬP NGHIỆP
Hai
mô-típ thường thấy trong văn học xưa nay là việc lập nghiệp của người ta trong
cuộc đời và việc mưu cầu hạnh phúc ở tuổi thanh niên, nhiều khi hai việc ấy chi
phối toàn bộ đời sống con người, nó là động lực để nhiều cá nhân trở lên hết
sức năng động và có dịp bộc lộ hết mình.
Có
lẽ vì thế mà nhiều tiểu thuyết xưa nay hướng vào miêu tả hai việc đó, để trình
bày "bức tranh thế sự". Những tác giả lớn cũng là những người mà qua
việc miêu tả sự lập nghiệp và mưu cầu hạnh phúc của con người, biết chỉ ra rằng
điều quan trọng ở đây là nhận thức ngày một sâu sắc hơn về đời sống và bản lĩnh
của nhân cách - đấy mới là những nhân tố cơ bản để có thể có được sự nghiệp và
hạnh phúc chân chính.
Như
Lê Lựu đã bộc bạch (Văn nghệ số 12,1986) khi miêu tả lại quãng đời Sài,
anh không chủ tâm kể về công việc cụ thể mà chủ yếu đi vào tính cách nhân vật.
Thành thử câu chuyện lập nghiệp của Sài nói chung cũng không được trình bày với
tất cả sự mạch lạc cần thiết của nó. Nó chỉ được lồng vào chuyện hôn nhân của
nhân vật. Song không phải vì thế mà phương diện này ở con người Sài không rõ.
Sài đi bộ đội để được xa người vợ tảo hôn và
có dịp tự do nghĩ ngợi hơn về một cô gái mà anh yêu và cũng được anh yêu lại.
Nhưng chỉ có thế! Do yêu cầu của sự phấn đấu trong bộ đội, anh không dám tiến
xa trong mối tình chân thành của mình; rồi trong một lần về phép, anh lại cầm
lòng chung đụng với người vợ tảo hôn cũ để vừa lòng mọi người - cả hai việc đều
cùng một mục đích là cốt giành ưu thế trong phấn đấu về mặt chính trị.
Khi
thuật lại chuyện này, Lê Lựu đã cực tả cái cay đắng trong tâm lý người thanh
niên và những trang trình bày lại lối áp đặt vưà thân ái vừa thô bạo của chung
quanh đối với Sài là những trang thuộc loại hay nhất của tác phẩm.
Theo
cách diễn tả của Lê Lựu, Sài chỉ bề ngoài làm theo ý muốn của mọi người, còn
trong bụng, anh rất đau khổ, thậm chí thấy ghê tởm.
Từ đây bắt đầu một định hướng lớn trong cuộc đời Sài. Vui buồn cá nhân không là
gì cả, tiếng gọi của lý trí và khao khát lập nghiệp mới là động cơ thúc đẩy
hành động. Vì nhiều lý do ở hậu phương tạm thời chưa đạt được mục đích ư? Sài
lại sẵn sàng đi xa hơn, ra tận mặt trận. Không phải vì nước vì dân gì cả. Mà
chỉ để lập công, cái nhân tố chính sẽ quyết định tương lai mỗi cá nhân.
Không mấy khi văn học chúng ta miêu tả một
nhân vật "ra đi" theo kiểu này.
Song
không phải vì thế mà Sài xa lạ với đông đảo bạn đọc.
Phần
lớn người ở vào cái tuổi như Sài, lớn lên trong những năm như Sài, đều sống,
hành động như Sài và họ cũng đã thành công như Sài của Lê Lựu.
Cái
chung của họ là ý thức lập nghiệp chưa đi đôi với nhu cầu nhận thức về đời sống
và cũng chưa tạo nên một sự trưởng thành trong nhân cách. Cũng vì thế mà sau
khi yêu cầu lập nghiệp tạm gọi là xong, Sài lao vào việc mưu cầu hạnh
phúc, thì lập tức thất bại.
VÀ
CŨNG CẮN RĂNG MƯU CẦU HẠNH PHÚC
NHƯNG
LẦN NÀY THÌ THẤT BẠI
Ra
khỏi cuộc chiến đấu, Sài có cái may là được ly hôn, dứt hẳn quan hệ với người
vợ cũ. Và anh ở vào tâm trạng kẻ bị giam hãm giờ được tháo cũi sổ lồng, kẻ bấy
lâu thiệt thòi giờ có cơ đòi nợ. Anh không nhìn thấy gì khác ngoài những bất
hạnh của bản thân. Quá cay cú vì chưa được nếm mùi sung sướng của mọi lạc thú
trần gian, anh chạy thục mạng cốt săn tìm cho được chút hạnh phúc mà anh tưởng
trừ mình còn ai cũng có.
Con
cá quả đói đớp mồi thế nào thì lúc tìm vợ Sài cùng bộp chộp như vậy! Đứng ngoài
nhìn, dễ thấy sao mà Sài cả tin, nông nổi, khinh suất, giản đơn! Thậm chí, phải
nói anh có những khía cạnh ích kỷ nữa!
Nhưng
kệ!
Với
Sài, trước mắt chỉ có mỗi một việc là truy lĩnh lại tuổi thanh xuân, bù đắp lại
chỗ thiệt thòi mình đã phải chịu. Thêm nữa, có một lý do để Sài càng "thục
mạng" trong việc mưu cầu hạnh phúc: anh đang là người thành đạt. Anh quá
tự tin, thậm chí mê đi, tưởng mình là thần là thánh.
Ở
anh không phải chỉ có cái hèn như trước đó tác giả phân tích, mà còn có chút
hợm. Hợm hĩnh, kiêu căng, hoắng lên vì khả năng của mình, cho rằng mình đi đánh
nhau còn được, thì bây giờ làm gì cũng được.
Về
sống ở thành thị, nhưng Sài không bao giờ tự hỏi thành thị là gì, mình cần làm
gì để phù hợp với đời sống nơi đó. Bước vào xây dựng gia đình lần thứ hai,
nhưng anh không bao giờ ngẫm nghĩ xem mình sẽ có một gia đình như thế nào, hạnh
phúc của mình sẽ ở dạng như thế nào, trong thời buổi này thế nào thì là một thứ
hạnh phúc vừa phải mà loại người như mình có thể có được.
Lý
tưởng sống của Sài đơn giản, nếu không muốn nói là tầm thường. Thế thì làm sao
mà anh không thất bại được?
Suốt
phần hai của cuốn sách, chỉ thấy nhân vật Sài miên man trong hành động, hết
cuống lên vì yêu lại cấp tốc cưới vợ, rồi lo vợ đẻ, rồi cãi nhau với vợ, rồi
trông con ốm v.v...
Tất cả những trang này đã được tác giả dựng lại tỉ mỉ nhưng chỉ là tả Sài trong
hành động; đâu có lúc nào Lê Lựu cho nhân vật rỗi rãi để ngẩng đầu lên mà nghĩ
rộng ra về sự đời một chút.
Thế
thì làm sao có được sự định hướng chính xác tới các khát vọng cao cả!
Chỗ
bi đát của Sài hình như là chỗ bi đát của nhiều người chúng ta: tham bát bỏ
mâm; chăm lo việc vặt mà quên cái đại thể.
Sau
một thời gian khổ hạnh nay ai cũng sống chết lo làm một việc gì đó kiếm lợi
thêm cho gia đình và yên chí rằng thế là hạnh phúc.
Còn
hạnh phúc thật sự mặt ngang mũi dọc là như thế nào thì không ai biết và hình
như cũng không cần biết nữa!
Mục
đích thực dụng liền đẻ ra cách nhìn thiển cận.
Đời
sống là gì, ý nghĩa của đời sống là gì, những câu hỏi ấy chúng ta thường lảng
tránh, ta bảo nó là siêu hình, trừu tượng, nghĩ về nó là mất thì giờ, vô bổ, ai
băn khoăn về nó là những kẻ ấm đầu dại dột. Ta cứ nhắm mắt bước liều, để rồi
đến lúc thấy thua thiệt, thấy lỗi lầm thì đã muộn, và không hiểu sao cả, ta lại
hoặc kêu trời hoặc đổ cho số phận.
Tóm
lại, nói sống vụng còn là nhẹ, hình như ta không biết sống, đấy mới là điều đau
hơn, đáng tiếc hơn.
Và toàn bộ Thời xa vắng là tiếng kêu của cả một lớp người cho tuổi trẻ
của mình, cuộc đời mình; ngay khi thành đạt trong lập nghiệp nữa, họ vẫn bất
hạnh, vì không biết sống.
Có
thể bản thân Lê Lựu chưa có ý thức về điều này và một người như nhân vật Sài
càng không bao giờ nhận ra điều này.
Nhưng
chính nó mới là cảm tưởng mà một người đọc như tôi thu nhận được qua sự miêu tả
của Lê Lựu trong Thời xa vắng.
Một
cách lặng lẽ, tác phẩm gợi lên ở nhiều người chút động lòng và sự nuối tiếc,
như từ đầu chúng tôi đã nói. Sự nuối tiếc ở đây là cái hích đầu tiên, để người
ta nghĩ tiếp và tìm ra cho mình cách sống xác đáng. Song nghĩ rộng hơn một
chút, phải thấy nếu như có cách nào đó để làm cho những người như chàng Sài kia
tỉnh táo sớm hơn, nhận ra tình cảm của mình nhanh chóng hơn và có cách sống hợp
lý hơn, sự hỗ trợ của xã hội cho cá nhân như thế mới gọi là hoàn toàn.
ẢO
TƯỞNG MỘT LẦN ẢO TƯỞNG VĨNH VIỄN
Có
một khía cạnh nữa của cuốn sách người ta cũng hay bàn là đoạn kết, khi Lê Lựu
cho nhân vật về nông thôn lo việc hợp tác xã.
Đối
chiếu với xu hướng chính của tác phẩm là ca ngợi sự trở về mình, thì đoạn kết
đó là có lý. Hôm qua Sài không dám lấy Hương mà bấm bụng chịu thiệt, chẳng qua vì
"không dám là mình", rồi lúc lấy Châu nữa, anh lại bất hạnh vì không
biết mình là ai, vơ quàng vơ xiên, chạy theo những cái mình không có. Đi theo
đường hướng như thế, cả hai phần đầu cuốn sách dường như đã chuẩn bị sẵn để mở
ra cách giải quyết mà Lê Lựu viết trong đoạn cuối.
Nhưng
đó mới là cách hiểu, cách cắt nghĩa của chính người viết. Với tôi, khi đọc sách
muốn qua trường hợp của Sài rút ra những bài học cho mình, thì đoạn cuối ấy lại
chưa chắc đã là hợp lý.
Thật
vậy, như trên vừa nói, sở dĩ Sài thất bại trong việc mưu cầu hạnh phúc với Châu
vì ở anh không có sự “tiêu hóa” cần thiết về quá khứ của mình, không có sự tự ý
thức cần thiết.
Tình
yêu là lĩnh vực không thể dối trá. Và Sài cũng không dối trá. Ấy vậy mà trong
khi yêu người vợ mới say đắm và sẵn sàng tha thứ cho Châu tất cả thì Sài vẫn
bất hạnh, sự yêu chiều của anh là một cái cớ để Châu coi thường anh, sự nép
mình chịu đựng là một thứ lửa đổ thêm dầu phá vỡ hạnh phúc gia đình anh.
Một
động cơ tốt có thể đẻ ra một kết quả tồi tệ không mang lại lợi lộc cho ai; tác
giả đã tỏ ra rất thấu hiểu tình đời khi làm toát ra từ nhiều tình tiết trong
truyện một kết luận như thế.
Nhưng
thử hỏi ở phần cuối Lê Lựu cho Sài về nông thôn với cái gì? Không gì khác, cũng
lại rất nhiều ảo tưởng về sự chân thành của mình, một cái gì gọi là "thông
thuộc đồng đất con người quê hương" và "những thói quen cố hữu của
người nông dân” mà hôm nay anh vẫn giữ được. Rồi trong không khí vội vã của
đoạn kết, nhà văn cho biết là Sài đạt nhiều kết quả, trong ba năm anh đã làm
thay đổi bộ mặt làng Hạ Vị và chính anh cũng trở nên khoẻ khoắn hơn, sôi nổi
hơn.
Đọc
đoạn này, chắc bạn đọc không nhận ra ngòi bút Lê Lựu như phần trước nữa. Vâng
nghĩ lại thì thấy nông thôn mà Sài trở về đó tưởng là nơi nào khác chứ không
phải là làng quê rất đáng yêu, nhưng cũng rất lạc hậu, con người bị cầm tù
trong tư tưởng làm thuê và lối sống cổ hủ như nhà văn đã tả.
Hình
như Sài đã quên. Chính trong vòng tay của những người thân yêu đó, mà Sài bị ép
lấy vợ tảo hôn và chịu nhiều đau khổ khác. Sao khi nhìn nông thôn hôm qua, Lê
Lựu sâu sắc thấu đáo, mà nhìn hôm nay, ngòi bút của nhà văn lại dễ dãi thế!
Ấn
tượng lớn nhất khi đọc đoạn cuối tác phẩm là thấy không thể tin được. Sao trong
quan hệ vợ chồng Sài ngớ ngẩn vụng dại vậy mà bây giờ, Sài tự nhiên anh ta như
có phép tiên, nghĩa là nhìn mọi vấn đề ở quê hương rất sáng tỏ, làm đâu trúng
đấy. Thành công của anh không hề dựa trên một chuyển biến nhận thức nào, như
thế thì làm sao mà bạn đọc tin được?
Người
đọc dễ đoán ra rằng cũng là hình thành nên trong cơn say (lần này là say sưa
"trở lại chính mình"), chắc gì "mối tình" của Sài với làng
quê khác mối tình của anh với Châu, nghĩa là mới thoạt đầu thì rất yên ấm,
nhưng sau đầy rẫy lôi thôi, khốn khó!
Mặc
dù Sài đã lớn tiếng tuyên bố "đến bây giờ mới biết là mình như thế
nào..." (Thời xa vắng tr.319), nhưng chúng ta cứ cảm thấy
nhân vật này chưa biết mình và sự đời, chưa rút đúc kinh nghiệm sống đã qua để
bước vào chặng đường mới.
Bởi
ở Sài ảo tưởng còn nặng nề, nên những đau khổ vẫn còn chờ ở phía trước, dù anh
quay về nông thôn hay ở lại thành thị cũng vậy.
VIẾT VỀ QUÁ TRÌNH TỰ NHẬN THỨC CỦA CON NGƯỜI, CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ
VĂN HỌC THAM GIA VÀO CÁC VẤN ĐỀ THỜI SỰ
Xét
bề ngoài, phải nhận tập tiểu thuyết này của Lê Lựu là một sách yếu về tay nghề:
câu chuyện nhiều chỗ không mạch lạc, tác phẩm thiếu sự cân xứng tối thiểu, hình
như lúc viết, tác giả chỉ cắm cúi dồn hết ý mình có lên trang giấy, nên chữ
nghĩa lủng củng, câu cú rối rắm, ý nọ nhằng sang ý kia rất khó theo dõi.
Song tại sao Thời xa vắng vẫn có sức cuốn hút đáng kể? Lý do có lẽ ở cái
chất sống tươi ròng nơi tác phẩm.
Cách
viết cách trình bày hết mình của tác giả khiến cho người ta có cảm tưởng rằng
có lẽ đúng là có một anh Sài như thế với câu chuyện như thế -- trong văn học,
đấy là đầu mối làm nên sức hấp dẫn. Khi ta nhận ra ở Sài có rất nhiều nhược
điểm của con người hôm nay (chẳng hạn "duy ý chí ", "quá nhiều
tham vọng", "thiển cận, thiếu sự hỗ trợ cần thiết của văn hoá.."
) cũng là lúc ta cảm thấy rất gần với nhân vật này. Từ ấy, sự đọc sách có được
sự hào hứng, mỗi người đọc y như được nhìn vào kiếp sống của một người khác rồi
rút kinh nghiệm cho chính mình. Khi nhà văn đã đủ sức làm cho bạn đọc tin, thì
mọi biện pháp kỹ thuật nghề nghiệp có yếu một chút, cũng sẽ được châm chước.
"Câu chữ là quan trọng, nhưng trong văn học, yếu tố hàng đầu vẫn là tâm
huyết "- lại một lần nữa, chân lý nghệ thuật đó được khẳng định.
Bằng
cách đi sâu vào cuộc đời một cá nhân, Thời xa vắng đồng thời là một tác
phẩm có tính thời sự rõ rệt.
Để
tạo ra hiệu quả thời sự cho những trang sách của mình, lâu nay ở một vài tác
giả thường thấy có lối viết đi vào các vấn đề xã hội - kinh tế cấp thiết, nhờ
đó gợi được sự chú ý của một lớp bạn đọc nào đó. Lê Lựu không làm thế, Lê Lựu
chỉ nói riêng về con người, những mối quan hệ giữa người với người.
Một
vấn đề muôn thuở, mà cũng là vấn đề chúng ta đã nói đi nói lại rất nhiều. Đúng
thế. Nhưng chẳng phải là vào những ngày này, sau khi nhận ra không biết bao
nhiêu chuyện thiết yếu và đòi hỏi được giải quyết cấp bách, thì chúng ta đều
nhận thấy vấn đề khái quát này lại càng nổi lên hàng đầu, nó là mẫu số chung
của hàng loạt hiện tượng, nó là khâu cơ bản từ đó đóng góp phần gỡ dần ra các
khâu khác.
Trong
việc miêu tả, nhận diện con người, nghĩa là nhìn con người trong biến chuyển
của thời gian văn học có những ưu thế lớn lao. Làm thế nào để giúp con người
nhận thức về chính mình đầy đủ hơn, từ đó tìm được cách sống hợp lý hơn, đấy
vẫn là một nhiệm vụ thiêng liêng mà mọi nền văn học chân chính xưa nay muốn đảm
nhận.
Có
thể là tác giả không có ý thức đầy đủ, nhưng xét trên hiệu quả khách
quan, Thời xa vắng đã ít nhiều làm được điều đó, nó chính là lý
do khiến cho người ta nếu có dịp đọc lại tác phẩm, vẫn rút ra được những thu
hoạch bổ ích trên phương diện tìm tòi phương cách làm người của mình, một
phương diện nhân bản.
1986
Đã
in trong Vương Trí Nhàn Phê bình &Tiểu luận, 2008