VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Mấy vần đề về lịch sử Việt Nam: Nói chuyện với GS Keith W.Taylor

 

Nguồn: Xưa và Nay, số 95, tháng 7-2001.

https://vusta.vn/may-van-de-ve-lich-su-viet-nam-noi-chuyen-voi-gs-keith-wtaylor-p82810.html

 


GS K.W.Taylor đã từng đến Việt Nam trong các chương trình hợp tác với Viện khảo cổ học, Viện Sử học và Viện Ngôn ngữ năm 1986, 1992-1994 và 1997. Ngoài nhiều bài tạp chí nghiên cứu về Việt Nam, giáo sư có hai cuốn sách là: Sự ra đời của Việt Nam (1983) và Khảo luận về quá khứ Việt Nam (1995).

Nhân dịp giáo sư đến thăm Tòa soạn Xưa & nay ngày 29-5-2001, chúng tôi đã trao đổi một số vấn đề về sự quan tâm của GS đối với lịch sử Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

 * Trong quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam, những vấn đề nào được giáo sư quan tâm nhiều nhất?

* Lịch sử Việt Nam thường được cấu trúc trong sự kế tiếp của các triều đại. Những nhân vật chính là vua, hoàng tử và triều thần. Những sự kiện chính là các cuộc xâm lăng, chiến tranh và việc tổ chức cai trị. Nhưng điều mà tôi quan tâm hơn là ở cấp độ làng xã, đền chùa, nông nghiệp và chợ búa. Ở cấp độ này, những nhân vật chính hầu hết thường vô danh và những sự kiện chính hầu hết được ghi chép lại theo quan điểm của người cai trị. Tuy nhiên, sức sống hàng ngày của hàng vạn con người bình thường đã không ngừng sản sinh ra những sự kiện khiến cho cuộc sống chính trị và văn hóa chuyển theo những chiều hướng mới.

 

Thí dụ, chúng ta đều rất quen thuộc khi đọc những lời ca ngợi những công tích thời Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông vào cuối thế kỷ XV. Thế nhưng, ít khi chúng ta được đọc một sự lý giải xác đáng về việc tại sao chỉ mấy năm sau đấy những thành tựu đó lại tan tành dưới áp lực của các cuộc nổi dậy nông dân và việc tranh giành giữa các dòng họ có thế lực.

 Liệu chúng ta có thể hiểu ra việc tại sao triều Lê lại sụp đổ nhanh chóng trong thế kỷ XVI?

Liệu chúng ta có thể hiểu được tại sao hàng ngàn nông dân lại đi theo Trần Cảo khi ông chống lại triều Lê trong nhiều năm trời? Liệu chúng ta có thể hiểu tại sao họ Mạc lại có tiếng tăm ở vùng đồng bằng sông Hồng đến thế?

 

 

Để giải đáp những câu hỏi này, chúng ta cần phải suy nghĩ đến các làng xã và đền chùa, về những người dân quê và các nhà sư, và cả về các thương nhân.

Lịch sử Việt Nam bao hàm những dòng chảy đa dạng về tri thức và tôn giáo. Ngoài đạo Khổng mà nhà Lê và nhà Nguyễn đề cao, Phật giáo cùng với Đạo giáo, việc thờ Mẫu và Công giáo và nhiều tư tưởng khác rất thịnh hành ở các làng quê.

 

* GS phát hiện ra những đặc điểm này của lịch sử Việt Nam từ lúc nào, và vì những lý do gì?

Những suy nghĩ của bản thân tôi về lịch sử Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi khi tôi học để đọc được một số những bản Nôm đang còn đến nay.

Tôi bắt đầu hiểu ra rằng tại sao hầu hết các nhà cai trị lại nghi ngại việc viết chữ Nôm.

Nhiều đời vua đã cấm hay hạn chế việc sử dụng chữ Nôm.

 Vào cuối thế kỷ XIX triều Nguyễn tìm cách kiểm soát chữ Nôm bằng việc hệ thống hóa nó và kết quả là làm cho nó càng phức tạp và khó sử dụng hơn.

 Lẽ ra chữ Nôm có thể phát triển theo cách viết đơn giản hơn để biểu thị cách phát âm của từ như đã diễn ra tại Nhật bản và Triều Tiên.

 Nhưng ở Việt Nam, sự can thiệp của các triều đại đã đẩy chữ Nôm thành thứ văn tự biểu nghĩa một cách cầu kỳ và rối rắm.

 Vào thế kỷ XVII, tác giả của Chỉ Nam Ngọc âm đã viết trong lời đề tựa rằng chữ Nôm cần phải được giản lược đi để phù hợp với cách phát âm tiếng địa phương.

Thế nhưng hai thế kỷ sau thì chiều hướng lại ngày càng trở nên phức tạp hơn và chữ Nôm đã không phát triển ngoài lớp đồ nho. tại sao? Chúng ta có thể ức đoán rằng những ông đồ Việt Nam liên kết với các triều vua không muốn nới lỏng độc quyền của họ về chữ viết.

Do vậy họ chuộng cách viết chữ Nôm vẫn tương đối khó tiếp cận với dân thường và tiếp tục phức tạp hóa những yếu tố ngữ âm bằng các yếu tố tượng trưng.

 Điều này nói lên rằng ở Việt Nam, hơn cả Nhật Bản và Triều Tiên, vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa văn hóa người có học với văn hóa thường dân.

 

Sự sụp đổ đột ngột của quyền lực triều đình đầu thế kỷ XVI thừa nhận cuộc nổi dậy rộng lớn của nông dân có thể nói cho ta hay rằng những thành tựu rất được ca ngợi của việc cai trị thời Hồng Đức trong thực tế là rất mong manh và không dựa vào văn hóa làng.

  Mong mỏi của các nhà nho thời Hồng Đức nhằm áp đặt những tư tưởng của mình lên làng xã đã thất bại, và bởi thế ta chứng kiến sự hồi sinh của Phật giáo và tôn giáo dân gian trong những thế kỷ sau, khi quyền lực chính trị bị chia sẻ và tranh giành.

 

Bất chấp điều này, chữ Nôm tiếp tục được phức hợp hóa theo biểu hiện ngày càng tượng trưng, hơn là được giản lược hóa theo hướng văn tự gần với phát âm hơn.

Các ông đồ nho vẫn tiếp tục canh giữ ranh giới giữa người có chữ với dân thường. 


* Như vậy, theo giáo sư có hay không mâu thuẫn giữa văn hóa của tầng lớp thống trị với văn hóa của dân gian bắt đầu từ nhà Lê?

* Thí dụ về chữ Nôm gợi ra rằng ở Việt Nam văn hóa cung đình và văn hóa làng xã cần được hiểu theo những cách khác nhau.

Ở cung đình, điều ưu tiên là thống nhất và tập quyền, là khẳng định sự kiểm soát đối với làng xã.

Ở làng xã, điều ưu tiên là ra sức bảo vệ quyền tự trị địa phương chống lại sự can thiệp của chính quyền Trung ương.

 

Chẳng có gì bất ngờ hay đặc biệt về điều này.

Đấy là một trải nghiệm chung trong lịch sử nhiều quốc gia. Điều đáng chú ý về Việt Nam là vai trò của đạo Phật, tôn giáo dân gian và Công giáo trong việc tổ chức đời sống văn hóa của làng xã và các thị tứ.

Đời sống văn hóa cấp địa phương này rất sống động và đa dạng.

Ngược lại với chính sách các vua nhà Lê trong thế kỷ XV, thái độ của các vua đời Lý, Trần đối với làng xã lại rất cởi mở.

Là những người theo đạo Phật, họ chống lại sự phân đôi giữa họ và dân thường.

Chừng nào không có nổi loạn, các làng xã được tự do phát triển đời sống văn hóa tự trị của mình.

 

 

Tuy nhiên, sau khi bị nhà Minh xâm chiếm vào đầu thế kỷ XV, khi các chùa chiền bị phá dỡ và việc giáo dục đạo Nho được đẩy mạnh, các vua nhà Lê mang một thái độ ông thầy đối với văn hóa làng xã và muốn cải cách nó cho phù hợp hơn với tư tưởng Nho giáo.

 

 

Cũng vậy, với việc bành trướng quân sự vào phía Nam, triều Lê muốn ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa Chăm thâm nhập vào các làng quê Việt Nam. từ thế kỷ XVII.

Nhưng họ không ngờ sau khi bị bắt, các tù nhân người Chăm được tái định cư ở nhiều địa phương và họ đã có những đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của văn hóa làng và tôn giáo dân gian.

 

 

Cố gắng của thời Hồng Đức nhằm đưa những tư tưởng Nho giáo vào công việc cai trị và xã hội Việt Nam từ phương Bắc (Trung Hoa) là nhằm chuyển hướng văn hóa làng xã theo cách để các nhà cầm quyền dễ dàng giám sát và kiểm soạt hơn.

 

 

Tuy vậy, nỗ lực này chỉ đơn giản làm xa cách nhà cai trị với sức sống của dân chúng .

Điều đáng chú ý là trong số 125 nhân vật lịch sử được kể ra trong Thoát hiên vịnh sử thi tập mà Đặng Minh Khiêm viết ra hồi đầu thế kỷ XVI, không có ai thuộc về triều đại nhà Lê.

Hầu hết là thuộc đời Trần, nhiều người thuộc đời Lý và số còn lại thuộc về các thời trước nũa.

Cách xử lý theo kiểu Đặng Minh Khiêm về thời đại nhà Trần đã nói lên điều mà chúng ta có thể hình dung ra rằng đó chính là những cảm nhận của hàng ngàn nông dân đi theo ngọn cờ khởi nghĩa của Trần Cảo, vốn là một nhà lãnh đạo Phật giáo và tự xưng là thành viên của hoàng gia nhà Trần.

Đặng Minh Khiêm sống vào những năm có cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo.

Là một người có học, rõ ràng ông không thể đồng ý đi theo người cầm đầu nổi loạn, và ông vẫn trung thành với vị vua tích cực bấy giờ của triều Lê, chọn việc đi theo vua khi nhà vua trốn chạy vào vùng sơn cước.

Nhưng đồng thời ông lại viết ra một cuốn sách ca ngợi những con người thời nhà Trần, đồng thời lại bỏ qua những người thời nhà Lê.

Các vua đời Trần có tiếng là những người nhiều cảm tình và gần gũi với dân làng nhưng các ông vua nhà Lê lại tìm mọi cách để cách biệt họ với các làng xã và thay đổi lối sống của các làng xã.

Một khía cạnh khác là trong khi các vua Trần xuất xứ từ đồng bằng sông Hồng thì các vua đời Lê trong thế kỷ XV xuất xứ ở Thanh Hóa.

 

 

Trong thế kỷ XVI cuộc sống làng xã ở lưu vực sông Hồng ổn định dưới sự cai trị của nhà Mạc vốn xuất xứ từ đồng bằng sông Hồng và khuyến khích Phật giáo và tôn giáo dân gian.

Thanh Hóa lại có một nền tảng văn hóa và dân tộc khác với đồng bằng sông Hồng, nơi mà Phật giáo cắm rễ kém hơn trong nhiều thế kỷ và dễ chấp nhận các tư tưởng Nho giáo về cai trị hơn.

Khi các dòng họ Lê-Trịnh từ Thanh Hóa chinh phục được đồng bằng sông Hồng vào cuối thế kỷ XVI, họ đã thận trọng tránh dùng những chính sách can thiệp quá đáng vào công việc của làng xã như đã từng áp dụng bới các vua Lê trong thế kỷ XV.

 

* Vậy những nguyên nhân gì đã dẫn đến sự cách biệt giữa văn hóa triều đình và văn hóa làng xã từ thế kỷ XV?

Chúng ta cũng có thể ức đoán rằng các vua đời Lê trong thế kỷ XV theo đuổi chính sách tích cực của họ đối với làng xã là do tình hình nhiễu nhương thời nhà Minh đô hộ và do nhu cầu tổ chức lại đời sống làng xã sau những năm bị ngoại bang chiếm đóng và chiến tranh.

 

 Thế nhưng do chủ trương một trật tự mới dựa trên những tư tưởng cai trị và xã hội từ nước ngoài họ đã không hiểu được bản chất và sức sống của đời sống làng xã Việt Nam và việc chăm bón những hình thái của đời sống văn hóa đã nuôi dưỡng người dân nhiều thế kỷ.

  

Trong khi đó, vào thế kỷ XVII và XVIII, dân chúng tiếp tục phát triển đời sống văn hóa của mình chung quanh những chùa chiền, đền miếu và sau này là  nhà thờ.

Thương mại và các thị tứ cũng như nông nghiệp là những yếu tố quan trọng trong công việc nuôi dưỡng đời sống văn hóa này.

 Các thương nhân cũng tạo nền tảng kinh tế cho tôn giáo dân gian.

Tại những trung tâm thương mại địa phương và dọc các tuyến đường thương mại chính, những đền chùa lớn được xây cất và những khuynh hướng tôn giáo mới xuất hiện.

Phật giáo được hoằng dương, việc thờ cúng những vị thần mới như Liễu Hạnh lan rộng, việc thờ cúng những vị thần chính thức hơn như Trần Hưng Đạo được chú trọng hơn trước, và Công giáo đã có mặt ở nhiều địa phương.

 

Trong nhiều năm tôi đã quan tâm đến triều đại nhà Lý. Những ông vua trong thế kỷ XI rất gần gũi với văn hóa làng xã.

Họ bỏ nhiều thời gian đi khắp đất nước, thăm các đền chùa và làng mạc.

Họ khảo sát những vị thần địa phương và không chỉ tôn thờ những vị thần này mà thường còn xây đền miếu cho họ ngay tại Thăng Long.

Các vị vua này theo đạo Phật, mà Phật giáo lúc bấy giờ cắm rễ sâu vào văn hóa lãng xã và cả vào trong việc thờ cúng những thần thánh địa phương.

Sau này các sử gia đạo Nho đã chỉ trích các vua Lý là quá mê tín, nhưng cái mà các sử gia này gọi là mê tín có lẽ đơn giản chỉ là tinh thần sáng tạo của nhân dân được thể hiện qua những hình thức nghi lễ cộng đồng.

Các vua nhà Lý hiểu tầm quan trọng của những hình thức các tập tục xã hội dân gian đó và đã khôn khéo tham dự. Họ đã xác lập một nền tảng văn hóa chính trị cho một vương quốc kéo dài trong 400 năm.

 

Thật vậy, cũng như mọi chế độ chính trị, vào lúc bắt đầu thế kỷ XIII, cấu trúc vương triều nhà Lý cuối cùng đi đến điểm phân rã. Những người cầm đầu dòng họ nhà Trần đã tạo ra một phương thuốc chữa chạy sự bế tắc của hệ thống chính trị đời Lý và duy trì một thái độ khoan dung và mềm dẻo đối với văn hóa làng giống như thời nhà Lý.

 

Tuy nhiên sự sụp đổ của sự cai trị triều đại nhà Trần vào cuối thế kỷ XIV lại trùng hợp với sự hưng thịnh của triều đại nhà Minh ở Trung Hoa.

Rốt cuộc vào thế kỷ XV các vua nhà Lê đáp ứng những tư tưởng “hiện đại và duy lý hơn” của Nho giáo đến từ Trung Hoa thời Minh với việc coi văn hóa làng xã là một vấn đề mà không phải là một bệ đỡ, từ đấy  một khoảng cách đáng kể giữa vua với làng xã bắt đầu nới rộng.

 

 Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, các vua nhà Lê và nhà Nguyễn liên tiếp ban hành sắc chỉ nhằm thay đổi cấu trúc tinh thần và xã hội của đời sống làng xã như thể cách sống chi phối các dân làng là một mối đe dọa đối với quyền lực của họ.

Thái độ này về cơ bản rất khác với thái độ của các vua đời Lý và đời Trần, những người tán thành và tôn trọng văn hóa làng xã.

 

 Thật đặc biệt hấp dẫn khi xem những đóng góp của các vua đời nhà Lý, bởi lẽ lịch sử về đời nhà Lý phần nào bị che phủ bởi cái bóng của các vua nhà Trần.

Các vua nhà Lý đã xa xưa với chúng ta, nhưng khám phá và xây dựng một ký ức có ích về họ là một nhiệm vụ đặt ra không những đối với các học giả mà với các nhà lãnh đạo chính trị và dân thường nữa.

Sự lãnh đạo sáng tạo của họ gồm sự kết hợp quyền lực chính trị trung ương với văn hóa làng xã đã không được nhiều người hiểu ra. Những thành tựu của họ vẫn đáng để cho chúng ta ngày nay xem xét.

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn