VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thử nghĩ khác đi về sự hình thành dân tộc

 1/

Nhiều nhận thức khoa học được hình thành trong lịch sử thường chỉ đúng với một giai đoạn nào đó, sau đó người ta sẽ tìm cách vượt qua. Tuy nhiên trong giai đoạn đương thời ít nhất là nhận thức đó đã giúp người ta giải thích nhiều sự kiện có liên quan.

Tôi đã phân vân rất nhiều khi tìm lại cổ sử Việt Nam và tìm thấy nhiều điều khác những điều tôi đã được dạy từ hồi tiểu học, cũng khác với sử học đương thời. Đó là hệ vấn đề mà tôi đã đưa trên blog này từ vài năm nay – không phải là bài của tôi mà là những tài liệu mà tôi thấy có thể tin được.

 Trước thời Bắc thuộc, chưa có dân tộc Việt Nam lại càng chưa có nước Việt.

Và chính những người Hán có mặt trên phần lãnh thổ này từ nhiều nguồn khác nhau vị trí khác nhau đã là những nhân vật chính trong lịch sử của mảnh đất này.

 Nói như ông Nguyễn Gia Kiểng trong bài “Việt Nam đã hình thành như thế nào?” đã nói: “điều mà chúng ta thường gọi là lịch sử dựng nước thực ra chỉ là sự hình thành chậm chạp của một quyền lực thống trị địa phương trong tay một thiểu số rất nhỏ gồm những người từ phương Bắc tới và những người địa phương đã hấp thụ văn hóa Hán.” (mời xem lại bài trên blog này ngày 16-8-2022)

 

Sở dĩ tôi tin những lời đó vì nó đúng, với nghĩa vì nó giúp tôi giải thích nhiều vấn đề lớn trong lịch sử Việt Nam.

Ví dụ như câu chuyện văn hóa Việt Nam thường được miêu tả như một thứ second-hand của văn hóa Trung Hoa.

 

Lại như những ví dụ về những xung đột vùng miền của người Việt, một điều nhà sử học Mỹ K.W.Taylor đã khẳng định mà chúng ta thì rất phản đối.

Đơn giản lắm, vì người Hán (= Hoa) cai trị nước ta đâu có như một địa phương thống nhất mà họ ít nhất chia làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam; mỗi quận này do một viên Thái Thú hoặc Thứ sử hoặc cầm đầu, các viên quan cai trị này không chịu trách nhiệm gì với nhau mà chỉ chịu trách nhiệm với triều đình tại Bắc Kinh và sự thực là họ luôn luôn mâu thuẫn lẫn nhau, họ huy động các thuộc hạ và dân địa phương dưới quyền thôn tính lẫn nhau.

 

Cũng một sự thực là trình độ phát triển mỗi quận mỗi vùng một khác, mỗi khu vực gần như có một kiểu văn hóa riêng, kiểu cư trú riêng, kiểu sinh hoạt riêng và trước tiên là có một bộ phận người Hán mới du nhập; những người Hán này từ những địa phương khác nhau ở Trung Quốc, họ có mưu đồ lập ra một xứ sở có màu sắc riêng. Ấy là không kể một quận như quận Nhật Nam luôn luôn ở trong tình thế biến đổi và sau này đã du nhập thêm vùng đất của người Chăm và người Khơ-me trở thành vùng Nam Trung Bộ và miền Nam Bộ ngày nay.

Để nói về những xung đột vùng miền và những con người hoặc nói khác đi là sự khó hòa hợp giữa người Việt với nhau – tình trạng này có một phần do sự chín không đều ở đủ các dạng thức --, xin thêm hai tài liệu

*

Tài liệu thứ nhất

--

Đọc “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia”, thấy lời tâu của quan chức lo quan hệ với nhà Mạc là Mao Bá Ôn tâu lên vua Minh như sau:
Hạ thần xét về nước Nam, từ thời Hán thời Tấn đến nay, tuy xưng là nội phụ, nhưng vì thói tục di liêu khí độc lam chướng không thích nghi với Trung quốc.

 

 Vả lại nước ấy cứ vài năm một lần loạn lạc, mà đã loạn lạc thì kéo bè kết đảng, đánh giết lẫn nhau, phải qua mấy năm mới yên.

 

Ngày trước Trương Phụ dùng hơn mười vạn quân đánh dẹp mà cũng chỉ đặt được quận huyện trong mấy năm. Sau đó chúng liên tiếp làm phản và rút cuộc lại trở về man di. Đó là một chứng nghiệm rất rõ ràng.

 

Nay cân nhắc sự lợi hại thiệt hơn thời trước, thấy không gì bằng cứ để nước ấy là ngoại bang mà không nhập vào Trung quốc và chỉ nên dùng người di trị người di.

Thế mới ổn thỏa và tiện lợi (sđd , tr 58 ).

*

Tài liệu thứ hai là một văn bản hiện đại hơn

--

Đoạn trích cuộc phỏng vấn giữa tạp chí Đức Việt và đạo diễn Trần Văn Thủy: "Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt". Bài đăng trên báo Đoàn Kết (của Việt kiều tại Pháp) số 10-90.

 

HỎI

Anh đi khắp nơi như vậy, chứng kiến cuộc sống của người Đức, Pháp, Bỉ hoặc Anh, ý..., điều gì làm anh xao động nhất?

 

TRẢ LỜI

Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này thì cũng không đúng lắm, có thể là thất lễ và mất lòng nhiều người, nhưng nó là sự thật.

Tôi xin nói, thật lòng như thế này: Khi còn ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác giống mình, áp đặt ý kiến, là do cơ chế của một thứ "chủ nghĩa Xã Hội".

Sau này ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là những báo chí của phe chống cộng đủ thứ, tôi thấy không ít chuyện kinh hoàng. Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn.

Thế tôi mới ngỡ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, dẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng mình, phải chăng là chứng bệnh của dân tộc Việt Nam.

Nếu như đó là bệnh của một chế độ chính trị thì có thể sửa được. Khi nó không còn hiện diện hoặc thay đổi thì những điều xấu ấy mất đi.

Nhưng nếu đó là những khuyết tật của dân tộc thì thật là điều đau đớn vô cùng.

 Nếu chỉ tính từ thế kỷ XV với sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Trãi, đến nay có thể nói qua gần năm thế kỷ, có nhiều chuyện gần như ta phải làm lại từ đầu.

 Đè nặng lên tôi nhất vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật, ai càng yêu nước càng buồn nhiều.

 --

Còn có thể dẫn ra nhiều ý tương tự những điều vừa dẫn ở trên. Chúng ta rất khó quen với ý tưởng xứ sở ta tuy liền lặn nhưng lại bao gồm những mảnh ghép của những nhóm dân cư khác nhau và trong gần ngàn năm trên đường tiến hóa lại chín không đều. Nhưng đó đang được nhiều người tìm cách chứng minh là một sự thực.

 

 

2/

Khi tôi đưa đoạn văn trên tại Fb của tôi, trong bình luận, bạn Giang Nguyen có dẫn ra trường hợp người Pháp vào nước Anh để nói rằng thường các dân tộc có kiểu nhảy bổ vào đất của nhau mà dân bản địa vẫn giữ được vai trò làm chủ.  Nhưng theo tôi, Việt Nam và Trung Hoa thời sơ sử không nằm trong trường hợp tương tự. Tôi dẫn ra sau đây các đoạn trích từ cuốn “Lịch sử người Việt” của KW Taylor để cùng các bạn hiểu thêm về mức độ tác động của người Hán trên mảnh đất họ tới chiếm đóng dẫn tới sự thay đổi của cộng đồng bản địa, một hiện tượng khi đã diễn ra thì không thể đảo ngược.

Từ cú hích rất mạnh nhưng lại còn dang dở đó mà có thể bảo sau khi người Hán vào đất Việt thì đã nảy sinh hai cộng đồng dân tộc khác biệt chồng lên nhau xâm nhập lẫn nhau nhưng vẫn có sự tách rời rõ rệt, và đó chính là đặc điểm lớn nhất của dân tộc Việt Nam.

***

Đoạn bình luận của Giang Nguyen

--

Đại đa số các quốc gia là những mảnh ghép của nhiều nhóm sắc tộc, các dòng di dân liên tiếp. Còn chuyện văn hoá của một thiểu số tầng lớp trên luôn có tính dẫn đường thì lại càng là điều tự nhiên.

Ví dụ nhóm Norman French chiếm đảo Anh năm 1066 chỉ có vài nghìn, và đến lúc cực thịnh, giới lãnh chúa, di dân gốc Norman từ Pháp sang thống trị Anh chỉ có chừng 8000 người, nhưng làm chủ lãnh thổ có 1,5 triệu dân. Và tiếng Pháp là ngôn ngữ hành chính hơn bốn trăm năm ở Anh.

 

Bởi vậy một nhóm di dân nhỏ từ Hán, Bách Việt sang, hoà trộn với dân bản địa rồi dựng các triều đại của họ đâu có cần áp đảo về số lượng?

***

Một số đoạn trích dẫn  từ những trang khác nhau

 trong sách K W Taylor A History of the Vietnamese (2013).

--

Sau khi chinh phạt lưu vực sông Dương Tử và tuyên ngôn lập nên nước Tần năm 221 trước CN, Tần Thủy Hoàng đã lệnh cho hàng nghìn binh lính vượt núi tiến vào các thung lũng và vùng ven biển nam Trung Quốc hiện nay. Ông ta cũng đày tử tù và phụ nữ tới đó để sinh sống, làm nên một lớp dân cư toàn người phương bắc.

 

Triệu Đà không phải là kẻ đầu tiên nam tiến chiếm đồng bằng sông Hồng.

Những kẻ liều lĩnh có vũ trang, chạy trốn khỏi cuộc xâm lược phía nam Trung Quốc của nhà Tần, đã đến đây trước và đánh bại thủ lĩnh bản địa.

 

Thực ra mà nói, những người mà An Dương Vương và Triệu Đà gặp ở đồng bằng sông Hồng rất xa lạ với những người phương bắc được học hành vào thời điểm đó.

 

Người Lạc trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng. Người Âu theo An Dương Vương tới đây. An Dương Vương đã kết hợp những người trong đoàn tùy tùng của mình với tầng lớp cai trị địa phương khi đó để cùng dựng nên vương quốc trong sử sách có tên là Âu Lạc. Các Lạc tướng trước đó phục vụ cho người cai trị bản địa đã bị An Dương Vương truất bỏ.

 

Trong những thế kỉ sau đó, các sử gia đã dùng tên Hùng để chỉ những người cai trị trước An Dương Vương ở khu vực chân núi nơi sông Hồng mở dòng. Đó chính là Mê Linh trong sách cổ.

 

Một vài tài liệu ghi lại rằng Triệu Đà cũng dựng nên một đại diện của mình ở Cổ Loa để tiếp tục cai quản các Lạc tướng. Sự tiếp cận tới các chợ cố định bán hàng hóa từ phía bắc chắc chắn đem lại lợi ích cho tầng lớp cai trị địa phương.

 

Nhà Tây Hán đã làm chủ xứ này từ 111 TCN đến năm 8 SCN. Sự cai trị được tổ chức chặt chẽ hơn.

Quan lại nhà Hán tìm cách duy trì mối quan hệ hòa bình với dân cư bản địa trong lúc thực hiện các mục tiêu cai trị phức tạp, đôi lúc trái ngược, của đế quốc. Những mục tiêu này bao gồm:

-       tuần tra biên giới đảm bảo an ninh,

-       giám sát thủ lĩnh bản địa để trị an,

-       phát triển thương mại và nông nghiệp để tạo thặng dư thuế,

-       khuyến khích di dân từ phương bắc để củng cố dân cư trực tiếp của chính quyền đế quốc,

-       và tìm kiếm cơ hội cải biến lối sinh hoạt bản địa theo các chuẩn mực phương bắc thông qua giáo dục và cải cách xã hội

Những năm từ 9 đến 23 sau CN, triều đại Tây Hán lâm vào cuộc khủng hoảng Vương Mãng. Quan lại ở phía nam Trung Quốc vẫn trung thành với nhà Hán. Nhiều trung thần bỏ trốn khỏi phía bắc tới miền nam Trung Quốc bao gồm miền bắc Việt Nam ngày nay.

 Sau khi nhà Hán được khôi phục, nhiều người trong số những vị quan này quay trở lại phía bắc, nhưng một số lại ở lại và gây dựng nên những gia tộc trong hàng thế kỉ sau đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính quyền địa phương.

 

 

Quyền lực của các quan lại ngày càng tăng, lượng dân cư ngày càng mở rộng, trong đó bao gồm cả đám dân di cư tự do, tạp nhạp mà đông đúc, từ phía bắc xuống sinh sống ở gần các trại lính và trị sở của nhà Hán.

Số còn lại là dân bản địa hoặc sống gần những nơi này, hoặc bị lôi kéo tới đó bởi các cơ hội kinh tế hoặc an ninh có được trực tiếp từ luật lệ đế quốc. Đám dân này muốn tránh né Lạc tướng và sự bất ổn của xã hội địa phương.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ triều đại này sang triều đại khác, dân số những người “phương bắc” tăng lên và trở thành số đông tầng lớp cai trị và những kẻ đi theo đáng tin cậy nhất. Ngoài ra, có rất nhiều sự tương tác, chồng lấp, và thích ứng giữa xã hội bản địa và xã hội đế quốc.

***

Sự biến đổi ở dân bản địa

 

Ngay từ thời kỳ đầu, các quan thái thú nhà Hán đã tạo dựng được chỗ đứng ở cấp huyện, và do đó có thể can thiệp vào mối quan hệ giữa các Lạc tướng và người dân bản địa.

 

Họ quyết tâm kéo các Lạc tướng vào bộ máy chính quyền nhà Hán, dạy họ quan sát các chuẩn mực văn minh và quản trị của nhà Hán.

Trong chín trăm năm sau cuộc chinh phạt của Mã Viện, miền bắc Việt Nam chính là quận cực nam của liên tiếp các vương triều đế quốc.

--

Từ góc độ văn hóa mà nói, trong gần suốt thiên niên kỉ, phía bắc Việt Nam nằm dưới quyền cai trị của các triều đại Trung Quốc, người dân sống ở đây được tiếp biến văn hóa với cái mà chúng ta gọi là nền văn minh Đông Á. Nhưng quá trình đó chưa hoàn thành. Trong thực tế vẫn phải nói là có hai  cộng đồng. Sự xuyên thấm vào nhau mãi mãi xẩy ra  có nghĩa chưa bao giờ chấm dứt. Tới khi người Pháp làm chủ mảnh đất này, theo quan điểm của văn hóa phương Tây, quá trình đó mới chuyển hướng và trước tiên là được nhận thức.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn