VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Người Hoa vào xứ ta thời Bắc thuộc

 

1/

Đa tạp về mọi phương diện

--

Trước khi nói về hoạt động của bộ máy quản lý Trung Hoa trên đất Việt, cần dừng lại ở tình trạng làm nền, đó là hiện tượng người Hán(=Hoa) di cư tự do vào xứ ta – hiện tượng này còn kéo dài tới thời cận đại nhưng ở thiên niên kỷ đầu tiên nó là một trong những nhân tố chủ yếu tác động tới sự hình thành người Việt người Kinh) và tiếng Việt văn hóa Việt. Đoạn trích sau đây là một phần nhỏ trong tài liệu “Người Hoa tại Việt Nam” của Nguyễn Văn Huy được sưu tầm trên mạng, bắt đầu từ mạng Thông luận. Khi đưa đoạn mở đầu bài này vào đây chúng tôi có mạn phép tước đi vài ý theo chúng tôi là không chính xác ví như việc coi Sĩ Nhiếp là đã sáng chế ra chữ Nôm.



***

Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên (năm - 111), người Hoa (nhà Hán) đã sát nhập Việt Nam (thời đó là Nam Việt) vào miền Nam Trung Hoa, đặt tên là Giao Chỉ Bộ và đã cai trị hơn một ngàn năm. Nhiều thương nhân, sĩ phu, học trò và người tị nạn chính trị đã di cư xuống phía nam lập nghiệp, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng chính trị lớn tại Trung Hoa.

 

Thời đó đối với nhà Hán, Giao Chỉ là vùng đất để trấn man và lưu đầy tội phạm. Những phạm nhân này buộc phải sống hòa đồng với những nhóm dân cư bản địa, đã lập gia đình và đã định cư vĩnh viễn.

 

 Trong suốt thời Bắc thuộc, nhiều tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đã đến Việt Nam truyền đạo, xây dựng chùa chiền và đã giáo hóa được một số lưu dân gốc Hoa và dân cư bản địa theo Phật pháp.

 

 

Không có tài liệu nào nói rõ đã có bao nhiêu người Hoa hội nhập hoàn toàn vào đời sống và xã hội Việt Nam, vì Giao Chỉ Bộ (sau này là Giao Châu) trong giai đoạn này là một phần lãnh thổ của nhà Hán, do đó không có vấn đề phân biệt.

Ranh giới phân chia lãnh thổ giữa hai phần đất cũng chưa định vị một cách rõ ràng. Người ta chỉ dựa vào các chướng ngại thiên nhiên như sông núi, bờ biển để xác định khu vực cư ngụ.

 

 Tại phía Bắc, ranh giới giữa các tỉnh của quận Nam Hải (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) và miền thượng du Giao Châu là dãy núi Bắc Sơn. Ở những vùng ven biển, các quan trấn thủ nhà Hán dựa vào những hòn đảo và eo biển thiên nhiên để phân chia lãnh hải với đất Giao Chỉ.

 

Qui chế công dân chỉ dựa vào quyền thổ cư, rất ít khi dựa vào quyền huyết thống. Người nào sinh trưởng nơi đâu quê hương sẽ là nơi đó, kể cả con cái của những lưu dân. Không có một cơ chế chuyên biệt nào được đặt ra để kiểm soát sự qua lại và di trú ở các chốt biên giới.

 

 

Những toán binh sĩ dẫn độ tội phạm một khi đã giải giao cho các quan trấn thủ liền trở về lục địa. Sự canh phòng ở khu vực biên giới cũng không có vì người Hoa không thể canh chừng người Hoa, do đó đã có một số dân cư sống gần biên địa qua lại canh tác hay trao đổi, sau đó cũng trở về quê quán cũ khi làm xong mùa hay buôn bán.

Sự kiện dân Giao Chỉ đánh lại nhà Hán được ghi nhận vào khoảng năm 40 trước công nguyên. Thái thú Tô Định nhà Hán giết ông Thi Sách vì có âm mưu phản loạn. Để trả thù chồng, bà Trưng Trắc cùng em là bà Trưng Nhị kết nạp anh hùng hào kiệt nổi dậy đánh Tô Định nhưng sự nổi dậy không kéo dài được lâu. Hán vương cử Mã Viện sang đánh dẹp, Hai Bà thua trận đã nhảy xuống sông Hát tự sát. Mã Viện rút quân về, tới vùng biên giới (?) cho dựng một cột đồng, trên có khắc 6 chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (trụ đồng bị đổ, Giao Chỉ bị diệt).

[Ý Mã Viện muốn khuyên dân Giao Chỉ hãy bảo vệ trụ đồng chứ không phải để răn đe người Giao Chỉ, vì thời này người Giao Chỉ được xem là người Hoa, do đó không có vấn đề người Hoa răn đe người Hoa. Trong thời kỳ này những nhóm "phiên man" ở phía Nam (gốc Malayo Polynésien) không chịu tuân phục sự cai trị của nhà Hán chỉ chực chờ cơ hội đánh lại.

 

 

Việc buôn bán cát đỏ (châu sa) từ phía Nam quận Tượng Lâm (Lâm Ấp sau này) vào Trung Hoa rất thịnh đạt. Châu sa (mercure) là một chất xúc tác hóa học được dùng để lọc đãi vàng. Châu sa theo nhiều nhà nghiên cứu địa chất và khảo cổ chỉ có ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), trong khi ranh giới của địa phận Giao Chỉ thời đó chỉ tới dừng tại miền cực nam của quận Nhật Nam, tức Nghệ An ngày nay, điều này chứng tỏ việc giao thương tại vùng biên giới rất tự do. Người Hoa có thể đi xuống tận phía nam Giao Chỉ buôn bán tại các thương cảng Long Biên (sông Hồng) và Lạch Trường (sông Mã). Cột đồng của Mã Viện được nhiều người cho là ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, biên thùy giữa quận Nhật Nam và đất Tượng Lâm (lãnh thổ vương quốc Lâm Ấp cũ)].


Với những lượt ra vào của những nhóm người Hoa này, người Việt đã học được rất nhiều điều hay, nhất là các mô hình thiết chế chính trị và văn hóa, cách trồng lúa nước, sự khéo tay trong công nghệ, nghề khai thác mỏ quặng.

 

 

Sĩ Nhiếp (137-226), một thái thú nhà Hán có công rất nhiều trong việc mở mang và bảo vệ Giao Châu. Chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính trong việc quản lý hành chánh và thông tin.

Trong thời Bắc thuộc, người Việt đã phản ứng rất mạnh mẽ trước chính sách đồng hóa của nhà Hán. Nhưng cũng phải thành thật nhìn nhận bản sắc của dân tộc Việt thời đó chỉ khác với dân tộc Hán về địa lý. Đời sống dân cư bản địa thời đó còn quá lạc hậu so với người Hoa nhà Hán: chưa có chữ viết, chưa biết lễ nghĩa, chưa biết canh tác nông nghiệp kiểu định cư.

[Nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng dân tộc Việt sở dĩ có tên là do những nhóm di dân của nước Việt từ Trung Hoa tràn xuống lập nghiệp. Những nhóm người này phổ biến cho dân cư bản địa văn minh và văn hóa Trung Hoa mà họ đã hấp thụ từ lục địa. Do đó, dân cư bản địa ở sông Hồng đã thấm nhuần một phần văn minh, văn hóa Trung Hoa trước khi bị Bắc thuộc. Tổ chức xã hội của Việt Nam từ đời Hùng Vương trở về sau đều dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa.]

 

 2/

Vai trò của yếu tố Trung Hoa

trong sự hình thành xã hội Việt

 --

Trên blog này năm trước tôi đã giới thiệu cuốn sách nhỏ Việt Nam Văn Hóa Sử Đại Cương (1950) của nhà sử học Đào Duy Anh trong đó có đoạn nói về Người Lạc Việt. Đoạn này đã nói rõ trước đây trên vùng đất châu thổ sông Hồng và phụ cận (trong thực tế là vùng xuất phát của nước Việt ta sau này) chỉ có người Anh-đô-nê, còn từ người Việt lúc này gọi là Lạc Việt dành để chỉ một bộ phận của Bách Việt ở vùng Giang Nam Trung Quốc, họ theo vụ mùa mà di cư đến vùng đất nói trên, rồi quan hệ với người thổ trước (có thể hiểu là người bản địa – VTN chú) tức là người Anh-đô-nê mà lập nên một xứ sở. Như vậy là người Lạc Việt đã mang lại cho vùng đất mà họ mới định cư một cái tên, một lối sống, một tình trạng xã hội mà sau này các chính quyền của Trung Hoa từ Tần Hán trở đi sẽ tiếp tục tác động và khai thác.

(Họ cũng mang đến cả nền văn hóa của họ, bao gồm cả văn hóa Đông Sơn, nhưng đây là một vấn đề phức tạp chúng ta còn cần phải xem xét sau.)

 

 

    Ph. Papin trong một cuốn lịch sử Hà Nội đã nói tới một cộng đồng Trung Việt trước khi người Việt giành được độc lập.

 

      Xa hơn, Phan Bội Châu  trong Việt nam vong quốc  sử viết rất rõ ràng “ người Giao chỉ ở thời thượng cổ ngớ ngẩn chất phác […]. Một vài người Giao chỉ còn sót lại, dân số không bằng một phần trăm dân số trong nước lại rất là đần độn không biết gì, họ như người thái cổ. Ngoài ra những người lanh lợi khôn ngoan đều là hỗn hóa chủng tộc với người Hán Trung quốc “

--

 

Dẫu rằng tình trạng Lạc Việt khi xâm nhập Bắc Kỳ còn là sơ khai cái việc mà họ làm được không rõ được niên đại cụ thể, và cũng chưa phải là nhiều lắm nhưng đã khá cơ bản. Sự hòa trộn của họ với dân bản xứ không gây xáo lộn quá lớn, nó diễn ra một cách tự nhiên đến nỗi ta gần như coi họ đã tách khỏi Trung Hoa và sẽ trở thành chủ thể tiếp nhận mọi sự xâm nhập khác từ Trung Hoa ngay sau đó.

 

 

Nhiều nguồn sử liệu Trung Quốc còn ghi rõ sau khi Lạc Việt đã tạm ổn định - và về sau này được khoác cho cái tên Hùng Vương - thì một bộ tộc Trung Hoa khác, xuất phát từ đất Thục Tứ Xuyên, đến lập nghiệp ở Bắc Kỳ, xây thành Cổ Loa.

Khoảng đầu thế kỷ thứ ba TCN, Triệu Đà ở miền Nam Trung Quốc lập ra nước Nam Việt lấy Phiên Ngung - sau này gọi là Quảng Châu - làm thủ phủ. Trước khi Triệu Đà quay lại đầu hàng nhà Hán thì ông ta đã kịp chiếm lấy vùng đất của An Dương Vương để nhập cả vào Đại Hán.

 

Từ đó, vùng cư trú của Lạc Việt trở thành quận huyện của nhà Hán, tiếp tục là các nhà Ngô nhà Tùy nhà Đường mà sau các hoạt động của Lộ Bác Đức Mã Viện thì sự cai trị của nhà Hán để lại dấu ấn sâu sắc nhất.

--

Có một chi tiết mà các sách thời hiện đại còn ghi, đó là trong suốt lịch sử, mỗi khi ở Trung Quốc có loạn thì lại có rất nhiều những đám cư dân trôi nổi xuống phía Nam. Người Tàu vốn nổi tiếng về khả năng bỏ quê hương để đi lang thang trên thế giới, trước sau họ đã thâm nhập vào hầu hết các nước bên cạnh Trung Quốc và qua con đường vượt biển họ đã đi đến tận Châu Âu Châu Mỹ cho nên họ đến Việt Nam ngay sát vách họ cũng là một lẽ tự nhiên. Trong họ có một số rẩt ít người sẽ quay trở lại quê xưa còn phần lớn sau thời gian đi đi về về, sẽ định cư một phần ở những vùng đất mới và trở thành cư dân bản địa ở những vùng khác nhau của quê mới bao gồm suốt từ đồng bằng sông Hồng cho tới cả vùng Thanh Nghệ Tĩnh và khu vực Bắc Trung bộ.

 

 

Về tác động của các thể chế chính quyền các đời Trung Quốc cần phải có một sự nghiên cứu riêng, nó là yếu tố quyết định đến việc chuyển biến xã hội Lạc Việt từ chế độ mẫu hệ chuyển sang phụ hệ, họ cũng mang lại cho vùng đất này một nền văn hóa tổ chức xã hội cũng như văn hóa tư tưởng, và thậm chí sau này chính bộ phận các đời cầm quyền ở bản địa đã có xu hướng tách ra để trở thành một xứ Nam Việt độc lập mà việc xưng vương của Ngô Quyền là một cái mốc.

 

Nói tóm tắt là trong việc hình thành nên nước Việt như một xóm trại để đối lập với làng cũ cố hương, họ đã đóng vai trò chủ đạo.

 

 

Bên cạnh tác động tổ chức xã hội của bộ phận cầm quyền thì sự di dân tự do nhiều lớp người Hoa lại mang tới cho xứ sở này một bộ mặt khác.

Họ đã xâm nhập vào tất cả các vùng của người Lạc Việt để hình thành nên những làng xóm lấy nông nghiệp làm căn bản, ngoài ra cũng giúp người bản xứ học thêm về các ngành nghề khác. Họ cũng tự phát mang lại cho vùng đất này những mảng văn hóa quan trọng, là văn hóa cư trú và văn hóa giải trí.

Do sự đông đảo mà lại xuất phát từ nhiều nguồn cố hương khác nhau những người Hoa này đã mang lại cho hậu duệ của họ trên vùng đất mới là những người Kinh rất nhiều loại họ khác nhau, Hồng, Đới, Từ, Bạch, Luyện,Văn, Thái bá v.v...

Cũng do lưu luyến với các vùng đất xuất phát mà họ lấy những tên cũ ấy để đăt cho những vùng đất mới như Thái Nguyên Sơn Tây Hà Đông Yên Thái… 

 

Trong các cuốn lịch sử văn hóa hiện nay, người ta thường viết rằng trong xã hội Việt các ngành thủ công phần lớn được hình thành tự phát từ các làng xóm, cư dân đồng bằng Sông Hồng. Nhưng trong một cuốn sách của người Pháp mang tên “Quảng Tập Viêm Văn”, xuất bản ở Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX, tôi thấy tác giả ghi rõ rằng: Hầu hết các nghề đều là do người Trung Quốc truyền sang hoặc do người Việt Nam sang Trung Quốc học rồi mang về nước. Mà những người sang học cũng như người đi sứ của triều đình có thể là chính người Hoa mới nhập cư hoặc người bản xứ đã Hoa hóa tức thấu hiểu văn hóa Trung Hoa. Người Hoa với tất cả các hoạt động đa dạng như vậy đã đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành xã hội Việt dân tộc Việt, để trả lời câu hỏi ấy còn phải nghiên cứu nhiều, nhưng chắc sự thật khác xa những điều sử học hiện nay cho chúng ta biết.

 

     

 

 

 

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn