Dưới đầu đề “Vừa Hán hóa - vừa Việt hóa”, trên Fb cá nhân 2-6-2022, tôi đã cho in một đoạn trích từ bài viết của tác giả Lê Mạnh Hùng trong chương 2 “Tổng quan về lịch sử Việt Nam” cuả cuốn NHÌN LẠI SỬ VIỆT
Trong
phần còm – mèn cho đoạn trích, bạn Paul Nghia không những đã cho biết đường
link của cuốn sách mà còn giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng có
liên quan tới các phát hiện sử học được
trình bày trong sách.
https://thongluan-rdp.org/.../8663-vi-t-nam-da-hinh-thanh...
Dưới
đây là phần trích ra những ý quan trọng nhất của bài viết nói trên của tác giả Nguyễn
Gia Kiểng, việc
phân đoạn do tôi thực hiện để bản thân dễ theo dõi
******
Trở
lại với quyển 1 của bộ Nhìn
Lại Sử Việt.
Theo tôi đây là cuốn nhiều phát
giác mới và quan trọng nhất trong bộ sử rất công phu này. Nó đảo lộn nhiều điều
tưởng như đã chắc chắn và cho chúng ta biết nước ta đã hình thành như thế nào,
từ lúc nào và trong bao lâu.
Chúng ta tự hào là có một lịch
sử dài và một truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang nhưng nếu được hỏi một
cách nghiêm chỉnh đất nước Việt Nam đã hình thành như thế nào thì đa số, kể cả
trí thức, sẽ trả lời rằng tổ tiên ta từ phương Bắc cùng nhau theo vua Hùng
xuống miền Nam dựng nước từ một thời rất xa xưa, ba hoặc bốn ngàn năm rồi.
Họ rất thận trọng ngay cả khi
có những sử liệu chắc chắn.
Thí dụ như nước Pháp còn những
bằng chứng rất đồ sộ và thẩm mỹ về sinh hoạt có tổ chức của những cộng đồng
người tiền sử từ hơn 30.000 năm trước nhưng họ không tự hào là có "hơn ba
mươi nghìn năm lịch sử".
Phải nhìn nhận rằng chúng ta đã
chỉ huênh hoang chứ không cố gắng tìm hiểu một cách chính xác quá trình hình
thành của đất nước mình như những dân tộc lớn. Có lẽ vì vậy mà chúng ta chưa là
một dân tộc lớn.
Lê Mạnh Hùng đã kiểm điểm các
bằng chứng khảo cổ, ngôn ngữ, sử liệu và truyện tích dân gian mà chúng ta có thể
có để tìm hiểu thời kỳ lập quốc. Ông cũng cống hiến những lập luận xác đáng và
chuyên nghiệp dựa trên những phương tiện đó.
Ông giúp người đọc nhận ra một cách khá chắc
chắn là từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên (trước Công nguyên) trên nửa phần đất phía
Bắc của nước ta đã có những nhóm người phần lớn thuộc giống Nam Á
(Austroasiatic), một phần nhỏ thuộc giống Nam Đảo, chung sống với nhau từ một
thời rất xa xưa, không biết từ bao giờ nhưng đã hòa nhập với nhau.
Họ ở một mức độ tiến hóa tương đương với các
nhóm người khác trong vùng Đông Nam Á, kể cả nửa phía Nam của nước ta, cũng
thuộc hai chủng tộc Nam Á và Nam Đảo.
Đó chính là tổ tiên chúng ta. Nền văn minh này
thể hiện qua các trống đồng và nhiều dụng cụ bằng đồng khác được tìm thấy khắp
nơi, đặc biệt là ở Đông Sơn (Thanh Hóa).
Vào đầu thế kỷ 2 trước Công
nguyên các bộ lạc này thực sự được tiếp xúc với một nền văn minh vượt trội hơn
hẳn, nền văn minh Trung Hoa, với cuộc chinh phục của Triệu Đà.
Trước đó số người phiêu lưu từ Trung Quốc xuống
phía Nam rất hiếm hoi.
Các vua Hùng và Thục Phán (An Dương
Vương) có mọi triển vọng thuộc số những con người ít ỏi này.
Họ trở thành những thủ lãnh
nhưng đồng thời cũng lập tức bị đồng hóa.
Trong hai thế kỷ kế tiếp, dưới
sự thần phục nhà Triệu rồi nhà Tây Hán các tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa
tăng lên nhưng về bản chất vẫn là trao đổi chứ không áp đặt.
Các bộ lạc Lạc (tên gọi của nước ta và dân ta
thời tiền sử) quy thuận Bắc triều nhưng vẫn tự trị và tiếp nhận văn hóa Trung
Hoa một cách tự nguyện theo nhịp độ của mình, những người Hán rất ít ỏi xuống
miền Nam, kể cả những đại diện cho quyền lực Bắc triều, nhanh chóng trở thành
người địa phương sau khi đã đóng góp khai hóa dân Lạc.
Tình hình chỉ thay đổi vào đầu Công Nguyên khi
nhà Đông Hán áp đặt sự thống trị trực tiếp và mô hình xã hội Trung Quốc.
Chính sách Hán hóa dứt khoát
này đã làm nổ ra một cuộc nổi dậy lớn của giai cấp quyền thế địa phương còn
mang nặng truyền thống Lạc do hai Hai Bà Trưng lãnh đạo.
Cuộc nổi dậy này đã đuổi được quân Hán và
khiến Hai Bà Trưng cầm quyền trong ba năm trước khi bị quân Hán của Mã Viện
đánh bại năm 43.
Nó không chỉ giới hạn tại miền
Bắc nước ta mà là một phần của một cuộc tổng nổi dậy của nhiều sắc tộc ở phía
Nam Trung Quốc bao gồm cả hai tỉnh Quang Đông và Quảng Tây hiện nay.
Sau cuộc đàn áp của Mã Viện xã
hội Lạc kể như hoàn toàn bị khuất phục và tiến trình Hán hóa liên tục về mặt
chính trị và văn hóa bắt đầu.
Mãi hai thế kỷ sau mới có một
cuộc nổi dậy nhỏ ít nhiều mang mầu sắc Lạc và nhanh chóng bị dập tắt của anh em
Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh.
Từ đó việc khôi phục lại xã hội Lạc không đặt
ra nữa và một nước Việt mới dần dần hình thành theo dòng thời gian cho đến khi
đã đủ sức mạnh để trút bỏ sự lệ thuộc Trung Quốc. Đó là năm 939 khi Ngô Quyền
đánh thắng quan Nam Hán và xưng vương.
Lê Mạnh Hùng kể lại giai đoạn
lập quốc này đầy đủ và rõ hơn mọi cuốn sử từ trước đến nay, với phần về thời kỳ
tiền sử đặc biệt xuất sắc.
Ông cho chúng ta nhìn rõ hơn
vai trò quan trọng của những quan cai trị đã dẫn dắt dân ta từ nếp sống thô sơ
vào nền văn minh Trung Hoa, những Nhâm Diên, Tích Quang v.v., nhất là Sĩ Nhiếp,
người được một số sử gia đầu tiên của Việt Nam gọi là vua.
Ông cũng giúp chúng ta khám phá
ra những nhân vật lịch sử từ trước tới nay ít được nói đến, thậm chí không được
nhắc đến, như Đào Hoàng, Lương Thạc, Đỗ Tuệ Độ, Lý Trường Nhân, Lý Tự Tiên,
Đinh Kiên, Vô Ngôn Thông, Tăng Cổn v.v.
Những nhân vật lịch sử này, mỗi
người với cương vị và chủ đích khác nhau đã góp phần quyết định vào tiến trình
lập quốc của chúng ta không kém những Hùng Vương, Thục Phán, Lý Nam Đế, Lý Phật
Tử, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng.
Ông cũng đã cập nhật nhiều tài
liệu quan trọng kèm theo những nhận định giúp chúng ta nhìn rõ hơn lịch sử.
Một thí dụ:
Nhà Ngô thời Tam Quốc chưa bao
giờ là một triều đại của toàn thể Trung Quốc và cũng chỉ cai trị nước ta khoảng
70 năm vào thế kỷ thứ 3 nhưng tại sao người Việt Nam lại có thói quen gọi Trung
Quốc là nước Ngô ("giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng")? Vì
sao Nguyễn Trãi đặt tựa cho bản tuyên ngôn độc lập sau khi đuổi được quân Minh
là "Bình Ngô đại cáo"?
Đọc cuốn sách này người
ta có thể hiểu tầm quan trọng của nhà Ngô. Những hành động thô bạo – tàn sát
toàn bộ những người Hoa mới tới - của Lương Thạc (năm 332) và Lý Trường Nhân
(468) cũng đóng góp giúp chúng ta ý thức rằng những người gốc Hoa luôn luôn chỉ
là một thiểu số ngay trong giai cấp quyền lực trong một giai đoạn lập quốc kéo
dài gần một ngàn năm và nhanh chóng trở thành người Việt dù đã đóng một vai trò
quyết định.
----
Phải nhìn nhận đóng góp rất lớn
của Lê Mạnh Hùng về sử liệu và lý luận trong việc soi sáng giai đoạn lập quốc,
nhưng cũng phải hiểu rằng có những ý kiến ông chỉ đưa ra để thảo luận.
Thí dụ như, có lẽ do tinh thần
dân tộc mạnh, Lê Mạnh Hùng tạo cảm giác là ông nắm lấy mọi sự kiện có thể vận
dụng được để khẳng định tinh thần bất khuất và ý chí dựng nước của dân tộc Việt
Nam trong khi chính những sự kiện ấy cũng có thể khiến người ta nghĩ rằng điều
mà chúng ta thường gọi là lịch sử dựng nước thực ra chỉ là sự hình thành chậm
chạp của một quyền lực thống trị địa phương trong tay một thiểu số rất nhỏ gồm
những người từ phương Bắc tới và những người địa phương đã hấp thụ văn hóa Hán.
Thành phần quyền thế này, mà Lê
Mạnh Hùng và nhiều sử gia khác gọi là "môn phiệt" tuy đại đa số gốc
Lạc nhưng không tỏ ra gắn bó với quần chúng Lạc.
Họ đấu tranh chủ yếu để đòi hỏi
cho chính họ một mức độ tự trị lớn hơn đối với một Bắc triều xa xôi không giúp
gì cho họ mà chỉ đòi phục tùng và triều cống. Các cuộc nổi dậy của Bà Triệu, Lý
Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Diên Nghệ đều nằm trong
logic này.
Chỉ có một ngoại lệ kỳ lạ mà có
lẽ Lê Mạnh Hùng là sử gia đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng là cuộc nổi dậy của
Lý Tự Tiên và Đinh Kiến. Lý Tự Tiên bị giết nhưng Đinh Kiến tiếp tục chiến đấu,
rồi chiếm được kinh thành và cầm quyền vài năm trước khi bị tiêu diệt. Không hề
thấy Đinh Kiến xưng một tước hiệu hay chức vụ nào cả. Ông được sử Trung Quốc
nói là thuộc thành phần dân gian.
Có mọi triển vọng đây là cuộc
nổi dậy xuất phát từ quần chúng. Đinh Kiến đã không nhận được một sự hưởng ứng
nào từ lớp môn phiệt. Ý thức dân tộc -hiểu theo nghĩa một tình cảm liên đới giữa
những con người cảm thấy cùng là thành viên của một cộng đồng - hầu như không có
trong giai đoạn lập quốc này.
Tình trạng này không thay đổi
bao nhiêu cho đến khi Ngô Quyền thiết lập nền tự chủ lâu dài và cũng không thay
đổi bao nhiêu trong năm thế kỷ kế tiếp.
Một đặc tính cũng cần được lưu
ý là sự thiếu vắng của tư tưởng chính trị trong suốt quá trình hình thành của
đất nước Việt Nam. Không hề có dấu vết tư tưởng nào cả.
Như vậy đất nước Việt Nam đã
hình thành với hai đặc tính, một là sự vắng mặt của tư tưởng chính trị ngay cả
ở mức độ sơ sài, hai là sự tách biệt giữa thành phần môn phiệt – thành phần khá
giả và quyền thế - với quần chúng. Chúng ta không có tư tưởng và chỉ có ít tình
đồng bào. Đó là tật nguyền bẩm sinh - ngay trong gen - của đất nước ta và có
thể đóng góp giải thích nhiều nghịch lý lịch sử sau này.
(08/08/2018)