VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép về Xuân Diệu và mấy nhà thơ cùng thế hệ (I)

1986
Nguyễn Đức Mậu nói với tôi:
-- Hôm đi viếng Xuân Diệu về, tôi có làm ngay một bài thơ. Nghĩ thương ông ấy chứ, công trình lớn như thế “công trình kể biết mấy mươi”, mà lúc cái chết đến, vẫn không cứu được.
- Kể Xuân Diệu với Huy Cận cũng lạ. Xuân Diệu toàn nói về cái sống (Quả sấu non trên cao, Sự sống chẳng bao giờ chán nản) còn Huy Cận toàn nói về cái chết. Tập thơ mới của ông ta, tập Hạt lại gieo, đến 2/3 là nói về cái chết (dù không hay).
Ông Huy Cận cả đời sướng, đến cái chết của ông ta cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.

- Tố Hữu đến buổi tưởng niệm Xuân Diệu. Trông ông không có khí thế như cũ nữa. Ông bảo thơ tôi không được phổ biến như Xuân Diệu (là nói thơ tình). Con tôi chẳng hạn, nó cũng thích thơ Xuân Diệu hơn thơ tôi. Mà tôi cũng nghĩ biết đâu sau này, con tôi nó chả hơn tôi.
Theo lời Nguyễn Đức Mậu, Tố Hữu có cái tướng lạ lắm. Tai mỏng dính và đỏ hỏn lên, như miếng thịt bò tái hàng phở nó dát trên bát phở. Chỉ được cái nói ngọt. “Anh em văn nghệ sống với nhau tình cảm thế này là tốt. Mong mãi mãi sống được với nhau như thế.”
 Rồi Tố Hữu rủ mọi người xuống thăm mộ Xuân Diệu, ở Văn Điển.

Bài của Phạm Tiến Duật trên báo Văn nghệ số 8 (1986), cho biết: Tố Hữu nói rằng cái ghế của Xuân Diệu đấy, không ai được ngồi vào.
         Trong những  cái cách để đề cao mình, thật thế, có một cách khôn loại nhất: đặt mình sau người đã chết .

Duật bảo: trong phê bình ông Diệu đã thành một thứ hoá công.
Tôi nghĩ cái đó không đúng. Xuân Diệu cũng chỉ là người vừa vừa thôi, không thể là Thánh Thán được. Trong các bài phê bình của ông, tôi luôn luôn bắt gặp tư thái của một người khoảng bậc 4 - bậc 5 gì đấy, nói về các cụ thợ bậc 7-8.

Lắm lúc nghĩ cũng lạ: Trong Xuân Diệu có cả Tố Hữu, Khánh Chi, lẫn Tản Đà, Trần Tuấn Khải. Người ấy ra đều rất liên tài, và sẵn sàng tán những câu thơ rất công thức của những Lê Thánh Tông.
 
Theo Vũ Quần Phương, Xuân Diệu có loại em cúc cung tận tuỵ như Hữu Nhuận (ông cho Nhuận nhiều thứ) em tán (Vũ Quần Phương) và em cấu (những người em hay xin tiền).
Có những người như Vũ Quần Phương và Duật cùng được ông Diệu cưng, dù hai tay này chả có gì chung với nhau cả.

Nhàn: Một người như Trần Huyền Trân tuy làm ít, nhưng vẫn có chỗ trong dòng thơ tiền chiến, bên cạnh Xuân Diệu.
Vũ Quần Phương: Không đúng. Xuân Diệu ở một trình độ cao hơn chứ. Trong thư gửi ra cho mình, anh Chế Lan Viên hay nói tới những câu Xuân Diệu, đại loại như “Mây trắng ngang hàng từ thuở xưa. Bao giờ viễn vọng đến bây giờ”... bảo là không thể coi thường được.
 Nhân nói về việc chọn thơ vào tuyển.
Nhàn: Ai cũng không hài lòng với mình. Ai cũng đòi thêm.
Vũ Quần Phương: Không, những ông như Xuân Diệu, Huy Cận, ông ấy biết là ông ấy được nhiều. Định viết một tập hồi ký mang tên  Tôi cảm tạ cuộc đời cơ mà. 

Vào những ngày sau khi Xuân Diệu chết,  nhiều người bảo Tế Hanh đang thích làm chủ tịch Hội đồng thơ. Họ đều có khía cạnh quan liêu hoá để thành nhà thơ cung đình. Tế Hanh cũng lắm thèm muốn, tuy nghèo  và  yếu ớt hơn.
Nếu có một người lâu nay vẫn thao túng giới thơ thì đó là Chế Lan Viên. Thường được tiếng là thơ trí tuệ, thơ giàu suy nghĩ. Gốc người  cực đoan. Lấy những tư tưởng văn hoá để minh hoạ thêm, lấy sự đọc nhiều để làm ý tứ sắc nhọn thêm. Nhưng vẫn khác với người trí thức ở chỗ:
- Suy nghĩ theo lối cuồng tín
- Có cái vẻ của phe phái nào đó chứ không phải người của bàn dân thiên hạ.
- Quá ư là rành mạch. Hay tổng kết thành 3 điểm, 7 điểm.

 Người xu thời thời này qua nhiều rồi, Xuân Diệu cũng vậy, nhiều khi lại quá lộ liễu. Nhưng cái vẻ gượng gạo cố tình làm lấy được ấy lại cho thấy Xuân Diệu vẫn còn  có một cái gì đó của riêng mình. Vì cái gì đó mà ông phải nhẫn nhịn quỵ lụy. Vì cần bảo vệ phần thơ trước 1945 của mình mà ông phải khen tràn cung mây những thứ thơ linh tinh ba vạ thời nay chăng? Có thể lắm. Ông Chế thì mang tất cả mình vào cuộc. Viết về những ông A, ông B, như là người của muôn đời; viết  về những cơ chế chỉ có hôm nay như là nó đã có sẵn trong trời đất. Hàm hồ. Đào cùng tát cạn. Nói lấy được.

Năm 1985, khi tuyển thơ cả đời mình, đến phần thơ trước Cách mạng, Chế Lan Viên chỉ lấy rất ít.
Có vẻ Chế Lan Viên muốn phủ nhận chính mình, đối xử với quá khứ của mình theo tinh thần  phê phán.
Đọc lại tập Điêu tàn, thấy Chế Lan Viên có một ý, ý đó nhân lên làm nhiều lần, mà không hề có sự đa dạng .
 Thế còn sau Cách mạng? Ở Chế có hai dòng a/ thơ tứ tuyệt kiểu Đường thi, thứ thơ mực thước, quy củ, nhưng trong đó, nhà thơ lại chừng mực ngơ ngẩn, như ở người làm nghề câu dầm. b/ những bài chiến lược dài, viết theo những cơn bốc chốc lát
Cái phần thứ hai giống được ông Chế cố ý trình ra trước mọi người. Còn cái phần tứ tuyệt kia là cái mà ông ủ kín trong lòng. Nhưng tôi phục và thích trở lại với ông Chế ở cái phần tứ tuyệt này hơn.
Ông Phan Ngọc bảo: Thơ Chế, đấy là một cách nói trạng. Chế đúng là một người hay chữ, sắp xếp thế nào cũng được
Tư tưởng trong những bài thơ chính trị của Chế đơn điệu vụ lợi. Nó phải cố tìm ra một vẻ phảo bông pháo hoa để gây ấn tượng.

Bàn với nhà thơ Thợ Rèn (Phạm Lê Văn) về Xuân Diệu.
Nhàn: Xuân Diệu chưa đến được Thánh Thán.
Thợ Rèn: Đến sao được. Vẫn là anh học trò làm luận, kỹ càng. Đâu đã biết đùa với đời như Thánh Thán được. Thường viết về một cuốn sách nào, Thánh Thán cũng chỉ chọn ra một điểm thật tiêu biểu, rồi nói mọi chuyện xung quanh sự kiện đó. Ông nói văn chương như một chuyện đời. Mấy ai làm được thế.

Nhàn: ông Tuân viết Tú Xương là mổ xẻ Tú Xương. Còn ông Diệu có chút khấn vái.
Thợ Rèn: Khấn vái xuýt xoa, như thể quý hoá lắm. Mà sự thực, vẫn là một ông thày giáo giảng bài, giảng thật kỹ thật tỉ mỉ, thật tinh tế, nhưng mà là hạ mình xuống.

Nghĩ về Xuân Diệu một công chức. Nguyễn Minh Châu hay nhìn chữ để nói  về người. Hôm đi đưa đám Xuân Diệu ông ghé tai tôi bảo sao chữ Xuân Diệu viết lại mực thước rõ ràng thế, có vẻ bay bướm mà vẫn khuôn phép. Tôi  nói riêng với anh, ta không hiểu thời Pháp thuộc, họ rèn  công chức An Nam kỹ lắm.
Xuân Diệu hiểu được cái hay cái đẹp thông thường, nhưng không vươn tới cái siêu việt phi lý. Trước 1945 Xuân Diệu không chấp nhận Hàn Mặc Tử là vì vậy.
Kém cảm giác hài hước. Không đùa chơi, không ngang ngược. Đến mức không có cảm giác trò chơi  nữa. Làm mà chơi, chơi mà làm, cái đó không có.
Một thứ đàn bà, thành tâm theo cái người cầm vận mệnh mình: một thứ thê thiếp.
Chính ra Xuân Diệu là người giỏi nhượng bộ, giỏi khuôn mình theo hoàn cảnh. Vừa muốn giữ mình, vừa khiếp nhược, không dám chống lại hoàn cảnh.
Xuân Diệu hay kể thuở bé, chất tỉnh lẻ trong mình như thế nào (ở Quy Nhơn, ngóng báo chí Hà Nội)
Xuân Diệu lại là con vợ bé (?) giàu chất thương cảm chăng?
Nguyễn Đình Nghi kể: Nguyễn Đình Thi rất sợ mất quyền xuất bản - quyền phát ngôn quyền xuất hiện trước mặt mọi người. Xuân Diệu, cũng có nỗi sợ đó, coi đó là một tai hoạ khủng khiếp.

Lúc nào Xuân Diệu cũng có lối vậy. Hiểu sự phiền toái làm người. Nhưng không dám khác mình. Cũng tham, cũng tầm thường như mọi người.
Có một nhà thơ trong cách sống Nguyễn Tuân - chữ thơ với nghĩ đẹp. Có một nhà văn xuôi trong cách sống của Xuân Diệu -- chữ văn xuôi theo nghĩa phàm tục. Chế Lan Viên từng nói đùa “Cái nghề văn xuổi từ sau xin chừa”

Tố Hữu và Xuân Diệu
Hai mẫu người trái ngược nhau
Tố Hữu là người nhào nặn lại quan niệm văn học, người định chống lại thứ văn hoá xưa (phía truyền thống...), người dựng đám thiếu kiến thức mà thừa bản năng dạy, để rồi lại khinh bỉ họ, người kéo quần chúng xuống, để thấy mình cao hơn lên.
Người kiêu căng dám so mình với Nguyễn Du (Vả Nguyễn Du đâu có được đưa vào chương trình dạy trong nhà trường nhiều như vậy). Người không công nhận cá thể, số phận bi kịch - những hằng số trong văn hoá.
Xuân Diệu ngược với tất cả những cái đó.

Câu thơ tiêu biểu của Xuân Diệu, cả trước và sau cách mạng.
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Thái độ quỵ luỵ của một kẻ yếu. Kẻ ấy biết mình có tài, có cái phần riêng không ai so được. Nhưng trước những kẻ thực dụng thì lại biết mình chỉ là hương hoa, thêm thắt, thừa hiểu rằng “người ta” còn nhiều chuyện quan trọng hơn.
Chất đàn bà= cúc cung tận tuỵ



Nhàn: ông Diệu kỹ thuật quá.
Nguyễn Thành Long: đến cả thơ tình của ông ấy cũng vậy. Tỉnh táo trong sự tỏ ra say mê của mình.
Nhàn: Đúng, chưa bao giờ Xuân Diệu có cái nỗi đau đến không nói được nên lời.

Một phía hèn của Xuân Diệu - thái độ với Nguyễn Bính.
Phạm Lê Văn (Thợ Rèn) kể: Xuân Diệu hay nói cả một đời người làm được vài ba bài thơ để người ta thuộc, cũng đã quý lắm rồi. Mà Nguyễn Bính – vẫn lời Xuân Diệu - thì không chỉ có vài ba bài.
Chính Xuân Diệu có lần ghé vào tai tôi: “Nguyễn Bính còn tài hơn Tế Hanh nhiều. Nhưng thằng Tế Hanh nó ngoan”.
Thế mà, trong tất cả các bài phê bình của Xuân Diệu, có nói đến Nguyễn Bính bao giờ?
Năm 1958 (lần cuối cùng?)  nhắc tới Nguyễn Bính, bên cạnh Chế Lan Viên, Thế Lữ.
Tại sao? Có lẽ là vì ông Tố Lành. Nhưng gần hơn, vì ông Như Phong giám đốc xuất bản văn học sau 1957. Như Phong khinh thằng Nguyễn Bính, cho là thơ học trò chỉ tán gái chả ra gì. Xuân Diệu đành im tho là vì vậy.
Thợ Rèn: Chính Xuân Diệu cuối đường cũng hối, cũng đau, thấy ngoài phần trước cách mạng, phần sau chả được gì.

 Đọc lại Những bước đường tư tưởng của tôi , nhớ máy chi tiết.
Người luôn luôn tự nhủ  không thể ngựa quen đường cũ
 Tr. 6 Con một ông tú nghèo, dạy học từ nông thôn chuyển dần lên thành phố
má tôi = một người vợ bé, sớm  bị  áp bức trong gia đình.
Thuở bé, bố mẹ ở xa nhà nhau
Kể lại mê Musset, Verlaine và mê Tuyết hồng lệ sử

“Bởi thấy những người tài tình ở trong đời bị thiểu số và bị khinh thường, tôi nghĩ một bài văn để “chiêu tài tử” gọi nhau từ xưa đến nay, đặng tri ân với nhau, thương lấy nhau.”
Tr. 19 Tự nhận tư tưởng mình: một tạp-pí-lù
Tr.23 Một câu trong bài An cư giữa loài người (1939)
“Tôi như chiếc lá lo chuyện lìa rừng
buồn đời bé nhẹ, nghĩ đến muôn ngàn ức triệu lá bạn, mà lại phe phất với đời...”
Xuân Diệu nhắc tới văn học Pháp, trước 1945, chỉ nhắc Paul Morand và Pière Loti.
Những xu thời nông nổi
Tr 45 Những Bá Nha cứ sáng tác đi, lo gì quần chúng thiếu Chung Tử Kỳ.
Tr.51 Hình thức, kỹ thuật của ta cũng xây dựng trên cơ sở quần chúng.

 Xuân Diệu là loại người viết văn mang trong mình chất lập nghiệp từ rất sớm, từ  hồi đi học ở quê đã mơ ra Hà Nội.
 Thèm sự bất tử, tin rằng còn mãi với cuộc đời này.
Muốn chứng tỏ rằng mình có đủ tài năng như mọi người. Cũng là một kiểu Julien Sorel chăng?  Cũng phải mồi chài mọi người, “đánh đĩ” với mọi người!
Cho nên, thơ Xuân Diệu, rất nhạy với cả hai điểm ngược nhau.
- Hướng vào cái đông vui
- Trở lại cái đơn độc.Thèm một cái gì khác mình
Không có cánh mà vẫn thèm bay bổng
Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời (Là thi sĩ)

Nếu có một tình yêu thứ nhất, thì tình yêu của Xuân Diệu là giành cho nền văn hoá Pháp. Thèm quá, ao ước quá, được động vào người đã đủ sung sướng lắm rồi. Từ văn hóa Pháp mới sang văn hóa Việt, dù sau này sống bằng văn hóa Việt.
Còn mối tình Xuân Diệu với cách mạng với Tố Hữu lại là một mối tình của người vợ tảo tần, tao khang, hiểu nhau, biết cả những phiền muộn của nhau. (Đã có một đời chồng rồi không thành, nên người đàn bà ấy rất giữ gìn cái hạnh phúc hôm nay mà mình có, và rất bằng lòng với nó).
Nhưng sao thơ Xuân Diệu sau cách mạng, không thể có những bài đỉnh như  Lời kỹ nữ  Hy Mã Lạp Sơn. Tất nhiên, Lời kỹ nữ tiêu biểu hơn, Xuân Diệu cô đơn trong mối quan hệ với người khác dễ bỏ hơn. Hình ảnh nhà thơ vời vợi một mình như Hy Mã không hợp.
Sau cách mạng, Xuân Diệu có bài Biển bài Quả sấu non trên cao - đều là cỡ trung bình.

Đọc Trường ca: Thấy phục, nhưng không thích, như một vẻ đẹp nhung lụa mà tôi vốn xa lạ!  Tuy nhiên phải nhận nó có cái  óng ánh sang trọng của đời sống quý phái.

Nghĩ tới Chế Lan Viên trước sau 1945. Như một cây táo chặt đi, mọc lên một cây khác. Như một cây táo mọc cạnh một ngách tường nào đấy, uốn đổi hình hài đi; nếu dỡ bức tường ra, người ta không thể nghĩ là có một cây táo như vậy.
Tại Chế Lan Viên  quá nhạy với hoàn cảnh?
Tại quá tài?
Tại tất cả.


Chuyện của Nguyễn Minh Châu (13/10)
- Cái đám tiền chiến đi theo cách mạng thật là hèn hạ Chính họ nghĩ ra chữ lột xác chứ gì. Như là nó vừa bảo cởi quần áo thì cởi luôn cả áo lót.
Nhưng sau khi thốt lên cái câu tự đáy lòng như vậy, rồi Ng M Châu lại bảo mình ở hoàn cảnh các ông ấy rồi cũng phải nói như các ông chứ làm sao được.

 Nguyên Hồng hồi kháng chiến (1948) có lần viết  một truyện không được in. Và ông ghi trong nhật ký “Hời hợt như Diệu, già cũ và khôn ngoan như Tuân ào ạt như Thi … thì làm sao mà thích được truyện này"
Đoạn nhật ký trên tôi đọc được ở nhà Nguyên Hồng trong một trang vở cũ nát, hôm theo Nguyễn Kiên lên Yên Thế. Chắc chẳng ai giữ những đoạn nhật ký ấy làm gì.
Nguyễn Minh Châu kể:
--  Khi lên thăm mộ Nguyên Hồng, tôi được một người nông dân dẫn đi thăm cả xóm. Đây chỗ này ông này ở chỗ kia ông kia ở. Và một cái xà ngang, đây chỗ Ngô Tất Tố tự tử. Thì ra, Ngô Tất Tố đã tự kết liễu đời mình thật.

Không biết có thể tin được không.
Mới hơn Cũ hơn