VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép về Xuân Diệu và mấy nhà thơ cùng thế hệ (II)

1987-1989
Trong thời gian làm việc ở Moskva – với tư cách biên tập viên nhà xuất bản Raduga (Cầu Vồng) -- , tôi có dịp gặp gỡ trò chuyện với một số đồng nghiệp cũng sang Liên xô. Trong hoàn cảnh cách xa Hà Nội, bên cạnh nhiều chuyện thời sự, chúng tôi  còn thường bàn nhau về các nhà văn khác, trong đó có Xuân Diệu. Những cuộc trò chuyện này được ghi ngay từ lúc ấy, nay tôi chỉ chỉnh lý lại đôi chút về câu chữ cho rõ ý hơn. Tuy vậy cũng không dám chắc rằng đã bắt đúng cái mạch nghĩ của mọi người  ba chục năm trước. Nếu như những đoạn ghi này có gì không  phải là suy nghĩ chính thức của các bạn mà chỉ là suy nghĩ chốc lát  và  nó càng không thích hợp với các bạn hôm nay, cũng xin các bạn lượng thứ.

Những ấn tượng chính của tôi về con người Xuân Diệu:
- Giàu có thật, nhưng vẫn là theo kiểu Việt nam bo bo bỏm bỏm tức do hà tiện mà có. Chứ không phải không có cái tràn trề vô hạn. Hãy nhớ đoạn kết bài Buồn trăng. Vừa mới Gió nọ mà bay lên nguyệt kia mơ mộng như Lý Bạch đã lại quay về Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya.
- Sự nồng nhiệt, do điều khiển, sự nồng nhiệt có kèm theo cảm giác mức độ, của một người rất chi chút. Nói đi nói lại, các ý giống nhau.

- Người làm báo giỏi - viết được những đoạn tin ngắn mà người ta cũng biết ngay là Xuân Diệu. Cái này là do học ở Thạch Lam.
- Quan hệ với người chung quanh. tránh va chạm. Lấy lòng người mà mình cần.
 Hồi chống Mỹ, Xuân Diệu có  chủ trương  đưa thực tế vào thơ và cho đó mới là chân chân chân thật thật thật. Về một vùng nào đó, làm thơ xong, thấy các tài liệu thu thập được còn nhiều, lại còn viết thêm bút ký. Một sự thực dụng, kiểu Việt Nam, giống như người nông dân trồng cái cây ở vườn, lại còn thêm thắt một vài thứ rau gì đó bên cạnh. Suốt đời, sống trong tình trạng thèm khát. Chính Xuân Diệu là một thứ tổ thực dụng như cách kiếm tiền của dân mình hiện nay.
Trước người đọc và người nghe bình thơ, cũng làm dáng. Khi thì làm cho mình sang trọng, khi thì chứng tỏ mình cũng thiết thực chỉ làm những việc có ích.
Xuân Diệu không có cái cốt cách nho học, nghĩ cuộc đời này là hư vô. Thiếu chất  Á đông. Không có sự tự tiết chế, mà cứ bò loang ra, bò loang ra, lấy số lượng làm chất.
Nguyễn Quân:
-- Từ bé, tôi đã không thích Xuân Diệu. Tôi cho là một loại thơ học trò rất xoàng. Tế Hanh thì phải nói không biết làm thơ nữa. Tôi chỉ mê có Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn Mặc Tử vừa thánh thiện, vừa có một thoáng gì, như là nhục cảm:
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Đặng Tiến nói rất hay: "Ai đã yêu, ai đã yêu thơ, ai đã yêu thơ Xuân Diệu ". Hỏi thế là đồng nhất Xuân Diệu với thơ rồi.

Trần Đăng Khoa kể về Xuân Diệu
+ Thời gian đầu, tôi quen ông từ 1972, Xuân Diệu rất hay viết thư cho tôi, giảng tỉ mỉ về sáng tác, phân tích từng câu một, câu này được, câu này không. Nhưng khi gặp nhau, thì không bao giờ Xuân Diệu nói chuyện sáng tác cả, mà chỉ  nhận xét cụ thể về người nọ người kia, và bảo ban về cách sống.
+ Ông ấy mà nói về người khác cũng rất ác.
Cậu  Lưu Quang Vũ, cậu ấy có cái mỏ, sâu  độ 3 mét, thì bây giờ đã đào 4, 5 m rồi.
Còn cậu Duật, ngọn sóng của dư luận đưa cậu ấy lên đỉnh núi, bây giờ nước rút rồi, và con thuyền của cậu ta mắc cạn trên núi.
+ Theo Xuân Diệu, lớp chống Mỹ là một loại quỷ hạng ba, không ra gì. Trong thơ chỉ có Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, mà thơ tình Xuân Diệu thì nhất.
 + Sao cậu lại khen Hè 72, bình luận được? Thơ Chế Lan Viên trong những trường hợp này, chỉ là một thứ nước cất, người ta không uống được, nó không có mùi vị gì cả.
 + Lâu lắm rồi, tôi còn nhỏ, nhân mời hộ ông Xuân Diệu đến nói chuyện ở trường cấp 3 Nam Sách, tôi có mời Xuân Diệu về ăn cơm. Xuân Diệu không đến, bảo: "Chẳng lẽ vào nhà cậu, cậu không có thịt gà đãi mình? Thôi, trường nó mời, trường nó tiếp".
+ Có lần, tôi được chứng kiến, một anh ở Hà Bắc lên mời Xuân Diệu nói chuyện. Bàn bạc xong cả rồi, anh mới nói thêm lần này chỗ chúng cháu mời 3 nhà thơ, Xuân Diệu, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật. Thế là ông Diệu ông ấy mắng té tát cho một trận. Các anh định cho chúng tôi đi chung một bọn, để rồi con gà tức nhau tiếng gáy à?
+ Xuân Diệu rất có ý thức về sự nổi tiếng – và vào cuối đời --, là có ý thức về sự lung lay của mình. Báo Nhân Dân có bài của Lê Quang Trang điểm qua về thơ Việt Nam 45-85, mà không có tên Xuân Diệu, Chế Lan Viên, thế là Xuân Diệu không bằng lòng, bảo Huy Cận gọi điện ngay đến báo Nhân Dân, hỏi xem ra làm sao.
+ Tôi (Trần Đăng Khoa)  vừa mới bảo trong Tuyển tập Xuân Diệu có nhiều bài không hay, ông Diệu cũng mắng: "Sao cậu ngu thế. Đây không phải tuyển. Đây là cháy nhà, hãy cứu lấy các thứ ra đã. Sau này người ta sẽ làm tuyển sau".
- Tôi đến chơi nhà ông nhiều, hồi còn học ở trường Nguyễn Du. Ông ấy hẹn một giờ rưỡi, mình nhà quê không biết gì, đến sớm từ hơn một giờ. Xuân Diệu bảo cậu ngồi đây, đọc tập thơ tình đi, mình ngủ cái đã. Và ông vặn đồng hồ chuông, tính sẽ ngủ 15 phút, rồi mới dạy tiếp. Ôi, tôi đã thấy Xuân Diệu ngồi làm việc giờ lại thấy Xuân Diệu ngủ. Nghĩa là cũng vất vả lắm. Cũng ngáy, cũng lọc xọc lọc xọc. Nhưng được cái là ngủ ngay được. Hôm ấy, người còn ngủ quá giờ nữa, không phải một giờ rưỡi mà đâu hai giờ  kém 15 mới dậy. Lúc dậy cứ càu nhàu mãi, vì ngủ  phí mất 15 phút. Trước, tôi đến chơi, Xuân Diệu không bao giờ mời nước. Gần đây mới mời.
+ Nói vậy thôi, Xuân Diệu có cách để ý bọn trẻ riêng của ông. Khi Xuân Diệu chết, tôi có đến nhà và được biết là một số bạn trẻ được Xuân Diệu làm hồ sơ riêng, tức là có một cái phong bì bao nhiêu thư từ, để vào đấy cả.
+ Thơ tình của Xuân Diệu, kỹ lưỡng, tỉ mỉ, nhưng tôi thấy vẫn thế nào ấy, vân vi ra mà viết, không hay như thơ tình Tế Hanh. Buồn cười, có lần đọc bài Dấu nằm, tôi không thích, nhưng không dám chê, chỉ bảo với ông Diệu: "Cháu thấy người phụ nữ gì mà thơ thế này, để lại cả dấu nằm", thế là ông ấy lại mắng, lại nói mình ngu: "Cậu phải biết là với người mình yêu, đến cái rắm cũng thơm.”

         Nhàn (nghĩ): Qua đây, cũng thấy Xuân Diệu đặc tây trong cách nghĩ, Xuân Diệu là một thứ chủ nghĩa duy lý chủ thế kỷ XIX của Pháp được uơm trên mảnh đất nghèo khổ của Việt Nam.
 Trong Xuân Diệu có hai con người, con người nghệ sĩ và con người công chức lập nghiệp.

Trần Đăng Khoa kể tiếp Xuân Diệu hay chê thơ Nguyễn Bính là quê mùa không có kỹ thuật.
Còn Xuân Quỳnh, Xuân Diệu nói rằng trong thơ cô ta có nặng đến năm chục cân, thì vú vê đến chục cân rồi. Ý  muốn nói Xuân Quỳnh dùng sắc đẹp mê mẩn người khác. Khi nói những chuyện này, Xuân Diệu có khẩu khí cũng như một người đàn bà vậy.


Tôi đang đọc Tuyển tập Tế Hanh.
- Trước cách mạng, có nhiều bài, như văn xuôi Thạch Lam (Thổn thức thầm xem Truyện Tố Tâm).
Nhớ một thời đã qua, thời của hòa hợp. Dù hay nói về sự cô đơn, cũng vẫn có hòa hợp. Ngày nay, cảm giác đó  có còn đi  nữa thì cũng gượng gạo. Như các nhà thơ hay ca ngợi sự hòa hợp tập thể!
- Tế Hanh thuộc loại người của cuối chống Mỹ về trước. Còn  cuộc sống sau chiến tranh không thể vang động vào thơ. Nói chung, con người Việt Nam, là người của 1975 về trước. Phần tốt của họ, đến đấy là vừa.
- Lâu nay, đọc Xuân Diệu người ta tưởng chỉ có một cách tỏ tình như thế. Nhưng chính ta nhầm! Trong chúng ta, còn lối tỏ tình khác, lặng lẽ hơn gần với thói quen của dân tộc hơn. Lối tỏ tình trong im lặng (và thơ bấy giờ càng có lý - thơ để nói hộ những gì người ta không nói thành lời!). Khi nghĩ điều này, tôi nhớ những câu Tế Hanh như Gặp em câu cuối cùng chưa nói , như  Sóng biển vào anh với sóng em.
Tôi thích một câu thơ  khác của Tế Hanh, tùy hình hài không hay, nhưng ý rất thích
Nếu em bỏ ta, ta đau buồn biết mấy
Mất người yêu, ta còn lại tình yêu
Đọc thơ Xuân Diệu, ta hay phấp phỏng vì ta mất cái gì đó.
Đọc thơ Tế Hanh, ta yên tâm rằng ta còn cả, đặc biệt trong tình yêu. Lối nói của Tế Hanh cũng tây, lại có cái yên tâm của con người tỉnh lẻ.
- Lòng ham sống ở Xuân Diệu công khai không sợ xấu hổ. Nó là một lòng ham sống rất vật chất. Nó gần với cái điều mà mọi người không dám nói ra.  Chỗ này ngược với Nam Cao. Nam Cao ham nhưng ngượng, nhưng xấu hổ, nhưng tự day dứt với chính minh.
Tại sao, lại có sự gặp gỡ giữa Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và cách mạng. Điều đó, chứng tỏ cách mạng ta ai cũng chứa.
Tôi cũng có cảm tưởng là Xuân Diệu -- để dùng công thức của Nguyễn Quân  - cũng chỉ là người của dải ánh sáng, mà không có khả năng mở ra rộng hơn nữa- không thông cảm được những gì của thần phật



Duật đến chơi Xuân Diệu. Anh khuyên em đi, Duật bảo, và Xuân Diệu có ba lời khuyên:
1. Thơ phải có 2 loại, cho bạn bè cho mình, và cho nhà nước (Ông dùng  khái niệm của sinh lý học: tinh khô cho nhà nước, tinh nước cho bạn bè)
2. Vừa làm thơ,  vừa làm giàu.
3. Làm thơ không được cơ hội, nhưng in thơ, phải thật cơ hội.



Trò chuyện với Mai Liên
Phạm Tiến Duật có lần nói với tôi “Xuân Diệu cũng hay có lối nói lạ tai. Vừa giải phóng miền Nam xong, ông bảo, thôi, từ nay ta mang khổ ra cả nước.”  Nghe tôi nhắc lại chuyện này, Mai Liên gật gù:
-- Loại như ông Diệu, cũng là chán hết cả rồi. Mình còn ghi được mấy trăm câu của ông ấy đại loại như: “Bây giờ như cháy rừng rồi, vài gáo nước chả làm gì, thôi chạy dài thôi, Mai Liên ạ.” hoặc “Đảng mình buồn cười lắm, như cái anh không biết làm tình. Đại tướng mà không biết làm tình thì cũng chịu, đi với anh thiếu úy còn hơn”.
Mai Liên nói tiếp:
+ Về thơ, nhất là trước cách mạng, Xuân Diệu  tự nhận mình ghê thật. Sau Nguyễn Du, đến thế kỷ này, có Xuân Diệu. 
Như vậy, có thể cắt nghĩa thế này chăng: a/ Xuân Diệu cũng hiểu ra rằng thời này hỏng, cách mạng hỏng và không có cách nào khác (tận trong lòng không tin cách mạng) -và b/ Xuân Diệu tìm đường bằng cách đã thế ta lợi dụng cách mạng để sống.
  Nói một đằng làm một nẻo.
 Làm cái gì có lợi cho mình cứ  làm.
 Không còn cần trung thực gì nữa, sẵn sàng xuyên tạc lịch sử lấy cái dở của mình làm cái hay, đòi hỏi, tham lam. 
Quan tâm tạo ra hình ảnh của mình cho hậu thế! Mấy chục năm cách mạng vẫn không thay đổi được cái gốc gác con người cũ. Càng về sau, Xuân Diệu lại càng trở về với phần sâu kín trong con người cũ.
Tôi bổ sung, Xuân Diệu nhẫn nhục lập danh trong cách mạng. Xuân Diệu nói dối kinh người, nói dối mãi, thành ra người ta tưởng Xuân Diệu chỉ có thế. Xuân Diệu không dám là mình, không dám bộc lộ yêu ghét của mình công khai. Nhưng ở chỗ riêng tư, Xuân Diệu vẫn âm thầm giữ lấy những giá trị mà mình đã thành tạo ra từ trước 1945, và trong một ít trường hợp những cái đã đưa ra công khai mà vẫn trót lọt sau 1945. Chết một nỗi, đến nay không ai làm công việc tách bạch  từng phần nói trên và ngày nay di sản của Xuân Diệu quá ngổn ngang.

 Mai Liên bảo năm Mai Liên bị Viện Văn đánh (mà người đánh nặng nhất là Vũ Đức Phúc), chính ra Xuân Diệu và Chế Lan Viên đã có một số cử chỉ góp phần giả tỏa cho Mai Liên. 
Ông Mai đang ngồi thì ông Chế đến.  Chế Lan Viên nói thẳng vào mặt Đặng Thai Mai: "Các anh làm kiểu gì, mà như đấu tố vậy". Nói xong, thì bỏ đi, không cho ông Mai cãi lại nữa. Ông Mai chỉ còn nói vuốt đuôi cái thằng Hoan nó thật ngỗ ngược.
Còn ông Diệu, Mai Liên đến, bảo cái thằng cha Vũ Đức Phúc thế này, thế này. Xuân Diệu chữa lại ngay rằng không được nói thế. Nhưng Xuân Diệu bày cho Mai Liên đi kiện. Phải đi kiện chứ, Xuân Diệu nói vậy.
Sau này, Xuân Diệu rất tình nghĩa, sách gì ra, cũng gửi tặng vợ chồng Mai Liên, tận trong Sài Gòn.
Vẫn lời Mai Liên:
+ Tôi dẫn ông Xuân Diệu đi nói chuyện, và thấy cũng lạ. Nghĩa là mình giảng bài, còn hôm nay thế này mai thế khác. Đằng này bố đi nói chuyện thơ mà như ... mấy anh thầy cúng nhà quê. Cũng đến chỗ ấy thì ngừng,  đến chỗ ấy thì làm điệu cái mồm thế này, thế này, chỗ ấy thì dừng lại, cho người ta vỗ tay. Mình lạ, và cũng đâm chán.
+ Có lần, bọn này xuống một đơn vị. Có ông Huy Cận đi, nên họ đón to lắm, như đón đại diện của Chính phủ. Rồi  Xuân Diệu cũng nói chuyện. Nhưng trong buổi nói chuyện đó, tuyệt nhiên Xuân Diệu không nói gì đến Huy Cận. Sao thế anh, mình hỏi lại. Xuân Diệu nghĩ một lúc rồi bảo là mình mà giới thiệu Huy Cận ở đây, thì có khác gì Đỗ Nhuận giới thiệu Nguyễn Xuân Khoát. Nghĩa là không nên làm thế, làm thế dơ lắm.
+ Mình sang Campuchia và có viết một bài bút ký đăng báo Thanh Niên. Ông Diệu vào, mình khoe, ông ấy bảo em đưa anh xem, để xem có gì thành thơ được không. Mình hết sức sửng sốt, sao một người như ông ấy lại có thể có ý nghĩ thế nhỉ. Hoặc là ông tự nghĩ ông là thiên tài, thì mới xử xự vậy.
+Mình cho là vấn đề đời sống tình dục của ông Diệu là cả một nghi án trong văn học, mà xưa nay, người ta chưa giải quyết nổi, và Xuân Diệu chết đi, lại cũng không hiểu.
+Việc Huy Cận tham lam của cải của Xuân Diệu rõ lắm. Đến mức Chế Lan Viên phải gợi ý "Theo mình, Cận nên công khai trước Hội Nhà văn về gia sản của Diệu và cách sử dụng của Cận hiện nay, kẻo có nhiều điều tiếng lắm". Ông Cận im, rồi cũng chẳng làm gì.
+ Nhưng mà căn bản, một người như ông Diệu, phê bình là tán, chứ có chủ kiến gì đâu. Người ta trên thế giới, đâu có viết phê bình như Xuân Diệu.

Tô Hoài nói về Xuân Diệu
Cứ bảo ông ấy không ham danh vị. Trong kháng chiến, ông ấy mắc cái bệnh tối nào cũng đi lùng đàn ông, rồi ngủ với người ta, anh em nó khó chịu lắm, kiểm điểm ông ấy, ông ấy khóc mếu cơ mà. Nên mới cho ông ấy ra khỏi Ban chấp hành. Và ông ấy mới chuyên về đường sáng tác.
- Nói chung, trong Xuân Diệu cứ có cái gì ngờ nghệch rất đáng yêu. Ví dụ như chê ông ấy làm thơ dở, ông ấy bảo rằng đúng thế, nhưng bây giờ mình sống, còn được in gì cứ in, chứ nay mai chết, ai in cho.
Xuân Diệu có cái tật là sợ hết mọi người, sợ nhất là Chế Lan Viên, vì không sao nói được rành mạch như Chế.  Nói chung là sợ cấp trên. Ngọc Tú vừa vào Ban thư ký là Xuân Diệu mùng một tết phải đến thăm Ngọc Tú. Thợ Rèn kể Nguyên Ngọc làm bí thư Đảng Đoàn thì Xuân Diệu xách cua bể đến nhà Nguyên Ngọc.
Suốt đời ông ấy thèm ăn thèm uống. Đi Lào với tôi, tôi thì có tật ăn ít mà, Xuân Diệu thường nói: “Thôi, Tô Hoài cứ xẻ cho mình ngay từ đầu, cho nó khỏi mất vệ sinh”. Vậy là ông ấy ăn suất rưỡi, còn tôi nửa suất. Ông ấy thường nói về việc đi nói chuyện rồi người ta mời ăn ấy là “được ăn ở khách sạn nhân dân”.
Năm ngoái chỗ Hoàng Ngọc Hiến có thảo luận về thơ tình Xuân Diệu. Tôi bảo: Các anh có dám làm rõ chỗ nào là tặng đàn bà, chỗ nào là tặng đàn ông không? Xuân Diệu mê đàn ông thì rõ rồi. Ở  nhà quê loại ấy sẽ trở thành đồng cô chứ đâu có phải người thường.
Nhàn: Xuân Diệu mà van vỉ ai thì tội nghiệp lắm!


1990 - 1993 
Các báo đưa tin: ông Huy Cận được Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương cao quý thứ hai ở Việt Nam, sau huân chương Sao vàng. Đây cũng là loại huân chương không có thứ hạng.
Nhàn: Tại sao?
 Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi: ông Huy Cận làm bộ trưởng từ 1945, và là bộ trưởng trẻ nhất bấy giờ. Không có khuyết điểm gì, ông Tố Hữu còn có vụ giá lương tiền, chứ ông này tịnh không có gì.
Hồi Nhân văn Giai phẩm không tham gia gì, nhưng cũng không đánh đấm anh em. (Xuân Diệu còn mấy bài truy Nhân văn).
Viết cũng không có gì cực đoan lắm.
Nhưng các ông không biết chứ, ông Huy Cận họp hội nghị quốc  tế, Tây nó thích lắm. Ở ông ta có một cái tự do không sợ cái gì, không e dè vớ vẩn, nên nó lại càng thích.

Tế Hanh kể tôi viết một bài về  Phạm Thái. Xuân Diệu bảo như thế cũng là dũng cảm đấy.
- Sao anh không viết về Chinh Phụ Ngâm ?
- Giờ người ta cấm, viết sao được?
Tế Hanh hay nói Xuân Diệu tuy thế, vẫn có cái trẻ con đáng thương.
       Kim Lân nói sau khi đọc Cát bụi chân ai :
- Ông Tô Hoài tả tình trai của Xuân Diệu thế cũng đúng thôi nhưng nên nhớ là Xuân Diệu cũng rất khổ vì đám em trai đó. Người hà tiện thế mà vào trong Khu IV, đêm đêm vẫn phải gọi điện về, cho cậu em trai, dặn dò đủ thứ, tốn bao nhiêu tiền cũng chịu.

Báo Văn nghệ 17-4 -93 có bài Chân thật Xuân Diệu của Đoàn Trọng Huy. Nguyễn Đăng Mạnh cũng nghĩ vậy. Là Xuân Diệu rất chân thật.
Nhưng thứ nhất, nhiều khi đó là sự chân thật rất công thức, và thứ hai, chỉ chân thật trong những cái nhỏ, cái lớn lại rất xoàng.
Vừa chân thật vừa giả dối, đúng hơn là sẵn sàng giả dối, để giữ lấy vị trí của mình.

Tế Hanh mấy nét phác hoạ
Tô Hoài kể có một lần ai một người nước ngoài hỏi ông rằng có một nhà thơ  mà ông ta quen tên, không hiểu Tô Hoài  có biết ông nhà thơ ấy không.
- Nhà thơ nào ?
- Nhà thơ lúc nào cũng đi men men ấy.
À, tác giả Dế mèn hiểu ngay người nước ngoài kia muốn nói đến Tế Hanh.
Tế Hanh có chất của một học trò. Trong văn học, loại học trò như thế này rất nhiều. Nhưng đây lại là một học trò thông minh, nhạy cảm, người ta không phục nhưng cũng thấy quý.

Từ lần gặp tôi đầu tiên ở Đại hội Văn nghệ 1968, Tế Hanh đã kể những tập thơ cũ của ông -- những tập hay nhất --, chỉ làm trong vài ba tuần. Còn những tập kéo dài dăm bảy năm chả ra sao.
Vấn đề không phải là Tế Hanh khoe tài.Vấn đề là ông muốn nói đến một quy luật của sáng tác. Những thứ người ta cố kết theo đuổi, lại chẳng ra sao cả. Còn những thứ vụt ra, mới thật đặc sắc.
Những nhận xét của Tế Hanh về người khác không có bề dày, nhưng như một cái gì hồn nhiên bất ngờ, hơi lạ.
Chẳng hạn như nhận xét về Tô Hoài mà tôi đã đưa vào phần  ghi về Tô Hoài  (về Mường Giơn: đẹp và buồn)
Những chi tiết mà Tế Hanh kể khi đọc về các nhà văn nhà thơ nước ngoài nhiều lúc cũng thú vị. Đọc tập Mười nhà thơ lớn của thế kỷ do tôi và Nguyễn Quân làm, ông hay nhắc lại cái ý của Nêruda về Aragon và Eluard. Nói chuyện với Eluard rất thoải mái còn làm việc với Aragon xong rất mệt, rất căng thẳng.  Hoặc T. S. Eliot - đó là P. Claudel cộng với P. Valéry.
 Phần tôi, có những nhận xét rất bâng quơ, rất vớ vẩn, mà lại là của loại hay đọc linh tinh, tôi không biết nói cho ai đành nói  với Tế Hanh và được Tế Hanh hưởng ứng ngay. Ví dụ:
- Trong 10 năm giải Noben này, người mà tôi thú nhất là Octave Paz, ở Paz vừa có cái gì hoang dại, lại vừa có cái gì đặc chất châu Âu.
Tế Hanh hưởng ứng:
-- Hình như bây giờ chính các tác giả châu Âu lại khó được giải. Người được giải là cái hạt của châu Âu gieo ở những vùng xa lạ, như châu Á, như Mỹ la tinh.
Bản thân Tế Hanh cũng hay kể những chuyện oái oăm. Một lần ông về nghỉ ở một vùng nghỉ mát nổi tiếng ở Liên Xô. Người quản lý nhà nghỉ thấy một người Việt Nam đến thì cảm động lắm. Vâng, hồi trước, cũng đã có nhà văn Việt Nam đến nghỉ ở đây. Nhưng nhớ mãi, nhớ mãi mà người quản lý không sao nhớ nổi tên nhà văn Việt Nam ấy là gì.
Một lần khác, để khoe về cái nhà nghỉ của mình, ông lại bảo Neruda đã tới đây. Vậy là tên ông nhớ ngay. Nhưng lần này, ông chỉ không nhớ đất nước đẻ ra Neruda là nước nào.
Những chuyện linh tinh khác
- Chính Kataev là nguyên nhân cuối cùng, khiến cho Maiakovski tự tử.
- Và Aragon nói khá vui về Kataev. Bảo ông ta là nhà văn bất tài thì không đúng. Nhưng nói ngược lại cũng không đúng.

Nếu có một cuốn Văn học Việt Nam trong cuộc Âu hoá,  những Xuân Diệu, Chế  Lan Viên Hàn Mặc Tử Tế Hanh tiêu biểu cho cái gì ? Các ông đều  từ tỉnh nhỏ, biết vươn ra thủ đô, ở đấy mới có ánh sáng. các ông chứng tỏ rằng nền văn hóa  hiện đại mà Pháp mang lại đã lan đến các vùng xa. xã hội hiện đại đó là một mặt bằng hợp lý chứ không  cái cao cái thấp như thời ta hiện nay./.

Mời các bạn đọc thêm bài viết dài của tôi Xuân Diệu , sống để mài săt nên kim trong blog này, đường link 

Mới hơn Cũ hơn