VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những cuốn sách vượt trên thời gian

 Về tính thời sự của “1984” của G. Orwell và “Hội hè miên man” của Hemingway
Trên RFI Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017 có bài viết của Thụy My mà tôi sao chép nguyên văn dưới đây:
Số bán tiểu thuyết « 1984 »
tăng gấp 100 lần nhờ Donald Trump

http://thuymyrfi.blogspot.com/…/so-ban-tieu-thuyet-1984-tan…

(AFP, Les Echos 23/01/2017) « Sự thật tương đối » mà một cố vấn của Donald Trump nêu ra, đã khiến số bán cuốn tiểu thuyết « 1984 » của nhà văn George Orwell – là cuốn sách đầu tiên đưa ra khái niệm này – đã tăng vọt. Nhà xuất bản hôm 25/01/2017 phải đặt in thêm 100.000 bản cho cuốn sách đã ra đời từ 68 năm trước.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định số người đến chứng kiến buổi lễ nhậm chức của tân tổng thống là đông đảo chưa từng thấy, bất chấp các bằng chứng ngược lại. Để bênh vực Spicer, cố vấn Kellyanne Conway hôm Chủ nhật 22/1 nói rằng đây là những « alternative facts » (tạm dịch : « sự thật tương đối »).
Đám đông hiện diện hôm nhậm chức của Donald Trump ít hơn rất nhiều so với số người đã đến mừng Barack Obama bước vào Nhà Trắng năm 2009.
Nhiều phương tiện truyền thông nhanh chóng nhận ra cụm từ « sự thật tương đối » của bà Kellyanne Conway đã được sử dụng lần đầu tiên trong tiểu thuyết « 1984 », mô tả một xã hội mà chính quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin. Tác giả người Anh George Orwell đã đưa vào khái niệm « tư tưởng song đôi », trong đó chính phủ sản xuất ra phiên bản của mình và áp đặt đó là sự thật, bên cạnh thực tế ngoài đời. Đó là một Luân Đôn tưởng tượng vào năm 1984, tự do ngôn luận không còn hiện diện, mỗi ý nghĩ đều bị chế độ toàn trị giám sát. « Bộ Sự thật », trên thực tế là bộ Tuyên truyền, viết lại lịch sử khi cần thiết.
Sau khi cuộc tranh luận nổ ra vài tiếng đồng hồ, số bán cuốn sách « 1984 » - xuất bản lần đầu năm 1949 – đã tăng vọt. Tác phẩm này hôm thứ Tư 25/1 dẫn đầu bảng những cuốn sách bán chạy nhất trên trang web bán hàng Amazon.
Theo một phát ngôn viên của Signet, chi nhánh nhà xuất bản Penuguin Random House, giữ bản quyền cuốn sách này tại Hoa Kỳ, thì số bán cuốn « 1984 » của George Orwell (cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng « Trại súc vật ») đã tăng gấp 100 lần từ khi Donald Trump nhậm chức, tức khoảng 9.500%.
***
Từ bài viết trên, tôi nhớ tới một trường hợp khác, bài của Tuấn Thảo viết sau cuộc khủng bố ở  Pháp  cuối 2015 cũng đưa trên RFI 24-11 2015
"Paris là một ngày hội":
Tinh thần kháng cự của dân Pháp

http://vi.rfi.fr/…/20151124-paris-la-mot-ngay-hoi-tinh-than…
Đây là đoạn trích:
Quyển tiểu thuyết ‘’Paris est une Fête’’ (tạm dịch Paris là một ngày hội) của nhà văn Ernest Hemingway trở thành tựa sách bán chạy nhất tại Pháp, chỉ vài ngày sau đợt khủng bố tại thủ đô Paris Vì sao ?
Trả lời câu hỏi này, tờ báo Công giáo La Croix cho biết đó là vì tác phẩm này đã bất ngờ trở thành biểu tượng của tinh thần kháng cự, sức bền bỉ chịu đựng của người dân Paris.
Theo lời ông David M. Ducreux, làm việc cho tủ sách bỏ túi Folio, thuộc nhà xuất bản Gallimard, mỗi ngày có khoảng 10 quyển sách ‘’Paris là một ngày hội’’ được bán trên thị trường Pháp.
Sau đợt khủng bố, số lượng sách bán chạy được nhân lên gấp 50 lần, tức khoảng 500 quyển mỗi ngày. Tác phẩm của Hemingway hiện đứng đầu danh sách best-seller tại các nhà sách cũng như trên các mạng amazon và fnac.com. Nhà xuất bản Gallimard buộc phải in thêm 15.000 quyển để đáp ứng nhu cầu của người mua.
Theo nhà phê bình Marc Chénetier, tác phẩm của Hemingway ăn khách trở lại trước hết là nhờ vào tựa đề mang đầy biểu tượng của phiên bản dịch sang tiếng Pháp. Trong nguyên tác, quyển sách này mang tên là ‘’A Movable Feast’’ (từng được dịch sang tiếng Việt là Hội hè miên man), dùng hình tượng của lễ hội tiệc tùng, hôm nay ở chốn này, ngày mai ở tụ điểm khác.
Cái tính linh động ấy phản ánh cho niềm khao khát được sống của những con người từng chứng kiến cảnh chết chóc tang thương.
Có lẽ cũng vì thế mà tựa đề ‘’Paris là một ngày hội’’ đã trở thành một khẩu hiệu kêu gọi tình đoàn kết, biểu tượng của tinh thần sống chung kể cả với cộng đồng người theo đạo Hồi trên đất Pháp, như theo phát biểu của bà Danielle, một luật sư về hưu, trên đài truyền hình BFFMTV.
Giáo sư Clara Mallier chia sẻ quan điểm này khi cho rằng tựa đề ‘’Paris là một ngày hội’’ đánh vào trí tưởng tượng của công chúng và nhất là của giới trẻ, bất kể họ có đọc tác phẩm hay không. Để tưởng niệm các nạn nhân, người ta đến đặt quyển sách này ngay trước nhà hát Bataclan, bên cạnh những nhánh hoa và những ngọn nến. Trong giây phút mặc niệm hôm 16/11/2015 vừa qua, nhiều bạn trẻ cũng cầm trên tay tác phẩm của Hemingway.
Lúc sinh tiền, một trong những câu nói bất tử của triết gia người Pháp Voltaire vẫn là : "Càng hiểu biết sáng suốt, con người càng tự do". Đó là một cách để dùng tư tưởng của Thế kỷ Ánh sáng (Siècle des Lumières / Age of Enlightenment) để chống lại những đầu óc ngu muội của Thời kỳ tăm tối (Dark Ages), dùng lý trí tâm thức để chống lại ý thức hệ chuyên gieo rắc kinh hoàng của những tên khát máu dã man, của những kẻ cuồng tín mù quáng.

VINH QUANG CỦA VĂN CHƯƠNG
Tôi rút ra cho mình một bài học:
Giá trị của một tác phẩm mà mọi nhà văn chân chính trên thế giới đều biết, đó là khả năng vượt qua thời gian, vượt qua các sự kiện cụ thể mà nó mô tả để gia nhập vào cái vĩnh viễn.
Thực ra cái mà văn chương cần ghi nhận nhất là tâm trạng, là sự suy nghĩ của con người, cái đó mới trường tồn trong lịch sử.
Riêng trường hợp của George Orwell, thì việc ông sáng tạo ra cụm từ “sự thật tương đối" còn có ý nghĩa tiên tri. Nó có thể áp dụng với cả chúng ta hôm nay. Còn có vinh dự nào hơn?
Trong bài Thụy Mi, hai chữ «alternative facts » được tạm dịch: « sự thật tương đối ».
Theo tôi, để rõ ý hơn nên, nên ghi chú thêm « alternative facts» là sự thật tùy nghi, sự thật hiểu thế nào cũng được, sự thật hiểu ngay ở cái nghĩa đối lập của nó.
Mới hơn Cũ hơn