VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thạch Lam và phận nghèo của xứ sở

 

 NGUỒN Tuần báo Chủ nhật 16-11-1940

Chủ nhật là cơ quan  của Tự lực văn đoàn  ra đời, thay cho Ngày nay bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa, nhưng cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

-

Đọc Hà Nội băm sáu phố phường, chúng ta đã có dịp cùng với Thạch Lam sống và lắng nghe nhịp sống của một vùng đô thị thuở thanh bình.

Trước đó, đọc những truyện ngắn như Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa, Nhà mẹ Lê… chúng ta đã thấy nhà văn này mang nặng những tâm tình riêng và có một sự trân trọng riêng với những hồn quê mộc mạc.

Nhưng Thạch Lam – nhà văn với một vốn liếng văn hoá vững chắc, cây bút có cốt cách tri thức điển hình – còn đi xa hơn thế. Trong mấy năm cuối đời, ông thường để cho cảm hứng trang trải tới những khu vực tưởng như trừu tượng hơn, mà lại là nơi cô kết mọi tình cảm của chúng ta – ông hay nói tới đất nước.

Và con đường riêng được ông lựa chọn, là nói về nghệ thuật dân tộc.

 Trong những dịp tết, ông kể chuyện về những bức tranh Đông Hồ với “những màu tuy tươi thắm mà cổ xưa, màu cánh sen, màu xanh lá mạ, là bài ca hát của người và vật truyền nhau trên đồng ruộng”.

Còn như đọc bài viết dưới đây, chúng ta sẽ được cùng ông trở lại với những tiếng hát dân gian – những điệu xẩm.

Ông phác ra khung cảnh ở đó người ta nghe hát. Ông chăm chú đọc ra những điều người ta trông chờ và gửi gắm qua các điệu hát.

Và nhất là ông tìm cách ghi lại những cung bậc tình cảm của mọi người – cả người hát lẫn người nghe –  trong cái cảnh diễn dân dã đó.

Nhà văn muốn thử làm một công việc khó khăn và hấp dẫn là mang lại cho tâm hồn dân tộc một hình hài, một khuôn khổ. Câu văn ông có chỗ lúng túng, ngập ngừng như chính ông cũng chưa biết làm sao ghi cho chính xác cái sự thực của tâm tình. Mặc! Ông vẫn cảm thấy phải nói ra bằng được những nỗi niềm bấy lâu đã nấu nung trong lòng mình.

 

Cái hồn của đất nước được Thạch Lam gọi ra bằng những lời lẽ riêng. Ông đã nhuộm cho cảnh vật, cánh đồng, con đường, cây đa, bến nước…. một sắc thái riêng – sắc thái Thạch Lam.

Giờ đây, người ta có thể nghĩ khác về đất nước, so với những điều Thạch Lam đã nghĩ gần sáu chục năm trước. Nhưng lòng yêu đất nước của ông thì tưởng như mãi mãi làm ta cảm động.

 

DỌC ĐƯỜNG

Một con đường dài dưới sáng trăng. Hai bên dãy nhà lá thấp, mái tranh cũ như lẩn vào màu trời. Một cây đa lớn trong bóng tối thấp thoáng ánh trăng của vài chiếc bình vôi.

Đấy là một phố chợ nhỏ miền hạ du, một cảnh rất quen mắt ở chốn bùn lầy nước đọng. Trong các căn nhà lụp xụp và tối tăm ấy, sống những gia đình nho nhỏ Annam, những người nghèo hèn mà đời kiếm ăn thật là eo hẹp và chật vật. Những đêm sáng trăng này, họ vui vẻ. Tâm hồn giản dị cảu họ chịu ảnh hưởng của thời tiết một cách mật thiết, không tự biết. Cái vui của họ dễ đến, nhưng mà cũng dễ đi và tiếng cười của họ có khi nổi lên vô tư lự.

Họ xúm quanh lại ngồi nghe một đám xẩm già, đánh cây đàn bầu gỗ mọt, và ca hát những bài hát tự nghìn xưa vẫn lưu truyền trong dân gian, ai cũng thuộc nhớ, mà lần nào họ cũng vẫn muốn nghe. Những bài hát thương tiếc cái tình tuyệt vọng của anh chài lưới Trương Chi, ngậm ngùi cái tình bằng hữu của Lưu Bình, Dương Lễ, hay tán thưởng lòng can đảm của Thạch Sanh. Muốn cảm động được đám người mộc mạc ấy, những tính tình kia cũng phải thu về giản dị và cổ sơ – những tính tình mới có của người bước vào vòng lễ nghĩa, của những tâm hồn chất phác như những tâm hồn vẫn giữ chất phác kia.

Qua cảm động đến vui cười, chế nhạo và giễu cợt. Những bài vè quê mùa, những câu đố hóm hỉnh, những bài ca hơi chút đĩ thoã và trai lơ. Đánh tam cúc, Đi hái chè, Lấy chồng già, chồng trẻ… bao nhiêu tiếng cười thẳng thắn và hồn nhiên nổi lên khuyến khích và điểm vị cho câu hát. Và cái tiếng cười cợt trong câu hát ấy, hơi đơn sơ và thành thật, láu lỉnh như nháy mắt với người bên cạnh, giễu cợt có khi cay chua nhưng mà không ác ý, có đôi chút triết lý rộng lượng với những hèn yếu của người đời – đó là tiếng cười cợt Annam, của luỹ tre, của ruộng lúa. Lên đến cao nguyên, vùng rừng vùng núi, tiếng cười câu hát ấy đã thêm một chút man mác, rộng rãi nhớ thương, thêm một chút buồn xa xôi và tưởng nhớ.

Ai là người cúi xuống góp nhặt và thưởng thức những bông hoa trong nội cỏ đất nhà ấy, giữ lấy mùi hương thơm mát mẻ và kín đáo, từ xưa vẫn thấm nhuần cảnh vật quanh ta?

*

 

Một chuyến đò ngang, một xó chợ, một đầu đường… chỗ nào có dăm ba người nghe là có đám xẩm xoan lên tiếng. (Dễ thử đến có khi chẳng có ai nghe nữa, mà một ông cụ xẩm cũng vẫn gẩy đàn và ca hát, đôi mắt đưa lên như cố hình dung những bóng người tưởng tượng, và lắng tai nghe chờ đợi không biết đến bao giờ một tiếng đồng trên chậu thau..). Cái giọng hát xẩm thật là một giọng hát đặc Annam. Hay là tôi tưởng thế, bởi vì mỗi lần nghe cái giọng hát buồn buồn, tầm thường và quê mùa ấy, là mỗi lần tôi thấy như đè nén, quằn quại trên tâm hồn tôi, cái tâm hồn hèn mọn và nhẫn nại của giống nòi của cả đồng ruộng nghèo nàn và bạc bẽo phủ sương chiều. Tôi không muốn một bài ca hùng hồn, hăng hái, đầy những công việc xuất thế, anh hùng, bởi vì không phải thật là như thế. Tôi nhận ra cái hèn mọn, nghèo nàn kia, nhận một sự buồn mà người ta phải chịu vậy, nhưng mà tôi yêu mến, thiết tha cái linh hồn thật của đất nước ấy, là linh hồn của tôi, có những ràng buộc chặt chẽ, những rung động thẳng ngay đến bên trong. Cái giọng hát quê mùa, không có gì là cao quý nhẫn nại, không có gì là siêu việt, là cái giọng hát đã làm cảm động những người cùng giống với tôi, những người sống chật vật, khó khăn, nhưng mà vẫn vui vẻ, vẫn tin trời, không ghen ghét mà cũng chẳng thù hằn ai. Trên manh chiếu rách giải ngay mặt đất đó, đã diễn ra bao nhiêu lần cái cảnh sinh hoạt của người bình dân Annam. Tiếng đàn, nhị  một điệu nhắc đi nhắc lại, quen thuộc và êm ả, như trên cánh đồng lúa, ngày lại ngày, năm rồi qua năm khác, đem lại cũng chừng ấy công việc, chừng ấy vui buồn.

Đường, chợ chúng ta sẽ vắng lạnh, nếu không còn giọng ca hát nữa.

*

 

Làn khói rắc buổi chiều ở đầu làng, vì không có gió đưa, nên là là sát mặt đất để lẩn vào dải sương mù bắt đầu rơi xuống cánh đồng. Tiếng ếch nhái xanh rờn trên ruộng mạ. Và bóng người dãi qua cái quán gạch giữa cánh đồng, cái quán gạch giờ này trơ vơ và lạnh lẽo.

Bạn có nhận thấy cứ đến buổi chiều sương phủ, những làng mạc xa xa hình như thu bé lại, thấp xuống, thấp xuống để lẫn với đất ruộng, còn cánh đồng mênh mang bóng tối thì từ từ dâng lên ngang với chân trời? Giờ khắc ấy, ở đâu ra mà khắp cả, trên dưới và khắp bốn phương, hình như tiết ra ở cảnh vật, ở cây cỏ, ở ruộng nương, một nỗi buồn thấm thía, không đâu, một nỗi buồn vừa chán nản vừa chua xót, khiến người ta bỗng dưng thấy lạnh lẽo, thấy lẻ loi? Tranh giành, chiến đấu bấy giờ thấy vô ích và quá sức yếu ớt của mình. Phải dễ dãi, phải thân mật, để được gần gụi người khác cho thêm ấm cúng.

Đó là cái mạch buồn riêng của đất nước nhà, âm thầm như dòng suối dưới nội cỏ, cái mạch buồn hiu hắt chảy trong sông, hay xa xôi theo dải đê đến tận chân trời. Cảnh của ta tuy nhiều nơi thật là đơn sơ, bằng phẳng, nhưng có vẻ riêng biệt cám dỗ chúng ta. Chúng ta tha thiết mến yêu có lẽ vì cảnh vật như một tấm gương, và chúng ta thấy chiếu vào trong đó hình ảnh và tâm hồn của chính chúng ta.

Chúng ta nghèo nàn, nhưng chúng ta biết sự nghèo nàn ấy.

*

Dọc đường cái quan, ngày xưa, còn có chiếc cầu dịp đá, và bóng đưa của những cái cáng xanh. Những ngày rực rỡ, còn có võng lọng tưng bừng của một ông nghè về vinh quy, với cô gái quê má lúm răng đen, gọn mình trong chiếc võng, âu yếm nhìn ông tân khoa, chồng ta, và do công ta thức khuya dậy sớm hái dâu dệt lụa để chàng ăn học.

Bây giờ những cái đó đã mất rồi, mà trên đường, chúng ta chưa có cái gì khác thay vào. Chúng ta đi, hai bàn tay trắng.

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn