VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thạch Lam – Tìm về tranh tết như là một cách tìm về dân tộc

 

 

Khi nói đến thời tiền chiến, nhiều người chỉ nghĩ đó là thời kỳ xã hội ta “Âu hoá”, hội nhập với thế giới hiện đại. Thế nhưng những năm tiền chiến – và nhìn rộng ra, cả mấy chục năm đầu thế kỷ XX – cũng chính là thời gian mà ý thức dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các nhà trí thức chia nhau gánh vác những công việc mà một dân tộc muốn tự hiểu mình, tự biết mình, bắt buộc phải làm: Viết lại lịch sử. Sưu tầm thơ văn cũ. Nghiên cứu về tục ngữ ca dao, về tranh dân gian, về ca trù. Bàn lại về Cung oán, về Truyện Kiều v.v… Việc gì cũng được làm một cách thận trọng. Riêng các nhà văn nhà thơ cũng đóng góp vào việc này theo cái cách của riêng mình. Có người viết truyện theo lối tiểu thuyết hoá các sự kiện, các nhân vật đã sống cách đây vài thế kỷ. Có người ghi lại những nếp sống cổ truyền đang dần mai một. Có người đưa vào thơ mình cái hồn thơ dân gian duyên dáng, trữ tình…

Có thể nói trong suốt trường kỳ lịch sử, chưa bao giờ sáng tác văn chương lại trở nên gần gũi với đời sống bình thường của xứ sở như lúc này.

So với một số đồng nghiệp trong Tự lực Văn đoàn, trên đường trở về với dân tộc, có vẻ như Thạch Lam không có nhiều may mắn trời cho. Ông không có cái vốn dân gian bền chặt như Tú Mỡ, cũng không biết chữ Hán và thuộc nhiều sử sách cũ như Khái Hưng. Trong khi một người như Nhất Linh còn có lúc viết một thứ văn nghiêng hẳn về quy phạm cũ (Nho phong, Người quay tơ) thì Thạch Lam, ngay từ lúc xuất hiện, đã bộc lộ một cốt cách Tây học không giấu vào đâu đuợc. Chỉ cần quan sát kỹ câu văn của Thạch Lam, người ta có thể nhận ra sự gần gũi của ông với nền văn chương tiếng Pháp rõ rệt đến độ nào.

Nhưng Thạch Lam là một nghệ sĩ bẩm sinh, hơn thế nữa, một nghệ sĩ được đào luyện chắc chắn về văn hoá. Một người gọi là thấm nhuần văn hoá thực thụ, một trí thức chân chính, dù lớn lên trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ nặng lòng với cái dân tộc đã sinh ra mình, cũng muốn trở về với cội nguồn, và có những xúc động sâu xa trước đời sống quê hương, nhất là khi quê hương đó đã phải chịu đựng nhiều đau khổ.

Và chúng ta, nếu chăm chú đọc lại Thạch Lam, sẽ thấy một vương vấn thường xuyên về dân tộc, như một ám ảnh. Ông để tâm suy nghĩ về quê hương, làng xóm, những người lao động nghèo túng vất vả, những nét phong cảnh như ngưng đọng tự bao đời. Và ông viết về những nét đẹp của quê hương như trong bài Tranh Tết mà sau đây bạn đọc sẽ đọc.

Với cái nhìn ngả sang xã hội học, trước tiên Thạch Lam tìm thấy ở những bức tranh tết (ở đây là tranh Đông Hồ) một ý nghĩa nhân sinh rõ rệt. ông yêu nhất ở tranh cũng như ở cuộc đời thường cái vẻ mộc mạc. Ông ân cần nhận ra rằng giữa người làm tranh và những người dân thường chẳng có sự khác biệt là bao, nhờ thế các tranh có được cái vẻ sống thật, nó là cái thi vị riêng mà chỉ các tác phẩm dân gian mới có. Còn như cái việc phần lớn các tác phẩm ấy mang tính cách khuyết danh, lại được ông xem như một nét đẹp; “Trong sự giấu tên kín tiếng của các nghệ sĩ xua ấy, có một cao quý và trong sạch đáng yêu”.

Song nói vậy, không có nghĩa là Thạch Lam chỉ biết có mơ mộng. Trong một bức tranh quen thuộc như Đám cưới chuột, ông ghi nhận một triết lý dân gian: nhẫn nhục chịu đựng, thích ứng để sống. Người ta cảm thấy khi viết những lời bình luận về bức tranh này, ở Thạch Lam vừa thoáng qua một nụ cười, vừa có một nỗi âm thầm đau xót, thông cảm.

Cái khó của một nhà văn khi viết về hội hoạ là phải diễn tả phải diễn ra bằng lời những điều nhà nghệ sĩ đã miêu tả bằng đường nét và màu sắc. Cũng là một điều dễ hiểu khi Thạch Lam đôi lúc tỏ ra lúng túng, và chắc chắn ông không bằng lòng với mình. Có điều, chỉ qua mấy câu bàn kỹ vào giá trị nghệ thuật của tranh dân gian, Thạch Lam vẫn tự chứng tỏ là ông hiểu khá kỹ về nghề vẽ và nhất là có một mỹ cảm tinh tế. Ông xa lạ với những gì vụng về, giả dối, lộn xộn. Ông thích những giá trị lâu bền. Khi Thạch Lam viết rằng “cái nghệ thuật phải tự nhiên và thật” thì đó không phải là nhận xét riêng của ông về tranh dân gian: đấy cũng là những tiêu chí nghệ thuật mà nhà văn này theo đuổi và đã có dịp bộc lộ qua các sáng tác.

Trong cái mỹ cảm tinh tế ấy của Thạch Lam, người đọc hôm nay nhận ra một phần quan niệm về cái đẹp của ông cha ta, của người Việt chúng ta nói chung. Và như vậy, đã có thể nói là trên con đường tìm về dân tộc, Thạch Lam (với cái vốn văn hoá Tây phương như đã nói ở trên) cuối cùng vẫn là một trong những người tới đích sớm.

GHI CHÚ VỀ VĂN BẢN

Bài viết sau đây của Thạch Lam được viết ra đầu xuân 1941. Năm đó, cả Phong Hoá, Ngày Nay đều đã đình bản, tờ Chủ nhật ra được mấy số cũng bị rút giấy phép, nhóm Tự lực không còn báo trong tay, đành phải tổ chức một đầu sách gọi là Sách tết Đời nay. Lạ một điều là trong cuốn sách 48 trang khổ to như báo ấy, các tác giả Thế Lữ, Khái Hưng đều không ký tên thật của mình sau các bài viết. Và Thạch Lam cũng vậy. Chúng tôi chỉ căn cứ vào giọng văn và nội dung bài viết mà khôi phục lại tên tác giả.



                                               Tranh tết

Những tranh ngày Tết người ta bán nơi nhà quê kẻ chợ. Đó là những tranh khắc gỗ, do mấy làng làm. Tranh vẽ nhiều cảnh, tất cả cuộc sinh hoạt của thôn xóm Annam, những bà mẹ và trẻ em thường gọi là tranh gà lợn. Đó là những tranh rất cổ của ta.

Những bản gỗ của các tranh ấy không rõ có từ bao giờ, và do ai vẽ. Trong sự giấu tên kín tiếng của các nghệ sĩ xưa ấy có một cao quý và trong sạch đáng yêu. Đó hẳn là những người bình dân vẫn sống chung lộn với những người khác trên đồng ruộng, cùng sống một cuộc đời, cùng làm những công việc im lặng và khó nhọc. Họ không biết họ là nghệ sĩ, và có lẽ, nếu không có một trường hợp nào đó, một kích thích gì đột nhiên, họ suốt đời không bao giờ vẽ cả.

Những người đó vẽ với tất cả tâm hồn của họ. Vẽ đối với họ tức là sống lại ngay chính cái đời họ sống. Những cảnh đồng ruộng, các công việc cày cấy, những cảnh trong gia đình hay ở sân sau, được hoạ trên giấy một cách rất linh động và đúng nét. Cái khoa học dáng điệu của họ nếu có thể gọi được thế, một sự tự nhiên, không xếp đặt trước thật là lạ lùng. Dáng điệu của người cày ruộng, người quạt thóc v.v… như sống thật. Tất cả cái thi vị, một mạc và đơn sơ của đồng ruộng, phô diễn trên giấy. Những gia súc, vì họ sống gần gụi và thân mật với chúng, trong nét hoạ cũng trở nên thân mật như thực. Cả đến các gia thần, ông Táo Quân, ông Thổ Công, cũng chỉ là những người cùng sống chung dưới một nóc, có liên lạc mật thiết đến cuộc đời của người.

*

*  *

Những nghệ sĩ Annam của thôn quê đó còn cả cái giễu cợt khôi hài ý tứ và chân thật nữa. Trong bức tranh Đám cưới chuột, hay Ông đồ ếch và học trò có thấm thía một cái duyên vui và rộng lượng. Những người giản dị ấy không mất lòng kính trọng của họ đối với mọi việc. Cái roi mây trong tay ông đồ hay cái hoả lò để quạt nước cho thầy biểu hiện tất cả cái tinh thần cốt yếu của buổi học, cùng một lúc với cái khôi hài thân mật của người vẽ.

Trong cảnh Đám cưới chuột tôi thấy sự mềm dẻo và, quen đi, dai dẳng của cuộc sống. Bao nhiêu triết lý trong việc dâng biếu cá cho chú mèo! Tất nhiên là muốn được an hưởng thì phải đút lót; trước khi đám cưới đi, người ta đã trù tính rồi. Mới đầu còn là sợ hãi bắt buộc, rồi sau mãi, biết đâu lại không thành quen đi, và lấy làm sung sướng và vui vẻ nữa. Ngài sẵn lòng nhận cá, thế là ơn huệ rồi.

*

*  *

Tôi muốn dừng lại lâu hơn ở những cảm tưởng mà các tranh tết ấy đã dậy trong trí tôi. Không phả là hoạ sĩ, tôi e sự phán đoán về màu, nét của tôi không đủ đúng đắn. Những bức tranh mộc mạc ấy, ngày tết, trang hoàng cho vách đất, của phên ở thôn quê, chỉ là hình cảnh của cái đời ấy. Những màu tuy tươi thắm mà cổ xưa, màu cánh sen, màu xanh lá mạ, là bài ca hát của người và vật truyền nhau trên đồng ruộng: cái gì tựa như một tục lệ hằng năm nhắc lại, mà không vì thế mất vẻ đáng yêu.

Tôi ước ao những tranh ấy cứ còn mãi. Những bản gỗ ấy bây giờ còn ở làng Hồ (Bắc Ninh). Hình như còn vài làng nữa, tôi không nhớ tên. Những màu sắc đều lấy trong thảo mộc cả. Bởi vậy không có cái sắc lánh và lạnh rắn của kim loại, vẫn dịu và mát tuy rất tươi. Màu đen rất ấm cúng, êm như nhung, và màu trắng thì ánh như xà cừ.

Mấy năm gần đây, đã có thấy các chợ bày những tranh lối mới, vẽ những cảnh bây giờ. Nhưng vụng về và giả dối, thật rõ cái không trật tự, sự lẫn lộn của các giá trị ở buổi này. Không phải ai cũng có thể vẽ được những tranh đẹp như cũ. Phải cần một hoạ sĩ mà tâm hồn cảm thẳng ngay với cảnh vật của đất nước, không cần đến sự môi giới của trí thông mình. Cái nghệ thuật phải tự nhiên và thật.

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí mấy năm trước đây có khắc vài bản gỗ mà hoạ sĩ gọi nhũn nhặn là một cuộc thí nghiệm . Với tôi, sự thí nghiệm ấy đã thành công đầy đủ rồi. Trong mấy bức chụp đây, người ta thấy rõ hoạ sĩ đã đi đúng đường. Dáng điệu và các nét thật linh hoạt và phơi phới. Tôi không thể nói hết được cái giá trị cao về nghệ thuật.

Một hương vị cổ kính và mãi mãi hiện ra trong các tranh ấy. Cử chỉ của cô bé đội lá sen trên đầu để che mưa có tính cách gì bình dân và Annam lắm. Và cây bàng lá thu che bóng cho chị hàng rươi tự bao nhiêu năm trở lại.

*

*  *

Những tranh Tết kia là hình ảnh bằng màu sắc của cuộc sống Annam, cũng như những câu ca dao là nình ảnh thơ điệu. Hai nghệ thuật cùng một nguồn và nghệ sĩ nọ có khi là nghệ sĩ kia. Sống cùng một màu đất và cùng một gió mùa, họ lưu truyền cái gì là sâu sắc, bền chặt và tinh tuý nhất của tâm hồn chúng của dân gian, yên tĩnh hay biến đổi, nhưng biểu lộ trong tất cả trạng thái có khi rất nhỏ nhặt của cuộc đời.

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn