VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sau Cung oán ngâm khúc một kiểu chuyển đổi mỹ cảm khác, trường hợp thơ Tú Xương

 


Đọc Tú Xương chắc chẳng ai nhớ câu "Thành thì đen kịt đốc thì lang ... ". Nhưng đây là một ví dụ về sự chuyển đổi mỹ cảm đáng ghi nhận.

Nguyên đây là một câu thơ trong bài Phố hàng Song

Ở phố hàng song thật lắm quan

Thành thì đen kịt, đốc thì lang
Chồng chung vợ chạ, kìa cô bố

Đậu lạy quan xin, nọ chú hàn

 Thành là tên gọi viên phòng thành,  chức quan chỉ huy quân sự một tỉnh, cũng như đốc học là người phụ trách giáo dục cuả tỉnh. Cả hai nằm trong hàng loạt gương mặt những con người đương thời mà Tú Xương từng phác họa.  

 LOẠT THƠ “HƯỚNG NGOẠI”

      Là một ngòi bút trào phúng thực thụ và có bản lĩnh, Tú Xương thường không ngại mang chính mình ra mà chế giễu. Loạt thơ tự trào, cộng với những bài trữ tình thuần túy (loại như Sông kia rày đã nên đồng...) gộp cả lại làm nên một mảng thơ riêng, khá đặc sắc.

    

 

     Có điều, dẫu sao, trong số hơn trăm bài thơ hiện đang lưu truyền và được xác định là của tác giả, các bài thơ “hướng nội” nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ.

 

 

    Ngược lại, nói tới Tú Xương, nhiều khi người ta nhớ ngay tới loại thơ khắc họa chân dung những người đương thời.

    Những bài “hướng ngoại” này thường nói tới một đối tượng cụ thể: một ông phủ, ông đốc học nào đó trong vùng hoặc một người bạn nào đó của tác giả.

    Và chúng thường có nhan đề ngắn gọn (do người sau đặt): Mừng ông lang, Chế ông huyện, Đùa ông hàn, Bỡn ông Điềm v.v…

 

MỘT PHÒNG TRIỂN LÃM

Nhận xét thứ nhất nảy sinh khi người ta đọc loại thơ này: Tú Xương có một phạm vi quan sát khá rộng.

Sống trong một đô thị nhỏ nơi vừa thoát thai từ làng xóm, ông vẫn giữ được thói quen thường thấy trong sinh hoạt tinh thần nơi thôn xã. Là để mắt đến mọi việc xảy ra chung quanh, và sẵn sàng lên tiếng về những chuyện ấy.

 

 

 Lọt vào kính ngắm thường xuyên của ông là đủ loại nhân vật, từ quan chức đến sư sãi, từ ông tú ông cử cho đến đám học trò đang mài đũng quần trong các lớp bình văn, rồi cô ký, me tây, rồi thầy thông, thầy phán… sơ sơ có thể ước tính tổng cộng số người được Tú Xương nhắc tới.

 

 

 Tất cả hiện ra như các hình nhân trong một chiếc đèn kéo quân khổng lồ mà tác giả đã kỳ công vẽ mặt tô mày để kiếm chút niềm vui giữa cuộc đời tẻ nhạt.

 

 

Theo sự ghi nhận của nhà văn Nguyễn Công Hoan – một người nổi tiếng có trí nhớ tốt và đã một thời gian dạy học ở Nam Định – thì hầu hết các nhân vật được nói tới trong thơ Tú Xương có địa chỉ thật ở ngoài đời. Các bài thơ đã hình thành như một cách để tác giả đánh dấu những gương mặt mà mình từng biết và phải chung sống.

 

 

Tuy nhiên, điều đó không làm hại đến ý nghĩa khái quát mà các chân dung có thể có.

 

NHỮNG NÉT KỲ DỊ

Khi phác họa các nhân vật ấy trước sau bút pháp của Tú Xương là khá nhất quán.

Điều này liên quan đến nhận xét thứ hai: ông thiên về một lọai mỹ cảm hiện đại so với tình trạng thơ ca đương thời.

 

Sự hài hước được nhà thơ sử dụng như một loại “chiếu yêu kính” tức một công cụ để nhận thức bản chất con người và sự việc.
 Vấn đề không phải chỉ ở chỗ tác giả thường xuyên miêu tả những thói xấu của các nhân vật, tức vạch ra sự không bình thường của nó về mặt xã hội (quan lại tham nhũng, đốc học rong chơi, cờ bạc; sư ở tù; con cái khinh bỉ bố mẹ…). 
Mà điều quan trọng hơn, là ông biết nhìn ra cả trong mặt mày hình dáng con người cũng có sự biến dạng.

 

 

 Nếu ông chỉ nói ở cái phố hàng Song lắm quan kia, cô Bố “chồng chung vợ chạ”, ông Hàn “đậu lạy quan xin”, ta thấy đã tài, đã sắc sảo. 
Song con mắt thi sĩ nơi ông còn nhìn thấy cái nét đặc sắc mà cái nhìn xã hội học dễ bỏ qua:

 Thành thì đen kịt, đốc thì lang”.
 

 

Trong một dịp khác, ông tả người bán sắt

 Mũi nó gồ gồ, trán nó giô”,

cũng như ông không tha cả chính mình

Mắt thì lơ láo, mặt thì xanh”.


 Những câu thơ hơi khang khác này xui người ta nghĩ rằng hình như trong tiềm thức, tác giả bắt đầu cảm thấy rằng sự méo mó lệch lạc là nằm tận trong bản chất con người đương thời.

 

Đây nữa, những câu thơ tả sự dở dang, bất cập, một thứ nửa dơi nửa chuột tiên thiên bất túc không sao sửa chữa nổi trong con người đương thời, đại loại:

 

- Hán tự không biết Hán

  Tây tự chẳng biết Tây

- Nghêu ngao câu hát nửa tàu nửa ta

- Chẳng phải quan mà chẳng phải dân

- Ấm không ra ấm, ấm ra nồi.

 

Như các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã lưu ý, nét đặc biệt của nghệ thuật hiện đại (rõ nhất là trong hội họa) ấy là thiên về miêu tả con người với những nét kỳ dị, hình ảnh méo mó, không những không ăn khớp với những khuôn mẫu sẵn có, mà còn thường xuyên có hiện tượng phân thân, và không tạo ra một sự ổn định, không có những đường viền rõ rệt.

 

Do những hạn chế của thời đại và của cộng, đương nhiên Tú Xương chưa thể có được một tư duy nghệ thuật mới lạ như vậy.
 Những câu thơ trên chỉ được viết ra một cách tự phát.


 Song đọc Tú Xương, người ta vẫn không khỏi liên tưởng tới một quan niệm về con người mới mẻ -- chưa xuất hiện ở thời của Nguyễn Du Nguyễn Công Trứ, -- những quan niệm về con người chỉ xã hội hiện đại mới có.

Đây chỉ nói về quan niệm; còn như mỗi tác giả đạt tới mức sâu sắc và độc đáo như thế nào trong quan niệm của mình, thì đấy lại là chuyện khác.

 

SỰ PHÁ CÁCH

Mặc dù chỉ sống được hơn 7 năm trong thế kỷ XX, Tú Xương vẫn đáng được xem như một nhà thơ có cốt cách hiện đại.

Cảm giác hiện đại chủ yếu hình thành qua ấn tượng về con người tác giả, một người làm thơ không phải để nói chí hoặc giáo hóa ai mà chỉ cốt phơi bày cho hết những bức xúc chộn rộn trong lòng mình.

 Con người ấy gần như đánh mất sự quân bình vốn có, ngược lại lúc nào ông cũng sống trong trạng thái “ngồi không yên ổn đứng không vững vàng” luôn luôn bị ám ảnh bởi những ham hố trần tục.

 “Mình với ta tuy hai mà một” (thơ Tản Đà), con người tác giả trong thơ Tú Xương thế nào thì các nhân vật được ông phác họa cũng vậy.

 Xưa nay đã nhiều người tả cô đầu, song chỉ đến Tú Xương, loại người tưởng là dưới đáy xã hội này mới dám lớn tiếng tuyên bố “Cũng liều bán váy chơi xuân”

Nghe thật trâng tráo nhưng bên trong có gì đó chua chát, bi phẫn, nó là cái tâm trạng đến với người ta khi cuộc sống chung quanh đã trở nên đổ đốn quá mà bản thân không biết làm gì để thay đổi nó.

 Cái tâm thế của người cô đầu Tú Xương diễn tả ở đây sẽ là tâm thế mà càng về sau càng phổ biến, và con người thời sau, dù làm bất cứ việc gì, trước những bất lực phải chịu, cũng muốn văng ra những câu tương tự.

 

 

Chẳng những quyết liệt trong thái độ sống, Tú Xương còn quyết liệt trong các ứng xử nghệ thuật.  

Thời ông sống là thời trong văn chương Việt Nam còn đang ngự trị các quy phạm cổ điển. Thơ ca Việt Nam phải gần ba chục năm sau mới biết đến phong trào Thơ mới, nên gì thì gì, Tú Xương cũng chỉ có cách trổ tài qua thơ Đường luật.

Song bản lĩnh và ý chí tự do của nhà thơ non Côi sông Vị là ở chỗ, trong khi bị gò bó bởi thi luật cổ điển, Tú Xương vẫn tìm đủ cách để công phá nó.

Một ví dụ: bài thơ mang tên Bỡn ông Điềm.

 

Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà

Trước nhà có miếu có cây đa

Cửa hè sân ngõ chừng ba thước

Nứa lá tre pheo đủ một tòa

Mới sáu bận sinh đà sáu cậu

Trong hai dinh ở có hai bà

Trông ông mốc thếch như trăn gió

Ông tốt duyên vì có nước da

 

Cũng giống như nhiều bài thất ngôn bát cú của Xuân Hương, bài thơ này, tuy bề ngoài vẫn giữ được sự đăng đối (câu ba đối câu bốn, câu năm đối câu sáu) song đó là một sự đăng đối trời cho, người ta cảm thấy tác giả không cần một chút cố gắng.

Trong khi ấy mạch đi của cả bài thơ quá tự nhiên, hầu như gặp đâu nói đấy, những ràng buộc thừa-phá-đề-luận-kết… bị để sang một bên, hai câu cuối giống như một miếng bỏ nhỏ khá gây ấn tượng.

 

Nhất là về mặt mỹ cảm thì sự phá cách càng rõ rệt, cái chi tiết “mốc thếch như trăn gió” quá đậm chất văn xuôi, cũng như giọng thơ nửa thân tình nửa giễu cợt, tất cả làm cho sự vật con người mất hẳn cái vẻ cao thượng, thuần khiết, vốn được coi là nét tiêu biểu của thơ ca cổ điển.

--

Đã in Cánh bướm và đóa hướng dương, 1999

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn