Lời dẫn
Bài viết sau đây của giáo sư Trần Ngọc Ninh tuy chủ yếu nói tới phương thức tự sự trong truyện Nôm thế kỉ XIX, nhưng cũng đả động tới nhiều phương diện khác như sự hình thành của tiểu thuyết ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, hoặc xa hơn nữa là mối quan hệ giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm. Lại có đôi chỗ như là một đoạn nhân tiện mà viết, nhưng tác giả cũng đã chạm tới một cách khái quát những vấn đề lớn của văn hóa hiện thời. Ví dụ như đoạn sau đây
"Ở Việt Nam nước ta, vì chưa bao giờ thực sự có tự do và vì triết lý không phải là một thức ăn thường ngày của tối đại đa số dân gian, nên tiểu thuyết, bắt đầu có với Tố Tâm và Đoạn Tuyệt vẫn chưa bao giờ ra khỏi cái tính cách tỉnh lẻ (provincial). Ngày mai sẽ như thế nào, kẻ đang viết những dòng này không biết, nhưng nghĩ rằng sự tiến bộ phải chung và về mọi mặt, rằng nếu dân trí không cao, nếu dân sinh không đầy đủ, nếu sự học hỏi và suy tư vẫn còn bị kiềm chế chỉ đạo, nếu sự thảo luận và phê bình không lên trên được một mức độ đạo đức và trí thức đáng kể, thì sự sáng tác vẫn còn ngưng trệ không biết cho đến bao giờ".
Hoặc mấy câu sau: "Thời loạn, khi tình hình xoay như chong chóng, người ta phải tàng hình, độn thổ. Người Pháp có câu tục ngữ rằng: “Muốn sống sung sướng, chúng ta hãy sống ẩn dật”. Trong những thuở “trời đất nổi cơn gió bụi”, châm ngôn Việt Nam là rằng: “Muốn sống, hãy sống ẩn dật”.
Bởi vậy bài viết này có ý nghĩa rộng lớn và chúng tôi xin phép đăng tải lại toàn bộ. Về hệ thống thuật ngữ, dùng trong bài viết, do chỗ lâu nay chỉ sống ở Hà Nội nên chúng tôi có sự phiên dịch khác với giáo sư về một số thuật ngữ (chẳng hạn style = cái ngón bút), nhưng vẫn giữ nguyên, như đã giữ nguyên cách hành văn của tác giả.
Các bạn có thể kiểm tra lại qua nguồn sau
Nguồn
https://www.namkyluctinh.org/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-ngoc-ninh/gioi-thieu-truyen-nom-the-ky-19-toi-vo-vo-chiu.html
--------------------------
Chữ Nôm tức chữ Nam nói trại đi, là một loại chữ mà
các nhà sư và các bậc hữu học Việt Nam đã sáng tạo ra theo mẫu chữ Nho (tức chữ
Hán đọc theo ngữ âm Việt), để phiên âm tiếng Việt và viết văn thơ hay đơn từ Việt
ngữ. Tác phẩm lớn nhất viết bằng chữ Nôm là của Nguyễn Trãi, một bậc vĩ nhân
hùng tài đại lược và một đại bút của nước Việt Nam (1380 – 1442), là để ghi lại
những tâm tư của ông sau khi ông từ giã cha bị quân Tàu nhà Minh bắt giam ở
Trung Quốc và nhất là khi ông đã hoàn thành việc lớn, giúp Lê Lợi đánh đuổi đế
quốc và nên công đại định; tác phẩm ấy của Nguyễn Trãi được cho cái tên đầu
sách là Quốc Âm Thi là vì tập thơ ấy viết bằng chữ Nôm của thời tác giả để ghi
những âm của tiếng ta trong thế kỷ 15, nhưng khổ thơ quốc âm qua đời Hồng Đức
Lê Thánh Tông (1442 – 1497) đến thời Nguyễn Bình Khiêm (1491 – 1589) vẫn còn dựa
theo Đường thi của Trung Hoa.
Tập thơ truyện “Tội Vợ, Vợ Chịu” viết bằng chữ Nôm và
theo thể lục bát, khi ấy đã là thể thơ chính để viết truyện của Việt Nam, quan
trọng nhất là từ bộ Thiên Nam Ngữ Lục (viết trong thời Lê Trung Hưng với chúa
là Trịnh Tạc (1567 – 1682[1]) và Trịnh Căn (1682 – 1709[1]) để kể lẫn lộn dã sử
vào thời lịch sử chính thống, vì truyền thuyết nói rằng hai truyện Trinh Thử và
Phan Trần đã có trước chỉ là truyền thuyết vô căn. Tuy nhiên cũng không thể nói
rằng thơ Việt Nam theo thể lục bát 6/8 là bắt đầu ở Thiên Nam Ngữ Lục mà có thể
nói chắc rằng thơ lục bát là một sáng tạo của nhân dân Việt Nam, chủ yếu là của
dân quê ở những làng phía Tây Bắc Thăng Long trong thời nhà Lý. Sau khi tiếp
xúc với dân Chăm.
Năm 1991, đã gần hai mươi năm trước đây, kẻ viết những
dòng này đã trình bày cái thuyết này, nhưng viết bằng tiếng Pháp, thay lời tựa
cho một cuốn sách cũng bằng tiếng Pháp nói về “Cái Ăn và Cái Uống của người Việt
Nam qua tục ngữ, ca dao”, của Giáo sư Nguyễn Đình Cát. Ngoài giới y khoa ở
Canada ra, có lẽ ít người biết được cái bài nhỏ nầy và tôi không làm chi hơn được
là dịch lại một đoạn với vài chi tiết thêm vào:
“Những cuộc chinh phạt của Việt Nam vào địa hạt Chăm
không những đã du nhập vào nước ta, quan trọng nhất là vào thời nhà Lý – nghệ
thuật kiến trúc điêu khắc (và hội họa) của phương Nam – xin hãy nghĩ đến chùa
Hương Tích với các phù điêu đục nổi hình những nhạc công Chăm và những thân
hình mạnh mẽ của những Hộ Pháp ở cửa các chùa mà người mẫu là người đô vật của
nước Chăm; những cuộc chinh phạt ấy còn đem về cho ta một số chuyện cổ diệu kỳ[2],
như chuyện Tấm Cám (…), chuyện “Hoàng Tử Sọ Dừa” (và hai huyền thoại đã suy tàn
thành cổ tích, là chuyện “Rắn Già Rắn Lột” và chuyện “Trầu Cau” (với chuyện “Vì
sao loài bò lại mất tiếng nói”, vân vân, tôi không thể nói hơn được nữa. Kĩ thuật
và hạt thóc giống của lúa “Chiêm”, đã cứu dân Việt thời Lý và sau nữa khỏi bị nạn
đói và nước Đại Việt đưa được quân sang tận nước Tống mà chặn từ gốc một cuộc
xâm lăng từ phương Bắc, chúng ta đã có nhờ dân Chăm. Tôi còn sẵn sàng để nghĩ rằng
một số tiếng từ gốc Phạn như Bụt, biết (bodh’), đau khổ (dukhha) đã vào tiếng
ta là qua Champa trong những thời đại lịch sử đã xưa ấy (…) Sau cùng, tôi muốn
nói ở đây cái thuyết mà tôi chủ trương về nguồn gốc Chăm của thơ lục bát, là nhịp
căn bản của ca dao và hát đối (quan họ, hát phường, hát trống quân), ăn với nhịp
bước của những cô gái quê gánh gạo lên chợ hay cấy mạ xuống ruộng), trước khi
thành thể thơ tiêu biểu cho văn chương Việt Nam. Nhà văn Võ Phiến, trong một
tùy bút tùy hứng thời in trong một số Bách Khoa của tháng 9 năm 1971, đã ghi lại
một bài hát ru em tiếng Chăm (tức Chàm), theo thể lục bát, trong đó ông viết rằng:
“thể thơ nầy được nghe thấy ở tận những hang cùng ngõ hẽm”, “được ngâm, được
hát bởi mọi tầng lớp dân gian” và là “căn bản của các dân ca ở phố Chăm tại
Bình Thuận”. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết trong cuốn “Dân ca ở Việt Nam” những nhận
xét tương tự và có dẫn chứng bốn câu lục bát Chăm với vần eo ở câu tám). Cuộc
viễn chinh lần đầu của Việt Nam sang xứ Chăm dưới thời vua Lý Thái Tông (1040)
(đã giết vua Chăm Sạ Đẩu), vào đến kinh đô Amaravati (Phật Thệ?) và bắt hơn
5000 tù binh cùng với nhiều đàn bà con gái, và cuộc chinh chiến thứ 2 trong thời
Lý Thánh Tông (1068) (với sự chỉ huy của Đại tướng Lý Thường Kiệt), vào đến
kinh đô Vijaye (Chà Bàn tức Đồ Bàn) bắt sống Rudravarman thứ Ba (Chế Cũ) cùng với
một số tù binh Chăm không biết là bao nhiêu. Các tù binh của hai cuộc chiến
tranh nầy đã được đưa về Thăng Long, một số nhỏ được giữ trong cung điện của
vua và các nhà quyền quý để làm thị tì hay nhạc công, vũ công, còn thì được cho
an cư ở thủ đô”[4].
Sau những sự kiện lịch sử này ít lâu thì ở nhiều làng
ven đô, những làng có tên Chèm, Vẽ, Láng bỗng có những người nói hay hát lên
hai hay bốn câu thơ tiếng ta theo điệu Chăm, hoặc là khi ru con ở nhà hay khi
đang cùng làm việc với nhau ngoài đồng, cấy mạ, gặt lúa, hay khi đang vui vẻ
gánh lúa về nhà rồi đội gạo ra chợ. Những câu hát gợi tình và trữ tình, những
câu hát rởn để đùa cợt với nhau trên đường xa, những câu để vỗ về giấc ngủ của
con và những câu than thân trách phận được truyền đi, nhắc lại. Rất chóng,
trong những ngày hội, hội mùa xuân, hội ngày mùa, hội hè, hội chợ, người ta tổ
chức hát đúm, hát phường, rồi cả tỉnh Bắc Ninh thành trung tâm của hát quan họ,
làng Láng, làng Vẽ, có những hội tưng bừng rộn rịp tình người trên dòng sông Tô
Lịch, trong đó có tài tử và giai nhân kể cả những gương mặt lớn như nhà thơ
Nguyễn Du, nhà cách mệnh Phan Bội Châu, quan Đề đốc Hoàng Hoa Thám, gọi nhau về
tham dự thâu đêm cho đến khi mặt trời ló dạng và còn quyến luyến chưa rời. Đời
Tây Sơn thì ở quanh những vùng vừa trở lại hòa bình, dân chúng vui mừng với những
đêm hát trống quân, người ta thách đố nhau để thử tài đua trí, không những là
câu đố hiểm hóc mà câu đố cũng lại phải sắc bén và tình tứ.
Đó là cái lò đúc của truyện Hoa Tiên, truyện Thúy Kiều
và thơ lục bát gấm hoa của đời này.
Truyện thơ là một thể văn nở hoa trên văn đàn Việt Nam
vào khoảng cuối đời Lê Trung Hưng và rộ lên sau thời đại loạn Tây Sơn. Cho đến
nay, không có một truyện nào là ghi xuất thế năm nào, một phần vì sự hỗn loạn
tràn ngập cả nước, một phần vì, trừ năm ba ngoại lệ, tất cả các truyện thơ
trong thời này đều không có cả tên tác giả. Thời loạn, khi tình hình xoay như
chong chóng, người ta phải tàng hình, độn thổ. Người Pháp có câu tục ngữ rằng:
“Muốn sống sung sướng, chúng ta hãy sống ẩn dật”. Trong những thuở “trời đất nổi
cơn gió bụi”, châm ngôn Việt Nam là rằng: “Muốn sống, hãy sống ẩn dật”.
Ở Âu Tây, vào khoảng thời này, tiểu thuyết cũng thăng
hoa, tuy rằng từ cuối thời Trung Cổ đã có những truyện thơ. (Bài Hát của
Roland, Truyện Tristan và Yseult). Nhưng xưa, là những truyện (ballad, chanson,
fair, rescit, conte),không phải là roman, là novel, mà ta dịch là “tiểu thuyết”.
Tiểu thuyết là những sáng tác hoàn toàn hư cấu (Như Buồn Nôn, La Nausée của
Jean-Paul Sartre, như Werthert của Goethe) hay xây dựng trên một tin vặt có thực
(Như Quỉ Sứ, Demons của Dostoievesky) để đặt một vấn đề, một vấn nạn, một sự
xung đột, một điều bế tắc mà không có đường gỡ trong hiện tình hoặc trong vĩnh
cửu. Những trắc trở và trăn trở không bao giờ hết trong tâm lý cũng như trong
các xã hội của con người. Vì vậy tiểu thuyết đúng tiểu thuyết không bao giờ “có
hậu”. Thời kỳ tiểu thuyết Âu Tây thăng hoa, nở rộ rồi thành thể văn lớn trong
hai thế kỷ vừa qua trùng hợp với sự nổ ra của phong trào lãng mạn và những đợt
sóng thần kế tiếp, phá bỏ và quét sạch những dây trói của chủ nghĩa cổ điển.
Nhưng lí do và nhân tố thâm sâu của những chấn động song song và liên hệ ấy là
cuộc cách mệnh ở Anh đi đôi với cuộc Cách Mệnh Pháp 1789 – 1792 về chính trị, rồi
sự nảy sinh của ý thức xã hội đối chọi với chủ nghĩa cá nhân và sau cùng là sự
nổi loạn chống lại sự phi lý vô nghĩa của sự hiện sinh (existence), không kể
hai cuộc thế chiến tuy có chấm dứt mà không hóa giải được mâu thuẫn và thù hận.
Nghệ thuật tiểu thuyết đã đạt được đến tuyệt đỉnh nhưng về nội dung thì không
có lối thoát nên một mặt thì muốn đột biến thành “tân tiểu thuyết” (Le Nouveau
Roman), một mặt thì đi tìm cái mới trong sự vọng ngoại (exotisme), hướng về những
xã hội văn hóa ngoài Châu Europe.
Ở Việt Nam nước ta, vì chưa bao giờ thực sự có tự do
và vì triết lý không phải là một thức ăn thường ngày của tối đại đa số dân
gian, nên tiểu thuyết, bắt đầu có với Tố Tâm và Đoạn Tuyệt vẫn chưa bao giờ ra
khỏi cái tính cách tỉnh lẻ (provincial)[5]. Ngày mai sẽ như thế nào, kẻ đang viết
những dòng này không biết, nhưng nghĩ rằng sự tiến bộ phải chung và về mọi mặt,
rằng nếu dân trí không cao, nếu dân sinh không đầy đủ, nếu sự học hỏi và suy tư
vẫn còn bị kiềm chế chỉ đạo, nếu sự thảo luận và phê bình không lên trên được một
mức độ đạo đức và trí thức đáng kể, thì sự sáng tác vẫn còn ngưng trệ không biết
cho đến bao giờ.
Trở lại với các truyện thơ Việt Nam của cuối Thế kỷ
XVIII và đầu Thế kỷ XIX. Một hai truyện, tôi có thể nói là thơ, còn lại hầu hết
hay tất cả đều là truyện và không có một truyện nào là tiểu thuyết. Điều này
không làm giảm giá trị của các truyện thơ. Truyện thơ đánh dấu một thời kỳ của
văn chương và gián tiếp là một nét đặc thù của xã hội Việt Nam trong thời ấy.
Câu hỏi đầu tiên của người viết hay học về lịch sử văn
chương Việt Nam là Nguyên nhân của các truyện thơ. Rối đến Vấn đề phân loại
truyện thơ. Sau cùng là Ảnh hưởng của truyện thơ trong văn chương và trong xã hội.
Cuối cùng là vấn đề nhỏ, rất nhỏ, của tập truyện thơ “Tội Vợ, Vợ Chịu” mà G.S.
Nguyễn Văn Sâm đã cho hồi sinh để chúng ta thấy sự tha thiết với quốc văn và
lòng ưu tư với đạo đức của người xưa.
Bốn vấn đề liên quan với nhau chặt chẽ vì truyện thơ
đã bột phát trong một quãng thời gian ngắn không ngoài nửa thế kỷ, và có cùng một
dạng như thể là bà con, mặc dù thị trường văn nghệ không có một dấu hiệu hay dư
âm gì rằng có một “phong trào” hoặc một “chủ nghĩa” gì như ở Tây phương.
Trong số các truyện thơ, có hai tập phải để riêng hẳn ra ngoài, một là Sơ Kính Tân Trang của Phạm Thái, hai là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Truyện Thúy Kiều” của Nguyễn Du. Truyện Thúy Kiều là một ẩn dụ (allegory) để nhà thơ dãi bày tâm tư thầm kín của ông khi mệnh trời (?) bỗng nhiên làm “thay đổi sơn hà”. Còn “Sơ Kính Tân Trang” là một bài thơ trường thiên để tác giả khóc mối tình ngang trái và bi phẫn của ông. Các người cổ, vì không hiểu, nên tưởng là truyện và lên án hai tuyệt phẩm đi trước thời đại cả hai ba trăm năm và là niềm kiêu hãnh của dân tộc ta ngày nay.
Các truyện thơ khác, từ Hoàng Trừu, Thạch Sanh đến Hoa
Tiên , Lục Vân Tiên là những truyện, viết bằng thơ lục bát, để cho dễ nhớ rồi kể
cho nhau nghe.
Trước cuộc chiến tranh tàn ác và ngu tối nhất trong lịch
sử Việt Nam, người dân vẫn được nghe kể, không những là những truyện cổ tích
xưa, những chuyện chọc cười tiếu lâm, và chuyện tào lao khoác lác, mà những
truyện thơ, quanh cái bếp còn ấm của gia đình, hay ở hè phố với cái đàn bầu một
dây của ông xẩm, hay trang trọng hơn nữa, ở sân chùa với một người “kể hạnh”,
những ngày lễ “vía Phật”. Nhiều người lắm thuộc truyện thơ trôi chảy như cháo.
Người ta dẫn được các lời thơ khi trò chuyện. Cho đến những cô hàng xóm hay bà
gánh bánh đúc, đi bán rong ở đường phố cũng dấu một quyển Hoàng Trừu hay Bạch
Viên Tôn Các dưới gầm thúng bát đĩa để khi đỗ gánh ngồi nghỉ thì rút ra mà đọc
và nhớ lại. Không có một cuốn tiểu thuyết tân thời nào có được cái vinh dự ấy.
Người ta kể truyện thơ, Để làm gì? Giải buồn, hay “mua
vui” như Nguyễn Du viết trong câu cuối của Truyện Kiều? Không. Câu nói ấy chỉ
là để che mắt thế gian. Tất cả các truyện thơ viết ra đều chỉ có một mục đích,
là để răn đời, và người đời đánh giá các truyện thơ theo cái tiêu chuẩn ấy,
tiêu chuẩn độc nhất cho truyện thơ. Các cụ dạy bảo con cháu rằng:
Đàn ông chớ kể Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.
chỉ là vì cái lý do ấy, luân lý, đạo đức hay đúng hơn,
thuần phong, mỹ tục, là cái thước đo giá trị của một truyện thơ.
Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các truyện thơ không
ghi danh tác giả. Cả đến một lời đồn cũng không có, Truyện thơ ra đời đã hơn
hai trăm năm nay mà không hề có một tăm hơi và một giả thuyết nào rằng có lẽ
triết gia Bacon hay quận công Edimburgh đã viết truyện Phạm Công Cúc Hoa, rồi lại
viết truyện Trê Cóc. Mỗi tác giả truyện thơ là một trường hợp Shakespeare. Thi
sĩ, kịch sĩ, tác giả các bài thơ Sonnets và các kịch có tên là Hamlet, Othello,
The Tempest… còn lưu lại một cái biệt hiệu bao phủ trong tối tăm, các tác giả
truyện thơ Việt Nam không để lại cả cái bóng của một làn khói mỏng.
Về tên tuổi và thân thế của họ, Không phải là vì họ đánh
mất tên. Họ dấu tên.
Nhưng còn những tác phẩm của họ? Nếu như Buffon, một
nhà văn Pháp trong thế kỷ XVIII, đã viết “văn, (hay đúng hơn, ngón bút, le
style) là người”, với nghĩa là tâm tính, dòng dõi, nghề nghiệp, tín ngưỡng…thì
qua các tác phẩm và nhất là qua lời văn, người ta phải thấy được không phải là
tên tác giả, mà một vài nét của con người tác giả. Ta thấy được gì, qua các
truyện thơ của thế kỷ XVIII và XIX Việt Nam? Ta thấy truyện thơ không có ngón
bút, truyện thơ không có style. Tôi không nói rằng không có thể, truyện thơ là
một thể văn, (un genre littéaire), thể truyện thơ đã tự thành. Truyện thơ cũng
có hình (forme), nghĩa là có cấu tạo (composition), có cơ cấu (structure), và
đôi khi cũng có những chữ, những câu như châu như ngọc, tạo ra những ấn tượng
sâu xa. Nhưng truyện thơ không có ngón bút, không có style, không có cái gì đó
khác biệt từ người này sang người kia, làm cho người ta đọc một hai câu thì thấy
ngay nét bút của Hồ Xuân Hương hay Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều hoặc giả
Nguyễn Du. Một cái chấm của Van Gogh và một cái chấm của Seurot, một đường cong
của Matisse và một đường cong của Picasso đều là những thực hiện thiên tài,
nhưng sao mà khác! Đó là style, cái ngón bút.
Các tác giả viết truyện thơ dấu tên và không có ngón
bút. Như những người viết tân tiểu thuyết đời này. Nhân vật chính gọi là “anh
hùng” (heros) là một ngụy hùng (anti-héros). Tiểu thuyết của Nathalie Sarraute
là những phản tiểu thuyết (anti-roman). Sự phản kháng đến độ cao phi tưởng
phi-phi-tưởng trong phong trào tân tiểu thuyết. Truyện thơ Việt Nam không phải
là một phong trào, không có một chủ trương hay một chủ nghĩa nào cả. Truyện thơ
là một hiện tượng xã hội. Vì thế nên truyện thơ chỉ có những tác giả không tên.
Không tên nên vô ngã. Ngón bút của truyện thơ là không ngón bút.
Vì truyện thơ viết ra không phải là vì tác giả bị thôi
thúc bởi tâm tư và tâm tình của mình, có một nỗi oan khiên hay oán hận nung đúc
tim gan từ thuở vào đời. Truyện Kiều và Sơ Kính Tân Trang là thơ chữ không phải
là truyện và ở trên dòng của Cung Oán và Chinh Phụ , hay xa hơn nữa, Le Lac (Hồ
Xưa) của Lamartine và bốn bài Đêm (Nuit) của Affred de Musset. Truyện thơ, đặc
thù của văn chương Việt Nam trong một thời đại, một thế hệ. Truyện thơ đáp ứng
một tâm trạng (mentalité) xã hội và nhằm vào những người đã mất cái tội cộng đồng
như những con thuyền lạc lỏng trong bão tố của biển cả mà không có cách gì để định
phương hướng.
Chúng ta hãy thử quên đi cái quá khứ rất gần của cuộc
đại loạn hơn một vạn ngày đã làm mất tuổi trẻ của rất nhiều người và tạo ra những
biến động chưa từng thấy trong bốn nghìn năm lịch sử của nước ta. Bằng sự tưởng
tượng, hãy trở lại hai mươi năm về trước, khi đột nhiên, có những người, ta có
và có những người rừng núi và ta vẫn gọi là “Mọi” một cách vừa khinh thường vừa
kinh khiết, từ cao nguyên xuống với ngựa voi; họ đạp đổ triều đình của Chúa
Nguyễn rồi kéo nhau ra Bắc hà, làm cho Chúa Trịnh chạy trốn biệt tăm biệt tích
và triều đình của vua Lê rúng động, phải dâng công chúa Ngọc Hân và mở cửa kho
cho họ tự nhiên vào vơ vét. Đã đành rằng trong cái nhãn quan của ta ngày nay, cả
Nam triều và Bắc triều đều không như ta mong muốn, và nhân dân thuở ấy cũng
điêu đứng lắm với những thuế má tạp nhạp nặng nề để đắp điếm vào những lỗ hà lỗ
hống của những nền hành chính lạc hậu tham tài, nhưng dân gian chỉ cầu có một sự
bình an tương đối để sống cho đến ngày mai. Đùng một cái, cái nhà ọp ẹp sụp đổ
và trong một thời gian, không có một cái mái để che nắng, che mưa: từ Bắc vào
Nam, chỉ có chém giết, đốt phá; vận nước mong manh, quân Mãn Thanh nuôi ý đồ
chiếm nước, quân Tiêm la thực sự xâm lăng, người “Bạch quỉ” tính đường lập
thương điếm và đạo trường; không phải ai ai cũng nghĩ rằng vua Quang Trung là đấng
anh hùng cứu dân, cứu nước, nhiều người thời ấy gọi là “giặc” Tây Sơn và nhiều tài
liệu lịch sử kể những tội ác của quân lính gốc rừng núi. Nguyễn Huệ và Nguyễn
Nhạc, Nguyễn Lữ có uy vũ và có mưu lược nhưng không người nào có đủ tài năng để
kiến tạo một chế độ mới hay cả đến một nền cai trị và quốc phòng vững để an
dân. Thời Tây Sơn chỉ là một trận cuồng phong của Lịch sử (Nguyễn Du gọi là ngọn
“tây phong” lạnh lẽo) mà dấu vết là rất nhiều đổ vỡ và một đại họa cho mấy thế
kỷ sau.
Xã hội từ thành thị đến nông thôn, bị đảo lộn. Từ loạn
Kiêu binh cho đến giặc Tây Sơn, người ta không biết trông vào đâu, bám vào đâu,
những chuyện đảo điên là thời sự, người người lên voi xuống chó trong chớp mắt.
Nguyễn Huệ đang đêm vào dinh của Nguyễn Hữu Chỉnh và chém hắn chết, anh em ruột
mà phải khóc mà cầu xin rằng đừng lấy da làm nồi để nấu thịt, là những điều “tiếng
lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” theo những phương thức vô tuyến của đời xưa,
không ai là không biết, mà không ai biết gốc nguồn từ đâu. Bài Văn Chiêu Hồn của
Nguyễn Du, kể những giấc mộng không thành của một thời đại loạn, cũng là một
bài khóc những người sống mà chỉ còn là những cô hồn vất vưởng, không hương
không khói vì các giá trị của đời sống văn hóa cổ truyền đã bị đạp đổ hằng
ngày, trước mắt.
Còn chi ai quý, ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hèn, người ngu.
Sự đổ vỡ lôi cuốn sự đồi trụy, người ta sống không
nguyên tắc, không phương hướng, bừa bãi, vô kỷ vô cương, không những rằng vô
chính phủ mà vô văn hóa, không những không ngày mai mà không cả quá khứ, chỉ có
những phút giây hiện có, hiện còn, hiện tại. Cái giây phút ngồi lên một chiếc
xe gắn máy, phóng bạt tử trong bóng đêm, với một em ngồi ôm lưng ở đằng sau[7].
Nhưng trong thời đại truyện thơ, nước Việt Nam gọi là phong kiến, chưa có
Honda, Suzuki, nền đại tư bản quốc ngoại chưa xâm nhập để bóp nghẹt dần cái hạ
tầng cơ sở nông nghiệp cổ truyền của ta. Chỉ có, hãy còn chỉ có, ta với ta. Những
người viết truyện thơ trong thời ấy là viết cho tuổi trẻ mất phương hướng của
thời ấy.
Tất cả các truyện thơ, trừ những truyện mà kẻ cầm bút
này chưa được đọc, đều kể những chuyện trung, hiếu, tiết, nghĩa. Cha mẹ đính
hôn cho con trai con gái từ nhỏ nếu không phải là từ khi chưa người nào lọt
lòng và như thế là định đoạt xong hạnh phúc suốt đời của đôi trẻ. Chúng cũng
không cần phải biết nhau. Có một nghịch lý nghịch cảnh, một sự kiện ngang trái
xảy ra, do định mệnh, nhưng chỉ là một sự thử thách lòng trung kiên của hai người;
lại có khi có những cám dỗ, quyền quý, quan sang, nhưng cũng chỉ là để dò xét,
hoặc, hơn nữa, một sự tôi luyện cho đôi vợ chồng chưa cưới. Kết cục tốt đẹp là
phần thưởng cho sự kiên cường trong lễ giáo và là sự hứa hẹn cho những ai biết
theo lời dạy bảo.
Đôi khi, cốt truyện đổi đi, nhưng vẫn đề cao các đức hạnh
của Đạo Nho. Thạch Sanh nhà nghèo nhưng chí lớn, cứu khổn phò nguy, và đến cuối
cùng truyện gảy đàn mà đuổi được quân địch đang vây thành. Lòng trung và sự hào
hiệp sáng ngời trong một cốt truyện hoàn toàn hư cấu, không bóng dáng một sự
vay mượn hay mô phỏng chuyện Tàu hay chuyện Ấn Độ[8].
Tác giả của truyện này có thể định là những ông đồ nho
ở làng, buồn về những chìm nổi của thời thế, chán ngán với tình đời đen bạc và
sự suy đồi của mỹ tục thuần phong. Các ông viết để khuyên, để răn. Không một ai
có ảo vọng gì rằng các độc giả cơ hội của những truyện thơ các ông đã thâu đêm
viết ra mà biết thưởng thức những châu ngọc trong những gấm thêu nếu có, của
truyện. Giới tiêu thụ là những cô hồn thất thểu dọc ngang, bị nhổ rễ ra khỏi
nhà và ra khỏi làng nhưng vẫn cần phải có miếng cơm, hớp nước để kéo dài kiếp sống
thừa và một manh chiếu đất với một mảnh mùng trời mà qua những đêm đã kiệt sức
cạn hơi. Những cô hồn còn thể xác ấy, đã hết mộng mị, làm gì mà còn luân lý, lễ
nghĩa, tình đời. Truyện thơ xuất thế cả tháng cả dọt là để níu kéo những người ấy
trở về và cố giữ những người sắp trôi đi khỏi bị cuốn vào lốc bụi của những luồng
gió loạn đang thổi cuồng trên khắp nước An Nam.
Bên cạnh và cùng lúc với những truyện thơ vô danh của
các nhà nho, lại có truyện thơ của các nhà sư. Hai truyện được phổ biến rộng
rãi một phần vì giá trị văn chương ở trên mức bình thường, một phần vì tổ chức
kể hạnh trong các chùa ở Bắc Hà; Hai truyện ấy là Quan Âm Thị Kính và Nam Hải
Quan Âm không trực tiếp dạy đời tuy cũng kể những cuộc đời đạo lý, những an ủi
và làm dịu những oán hận, gạt bỏ những tin tưởng tối tăm về định mệnh mù quáng
(như một thằng bán tơ đột nhiên làm nát cuộc đời của một người con gái nhỏ vô tội)
và thay thế bằng cái nghiệp, tạo nên bởi một lời nói dại dột ở một kiếp trước,
nhưng khi đã trả hết bằng sự nhẫn và lòng trì thì đưa con người lên hàng Bồ Tát
cứu khổ cứu nạn cho cả thế gian.
Nhiều truyện thơ nữa của Phật giáo nó sẽ còn bị chôn dấu
trong kho tàng kinh của nhiều chùa. Tôi dám nói thế là vì chỉ trong vòng mấy
năm này mà tôi đã có cái duyên may được giới thiệu hai tập truyện thơ mới được
tìm thấy. Tập thứ nhất là Hứa Sử Truyện Vãn mà tác giả được ghi rõ là nhà sư
Toàn Nhật. Đây là một trường hợp hãn hữu mà ta biết, ít ra là pháp danh của tác
giả, và nhờ thế mà ông Lê Mạnh Thát đã minh xác được vài điều quan trọng về cuộc
đời tác giả Hứa Sử Truyện Vãn[9] ở một tự truyện và một hư cấu để đặt một vấn đề
lương tâm của Đạo Phật, là: Một người đã quy y và tu theo Phật có được phép cầm
khí giới ra chiến trường để giết kẻ địch là “giặc dữ xâm lăng” không. Làm theo
Thầy dạy tức là theo Giáo Pháp của Đức Thế Tôn, còn làm theo lời truyền của Vua
tức là theo thế tục; Hứa Sử đã bác bỏ lệnh Vua và theo lời Thầy. Truyện Hứa Sử
là cái cầu đầu tiên trong lịch sử văn chương Việt Nam để vượt cái cổ và vào cái
kim. Hứa Sử Truyện Vãn là cái mầm non của tiểu thuyết nhưng còn phải lột bỏ cái
xác văn vần để người ta thuộc và kể hay ngâm thì mới vươn lên để có đủ tầm vóc
mà thành tiểu thuyết. Lúc này, văn xuôi của ta còn ấu trĩ quá, gần như là chưa
có, nên không thể cầu mong hơn.
Truyện thơ Phật giáo thứ tư là truyện Tội Vợ, Vợ Chịu.
Các truyện thơ Việt Nam có để lại một dấu vết gì trong
lịch sử xã hội và lịch sử văn chương Việt Nám không?
Sự khai sinh ra truyện thơ là một sự kiện mà lịch sử
không thể bỏ qua, nhất là lịch sử theo những khuynh hướng hiện đại, coi những sự
thăng trầm của vua chúa hay những thành bại của chiến tranh chỉ như những cơn
gió thoảng hay nhiều lắm, một trận bão lớn, đời sống của xã hội, miếng ăn, công
việc hay tâm trí của con người diễn ra theo những nhịp độ khác.
Trận gió từ Tây Sơn thổi xuống thực là mạnh, rất là lạnh,
và đã làm rụng lá, rơi hoa nhiều lắm, những lá và hoa không đủ sức mà bám vào
ruộng mà gắn với rễ trong lòng đất.
Truyện thơ, nhất là truyện của các nhà nho ở làng, có
lẽ cũng có thể làm cho một số người hồi tâm và trở về với gia quyến, làng mạc.
Tuy nhiên, các truyện đều viết bằng chữ Nôm và một số người thật học trong một
thời loạn lạc, chắc là không ít, sự ấn loát phải còn dùng đến những bản khắc
trên gỗ nhiều khi phải nhờ đến một ấn quán ở Trung quốc, nên sự lưu hành có thể
đoán là rất hẹp hòi và chỉ ở trong những khu vực hạn chế. Việc chép tay cũng
có, nhưng được giới hạn ở những tác phẩm được nhận là trác tuyệt về văn chương
như Đoạn Trường Tân Thanh; và nếu có đi nữa, thì những bản chép cũng được giữ ở
chùa hay trong gia đình chứ không cho xuất ngoại bừa bãi. Sự kể, - kể hạnh, kể
xẩm và kể trong gia đình-, tiếp nối bởi sự truyền khẩu bực hai với nhiều lỗ hổng,
nảy nở ra với các truyện thơ và giúp rất nhiều vào sự phổ biến của loại văn này
trong dân gian trong thời gọi là tiền chiến.
Kẻ viết những dòng này nhìn nhận truyện thơ như một
hình thức giáo dục bình dân, rất nặng về công dân giáo dục. Trung, nghĩa, lễ,
trí, tín, lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng sự chung thủy với bằng hữu là những đề
tài chính. Nền giáo dục này không phải xuất từ chính quyền. Từ lúc Nguyễn Nhạc
xuống núi rồi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ nhất, Đằng Trong cũng như Đằng
Ngoài của nước ta ở trong tình trạng vô chính phủ. Đời sống của dân rã rời, như
một bức tường đổ xuống từng mảng. Các ông đồ, với cái thiên chức ngàn năm là giữ
đạo thánh hiền tìm ra được một phương thức là truyện thơ. Một sáng kiến mới mẻ,
xây dựng, đáng được vinh danh thiên cổ. Tiếc rằng bệnh của cả xã hội thì quá nặng
mà chỉ có tàn hương nước thải làm thuốc thì dầu con bệnh thoát chết, nhưng lục
phủ ngũ tạng đã thối nát, khó phục hồi. Từ đó đến nay lại xảy ra bao nhiêu tai
nạn, làm cho sự suy vi tiếp tục, trừ phi…. Truyện thơ này cũng đã chết hẳn, vì
các thầy lương y cũ không còn và vì bệnh tình cũng đã chuyển hướng. Từ hơn nửa
thế kỷ nay, không bao giờ chỉ là ta với ta nữa.
Tôi trân trong giới thiệu về truyện thơ về anh Trương
Thiện Hữu, một người dân Việt Nam hiền lương, rất thương yêu vợ, mà không ai biết
cho đến nay, nếu không đã có một người hiểu cái đạo lý ở đời chép lại (bằng chữ
Nôm) và được Giáo sư Nguyễn Văn Sâm chuyển sang chữ abc đời nay cho chúng ta từ
nay cũng đọc được và khỏi bị hoàn toàn nhổ rễ ra khỏi cái quá khứ của dân tộc.
Chú thích:
[1] Năm lên năm chức Chúa và năm chết. Có lẽ tác giả
còn khuyết danh, của Thiên Nam Ngữ Lục (8136 câu thơ lục bát) đã được Trịnh Tạc
giao cho việc viết sách Nôm để dạy dân theo về Chúa Trịnh hơn về Vua Lê (thiên
hạ Trịnh Lê).
Kính vâng tay mới chép làm nôm na và đã hoàn thành
sách khi Trịnh Căn đã được phong làm nguyên soái vào mùa thu năm 1674 mà chưa nối
nghiệp Chúa của cha (1682).
[2] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
[3] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Minh Tân,
Paris,x.b.
[4] Trần Ngọc Ninh, En Cruise de Préface trong Nguyễn
Đình Cát. Le Manger et Le Boire Vietnamiens à Travers la Littérature
Populaire”, Associasion des Médecins Vietnamiens au Canada, Montréal, 1991.
[5] “Tỉnh lẻ” (provincial) là chữ của Jean-Paul Sartre
để phê bình các novels (tiểu thuyết) Hoa Kỳ. Tiểu thuyết Việt Nam không biết đã
ngang hàng với các tiểu thuyết Mỹ chưa?
[6] Trần Ngọc Ninh, Tố Như và Đoạn Trường Tân Thanh Khởi
Hành và Viện Việt Học x.b. 2002.
Trần Ngọc Ninh, Thơ Trong Truyện Kiều, Khởi Hành XV, số
170 – 184 (2010) và Truyền Thông, Montréal, 39 -40 (2010 – 2011).
[7] Tin vặt thời sự trích báo Việt Nam của thành phố
HCM. “Bão đêm” là những cuộc đua xe máy tổ chức bởi thanh niên thanh nữ Việt
Nam 2010.
[8] Ông Cao Huy Đỉnh (Văn Hóa Ấn Độ, nhà xuất bản VH,
Hà Nội, 1993) nêu giả thuyết rằng truyện Thơ Thạch Sanh là phỏng theo anh cùng
ca Ramayana của Ấn Độ. Ảnh hưởng của Ramayana có thể lan đến Cambodia và có lẽ
đến cả dân Chăm khi theo Ấn Độ Giáo, nhưng không sang Trung Hoa (mặc dầu có con
khỉ Hanuman con của Thần Gió, nhưng các nhà phê bình Anh, Mỹ và Hoa đều bác giả
thuyết rằng con khỉ Tôn Ngộ Không là hóa thân của Hanuman) và không đến Việt
Nam. Trong truyện Ramayana, con khỉ Raksasa Ravana bắt vợ của Rama và đưa về đảo
Lanka, bị con đại bàng đánh để ngăn chặn. Nó giết con đại bàng và bay về cung
điện của nó. Trong truyện Thạch Sanh, công chúa bị con đại bàng bắt về hang của
nó và Thạch Sanh đến cứu. Đại bàng trong thần thoại Ấn Độ là biến thân của chim
thần Garuda.
[9] Toàn Nhật, Hứa Sử Truyện Vãn trong Lê Mạnh Thát,
Toàn Nhật Quang Đài, Vạn Hạnh, 2004.