Nguyên là bài Thu Bồn, khuôn mặt một nhà văn con ruột của chiến tranh
***
Khoảng đầu 1983, tôi gặp Thu
Bồn ở cổng Văn Nghệ Quân đội. Đây là nơi chúng tôi đã cùng sống trong một căn
nhà, và nay đều đã dọn đi chỗ khác.
Anh thì tuy vẫn còn trong
biên chế của Tổng cục Chính trị, nhưng biệt phái ở Sài Gòn, lâu ngày mới ra
ngoài này. Tôi thì đã chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn được mấy năm.
Chúng tôi là những người quen cũ, nhưng lâu
ngày không gặp. Chuyện ngày xưa dông dài giở ra không tiện. Mà chuyện mới
thì bỡ ngỡ, chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đột nhiên, Thu Bồn cười, cái
cười khiến cho khuôn mặt có nhiều vẻ dữ dằn của anh thêm trẻ lại. Anh hỏi tôi,
giọng thỏ thẻ hiếm có:
- Nghe nói chúng mày ở ngoài ấy nói xấu tao
nhiều lắm phải không?
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi buột mồm:
- Có gì đâu,
chẳng qua đây là một tâm lý thông thường. Bọn chó nhà bị cùm xích trông thấy
chó rừng chạy rông, thường hay ăng ẳng sủa bậy tỏ vẻ ghen tị. Kệ bọn tôi, đừng chấp.
Sau này nghĩ lại, tôi vẫn
thầm cám ơn hôm đó trời ứng vào mồm thế nào, trả lời Thu Bồn được gẫy gọn,
khiến anh nghe được mà bọn tôi cũng vui.
Quả thật, cuộc sống thông thường của khá nhiều
người viết văn là cuộc sống công chức tẻ nhạt. Ham muốn thì nhiều, làm được thì
ít. Hạnh phúc tầm thường. Cảm xúc sáo mòn. Lúng túng vụng về trong hành động,
chỉ lấy mấy câu triết lý hão huyền thay thế.
Còn Thu Bồn có một cuộc sống thật khác.
Trong đời sống hàng ngày,
anh là một người khéo chân khéo tay, tháo vát, làm gì cũng được.Trông sự nhanh
nhảu mau mắn của anh mà người ta phát thèm.
Ấy thế nhưng trong hạnh phúc riêng tư, đấy lại
là một con người vất vả với chính mình, mà không tìm ra lối thoát, tự mình xây
đắp nên rất nhiều rồi cũng phá bỏ đi rất nhiều.
Sức mạnh ở Thu Bồn khá rõ. Đó
là sức mạnh của suối đổ, sông trôi.
Nhưng sức kìm hãm ở chính anh lại không theo
kịp. Có cảm tưởng anh không làm chủ nổi chính cái sức mạnh của mình, và đấy là
một điều khiến cho những người đứng ngoài vừa khâm phục, vừa kinh hãi.
Khoảng cuối những năm năm
mươi và suốt những năm sáu mươi tức là tính chung từ 1970 về trước, cuộc chiến
tranh chống Mỹ ở phía nam còn nhiều tính chất thiêng liêng, bí mật, người đi
người về kín đáo, chứ không công khai rầm rập như những năm về sau. Nghe nói có
một người đi B. ra, là hiếm lắm, ai cũng muốn gặp.
Mà Thu Bồn, Liên Nam lại là những người đầu tiên, từ
miền Trung Trung Bộ (B1) ra với chúng tôi.
Tư cách của các anh bấy giờ:
đại diện cho các lực lượng văn nghệ quân giải phóng.
Bởi vậy, nghe nói là khi các
anh mới ra ( tôi nhớ là 1968 ?) có cả lễ đón cẩn thận để quay phim chụp ảnh. Lễ đón này tôi không
được dự, nhưng ai đi về cũng kể là nó rất trang trọng.
Trước đó, Thu Bồn đã nổi
tiếng với một số bài thơ đăng báo, đặc biệt với Bài ca chim
Chơ-rao.
Tôi nhớ các quan chức tuyên
huấn năm đó, rất ưu ái trường ca này, đã lệnh cho báo Văn Nghệ in tác phẩm thành phụ trương, với số lượng
rất lớn.
Bởi vậy, tuy trong anh em viết văn cũng có
người chưa thích lắm ( Xuân Diệu chua ngoa mai mỉa, người ta cố rao cho nó mãi, mà nó vẫn trơ ra), nhưng trường ca vẫn được coi là một
thành công tiêu biểu cho sáng tác văn học hồi ấy.
Thu Bồn trở thành một nhân
vật của đời sống văn nghệ. Anh thường xuất hiện trong các buổi họp có ý nghĩa
chính trị quan trọng, và với tư cách một người của miền Nam Việt Nam , anh đi dự
các hội nghị quốc tế.
Còn trong những lúc chuyện
vặt hàng ngày, dần dần chúng tôi cũng được nghe Thu Bồn kể thêm mà nhớ
nhất là nghe anh nói về những vất vả đã phải gánh chịu trên đường đi từ
nam ra bắc.
Lần ấy anh đi với người vợ đầu của mình, chị
là bác sĩ, anh là nhà thơ, hai người lặn lội trên các nẻo đường Trường Sơn, một
đứa con trai dắt tay, cháu tên là Hùng, một đứa con trọng bụng (sau này, cậu
con trai thứ hai này được đặt bằng một cái tên rất gợi cảm: Băng Ngàn).
Vì Hùng lúc ấy còn bé, nên bố
phải đặt cậu ngồi vào một chiếc ba lô, đáy ba lô được đục thủng để thò chân ra
ngoài. Và bố mẹ thay nhau đeo ba lô trên đường.
Sự sống những năm chiến tranh thật đã đi đến
chỗ cùng cực của nó, nhưng quả thật, nó còn là một cái gì rất mạnh. Gia đình an
toàn ra đến Hà Nội, dù sau này Hùng do ngồi địu nhiều quá, chân còng còng, phải
đập xương ra bó lại.
Có lẽ ấn tượng của tôi về sự
tháo vát và cả sự quyết đoán của Thu Bồn
bắt đầu từ câu chuyện ấy, chuyện vượt Trường Sơn của vợ chồng anh năm ấy.
Sau này có dịp ở gần Thu Bồn
(trong tập thể cơ quan ở 4 Lý Nam
Đế), tôi cũng được chứng kiến sự tháo vát của anh.
Phòng anh ở luôn luôn gọn gàng. Có khách đến,
cần phải nấu cho khách bữa cơm, sắp xếp cần để lưu khách lại cùng nghỉ qua đêm,
anh lo liệu rất nhanh.
Thậm chí, bọn tôi hay bảo
nhau, giá có phải gánh đất, vượt thổ, chặt cây về làm nhà, sửa soạn một chỗ ở
cho tươm tất, một điều mà những anh em viết văn khác, loại nho sĩ “trói gà
không chặt” rất ngần ngại - Thu Bồn cũng làm “trên mức tuyệt vời” .
Hình như chính chiến tranh đã dạy khôn anh
trong các việc đó.
Ai đã từng có mặt trong
những chuyến B ngắn B dài trong những năm chống Mỹ hẳn biết cuộc chiến tranh đã
rèn luyện cho người lính của chúng ta thành những người rất năng động, thích
ứng với mọi hoàn cảnh, gặp chuyện khó khăn, biết dễ dàng vượt qua, để tạo cho
mình một đời sống tạm gọi là đàng hoàng chững chạc. Sự ưu đãi của thiên nhiên
với con người Thu Bồn bắt đầu từ phần sức vóc mà chúng tôi phải ghen tị. Và anh
đã thích ứng được với thời chiến. Cái điều mà nhiều người không làm nổi thì anh vượt lên rất tự nhiên. Anh sống theo
kiểu của những cơn lốc.
*
Chuyến đưa gia đình từ miền
Trung Trung bộ vượt Trường Sơn, là chuyến thứ hai, Thu Bồn ra Bắc.
Trước đó, năm 1954, người
lính cũ của Khu Năm này, đã từng theo đơn vị tập kết rồi về đóng quân ở các
tỉnh chung quanh Hà Nội.
Công việc của Thu Bồn làm lúc ấy đâu là giáo
viên văn hoá của một đơn vị pháo binh. Vừa dạy học, Thu Bồn vừa làm thơ, những bài
thơ nói lên nỗi nhớ quê hương ở xa.
Xuân Sách sau này có kể với
tôi, là những năm ấy, anh cũng mới là một cộng tác viên của tạp chí Văn Nghệ
Quân đội. Những lần
về 4 Lý Nam Đế họp, anh đã có lần gặp Thu Bồn. Ấn tượng chung ấy là một con
người rất nồng nhiệt, đi họp mà trong túi lúc nào cũng có rượu, ăn được, uống
được, viết được, tranh cãi với mọi người cũng được.
Cuộc sống ít nhiều chật hẹp
trên một miền đất quá mới (cuộc sống của người lính tập kết ra bắc) khiến cho
những người như Thu Bồn cảm thấy có phần tù túng, và việc được tổ chức phân
công trở lại miền Nam đối với các anh, như là một sự giải phóng.
Tài năng thơ của Thu Bồn cũng
được thổi bùng lên, từ chuyến trở lại quê hương lần ấy. Khi từ miền bắc ra đi
(1959) anh còn là một giáo viên, có một ít bài thơ đăng báo bình thường. Gần
mười năm sau, khi trở lại Hà Nội, anh đã là một nhà thơ được nhiều người nhắc
nhở.
Cho đến nay, cũng chưa ai
nghiên cứu thật kỹ sáng tác của Thu Bồn, nhưng tôi có cảm tưởng ở người viết
này, có một hồn thơ rất mạnh. Hồn thơ ấy như con người anh, chon von, hoang
dại, không đậu vào đâu hẳn, không chịu được những nền nếp đều đều.
Có nhiều câu Thu Bồn làm như
văn xuôi ngang phè, vô vị. Nhưng có những câu thật hay, như ngẫu nhiên được
viết ra, như bắt được, cái hay không sao giải thích nổi.
Cũng như Nguyễn Trọng Oánh và
Xuân Sách, Bùi Minh Quốc và Nguyễn Đức Mậu v.v..-- sau một thời gian làm thơ, Thu
Bồn lại chuyển sang viết văn xuôi.
Đến nay số tác phẩm tiểu thuyết, tập truyện
ngắn đã in ra, đã lên tới con số trên một chục cuốn, nhiều hơn cả số tập thơ
của anh.
Nhưng theo tôi, chỗ mạnh của Thu Bồn ngay
trong những tập văn xuôi ấy vẫn là hồn thơ kín đáo ẩn đằng sau những rung động,
quan sát.
Văn xuôi Thu Bồn có cái gì
hoang sơ như thiên nhiên rừng núi, cuộc chiến tranh vào trong tiểu thuyết của
anh (chẳng hạn Dưới đám mây màu cánh vạc) có tất cả cái vẻ kỳ cục của nó, nó tạo ra
đủ thứ mặt người quái lạ điên điên khung khùng… những đặc điểm ấy đúng là tạo
nên một sự say mê riêng nhất là với các bạn đọc ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trong sự sáng tác, đôi khi
vẫn có những chuyện ngẫu nhiên vui vui. Năm 1972, cùng đi chiến trường Quảng
Trị với Thu Bồn, Liên Nam, tôi được biết rằng tác giả Bài ca chim
Chơ rao chỉ ghé lại vùng Triệu Hải, quê
anh hùng Trần Thị Tâm ít ngày.
Vậy mà anh đã viết ra tiểu
thuyết Dưới
đám mây màu cánh vạc .Tác
phẩm được coi là khá thành công, được nhà xuất bản Thanh niên cho tái bản, được các dịch giả xô viết dịch
ra tiếng Nga.
Cách cắt nghĩa ở đây khá đơn
giản: Thu Bồn đã mang vào câu chuyện về Trần Thị Tâm toàn bộ những kinh nghiệm
của mình về chiến tranh.
Theo tôi biết, khi đã bắt được cái mạch chung
của cuốn sách, Thu Bồn thường viết rất nhanh, như cố đuổi bắt lấy suy nghĩ của
chính mình.
Nguyễn Đức Mậu có lần nói với tôi, đại ý cả
thơ, cả văn xuôi của Thu Bồn, nhiều khi toàn bài toàn tập yếu về bố cục, nhưng
thỉnh thoảng cứ có những câu những đoạn vọt ra ngẫu nhiên bất ngờ, người bình thường ngồi
kỳ cục đến đâu cũng không thể viết nổi .
Có vẻ đẹp của nhành hoa tươi
tắn, lại có vẻ đẹp của một gốc cây xù xì, vẻ đẹp của đá. Những vẻ đẹp có vẻ thô
tháp ấy có cái hấp dẫn riêng của nó. Thu Bồn hình như cũng hiểu cái tạng của
mình, là ở cái dạng thứ hai. Càng viết, anh càng cố ý khơi thật sâu vào chỗ
mạnh sẵn có.
*
Trong hoàn cảnh đặc biệt
của đất nước từ sau 1945, người thi sĩ nhiều khi đồng thời là người chiến sĩ và
muốn tồn tại được phải biết sống và nghĩ
như người chiến sĩ.
Không phải bao giờ ở một
người, hai vai trò này cũng tương hợp.
Nhiều người phải cố gắng
trở thành chiến sĩ, nhưng mới dừng lại ở cái phần lý tính. Trong khi đó , cái phần sâu sắc nhất trong
anh ta lại là những gì dịu nhẹ, tinh tế, có giấu đi cũng không được mặc dầu nó có phần
xa lạ với đời sống dầu dãi của người lính bình thường.
Về phần mình, Thu Bồn thật có cốt cách thi sĩ,
lại cũng thật có cốt cách chiến sĩ, hai yếu tố vào anh một cách tự nhiên, và
anh có ý thức tô đậm nó lên, làm cho nó trở nên hoàn toàn thống nhất trong con
người mình.
Nhưng không phải ở anh, không bắt gặp những hạn hẹp của cả người thi sĩ lẫn người chiến sĩ ở thời
chúng ta.
Cũng như nhiều người trở thành thi sĩ do đòi
hỏi của chiến tranh,-- cái phần cơ bản về văn hoá chưa tương xứng với phần năng
khiếu ở Thu Bồn.
Trí tưởng tượng của anh đi xa, nhưng nó không
bắt rễ liền với một sự tỉnh táo, chừng mực về đời sống. Sự nhẫn nại là một cái
gì xa lạ với hồn thơ anh.
“Phàm con người ta ở đời, có cái gì hơn người,
sướng cũng vì nó mà chuốc lấy cay chua cũng vì nó”
Trong Khách ở quê
ra, Nguyễn Minh Châu khi bàn về
chuyện vợ con của nhân vật Khúng, có viết một câu tạt ngang như vậy.
Câu khẳng định ít nhiều có
mang ý vị triết lý đó, kể ra đúng với nhiều người, kể cả trong văn học.
Như ở
trường hợp Thu Bồn mà chúng ta nói ở đây, những cái hơn người mà tôi nói trên mang lại cho anh nhiều nhưng
đôi khi cũng là đầu mối nỗi khổ của anh.
Khi đã làm việc gì thì phải làm bằng được, -- một
lối nghĩ ở Thu Bồn là vậy. Anh viết tiểu
thuyết ào ào như mưa bay gió cuốn, viết thật nhanh cốt đuổi lấy ý của mình. Có
khi vừa thấy xe máy của Thu Bồn đâu đó lọc cọc trở về, lát sau đã thấy anh ngồi
vào bàn. Hoặc năm phút trước còn đánh bóng, năm phút sau đã thấy máy chữ của
anh khua rào rào. Số tác phẩm văn xuôi Thu Bồn đã viết ra khoảng chục cuốn, số
đã viết ra không in được cũng khoảng gần gần thế.
Thơ thì Thu Bồn phải làm thơ
dài, trường ca, hết Bài ca chim Chơ rao, lại đến Ba - dan
khát, Cam-pu-chia hy vọng
v.v và v.v.
Trong cách làm việc, có vẻ
như Thu Bồn giống như những kiến trúc sư hiện đại, đã xây dựng là lên những toà
ngang dãy dọc đồ sộ, đơn vị để đặt lên nối tiếp nhau, không phải là từng viên
gạch bé nhỏ rời rạc, mà là những tấm pa-nen lớn, những cấu kiện lớn. Hay dở,
được mất… thế nào cũng chịu, nhưng đã làm là làm hẳn những cái lớn.
Chỉ có điều tiếc là lưng vốn
của Thu Bồn không phải lúc nào cũng cho phép làm việc kiểu đó.
Nghề văn là nghề của sự tổng
hợp, ở đó, cần cảm hứng, tốc độ, nhưng lại cần sự tỉ mỉ, chặt chẽ. Cái đó anh
không có và hình như cũng không muốn có.
Nhưng thiếu một trong hai yếu tố đó thì chín
với nghề sao được.
Không ai dở hơi đòi hỏi Thu Bồn phải có lối
viết chắt ra từng câu thơ một, như Chính Hữu chẳng hạn, nhưng sự thật, đơn
vị đầu tư sức lực của tất cả các nhà văn vẫn phải là từng tác phẩm cụ thể.
Nếu
không có sự bình tâm, hoàn chỉnh từng đoạn, phối hợp từng mảng, chăm cho từng
chữ, soi xét từng câu.. thì ngòi bút ào
ào tuôn chảy và ý chí làm việc lớn lao đến đâu rồi cũng chỉ mang lại những bán thành
phẩm.
Đôi lúc, xem cách làm việc
của Thu Bồn, có thể đoán là anh quá tự tin và sẵn sàng bất chấp mọi quy luật
thông thường, “được ăn cả, ngã về không”.
Song sáng tác có sự công bằng
của nó, người ta có thể nổi tiếng một thời nhưng vẫn khó tồn tại lâu
dài trong văn học nếu không tìm cách bắt vào được cái mạch vĩnh viễn đã
tồn tại trong lịch sử. Mà việc này thì Thu Bồn không có điều kiện để
làm và cũng không muốn làm.
Sở dĩ trong
những tác phẩm đầu, anh thành công rõ rệt, vì với mọi người lúc đó sáng
tác của anh là một cái gì tươi mới. Về sau, lưng vốn chưa cạn nhưng ngòi
bút không tìm ra cách khai thác mới,
anh đặt hy vọng vào cảm hứng quá nhiều, mà tự mình thiếu đi sự bình tĩnh
để chuẩn bị và tích
lũy cần thiết ( sự tích lũy nói ở đây không chỉ hiểu là vốn sống).
Rộng hơn câu chuyện “lực bất
tòng tâm”, câu chuyện ham muốn lớn hơn khả năng… tôi còn có cảm tưởng trong
sáng tác, Thu Bồn mang nặng cách sống của những đồng đội của anh trong chiến
tranh.
Người lính chống Mỹ là những
người lính rất tháo vát, chiến tranh họ phải đối mặt là chiến tranh hiện đại,
họ phải nhanh chóng thích ứng với tất cả khó khăn, lo liệu cho mình tất cả
những thứ cần thiết.
Cái vẻ căng thẳng quyết tâm
của Thu Bồn khi ngồi vào bàn tức tốc sáng tác mang đậm chất lính như vậy.
Có điều, giữa hai bên vẫn có
chỗ khác. Mà chỗ người lính không cần thì người thi sĩ cần. Song ở thi sĩ Thu
Bồn lại thiếu.
Sự tháo vát của người lính thời chiến không
dẫn đến một sự xây dựng công phu bền chắc nào cả. Trên con đường miên man tưởng
như bất tận, chiều nào, người lính cũng
căng tăng mắc võng, làm cho mình những dàn để ba-lô rất đẹp, rồi sáng hôm sau
lại tung hê tất cả bươn bả đi tiếp, tới một trạm giao liên mới. Thu Bồn
cũng vậy, anh cứ loay hoay hết tác phẩm này sang tác phẩm khác, nhưng một tác
phẩm dồn tụ cả đời anh, thu hút sự cố gắng chung của anh, thì anh không kịp
nghĩ và không kịp làm.
Rốt cuộc, nói về anh thế nào
cũng đúng: chăm chỉ nhưng sốt sáy vội vã; tháo vát nhưng nông nổi tạm bợ; thích
làm việc nhưng cũng ngại làm việc; có cảm hứng nghệ sĩ, nhưng thiếu hẳn sự bình
tâm đối diện với vĩnh cửu -- nó cũng chính là cái tầm vóc của các nghệ sĩ lớn.
*
Theo quan niệm thông thường
hiện nay, chân dung văn học không phải là chỗ để kể về đời riêng của một người
viết văn.
Vì thế, tôi thấy mình không
có quyền dẫn ra ở đây con người hàng ngày của Thu Bồn.
Nhưng nếu được phép nói một
cách thật tóm tắt, thì tôi muốn nói rằng trong đời sống riêng, Thu Bồn cũng là
một người như trong sáng tác vậy.
Nét mặt anh là nét mặt của một người đầy tham
vọng mũi to, miệng rộng, đôi mắt nhìn thẳng.
Con người anh là con người
vóc vạc, đàng hoàng, anh đi nhanh, bước vội, làm việc gì cũng làm bằng được.
Vậy mà hình như con người tháo vát trong anh
không thực hiện hết được những ham muốn mà anh vốn có, lúc nào anh cũng như sôi
nổi với bao ý định không thực hiện được.
Còn bao nhiêu chỗ vui chơi,
anh chưa chơi! Còn bao lạc thú, anh chưa được thử sức! Ham muốn là động cơ thúc
đẩy anh mau mắn hoạt bát, nhưng cũng là động cơ đốt cháy ngày tháng mà không
giúp cho những ngày tháng ấy của anh tổ chức lại thành một cái gì trọn vẹn.
Tôi nhớ cách ăn mặc mà một
thời, Thu Bồn rất thích: bộ quân phục màu rêu, may kiểu hiện đại.
Trong bộ quần áo chắc khỏe
ấy, là một con người nước da bánh mật rắn chắc, linh động…
Rõ ràng trong anh có cái
nét của những người lính cách mạng Cuba mà chúng ta bắt gặp trong các
bức ảnh và các bộ phim.
Anh thích tô đậm ở mình một vẻ đẹp khoẻ, dữ,
tạm gọi là một vẻ đẹp rừng rú.
Chất trữ tình mà anh muốn
là chất trữ tình chắt ra từ những cuộc chiến đấu, nó có lúc đau xót đến xé lòng, nhưng
lại biết giấu đi để chỉ phô ra có khía mạnh mẽ, hào hùng của nó.
Tôi hiểu như thế, và tôi
biết anh kiêu hãnh về cái mới không giống ai của mình.
Nhưng những lúc tỉnh táo,
Thu Bồn, hơn ai hết, hiểu rằng mình chưa làm được điều mình mong muốn.
Lúc bấy giờ, trông anh có cái vẻ tê tái rất
đáng thương.
Vâng, bạn thử nghĩ xem, một người như Thu Bồn
đáng lẽ phải uống nhiều, nói nhiều, nói gấp năm gấp bảy người khác chứ.
Đằng
này, tôi đã chứng kiến những lần Thu Bồn ngồi giữa bạn bè, uể oải không nói
chuyện gì, miệng méo xệch đi trong nụ cười gượng gạo, giống như tất cả những
người ở vào giây phút không muốn sống nữa.
Giá anh ngẩng lên, tôi đoán trên khuôn mặt can
trường ấy, đang từ từ lăn một dòng nước mắt. Nhưng anh đang cúi xuống nghĩ ngợi
một điều gì đó, mái tóc của anh vốn thưa và dài nay càng thưa và dài hơn, lại
khô đi, trông như một thân cây lớn, bị nhổ khỏi đất, lá khô cành khô, hoang tàn
tăm tối, nhưng vẫn là một thân cây lớn.
Những lúc ấy, tôi đã nói với
Thu Bồn anh có những sung sướng mà không ai trong chúng tôi có nổi, nhưng lại
có những đau khổ mà không ai trong chúng tôi có thể chia sẻ.
Điều này vốn xuất phát từ
những chuyện tôi nghe lỏm được về những cuộc tình bão táp của anh, mà theo liên
tưởng của tôi thì nó cũng là đặc tính chung
của mọi mặt đời anh.
Lần nào, nghe tôi nói vậy, Thu
Bồn cũng cười, có cảm tưởng như anh muốn trả lời rằng chính anh cũng cảm thấy
như thế.
Phải dùng lại ở đây cái cách
nói mà người ta dùng đã quá nhàm— anh đã có một khuôn măt không lẫn được giữa
đời. Cùng với Thu Bồn, có nhiều khuôn mặt tương tự, mọi sinh linh ở lứa tuổi anh
tuổi tôi đều là con ruột của chiến tranh. Nhưng cái tính cách chiến binh ở con
người Thu Bồn là thuộc loại nồng nã bậc nhất và chỉ thời nay mới có.
Moskva,
1988