VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hấp dẫn là ở sự chệch hướng : Chỗ khác của thơ Quang Dũng so với dòng thơ chiến tranh chính thống

 

***


TÂY TIẾN

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.



Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

--

 

“Tây Tiến” là một trong những bài thơ được nhiều người Việt từng sống qua chiến tranh ưa thích.

Tại sao lại có sự đồng cảm đó? Bằng cảm nhận của một người sống ở miền bắc, tôi cho là bởi bài thơ có một sự chệch hướng rõ rệt so với dòng văn học viết về người lính từng được ca ngợi.

Chưa nói đến thơ Phạm Tiến Duật viết về chiến tranh trong đó người lính chỉ biết vui vẻ ra trận, luôn luôn “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, ngay người lính trong thơ hồi kháng Pháp của Tố Hữu (Bầm ơi), Nguyễn Đình Thi (Đất nước), Hoàng Cầm (Bên kia sông Đuống) … cũng đã khác biệt nhiều so với người lính trong thơ Quang Dũng.

Nét tiêu biểu của những người lính trong các nhà thơ chính thống là chân chất hiền lành; do chỗ vốn là những người nông dân từ bỏ xóm làng ra đi, họ chỉ có một đời sống tinh thần đơn giản, nhớ quê hương gia đình thì nén lòng lại lấy việc sẵn sàng chiến đấu theo lệnh cấp trên và không mấy khi nghĩ quá nhiều đến cả quá khứ lẫn tương lai. Đến như ấn tượng chung về chiến tranh cũng vậy. Với họ chiến tranh không gợi một cảm giác khác thường, lại không bao giờ là khủng khiếp đáng sợ.

Con người chiến sĩ của Quang Dũng mang một màu sắc khác. Người chiến sĩ ở đây có hơi hướng của các loại anh hùng hiệp sĩ mà ta biết trong các truyện tàu cổ. Hoàn cảnh chiến trường thì như có gì xa lạ mà lại quyến rũ “Khèn lên man điệu nàng e ấp”.

Có cả một hệ thống ngôn ngữ góp phần làm nên ấn tượng này

 sương lấp

chơi vơi

xiêm áo

Áo bào gửi mộng

khúc độc hành

dáng kiều thơm

 

 không mọc tóc
dữ oai hùm.

mồ viễn xứ

về đất,

súng ngửi trời

 

Cái đẹp ở đây đã khác mà cái hùng cũng khác. Người ta bị buộc phải trở thành anh hùng, mà cái anh hùng ở đây thì - theo chữ nghĩa chính thống – phải gọi là những kẻ “yêng hùng”.

Họ ra đi mà vẫn nhớ lại những thiên diễm tình thuở thanh bình. Một câu thơ đại loại như “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” dù thực tế bao nhiêu cũng không thể được chấp nhận trong dòng thơ chính thống về người lính cách mạng.

Nhưng đó lại là nét hiện thực có thật.

 Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, nhiều người lính Hà Nội đã mang cả đời sống thành thị vào chiến tranh, họ đi chiến đấu mà có cả cảm giác như là được thưởng thức cái bí mật của giang sơn đất nước, cái hùng vĩ vượt lên sự nhàm chán của hoàn cảnh thông thường.

--

Bên cạnh “Tây Tiến”, có hai bài thơ khác của Quang Dũng thường được nhắc nhở là “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ”

 

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?

-

Thời nào và ở bất cứ nước nào cũng vậy khi nói đến chiến tranh là người ta nói ngay đến sự ngại ngần “tránh không được thì phải chịu” vì trước hết chiến tranh là tàn phá chia ly kèm theo đau thương chết chóc.

Nhưng ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, cái cảm tưởng này thường bị coi là không nên nói tới.

Người ta buộc phải quên nó đi. Thay vào đó, cùng với lòng căm thù, là những vui vẻ hào hứng khi tham gia cuộc chiến đấu. Mọi cảm giác thèm khát thời bình coi là lỗi thời thậm chí ai nói tới là có tội.

Sự đau đớn khi tan cửa nát nhà, sự thất lạc những người thân… không bao giờ được miêu tả trong những bài thơ chính thống, nhưng lại rất phổ biến trong tâm thức dân gian.

Trong lòng Hà Nội trước tháng 10 - 54, tôi cũng đã được nghe nhiều những bài hát nói về sự li tán trong chiến tranh đại loại như “Chiều nay con với u đi tìm thầy, đi tìm mấy tháng nay mà không thấy”, nó bắt nguồn từ hai câu ngắn trong một bài hát “Chiều nay trong chiến khu bên rừng chiều, bên bờ giữa suối reo ngàn thông réo”, và đến nay cái câu hát bị xuyên tạc ở trên lại hằn lên trong tâm trí hơn là câu trong nguyên văn của bài hát mà nay tôi đã quên.

Trở lại với bài “Đôi mắt người Sơn Tây”. Tuy không hẳn là than phiền oán trách nhưng bài thơ cũng đã nói được về sự li tán nhiều hình nhiều vẻ trong chiến tranh. Sự li tán ấy đồng thời có nghĩa là sự từ bỏ quê hương, là sự mất mát là sự điêu tàn, vốn không thể tránh khỏi mà lại là điều kiêng kị trong thơ văn chính thống

Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan”.

 

Riêng mấy câu

 

Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

 

 thì lại là một của hiếm trong những dòng thơ được in trên sách báo tuy nó lại là câu cửa miệng của con người trong chiến tranh.

Theo mỹ cảm cổ điển mấy câu thơ ấy thuộc loại không được thanh mà hơi phô, phàm tục.

Nhưng do chỗ về mặt chất liệu nó làm nên chỗ khác so với thơ chính thống nên đặt ở đây vẫn là đắc địa.

Tuy không phát biểu trực tiếp nhưng từ bài thơ vẫn thấy toát lên cái cảm tưởng của con người đương thời là muốn thoát ra khỏi những ngày ấy để trở lại cái thời mà người ta gọi là thanh bình.

Vâng, - cũng như chiến chinh chứ không phải cuộc chiến đấu - cái từ thường dùng ở cửa miệng người dân thường là thanh bình chứ không phải hòa bình.

 Hồi tháng 12 - 1972, dưới sự đe dọa của B52, nhà thơ Lưu Quang Vũ có bài thơ “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, trong đó lần đầu tiên trong thơ 65-75 tôi được nghe lại hai chữ thanh bình và cảm thấy như được trở lại với cả dòng thơ cổ điển.

Sự sử dụng những chữ cổ cổ ấy thực ra có hàm ý riêng. Sở dĩ bài thơ của Quang Dũng viết về xứ Đoài quê hương từ 1948 mãi mãi được nhiều lớp người Việt kế tiếp ưa chuộng vì nó vẫn nói lên một điều rằng tận sâu xa trong lòng người ta bao giờ hai chữ thanh bình cũng đi kèm với sự yên ấm sự đoàn tụ là điều mà chiến tranh đánh mất.

--

 

ĐÔI BỜ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên tê?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề.

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

 

Nếu “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Tây tiến” bị kêu nhiều bị từ chối vì tính cách cụ thể của nó, thì bài “Đôi bờ” cũng bị ghẻ lạnh bởi nó nói lên một khía cạnh mơ hồ của chiến tranh, đó cũng là một điều cấm kị trong thơ miền bắc suốt một thời gian dài.

 

Bài thơ chỉ có rất ít những từ ngữ liên quan đến hoàn cảnh nhưng chỉ mấy chữ “Kinh thành em có nhớ bên tê?/Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến/Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề” cũng đủ cho chúng ta thấy đó là không khí của thời chống Pháp.

Chiến tranh thường được miêu tả bằng những gì bom rơi đạn nổ, người chết, khung cảnh bị tàn phá khốc liệt. Nhưng ở đây chiến tranh lại hiện ra ở cái vẻ yên ả lặng lẽ của nó và chính vì thế nó càng làm cho người ta cảm thấy vô vọng không biết bao giờ thoát khỏi. Và như thế thì chiến tranh lại càng được cảm thấy như là một cái gì vô lí đè nặng lên cuộc sống. Cái tội của loại thơ này là sự trừu tượng của nó.

--

Điều khiến cho cả ba bài thơ trên của Quang Dũng - tuy rất được ưa thích và thường truyền tụng trong dân chúng, nhưng lại không bao giờ được coi là tiêu biểu cho dòng thơ kháng chiến -  chính là vì sự lạc dòng lạc điệu của nó so với giai điệu chính của thơ chiến tranh hôm nay.

Nhưng lại cũng chính vì thế các bài thơ ấy và nhiều sáng tác tương tự lại có khả năng nhập vào dòng thơ cổ điển tức còn mãi với thời gian là điều mà chắc chắn rất ít bài thơ được ca ngợi hôm nay có thể có.

 

 

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn