VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ngày xưa yên ấm quá

Đọc lại Lưu Quang Vũ: “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn”

--

Bài thơ này, theo chỗ tôi nhớ, được viết khoảng mùa đông 1972, nhưng hồi đó tác giả đang phải sống lang thang bên lề xã hội, thơ làm ra chỉ để đọc với bạn bè, đến muốn in báo kiếm ăn cũng không được, nói chi tới việc đưa vào tập này tập nọ!

Từ những năm 1980 trở đi, để ghi nhận công lao phục vụ xã hội hậu chiến trên lĩnh vực sân khấu của tác giả, cái phần trước đó bị coi là bộc lộ con người bất trị trong thơ Vũ mới dần được công bố trở lại. 

Năm 1993, khi gia đình lựa chọn thơ LQV viết trong những năm cuối của chiến tranh để làm nên tập “Bầy ong trong đêm sâu”, tôi có may mắn được đảm nhiệm vai trò biên tập viên.

Tôi nhớ là trong bản thảo ban đầu gia đình nộp nhà xuất bản đã có bài thơ này, nhưng Ban Giám Đốc  không duyệt.

Mãi tới 2010 nó mới chính thức được công bố trong một tuyển tập của Lưu Quang Vũ tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, NXB Hội nhà văn, 2010.

--

Bài thơ gợi nhớ tới thơ Đường ở một vài khía cạnh

- cách đặt đầu đề rất dài;

- lối thơ bảy chữ theo thể cổ phong;

- lối làm thơ nhân có bữa rượu chia tay bè bạn nói chuyện thời thế.

(Lâm ở đây là Nguyễn Lâm mà tôi đã nhắc tới trong bài “Lưu Quang Vũ và những vần thơ viển vông cay đắng u buồn viết trong những năm chiến tranh”  coi như lời giới thiệu đặt ở đầu tập “Bầy ong trong đêm sâu”, còn Khánh là Đào Trọng Khánh, một đạo diễn phim tài liệu mà cũng là một thi sĩ. Lúc này Khánh đang chuẩn bị  đi B tức vào chiến trường.)

- và bao trùm toàn bộ là nỗi buồn day dứt trước thế sự đảo điên cuộc chiến kéo gây bao tang thương khiến người ta chỉ có cách gọi thời của mình là thời loạn. Kèm theo là nỗi khát khao vô hạn về “ngày xưa yên ấm quá”, một thuở thanh bình.

Thanh bình theo nghĩa cổ điển chứ không phải hòa bình theo nghĩa thông tục của từ này - có khi hòa bình mà vẫn loạn.

Toàn những chủ đề lúc ấy bị coi là húy kỵ!

Thời xưa ám ảnh về thanh bình bao trùm trong thi ca chứ rất ít gặp những bài thơ ca ngợi chiến tranh như ở ta thời nay.

--

Với khuôn mặt như thế, cả về tư tưởng lẫn giọng điệu, bài thơ đạt tới trình độ mà tôi tạm gọi là một cốt cách cổ điển.

Nó đáng được xem như  một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh ở thời đại chúng ta, nó có thể được đọc lâu dài, như tôi vừa bàn thế nào là “thơ viết về chiến tranh mà hay” lần trước, nhân bài “Xuân vọng”.

--

ĐÊM ĐÔNG CHÍ

UỐNG RƯỢU VỚI BÁC LÂM VÀ BÁC KHÁNH

 NÓI VỀ NHỮNG CUỘC CHIA TAY THỜI LOẠN


Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc
Nhà lạnh trần cao ngọn nến gầy
Chăn rách chiếu manh quần áo lạ
Chuyện dài đêm vắng rượu buồn say

Gió hú ầm ào qua gạch vỡ
Người chết vùi thân dưới hố bom
Kẻ sống vật vờ không chốn ở
Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường

Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông thây chất núi
Bè bạn tan hoang mình rã rời

Thơ Khánh buồn như lòng đất nước
Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng
Vườn cũ cây tàn chim chết cả
Người chơi đàn nguyệt có còn không

Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau
Nước Pháp khôn ngoan nước Nhật giàu
Nước Mỹ lắm bom mà cực ác
Nước Nga hiềm khích với nước Tàu
Nước Việt đói nghèo thân cơ cực
Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau

Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba thằng da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu

Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau
Thương nhà thương nước thương cho bạn
Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào

Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa bom phá tàu không về
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”


Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi


Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi.


Nguồn: Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn