Dưới đây tôi xin giới thiệu lại bài viết này của Thanh Thảo sau
khi đã mạn phép lược bớt một vài câu mà tôi cảm thấy không cần thiết. Bạn đọc
nào muốn tìm đọc cả nguyên văn bài viết xin mời đọc theo đường link tôi dẫn ở
dưới. Ở phần phụ lục mời các bạn cùng tôi đọc lại một bài thơ viết về chiến tranh
của Đỗ Phủ, bài Xuân vọng. Từ bài thơ này tôi muốn chúng ta cùng nghĩ tới vấn
đề tạm gọi là làm
sao tạo hiệu quả lâu dài khi viết về chiến tranh?
***
PHẠM TIẾN DUẬT
NHƯ TÔI BIẾT VÀ NGHĨ
Bài của Thanh Thảo
Nguồn
https://thethaovanhoa.vn/pham-tien-duat-nhu-toi-biet-va-nghi-20220903200338410.htm
1.
Tôi đọc
thơ Phạm Tiến Duật từ năm 1970, khi còn ở Hà Nội.
Ngày
từ hồi ấy, bài tôi thích trong những chùm thơ in trên báo Văn nghệ của
Phạm Tiến Duật lại là bài Nhớ bà mẹ ở Nam Hoành, rồi sau đó là bài thơ
về những anh lính trinh sát trong rừng của anh mà tôi đã quên đầu đề.
Đó là hai bài thơ viết về chiến
tranh từ một góc nhìn khác, một cảnh giới khác, cảnh giới của những nỗi khổ
đau. Thậm chí, trong bài thơ về lính trinh sát trong rừng, là cảnh giới nỗi đau
không thể phân biệt của người lính hai chiến tuyến.
Năm 1974, khi tôi ở trong rừng miền
Đông Nam bộ, vừa được in trên tạp chí Văn nghệ giải phóng bài thơ đầu
tiên, bài Một người lính nói về thế hệ mình, thì gặp rắc rối.
Còn ở Hà Nội, Phạm Tiến Duật cùng
Ngô Văn Phú cũng bị phê bình dữ dội khi cho in hai bài thơ Vòng trắng và
Sẹo đất trên Tạp chí Thanh niên, mà sau hòa bình tôi được biết,
người đưa in hai bài thơ “lạ” ấy là một người bạn học cùng lớp ở Đại học Tổng
hợp Văn, anh Bá, bút danh Định Nguyễn, một nhà phê bình văn học tuy còn trẻ,
nhưng được đánh giá là “đầy triển vọng”.
Tôi thích thơ Phạm Tiến Duật không
phải ở những bài thơ thông minh và có chút láu lỉnh của anh, mà thích những bài
thơ anh viết về nỗi đau khổ của nhân dân mình trong chiến tranh:
“Nhớ câu nói của mẹ, câu nói như
chắt từ nước mắt
- Thà ăn muối suốt đời
Còn hơn là có giặc”
(Trích trong bài Nhớ bà mẹ ở Nam
Hoành)
Tôi cũng không hiểu vì sao, cho tới
bây giờ, khi lên mạng tìm lại bài thơ Nhớ bà mẹ ở Nam Hoành của Phạm
Tiến Duật, một bài thơ ngắn, mà tôi cho là gần với thơ Đỗ Phủ, viết về chiến
tranh và nỗi đau cùng cực của nhân dân, mà tìm mãi vẫn không ra, dù những bài
thơ chiến đấu Trường Sơn của anh Duật thì rất dễ tìm.
Tôi yêu thích và quan tâm tới phía
“ít được ngợi ca” trong sự nghiệp thơ Phạm Tiến Duật, vì tôi nghĩ, đó mới là
phần thơ còn lại lâu dài trong sự nghiệp thi ca của nhà thơ tài năng và độc
sáng này.
Mà lạ, những bài thơ thuộc “phần ít
sáng” lại không thể hiện khả năng “độc, lạ” của thơ Phạm Tiến Duật, vậy mà nó
sáng hết cỡ, sáng trong trẻo như những giọt nước mắt chân tình với nhân dân
mình. Nó thể hiện toàn bộ tâm hồn anh, tấm lòng anh, giản dị, đầy yêu thương và
chia sẻ, nhiều lúc xót xa, khi đến với nhân dân trong chiến tranh.
Không tô vẽ, không làm quá lên những
nét anh hùng, đây là hình ảnh một nhân dân chịu đựng, nghiến răng chịu đựng
chiến tranh, thậm chí như bà mẹ Nam Hoành đã thổ lộ với nhà thơ Tiểu đội xe
không kính là:
“Thà
ăn muối suốt đời/
Còn
hơn là có giặc”.
Câu thơ chính là câu nói của bà mẹ
nông dân, nhà thơ chỉ ghi lại nguyên văn, không hề sáng tác ra, vậy mà nó găm
vào ta đau nhói.
Vì có giặc giã là đau khổ vô cùng, sống chết
không biết lúc nào, là sống mà không ra sống. Đất nước và nhân dân ta đã vượt
qua những tháng năm chiến tranh tưởng chừng không thể vượt qua ấy. Thơ phải đi
tới tận cùng những đau khổ của nhân dân mình bằng những bài thơ như Nhớ bà
mẹ Nam Hoành.
2.
Và không chỉ trong chiến tranh. Sau
hòa bình tới 22 năm, Phạm Tiến Duật công bố trường ca Tiếng bom và tiếng
chuông chùa, năm 1997. Khi đi cùng nhà thơ Vũ Cao - tác giả của Núi Đôi-
về Thái Bình, Phạm Tiến Duật đã gặp hàng trăm nữ TNXP ngày trước là đồng đội,
bây giờ xuống tóc vào tu trong các ngôi chùa làng. Hỏi chuyện các nữ tu mà anh
từng ca ngợi họ trong màu áo TNXP, Phạm Tiến Duật đã ngộ ra một điều: Những
người phụ nữ Việt Nam từng tham gia chiến tranh, sau chiến tranh họ lại phải
bước vào một cuộc chiến khác, cuộc chiến từ chính số phận của mình. Trong cuộc
chiến này, họ đã thua, kể cả khi những nhà thơ chúng ta ngợi ca là họ đã thắng.
Phạm Tiến Duật đã nhìn ra cái thua
này từ chính những người nữ đồng đội anh dũng ngày trước, họ từng thắng trong
cuộc đối đầu kinh khủng với không quân Mỹ.
Trường ca Tiếng bom và tiếng
chuông chùa là lời chia sẻ đến nghẹn ngào của một nhà thơ từng khoác áo
lính, từng đi tới và đi cùng nhiều đơn vị nữ TNXP ở chiến trường khu Bốn, trên
Trường Sơn trong đoàn 559.
Tôi xin trích ra đây một chương của
trường ca đó, dẫn từ bài viết rất cảm động của nhà giáo Huỳnh Văn Hoa, Đà Nẵng:
NỬA ĐÊM GÕ MÕ
Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm
Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ
Sao sư thầy không gõ mõ
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình
Có phải đây là Thị Kính hiện hình
Đi tu hẳn khó khăn vì tuổi chưa già
được
Dù là nữ tu có thể nào thoái thác
Chính cơ thể mình - thân gái trời
ban
Trong phòng riêng có giờ phút ngỡ
ngàng
Thấy dấu hiệu của thời còn sinh nở
Tội nghiệp màu trắng, tội nghiệp màu
đỏ
Tội nghiệp màu xanh, tội nghiệp
chính thân mình
Nam - mô - A - Di - Đà - Phật
Cho con xin từ giã phận mình
Những ham muốn đời thường đừng bắt
con đeo đẳng
Lộc của người xin trả cho người
Sự yên bình đừng phả màu cay đắng
Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm
Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ
Sao sư thầy không gõ mõ
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình
Có thể nào những day dứt thời bình
Cũng có thể làm vết thương thuở nào
tái phát
Trời đã về khuya tiếng mõ dường thưa
thớt
Tiếng cầu kinh nhỏ dần trong gió đêm
(Bài thơ này thuộcchương 3 của
trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa, trong Phạm Tiến Duật toàn
tập, NXB Hội Nhà văn, 2000)
Đoạn trích này tuy ngắn, nhưng tôi
tin bạn đọc sẽ khó cầm được lòng mình. Cái “cuộc chiến sau cuộc chiến” chính là
ở số phận đau khổ của những nữ tu trong chọn lựa cuối cùng của mình, ngay khi
mình còn khả năng sinh nở.
“Sao sư
thầy không gõ mõ/
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình”,
cái hành động tưởng như bất thường
đó ở một nữ tu chưa dứt căn duyên với cuộc đời này khiến chúng ta không thể yên
ổn trong tổ ấm của riêng mình. Thơ kêu gọi tới tình nhân loại là ở đó.
Thơ có thể rất hay khi viết về thân
phận mình, nhưng tôi nghĩ, thơ còn hay hơn khi viết về thân phận của nhân dân
mình, một nhân dân đóng góp tất cả cho kháng chiến, một nhân dân còn đau khổ
sau khi kháng chiến đã thắng lợi.
3.
Phạm Tiến Duật đã giúp chúng ta
không quên một bộ phận nhân dân ấy, như nữ thi sĩ Olga Berggoltz đã từng viết
sau 900 ngày Leningrad bị phong tỏa bởi phát xít Đức:
“Không
một ai bị lãng quên/
Không
một cái gì bị quên lãng”.
Thực ra, bây giờ chúng ta đã quên
nhiều người, quên nhiều việc lắm rồi.
Còn nhớ, sau khi đọc trường ca Tiếng
bom và tiếng chuông chùa, tôi không nhớ mình đọc ở một tạp chí nào đó, khi
viết trường ca Metro in năm 2009, tôi
đã có đoạn thơ này từ gợi ý ở trường ca Phạm Tiến Duật:
“chúng ta đã qua ga nào nhỉ?
em gái thanh niên xung phong bức thư
viết vội
“mai em lên đường chúc anh nhiều may
mắn”
có thể là anh may mắn hơn em
những cô gái sau này xuống tóc
những cô gái gõ mõ gõ chuông lương
vương khói hương trong trường ca Phạm Tiến Duật
họ đi từ cửa rừng tới cửa Phật
xin một chút an bình
dứt căn duyên
quên đi tình yêu, quên đi chồng con
cây bằng lăng hay cây bồ đề
cây nào chẳng là cây
hạnh phúc
hay là em may mắn hơn anh?
Bây giờ, người ta gọi những gợi ý từ
các nhà thơ với nhau như thế là “liên văn bản”. Vậy là tôi có may mắn được liên
văn bản trong một đoạn thơ với Phạm Tiến Duật, với câu chuyện khiến tôi không
thể yên ổn, không thể trả lời được câu hỏi: “Vậy thì ai may mắn hơn ai?”.
Năm 2011, khi lên Cao Bằng với nhà
thơ Trần Hùng, tôi được đưa đi thăm mộ anh Kim Đồng. Giữa giờ Ngọ. Nắng trưa
rát bỏng. Tôi gặp những bà mẹ ngồi bán hương trước mộ anh. Bài thơ được tôi
viết ngay sau đó, xin trình bạn đọc như một lời ngỏ sau cùng: Xin đừng quên
những người khốn khổ.
NHỮNG
NGƯỜI BẠN CỦA KIM ĐỒNG
những người bạn của Kim Đồng
ngồi bán hương trước mộ anh
sau bảy mươi năm
những bà cụ già như núi đá
tóc không mây trắng
da chẳng đồi mồi
mà loang lổ đất thung Hà Quảng
nửa đen nửa nâu
ngồi bán hương
bên mộ người bạn thời chăn trâu
Dền(*) ơi, bạn dừng năm mười bốn
tuổi
còn bạn của bạn chậm chạp lê cho hết
vòng đời
bán hương ngày được dăm ba nghìn
tiền lời
tiền ấy bạn cho, bạn đã chết
người chết nuôi người sống được sao?
sao không được
mười hai giờ trưa
khói lên thẳng lưng còng xuống
nước mắt khô ngay trên mí mắt
có lẽ do trời nắng quá
Cao Bằng-Quảng Ngãi, 30/7/2011
(*)
Liệt sĩ Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền
Phụ lục
LÀM SAO ĐỂ TẠO HIỆU QUẢ LÂU
DÀI
KHI VIẾT VỀ CHIẾN TRANH?
Nguồn
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2021/10/nhan-oc-lai-bai-tho-xuan-vong-cua-o-phu.html
Xuân vọng
Quốc phá sơn hà
tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn câm (kim).
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.
Dịch nghĩa
Núi sông còn đó mà
nước mất rồi,
Thành ngày xuân hoang tàn, cỏ cây rậm rạp.
Cảm thương thời thế, con người nhìn hoa mà mắt ướt lệ,
Buồn vì ly biệt, nghe tiếng chim hót cũng thấy ghê sợ
Khói lửa báo giặc giã cháy suốt ba tháng liền [nghĩa là còn đánh nhau
nữa].
Thư nhà lúc này ngàn vạn cũng không mua nổi.
Gãi mái đầu bạc thấy càng thêm thưa, ngắn,
Muốn cài trâm mà chẳng được.
Tôi đọc bài thơ này lần đầu qua
cuốn Thơ Đường tập II (1963),
chỉ láng máng cảm thấy thích vì nghe đâu nó được coi là một trong những bài hay
nhất của Thơ Đường và đã đưa vào Đường
thi tam bách thủ.
Nhưng hay nhất trong bài chính là hai câu đầu và đây là điều mà mãi sau
chiến tranh tôi mới hiểu.
Quốc phá sơn hà tại Chỉ có năm chữ mà phác họa ra cả khung cảnh
chiến tranh và cái hậu quả tổng quát của nó.
Cái làm ta cám cảnh chính là tình
trạng nước đôi, tất cả dường như còn, mà tất cả lại đã mất hết.
Cái còn chỉ làm tăng thêm vẻ bi thảm mà cái mất mang lại.
Theo cách hiểu này, bài thơ toát
ra một tinh thần nhân bản rất hiện đại.
Tất cả dường như còn,
mà tất cả lại đã mất hết.
Có lẽ đây cũng là tâm trạng khiến cho một ai đó đã thốt lên rằng, trong
chiến tranh không bao giờ có kẻ chiến thắng với nghĩa trọn vẹn của chữ ấy.
Kẻ thù của ta càng dũng mãnh thì chiến thắng của ta càng thêm vẻ vinh
quang, cố nhiên rồi. Nhưng để thắng một kẻ thù dũng mãnh như thế, hẳn ta đã trầy
da sứt vẩy và trở nên thân tàn ma dại.
Sau chiến tranh, bên thắng cuộc lại thường có lý hiếu thắng tưởng mình
làm gì cũng được. Họ sẽ thua trong công cuộc hồi phục đất nước là vì vậy.
Hai câu cuối bài thơ nói đến một thứ buồn bã mà con người không sao vượt
lên nổi. Con người lúc này đã tiều tụy thân thể hao mòn tinh thần bại hoại, cảm
giác cuối cùng còn lại chỉ là sự bất lực.
Thế hệ tôi vừa trên dưới hai mươi thì bắt đầu cuộc chiến tranh quyết liệt
mà mãi tới 4-1975 mới kết thúc. Một số chúng tôi lại có trong tay ngòi bút,
chúng tôi làm thơ làm văn viết sách viết báo.
Viết để làm gì? Hồi ấy cả bọn chúng tôi sống theo mệnh lệnh là chỉ được
viết để động viên người lính ở chiến trường. Chúng tôi không có thời gian và
cũng được hướng dẫn là không cần biết là người xưa đã viết về chiến tranh như
thế nào.
Thơ làm hồi chống Mỹ in ở Hà Nội
thường kỵ nói về cảnh tàn phá và lại có một thứ luật lệ cấm tiệt các nhà thơ
không được nói đến nỗi buồn.
Ngày nay đọc lại một bài như bài Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
không những thấy ngớ ngẩn vì câu lý sự cùn Không
có kính không phải vì không có kính – Bom giật bom rung kính rụng mất rồi
--, mà còn thấy giả tạo thô thiển trong cái câu tả thái độ con người – Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Trong hoàn cảnh ấy, tôi thường nhớ lại Xuân vọng trên đây của Đỗ Phủ như một sự miêu tả khái quát về chiến
tranh.
Dường như bắt đầu bài thơ, Đỗ Phủ đã có cảm giác buồn bã và ông đã để mặc
cho dòng cảm xúc của mình trôi nổi, đến nỗi
người ta thường cảm thấy hụt hẫng khi đọc đến những chữ cuối.
Hụt hẫng chốc lát mà bâng khuâng lâu dài.
Nhà thơ không lo xem mình viết thế
này để làm gì mình đang thuộc về bên nào, bên thua hay bên thắng.
Ông chỉ diễn tả một cảm giác nhân
bản mà con người xưa nay thường trải nghiệm.
Con người qua chiến tranh trong
các thời đại về sau đều tìm thấy mình qua thơ ông, dù ông viết nên đã trên ngàn
năm.