Một bước khai phá của Vũ Bằng trong việc xử lý ngôn ngữ văn xuôi
Trong bài viết mang tên Vũ Bằng “Thương
nhớ mười hai” nhà văn Tô Hoài từng kể lại một ít chuyện, liên quan đến mấy
năm ông mới vào nghề, và bắt đầu viết đều cho các báo: “Những năm ấy, Nam Cao
đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mê mải đọc Vũ Bằng (…) Nếu nhà
nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với
truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn Bụi ô tô, Một đêm sáng
giăng suông của tôi trên các báo Hà Nội tân văn có thể
dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng (Những
gương mặt, H. 1994).
Ảnh hưởng trong văn học thường khi là chuyện
tế nhị. Nữa đây lại là hơi hướng, giọng văn, hơi văn, cảnh viết, những vấn dề
thuộc về nghề nghiệp của người cầm bút. Tuy nhiên, cái sự thực mà một nhà văn
lõi đời khi đã về già nói ra, luôn luôn đáng để chúng ta suy ngẫm.
Từ một quá khứ làm theo mẫu hình trung cổ,
do các thế kỷ trước để lại, nền văn học Việt Nam bước sang thế kỷ XX bắt đầu được
làm theo một mẫu hình mới để ngày một trở nên hiện đại.
Mà đấy là cả một sự biến chuyển toàn diện:
Trong quan niệm văn chương. Trong chủ đề. Trong nhân vật. Và sau hết, người ta
có thể quan sát thấy cả sự thay đổi trong các hình thức thể hiện nữa.
Thơ là một thể tài chủ đạo - xét theo tỷ
trọng, nó từng chiếm tới tám chục phần trăm toàn bộ khối lượng văn học trung cổ.
Đã có người gọi nước Việt Nam hồi ấy là một thi quốc. Trước cơn
“mưa Âu gió Mỹ” cho đến những năm 20 thế kỷ XX, thơ ta vẫn cố kết trong những
hình thức vốn có từ thời phong kiến. Những tưởng mãi mãi nó vẫn vậy! Nhưng
không! Đùng một cái, tới 1932 phong trào thơ mới đột khởi chiếm thế thượng
phong trên thi đàn. Và người ta chứng kiến một sự lột xác tự nhiên mà khá mỹ
mãn.
So với thơ, truyền thống văn xuôi cũ ở ta
có non yếu hơn. Bởi vậy, giống như các cậu học trò chăm chỉ, các nhà viết văn
xuôi của ta tính chuyện học theo các bậc thày văn xuôi phương Tây một cách khá
sớm sủa, và cũng chỉ có thể là khá từ tốn.
Ban
đầu là các hình thức nhỏ như truyện ngắn, bút ký sau mới tiến lên phóng sự, tiểu
thuyết. Đứng về ngôn ngữ thể tài, tức là cái cách sử dụng văn xuôi mà xét, người
ta cũng bắt gặp một sự thay đổi rõ rệt.
Hãy nhìn vào sáng tác của những Nguyễn
Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng. Một mặt phải nhận họ là những tay
thợ khéo, văn xuôi của họ đã đạt tới một sự trau chuốt hoàn thiện khá cao. Mặt
khác xét theo chủng loại thì đó vẫn là thứ văn xuôi cổ điển, gần
giống như văn xuôi phương Tây các thế kỷ XVIII, XIX. Thế mà chỉ độ chục năm sau
thôi, đọc tùy bút Nguyễn Tuân, truyện ngắn Nam Cao hoặc các bài bút ký của Xuân
Diệu, người ta đã cảm nghe thấy một thứ văn xuôi hoàn toàn khác, chỉ những người
có đọc và có thấm thía nhữn A. France M.Proust, A. Gide… mới viết nổi, tóm lại
là một thứ văn xuôi thuộc cái mạch hiện đại. Một sự tiến triển như vậy sở dĩ có
được, là nhờ tới sự đóng góp của nhiều người. Và ở đây, chúng ta nên biết tới một
quy luật thường vẫn chi phối các tìm tòi trong văn giới, ấy là có khi người mở
đường lại rơi vào quên lãng, còn người tới sau lại gặt hái được vinh quang, do
chỗ đã tổng kết được kinh nghiệm của những người đi trước. Trong một chừng mực
nào đó, câu chuyện về văn chương của Vũ Bằng và cuốn Cai của
ông ở vào trường hợp như thế.
Vào khoảng1943, 1944, (tức khi viết Cai)
Vũ Bằng đã là một ngòi bút chững chạc. Bên cạnh tư cách một ông lớn trong nghề
làm báo, một tay giữ chân Thư ký toà soạn mấy tờ báo như Tiểu thuyết thứ
bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá, Trung bắc chủ nhật, ông còn là
tác giả của mấy tập truyện được dư luận nhắc nhở. Một bằng chứng mặc dù
nhóm Tự lực văn đoàn vốn rất thù ghét các nhà văn viết cho
nhà Tân dân song năm 1937, khi Một mình trong
đêm tối của Vũ Bằng được in ra, Khái Hưng đã viết bài giới thiệu trên
báo Ngày nay trong đó công nhận đây là một cuốn sách “không tầm
thường chút nào”. Lại nữa, mặc dù có nhiều lời chê bai, song trong Nhà
văn hiện đại, phần viết về Vũ Bằng, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan vẫn ghi nhận
Vũ Bằng có cái cách riêng của mình. “Khi tả nhân vật, dù là họ ở vào hoàn cảnh
nghèo khổ hay cảnh giàu sang, bao giờ Vũ Bằng cũng tả bằng ngọn bút dí dỏm, nhạo
đời, hơi đá hoạt kê một chút.” Có thể đoán là khi viết Cai, ngòi
bút Vũ Bằng có được sự lui tới tự do và hào hứng. Nhân câu chuyện mình đã nghiện
thuốc phiện thế nào, rồi đã cai ra sao, Vũ Bằng muốn làm một cuộc thăm thú về
những sa đà lầm lẫn mình từng mắc phải, và cách thức vận dụng tất cả lương tri
sẵn có tất cả nghị lực, để vượt lên trên những lầm lỡ ấy. ý hướng đạo lý của
tác giả ở đây đã rõ ràng. Nhưng điều quan trọng là trong Cai, thiện
chí ấy lại được bộc lộ một cách thông minh và khéo léo, khiến cho câu chuyện có
được sức thuyết phục mà những cách làm lộ liễu vụng về không bao giờ có nổi. Có
thể nói trong cuộc đời viết đông viết tây, viết xuôi viết ngược đủ thứ của Vũ Bằng, Cai đánh
dấu một sự chín đầy trọn vẹn của ngòi bút, cái mức chín đẹp trước đó, ông chưa
đạt tới và phải mấy chục năm sau, tới Thương nhớ mười hai, ông mới
có dịp lặp lại. Còn đứng về văn xuôi tiền chiến nói chung mà xét, đọc Cai,
ngườ ta thấy những tìm tòi trong văn xuôi Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, nhất là những
thành tựu trong hàng loạt truyện ngắn của Nam Cao không ngẫu nhiên và cô độc. Cả
một văn mạch đã hình thành. Dù là chỉ thay đổi rất từ tốn thôi, nhưng trong
vòng hai chục năm gấp gáp thời tiền chiến, văn xuôi đã có những sự vận động rất
hợp lý.
*
Đọc các từ điển chuyên về văn học, người
ta nhận thấy các khái niệm văn xuôi và thơ thường được viết trong thế đối lập
nhau. Một bên thiên về đời thường (trong nhiều ngôn ngữ phương Tây, chữ
prose, proza tức văn xuôi , khi chuyển thành hình dung từ , thì
có nghĩa tầm thường) một bên thiên về cái cao thượng, cái siêu việt. Một bên bảo
tôi thấy gì viết nấy, bên kia bảo không, hành động viết của tôi là một hành động
sáng tạo với nghĩa cao cả của nó. Và đi vào nội dung được miêu tả, nếu trong
văn xuôi, người ta có thể bắt gặp cả thế giới, thì trong thơ, cái chính là cái
thế giới ấy được cô đúc lại, và đối tượng được miêu tả ở đây, là tâm hồn con
người.
Có thể là khi sáng tác, các nhà văn Việt
Nam nửa đầu thế kỷ XX chưa biết tới đầy đủ cái sự phân chia thuần tuý lý thuyết
nói trên, nhưng trong thực tế, họ đã tuân thủ nó một cách tự nguyện. Đại khái mỗi
tác phẩm văn xuôi được viết - dù tiểu thuyết, hay phóng sự ký sự dài cũng
vậy - đều là một câu chuyện. Nghe câu chuyện ấy, người ta hình dung ra một
khung cảnh ở đó, có những con nguời hoạt động. Kể chuyện tức là tác giả tạo ra
một thế giới thu nhỏ. Tiếng nói tác giả giống như một luồng ánh sáng soi đến
đâu thì người đọc lần theo đến đấy. Cái ông tác giả đóng vai thượng đế ấy bao
giờ cũng đứng cách xa bạn đọc một khoảng cách, cái gì ông cũng biết sẵn. Song
chỉ dần dà ông mới khéo léo gỡ mối và khiến cho mọi chuyện rắc rối do ông bố
trí trở nên mạch lạc.
Cái độc đáo của Vũ Bằng khi viết Cai là
tác giả không định biến nó thành một thứ tiểu thuyết thông thường tức là khách
quan hoá câu chuyện của mình theo kiểu trên đây vừa nói. Ông không cố ý tạo ra
những bức tranh phong cảnh làm nền cho câu chuyện, mà cũng chả buồn phác hoạ đầy
đủ các nhân vật phụ trợ để gộp cả lại làm nên một tấn trò đời thú vị. Ngược
lại có vẻ như ông chỉ chú ý đến bản thân cùng người đọc vô hình mà ông cảm thấy
như đang ở bên cạnh và muốn dốc hết bầu tâm tự cho người đó nghe. Tuy người ta
cũng thấy ở đây một câu chuyện - câu chuyện tôi, tức là Vũ Bằng cai thuốc
phiện - nhưng cái nổi lên rõ hơn, bao quát các trang viết, là cái giọng
riêng của người kể. Đọc tác phẩm của Khái Hưng hoặc Nguyễn Công Hoan dù trong
đó có xưng tôi đi chăng nữa, song người ta vẫn như được xem một cuốn phim. Ở đó
liên tiếp có những chuyển cảnh; thiên nhiên xen lẫn với chuyện đời; và những
nét tâm tình chỉ được cài chen loáng thoáng. Với Cai của Vũ Bằng
thì khác. Trước mắt chúng ta toàn bộ tác phẩm như sự bột phát vừa liên tục
vừa đứt đoạn của một đời sống nội tâm nồng nhiệt, chỉ biết có mình, ào ạt muốn
bộc lộ mình, và nếu đôi lúc một vài hình hài của cuộc sống chung quanh có hiện
lên đây đó, thì cũng chẳng qua là nhân tiện mà nói tới. Ta hãy để ý đến từng đoạn
mở đầu của các chương sách. Trong số 24 chương của Cai, hầu như
không chương nào được mở đầu bằng khung cảnh. Mà toàn những “Đến lúc đó, tôi
mới biết rằng…”, “Nói thế xong, tôi lại hút như thường”, “Những
đêm hút như thế thật là một thú. Tôi phải dặn trước chủ tiệm”, “Trông
thấy tôi Liên Hương có cảm tuởng gì, ông có biết không” - tóm lại, toàn bộ
áng văn xuôi này là tâm tình của tác giả, tâm tình ấy được giãi bày trong sự
tha thiết đến chới với, muốn nói thật nhanh, muốn nói ra bằng được những điều bấy
lâu dồn ép, và lấy việc được bộc lộ làm sung sướng.
Cũng vì chú ý giữ lấy tính chất tự nhiên của
câu chuyện, và sẵn sàng xem việc viết ra là để thoả mãn nhu cầu của bản thân
hơn là cho một công chúng giả tưởng nào đó được đọc, tác phẩm văn xuôi này của
Vũ Bằng còn nổi bật lên với một giọng điệu riêng khó lẫn với người khác. Trong
sự tiến triển chung của nền văn xuôi trước 1945, hầu như các tác giả quan trọng
đều là người có hơi văn độc đáo và chỉ cần nhớ đến Nam Cao là chúng ta nhớ ngay
cái giọng riêng của ông. Cái giọng ấy, có lúc như nói riêng mình, lại có lúc
như đang hướng về người khác, đối diện với người khác. Khi nói một mình thì
bâng quơ mà lại tha thiết, khi nói với người khác thì riết gióng, và đôi phen
như là ngả sang dằn dỗi. Khách quan mà xét, nếu có một người gợi nhớ đến Nam
Cao hơn cả thì đó chính là Vũ Bằng, trong quyển Cai mà chúng
ta đang nói:
Văn Nam Cao. Hắn nghĩ về đứa con như vậy. Bởi vì hắn là một người vui
tính. Hắn thích tìm ra những ý nghĩ ngộ nghĩnh để cười một mình (Cuời).
Văn Vũ Bằng trong Cai. Bạn đọc, ông đã có lần nào ốm
nặng chưa? Có. Tôi biết. Đêm ấy là một đêm cuối hạ sang thu. Rét về. Người ta
thấy sôi nổi ở trong lòng những sự thương nhớ vẩn vơ. Lại điểm mấy hạt mưa lất
phất. Hỡi ôi, ngồi một chỗ, người ta có thể sầu mà chết bỏ đời.
Văn Nam Cao: Hắn muốn đứng lên. Sao đầu nặng
quá mà chân thì lẩy bẩy. Mắt hắn hoa lên. Bụng quặn lại, đau gò người. Hắn oẹ.
(Chí Phèo)
Văn Vũ Bằng trong Cai. Người ta lấy nước ở trong bụng ông ra. Được ba thùng. Như nước lọc.
Tốt. Ông Bang có cơ khỏi được. Thôi, ăn mừng.
Văn Nam Cao: Họ nhìn vào căn buồng vừa mở cửa.
Một đôi chân tím bầm lủng lẳng trên không khí. Đó là ông lang Rận, ông thắt cổ.
Ông thắt cổ bằng cái ruột tượng gốc của mụ Lợi. Cái mặt ông đọng máu sưng lên bằng
cái thớt. Cái đầu ông ngoẹo xuống (Lang Rận)
Văn Vũ Bằng trong Cai: Một anh sướng ra một trò chơi
không nhàm. Ấy là chọn lấy một anh ốm yếu nhất, bắt phải…chết để cho anh em lo
liệu. Hỏi thăm. Phủ mặt. Thắt bọng đái. Một anh đi mua tám ngọn nến thắp chung
quanh người xấu số. Kèn bát âm. Bài xuân nữ. Cử ai. Cả bọn bưng mặt khóc ầm ĩ
như khóc một người chết thật.
Những đoạn văn tưởng như do cùng một tác
giả viết ra, trong một cuốn sách!
Nên xem xét sự gần gũi này thế nào?
Một mặt, thì như Tô Hoài đã thú nhận
“Giá trị ảnh hưởng của Vũ Bằng với chúng tôi đã chắt lại ở sự gợi ý to lớn.” Mặt
khác, sẽ là ngớ ngẩn, và thô bạo nữa, nếu quá rạch ròi trong phân định vai trò
mỗi người trong hướng tìm tòi thống nhất nói trên. Điều có thể rút ra ở
đây, là một hướng đi mà nhiều người cùng theo. Sau những giọng văn trung hoà mạch
lạc của Khái Hưng, Nhất Linh, Lan Khai, đến giai đoạn này, văn xuôi Việt Nam bắt
đầu có những tìm tòi ngả sang một thứ gì đậm hơn, gắt lên, gây ấn tượng hơn, mà
cũng là giúp cho tác giả và người đọc trở nên gần gặn hơn, nó là cái xu thế
chung thấy ở văn học hiện đại, tuy rằng cách bộc lộ thì mỗi trường hợp một
khác.
*
Đến đây, người ta có thể đặt câu hỏi: Điều
quan trọng trong một tác phẩm văn học, là ở nội dung của nó, chứ đâu có phải ở
hình thức nghệ thuật? Những tìm tòi nói trên của Vũ Bằng chẳng phải là đôi khi
gây thêm khó khăn cho việc tiếp nhận tác phẩm?
Thật ra thì mọi chuyện không đơn giản như
vậy.
Suy cho cùng, các biện pháp nghệ thuật
trong văn chương không vô can, cũng không phải tuỳ tiện. Có thể mạnh dạn mà nói
rằng cái cách trình bày đời sống nội tâm tự nhiên như trên đánh dấu một trình độ
mới trong quan niệm nghệ thuật của các nhà văn như Vũ Bằng hay Nam Cao. Họ
không định đứng ra răn dạy bạn đọc, theo kiểu mấy ông đồ cổ lỗ đứng ra thuyết
minh đạo đức đã đành. Mà họ cũng không cố làm ra vẻ khách quan, đứng ngoài câu
chuyện, như trong mấy cuốn Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Khái
Hưng đã tự xác định. Sòng phẳng hơn, họ muốn trang giấy trở thành một chỗ để
tâm sự với mọi nguời, và bằng cách đó, tiến xa hơn trên con đường dân chủ hoá
văn học.
Tại sao có thể nói vậy?
Chắc chắn khi muốn trở thành thượng đế
trong tác phẩm, tức cái gì cũng biết, cái gì cũng sắp xếp đâu vào đấy, có mặt ở
mọi nơi mà không xuất đầu lộ diện…, thực ra nhà văn đã giả thiết rằng mình đứng
ở địa vị cao hơn nên so với bạn đọc trong khi kinh nghiệm cho thấy trong sự
giao tiếp, khoảng cách đôi bên càng thu hẹp càng tốt, đấy là một lẽ. Còn một lẽ
nữa: Dù muốn hay không muốn, người ta cũng phải công nhận là ở con người hiện đại,
đời sống tâm linh là một cái gì hết sức phức tạp, và muốn biết một nhà văn có
thấu đáo lẽ đời không, mà cũng là có tôn trọng bạn đọc không, hãy nhìn xem nhà
văn đó hiểu về con người ra sao. Chính định hướng ấy sẽ quyết định toàn bộ các
vấn đề kỹ thuật của tác phẩm. Ở chỗ này, vói tư cách một người đương thời chịu
để ý học hỏi, Tô Hoài tỏ ra khá nhạy cảm. Trước tiên, ông phân tích khá rạch
ròi khác biệt giữa một tác giả cũng rất nổi tiếng, và sự thực đã viết rất sớm
là nhà văn Nguyễn Công Hoan, với trường hợp của Vũ Bằng. Theo Tô Hoài mãi đến về
sau này, Nguyễn Công Hoan vẫn tuân thủ nghiêm ngặt cách dựng nhân vật bằng một
số thủ pháp cổ điển như: ý nghĩ nhân vật không lẫn lộn xen với tả cảnh; nhân vật
nghĩ dứt rồi mới hành động; miêu tả nhân vật này nghĩ và làm xong mới miêu tả
nhân vật khác”(tài liệu đã dẫn). Trong khi đó, vẫn theo Tô Hoài, ở
Vũ Bằng mọi chuyện khác hẳn “Vũ Bằng miêu tả nhân vật hoạt động và nội tâm
khăng khít với quang cảnh, có nghĩa là cuộc sống con người quấn quýt, dằng co
giữa tâm trạng và hình thức giữa tất cả với chung quanh” Tiếp đó, Tô Hoài nhấn
mạnh ý nghĩa toát ra từ những biện pháp nghệ thuật trên của Vũ Bằng “Tác giả
không chụp ảnh, không ghi lại không trau chuốt đưa nhân vật ra. Hình như tự các
nhân vật với vấn đề và triết lý tư tưởng của mỗi số phận với xã hội tác động
nhau, nghiêng ngả khi say khi tỉnh trong đau khổ và những niềm vui bé nhỏ của đời
người” (tài liệu đã dẫn) Thì ra là thế! Để hiểu quan niệm về con người của
một nhà văn trước tiên phải xem xét cái thái độ yêu thương trân trọng hay xem
thường thậm chí ghen ghét mà tác giả tuyên bố hoặc trực tiếp bộc lộ qua việc
miêu tả. Nhưng ngoài ra, còn một biểu hiện nữa gián tiếp hơn, đó là hãy nhìn tổng
quát xem trong tác phẩm đó, tâm lý nhân vật là đơn giản hay phức tạp, thẳng đơ
một chiều hay là muôn hình muôn vẻ, và luôn luôn biến chuyển không dễ gì nắm bắt
nổi. Theo hướng thứ hai mà xem xét, có thể bảo cái giọng văn, cái hơi hướng
câu văn kiểu như Vũ Bằng cũng như Nam Cao là một cách thức để làm cho văn
chương gần với con người hơn, nhất là những con người “khi say khi tỉnh trong
đau khổ và những niềm vui bé nhỏ” là đa số chúng ta. Sở dĩ có thể nói văn học
càng hiện đại hơn thì càng dân chủ hơn, lý do chính là như thế.
*
Những ngưòi có tìm hiểu kỹ đời sống văn học
1932-1945 đều biết Vũ Bằng là một trường hợp hết sức mâu thuẫn: Một mặt ông
thông minh, nhạy bén, vừa viết văn vừa viết báo và có ảnh hưởng đến nhiều đồng
nghiệp đương thời. Mặt khác, đó lại là con người sống ào ào, viết ào ào, cẩu thả,
dễ dãi ngay với những trang viết của mình, lấy việc không viết gì đến nơi đến
chốn làm thói quen thường trực. Những tài hoa sắc sảo của ông thường tản mát
đây đó. Quá tự tin, hay quá khinh xuất, ông để nó vung vãi khắp nơi, và ngẫu
nhiên bột phát đến đâu thì đến. Đôi khi, vừa đọc xong một trang rất hay của
ông, người ta bắt gặp những trang viết tuỳ tiện “không thể thương nổi”, và nói
chung cái tình trạng được mặt này hỏng mặt khác không chỉ là chuyện của riêng
tác phẩm nào mà là của cả đời văn ông nữa. Bởi thế, trong khi một số người gần
gũi mến ông vì tài, quý ông vì sự sống cởi mở với chung quanh, thì người ở xa dễ
có cảm tưởng là ông loăng quăng, không đâu vào đâu. Ngoại trừ trường hợp Vũ Ngọc
Phan (với Nhà văn hiện đại), hầu như không có nhà nghiên cứu nào
khi xem xét lịch sử văn học 32-45 để công viết riêng - viết kỹ về ông, bởi
đại khái người ta cho ở Vũ Bằng lượng nhiều hơn phẩm, làm ồn gây nhiễu cho đời
sống văn chương hơn là có đóng góp cụ thể.
Một cách đánh giá như thế không khỏi có
chút bất công. Nhưng làm sao khác được?! Chính Vũ Bằng là tác giả của cách
tồn tại của ông trong văn học. Có điều, cũng nên nói thêm là trong khi
những người khác thuận lợi hơn, được só mệnh phục trợ hơn, thì hình như ông
không gặp may nữa. Trường hợp hồi ký Cai. Chính là ví dụ về sự
không gặp may đó.
Người tò mò có lẽ không bỏ qua mấy dòng
ghi ở cuối bản Cai in lần thứ nhất:
In xong ngày 30 Septembre 1944
Tại nhà in Tân Dân Hà Nội
Tạm thiên về
Mục Xá, Thanh Oai, Hà Đông
Lúc bấy giờ, cuộc đại chiến thế giới lần
thứ hai đã đi gần đến hồi kết thúc, nó lây lan sang cả Đông Dương. Và trên mảnh
đất hình chữ S mà dân ta đang sinh sống, lòng người gần như không thể bình tĩnh
nữa, lòng người đang chờ đợi những thay đổi lớn.
Có lẽ vì lý do như thế nên cuốn Cai chìm
đi ngay khi ra đời, hầu như rất ít người được đọc nó, lại càng không ai nhắc nhở
nó trên báo chí, và một thời gian dài , người ta không biết có nó trên đời
. Ngày nay đọc lại Cai, trước tiên chúng ta vui mừng vì được tiếp
xúc với một tác phẩm lành mạnh - nó cổ vũ mọi nguời kiên quyết hơn trong cuộc đấu
tranh chống lại một tệ nạn xã hội tàn phá ý chí và sức khoẻ con người. Nhưng về
mặt văn chương mà xét, với Cai, người ta bắt gặp một tác phẩm văn
xuôi dài hơi tự hoàn chỉnh trong giọng điệu và là một thể nghiệm độc đáo về mặt
thể loại. Cùng với nhiều tác phẩm đương thời, cuốn sách này của Vũ Bằng cho thấy
đến những năm 40 của thế kỷ này, văn xuôi Việt Nam đã trưởng thành, nó trở nên
biến hoá đa đạng hơn, mà cũng là dẻo dai mềm mại hơn, tự bản thân nó đã là một
bằng chứng ghi nhận sự phát triển tinh vi phức tạp đã đến trong đời sống và trong
nội tâm con người hiện đại.
1997
Lời giới thiệu viết cho Cai, hồi ký của Vũ Bằng
NXB Hải Phòng 1997