VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sử học và dịch bệnh



Thạc sĩ Vũ Đức Liêm -- giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu Lịch sử tại ĐH Hamburg. – đang là tác giả nhiều nghiên cứu đột phá về lịch sử cận đại VN và khu vực.
Các bài viết của ông thường triển khai theo lối nhìn và cách viết của sử học hiện đại phương Tây nên rất hấp dẫn và theo tôi hiểu là có đóng góp cho sử học -- với ý nghĩa là tìm cách viết lại thứ sử quan phương khô cứng và lạị nhiều phần giả dối đang được dạy ở nhà trường hiện nay-- đồng thời làm cho người ta thêm yêu môn khoa học đang bị coi là nhàm chán này.
Ông vừa tham gia vào hoạt động chống dịch bệnh hôm nay bằng chính cái phần chuyên môn sâu sắc của mình.
Bài viết trên tạp chí Tia sáng “Bệnh dịch và số phận của con người xã hội” công bố vào ngày 22/02/2020, có ở đường link
https://tiasang.com.vn/…/Benh-dich-va-so-phan-cua-con-nguoi…
Mở đầu ông nói tới một chi tiết mà theo tôi nhớ thì … chưa một nhà nghiên cứu văn học nào biết.
"Mùa thu năm 1820, tham tri Lễ bộ Nguyễn Du đang chuẩn bị cuộc hành trình sang Bắc Kinh. Vị quan chức được nhà vua mới lên ngôi Minh Mệnh cử đi sứ trong một nhiệm vụ đặc biệt: báo tang vua cha Gia Long và xin cầu phong. Không may là một trận dịch tả đã tràn qua Việt Nam vào thời điểm đó, và nhà thi hào cùng với hàng trăm nghìn người Việt khác đã bỏ mạng."

Rồi đúng với tư cách nhà sử học ông tóm tắt tình hình bằng cách đưa ra những con số
"Trận dịch này bắt đầu từ năm 1816, quét qua Ấn Độ từ 1820 và bắt đầu vào Việt Nam trong cùng năm, lan từ Hà Tiên lên Bắc thành. Sử nhà Nguyễn thống kê: số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Nhà nước bỏ ra 730.000 quan tiền để cứu chẩn, mai táng.
Với quy mô dân số Việt Nam dưới 10 triệu người vào đầu thế kỷ XIX, hơn 4% dân số đã bị thiệt mạng. Nếu một trận dịch với tỉ lệ tương tự vào năm 2020, 4 triệu người Việt Nam sẽ bị đe dọa tính mạng."
Trong phần kết luận, Vũ Đức Liêm nói rõ: chuyện dịch bệnh ở xã hội nào cũng vậy, đều có liên quan tới “mô hình thể chế hay khả năng thích ứng của các hệ thống chính trị.” .
Nghiã là giông như mọi hiện tượng xảy ra trong quá khứ, nó luôn luôn có ý nghĩa thời sự.
…Dịch bệnh không chỉ làm thay đổi thể chất mà còn tinh thần của xã hội.
…nếu có bài học gì từ quá khứ các trận dịch và số phận đau thương của con người thì đó chính là khả năng kiểm soát dịch bệnh và ổn định tình hình của người quản trị xã hội.


----
Ngày 29/02/2020, người ta đọc được trên tờ Tuổi trẻ một bài viết có tính cách phổ thông - bài “Gần 70 trận dịch bệnh ở Việt Nam thế kỷ 19, thi hào Nguyễn Du qua đời vì dịch” tác giả là Phạm Hoàng Quân - một nhà sử học xuất sắc khác .
https://tuoitre.vn/gan-70-tran-dich-benh-o-viet-nam-the-ky-…
Nhưng Phạm Hồng Quân không dừng lại ở những bài báo phổ cập .
Phát triển trên cơ sở bài “ Lược đàm về dịch bệnh ở nước ta trong thế kỷ 19 ” đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 1-3-2020, ít ngày sau ông lại hoàn thành công trình nghiên cứu“ Lược khảo về dịch bệnh ở Việt Nam hồi thế kỷ 19 qua ghi chép trong Đại Nam thực lục” và đưa đầu tiên trên Diễn Đàn.
Bài viết rất uyên bác này tổng cộng tới hơn 15 ngàn chữ có kèm thêm cả những bảng minh họa và bản chụp lại trang chữ Hán lấy từ các tài liệu gốc.
https://www.diendan.org/…/luoc-khao-ve-dich-benh-o-viet-nam…
----
Đại Nam thực lục là bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn.
Đây là một trong hai bộ sử quan trọng nhất được thực hiện trong thời nhà Nguyễn, bộ kia là Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
Nếu bộ sử thứ hai bao quát về lịch sử Việt Nam từ khởi thủy trở đi thì bộ thứ nhất tức Đại Nam thực lục viết riêng về triều nhà Nguyễn.
Ta có thể thấy ở đây lối viết sử tiêu biểu của người Việt trong các thể kỷ trước tức là thiên về biên niên và ghi chép rất tỉ mỉ.
Lắm lúc tôi tần mẩn tự hỏi nếu bây giờ có ai hỏi về tình hình dịch bệnh ở xã hội ta suốt 75 năm qua - tức là từ 1945 đến nay như thế nào -- thì chỉ có cách bó tay vì chả có sách vở nào ghi chép cả.
Mà chả cứ dịch bệnh , cái gì liên quan đến đời thường đều bị các nhà sử học thời ta coi nhẹ.
Các nhà viết sử quan phương này chỉ thích nói về những chiến công những thành tích với những lời lẽ hoa mỹ kiểu nước đường và lối nghĩ ấy lây lan ra cả xã hội.
Có thể nói về mặt quan niệm sử học, lối viết sử này thua xa các thế hệ trước từ thời các triều Trần, Lê.
Tới thế kỷ 19, trong hoàn cảnh một đất nước trưởng thành và thống nhất, các vua nhà Nguyễn đã có ý thức chỉ đạo các sử quan ghi chép tương đối chính xác về các hiện tượng trong triều chính cũng như ngoài dân chúng đang xảy ra - nó chứng tỏ cái tự ý thức của xã hội hồi ấy tốt hơn chúng ta ngày nay rất nhiều.
Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20, nhà văn Nguyễn Tuân có lần ngồi khảo lại cuốn Tắt Đèn đã giở lại những trang Đại Nam thực lục có ghi chép về tình hình thuế được thực thi trong xã hội Việt mãi tới khi người Pháp đã cai trị, đặc biệt là thuế thân và các loại thuế nông nghiệp, từ đó đã có sự khẳng định độc đáo và tốt đẹp dành cho những trang tiểu thuyết của Ngô Tất Tố. ( Tôi hiện còn giữ được những trang viết về thuế trong một cuốn trong bộ sách Đại nam thực lục hơn 30 tập khổ 13.19 ở đó Nguyễn Tuân sành đọc sử đã khuyên đỏ bên lề những trang sử cũ có ghi những con số mà ông cho rằng thuyết phục hơn mọi lời bình tán khác).
Nhờ dựa vào Đại Nam thực lục nên về mặt tư liệu bài khảo vè dịch của Phạm Hoàng Quân nhắc ở trên là một văn bản hết sức hàm xúc như rất hiếm thấy trong các công trình sử học viết bằng tiêng Việt hiện thời.
Sau phần Phân loại sơ bộ và lược tả là các phần Việc mô tả bệnh chứng, xác định tên dịch bệnh rồi đến Sự ứng phó dịch bệnh của triều đình bao gồm từ các Liệu pháp tinh thần Việc chữa trị Việc trợ cấp cùng những Thất xuất trong việc cai quản. Đây là một đoạn ghi lại tâm lý và ứng xử vừa thực tế vừa chu đáo và cận nhân tình của nhà cầm quyền đương thời

Đến năm 1874, có thể là do qua thời gian được tiếp cận kiến thức khoa học Tây dương, trong một trận dịch bệnh thấy Tự Đức nói : “ Phàm cầu đảo không có công hiệu, nhưng cứ yên lặng ngồi nhìn thì không yên tâm, mà không có phép gì cho khỏi được. Chỉ dốc sức các phủ huyện đi xuống làng ấp gia tâm thăm hỏi, người bệnh thì cho thuốc, người đói thì cho cơm, xét khuyên những nhà giàu thương nhau chu cấp cho nhau, không đủ thì cấp gạo kho công cho chóng được yên ”
---
Tôi cho rằng cách tồn tại của các nhà khoa học, các nhà trí thức trong hoàn cảnh khó khăn của xã hội phải là như thế, tức nên như trường hợp của Vũ Đức Liêm và Phạm Hoàng Quân nói trên . Không nên lao đầu vào những cuộc bàn luận dông dài về những vấn đề thời sự mà mình không thành thạo mà hãy tiếp tục làm công việc chuyên môn của mình. Còn nếu như trong chuyên môn, thấy có phần nào gắn bó với tình hình thời sự thì nhanh chóng hoàn thành. Nó chính là một phần góp thêm vào cho hoạt động của các nhà trí thức chuyên môn khác đang trực diện cứu giúp người dân trong tai họa.

Ngoài nội dung cụ thể các bài viết của Vũ Đức Liêm và Phạm Hoàng Quân có ý nghĩa gợi mở một phương hướng làm việc cơ bản và lâu dài cho các nhà khoa học xã hội. Ý tôi muốn nói chỉ đơn giản là các khía cạnh của đời sống chúng ta đang sống rất cần được ghi chép một cách tỉ mỉ theo góc nhìn và các phương pháp hiện đại. Sử học không chỉ để phục vụ cho các ý đồ của nhà cầm quyền và nhu cầu tự thỏa mãn của người đương thời, mà còn phải đóng góp vào việc vẽ lại bộ mặt của xã hội cả cái thời chúng ta đang sống để làm tài liệu cho các thế hệ tương lai tiếp tục suy nghĩ và phán xét.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn