VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hãy viết về xã hội và con người Việt Nam trong cơn đau ốm

Tiếp tục câu chuyện
về "Sử học và dịch bệnh"
Sau bài viết, “Bệnh dịch và số phận của con người xã hội” nhà sử học Vũ Đức Liêm còn công bố trên trang mạng phunuonline.com.vn một bài khác
KHI VIỆT NAM BỊ "ỐM": SỐ PHẬN MỘT DÂN TỘC GIỮA NHỮNG TRẬN DỊCH
Có thể tìm, chẳng hạn, ở đường link
http://c3hungyen.hungyen.edu.vn/thong-bao/thong-bao-cua-truong/a3.html
Sau đây là nguyên văn mấy câu nòng cốt làm nên ý chính trong bài viết này

1/ Chúng ta nói nhiều về một Việt Nam cường tráng. Đó là Việt Nam anh dũng, tài hoa, nhân văn, với địa linh nhân kiệt… Nhưng thực tế, bên cạnh những ngày khỏe mạnh, Việt Nam cũng có lúc ốm đau.
Trí nhớ xã hội (cũng như của tất cả chúng ta) cố quên đi lúc đau ốm, yếu ớt, mà chỉ nhớ về những ngày khỏe mạnh vui tươi. Nhưng dù có muốn nhớ về nó hay không, thì bệnh tật luôn là một phần của quá khứ. Việc chúng ta học được gì từ những ngày ốm là cực kỳ hữu ích, vì nó giúp nhận thức sự mẫn cảm sinh học của Việt Nam để có cách thức phòng tránh trong tương lai.

2/Dịch bệnh, thiên tai và loạn lạc thường đi cùng nhau. Chúng là những bạn đồng hành thân thiết, tác nhân thường trực gây ra hỗn loạn, dân ly tán, bạo lực xã hội, và sau cùng là hưng vong, thịnh suy của các triều đại.

Có lẽ nỗi ám ảnh dịch bệnh vùng nhiệt đới đã nhiều phen “giúp” người Việt giảm được xung đột bạo lực với phương Bắc

3/ Bệnh dịch, thiên tai vì thế là một phần quan trọng của câu chuyện tính chính danh, chính thống, và thiên mệnh của người cầm quyền.

Dịch bệnh cũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển chính trị, lãnh thổ, hưng vong triều đại và thịnh suy dòng họ.

Bệnh dịch làm thay đổi chính sách, làm gián đoạn nền chính trị vào giữa thế kỷ XIX.

4/ Điều đáng chú ý là tuy thi thoảng Việt Nam bị nhiễm bệnh, cấu trúc làng xã trong quá khứ, hạn chế của giao thương, cũng như chính sách kịp thời của nhà nước đã góp phần ngăn chặn các đợt bùng phát.

Xã hội hiện đại chính là các đô thị, dân cư chuyển động liên tục và nền kinh tế gắn chặt với toàn cầu.

Đây sẽ là một thách thức cho những người cầm quyền mới, điều mà Lê Thánh Tông, Minh Mệnh hay Tự Đức chưa phải đối mặt.


***
Xen kẽ trong bài, tác giả đưa ra ba bảng thống kê trong đó một về các trận dịch lớn ở trong nước từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 18 lấy nguồn từ Đại Việt sử ký toàn thư một về Thiên tai, dịch bệnh và nạn đói ở châu thổ sông Hồng năm 1820 – 1841, theo các tài liệu của Đại Nam thực lục
Ngoài ra còn có một chi tiết lý thú khác, chẳng hạn : trong những sự kiện ít được biết tới chính là cuộc viễn chinh lớn nhất của người Việt sang đất Thái Lan cuối thế kỷ XVIII. Nhằm chống lại sự bành trướng của người Thái, Mạc Thiên Tứ cử con rể là Trần Đại Định cùng 5 vạn quân thủy bộ tiến công sang phía tây. Đạo binh thuyền nối đuôi nhau kéo dài 12 dặm đã tới đóng tại Chanthaburi (đông Thái Lan ngày nay). Không may là trong vòng hai tháng sau đó, đạo quân này bị dịch tả tấn công. “Có ngày chết cả trăm người”. Vì thế năm vạn quân ra đi, chỉ còn một vạn trở về.


***
Có ý nghĩa thời sự ở đây là đoạn về vai trò của các nhà cầm quyền trong các trận đại dịch
Nếu trong bài trước, tác giả Vũ Đình Liêm (cũng như Phạm Hoàng Quân) đã ghi nhận sự ân cần chu đáo của các vua nhà Nguyễn đối với dân chúng khi dịch bệnh hoành hành và nói chung là dân trong nước gặp nhiều tai họa, thì trong bài này, ông còn chỉ rõ ở họ một phản ứng khác sâu sắc hơn.
Năm 1825, Minh Mệnh đã tự hỏi: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng?” (Thực lục).

Trong khi bất lực trước thiên tai, các vua triều Nguyễn cùng cảm thấy là chính họ có lỗi, và tìm cách để thay đổi những gì thuộc về bản thân. Trước sau họ vẫn nghĩ mình được trời trao cho sứ mệnh cai trị, nay trong nước có dịch bệnh, tức là họ đã không làm tròn trách nhiệm mà trời đất giao phó. Đó là truyền thống suy nghĩ của vua chúa phong kiến phương Đông mà theo tôi, các nhà cầm quyền nước nào thời nào cũng nên theo.
 Tac động như thế tới nhà cầm quyền phải chăng cũng có thể xem như là một nét tích cực của thiên tai dịch bệnh?
Sau hết, có một ý mà riêng tôi hết sức tâm đắc, nó là chính câu đầu tiên của bài, ý nói chúng ta không chỉ cần nghiên cứu về nước Việt Nam cường tráng mà phải nghiên cứu về những lúc Việt Nam ốm yếu bệnh tật, đại khái điều này cũng giống như lâu nay tôi dành nhiều thì giờ đi vào chuyên mục thói hư tật xấu của người Việt. Đã có lúc trước sự phê phán của một số bạn tôi sinh hoang mang.Nhưng cuối cùng tôi vẫn nghĩ khi phác họa chỗ yếu của  người Việt chính là tôi góp phần chuẩn bị cho những công trình của những người khác đi vào nghiên cứu người Việt và xã hội Việt một cách sâu sắc và toàn diện.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn