VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nếu như không biết làm gì thì ta hãy đọc...



Trong những ngày có DỊCH CÚM này tôi nhớ ngay tới tiểu thuyết Dịch hạch của Albert Camus  , liền gõ Gogle và tạm bằng lòng với hai tài liệu 2/ và 3/ đưa dưới đây muốn mời các bạn cùng đọc.

Nhưng trước hết mời các bạn dừng lại ở tài liệu 1/ nó là cái cớ khiến tôi thêm tự tin khi chuẩn bị các tư liệu này trong đó có lời khuyên của một nhà giáo loại hơi cổ như bọn tôi
"Các con hãy tận dụng những ngày này để đọc một cuốn sách hay và không có lý do gì để nhốt mình trong nhà nếu bản thân khỏe mạnh."

Tiếp lời ông tôi muốn nói thêm
Ngay trong hoàn cảnh của một người bình thường, cách tốt nhất để TIÊU HÓA tình cảnh này là ta hãy NGHĨ VỀ NÓ TRONG MỘT KHUNG CẢNH RỘNG LỚN CỦA KIẾP NHÂN SINH.

Và trong khi nghĩ, một trong những điểm tựa lớn của chúng ta là kinh nghiệm của các thế hệ trước, những trải nghiệm của họ còn được ghi nhận trong những nền văn học lớn mà hậu thế mãi mãi tìm đọc.
Xin cám ơn các bạn đã chuẩn bị những tài liệu dưới đây. Dù chỉ là một phần nhỏ, vẫn là chúng có giúp tôi thêm chút hào hứng sống trong những ngày dịch bệnh và riêng tôi thì lại khổ nạn đột quỵ đã hai năm nay.


1/
Bức thư nhân văn thầy hiệu trưởng Ý viết cho học sinh trong mùa dịch
" Các con thân mến!
Không có gì mới mẻ, nhưng việc trường học phải đóng cửa khiến thầy muốn gửi thông điệp này đến các con. Trường của chúng ta là ngôi trường có truyền thống với nhiều năm lịch sử. Việc phải đóng cửa trường trong thời điểm này không phải ngẫu nhiên mà do chính quyền đang phải đối mặt với một vấn đề hiếm xảy ra.
Thầy không thể đánh giá chính xác tính đúng đắn của biện pháp này bởi thầy không phải chuyên gia. Thầy cũng không giả vờ làm như vậy bởi thầy tôn trọng, tin tưởng các nhà chức trách và sẽ tuân thủ các chỉ dẫn của họ.
Tuy nhiên, điều thầy muốn nói với các con là dù thế nào đi chăng nữa, các con phải luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh để không bị lôi kéo vào những ảo tưởng, với sự đề phòng và thận trọng để sống một cuộc sống bình thường.
Các con hãy tận dụng những ngày này để đọc một cuốn sách hay và không có lý do gì để nhốt mình trong nhà nếu bản thân khỏe mạnh.
Cũng không có lý do gì để chúng ta phải vơ vét khẩu trang ở các siêu thị, hiệu thuốc. Hãy để khẩu trang lại cho những người bệnh. Chính họ mới thực sự là những người cần.
Tốc độ lây truyền của con virus này đến từ mọi ngóc ngách trên thế giới và chỉ là vấn đề thời gian. Chẳng có bức tường nào có thể ngăn chặn chúng.
Một trong những rủi ro lớn nhất ở những sự kiện như vậy, theo Manzoni và Boccaccio (những tác giả từng kể về bệnh dịch hạch ở Milano năm 1630), chính là mối quan hệ giữa người với người và đời sống của chúng ta bị nhiễm độc.
Bản năng của con người khi cảm thấy bị đe dọa bởi một kẻ thù vô hình là sẽ nhìn thấy chúng ở khắp nơi. Điều nguy hiểm nhất là chúng ta xem đồng loại của mình như một mối đe dọa hay một kẻ thù tiềm năng.
So với các dịch bệnh của thế kỷ XIV và XVII, hiện chúng ta có một nền y học hiện đại. Hãy tin vào những tiến bộ và sự chắc chắn của nó.
Thầy mong các con hãy suy nghĩ tỉnh táo để giữ gìn thứ tài sản quý giá nhất mà chúng ta sở hữu, đó chính là tình nhân loại. Nếu chúng ta không làm được điều đó, bệnh dịch sẽ chiến thắng.
Thầy sẽ đợi các con dưới mái trường.
Thầy Domenico Squillace”.
Trường Giang (Theo Medium)

2/
Dịch hạch (tiểu thuyết)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
.
Dịch hạch
La peste

Tác giả Albert Camus
Quốc gia Pháp (Algérie)
Ngôn ngữ tiếng Pháp
Thể loại Phi lý
Nhà xuất bản Librairie Gallimard
Ngày phát hành 1947

Số trang 338 trang
ISBN
ISBN 0-679-72021-9

Bản tiếng Việt
Người dịch Nguyễn Trọng Định

Dịch hạch (tiếng Pháp: La peste) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Albert Camus xuất bản năm 1947. Một vài nhân vật của Dịch hạch đã xuất hiện trong cuốn sổ tay của Camus viết ở Alger năm 1938. Nhưng hơn cả là ở Oran, từ cuối năm 1940 đến mùa xuân năm 1942, rồi ở Pháp, Camus đã soạn thảo lại cuốn tiểu thuyết của mình.
---
Nhân vật chính

• Bác sĩ Bernard Rieux: nhân vật trung tâm của Dịch hạch. Ông cùng với bạn bè và đồng nghiệp lao vào cuộc chiến đấu với bệnh dịch để cứu thành phố Oran. Rieux có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: "nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch", "sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...". Những lời nói và hành động của Rieux đã thuyết phục được nhiều người, như nhà báo Rambert hay linh mục Paneloux. Bản thân Rieux, chính trong thời gian dịch hạch vợ ông ốm đau phải đi điều dưỡng và khi bà chết Rieux cũng không được gặp.
• Jean Tarrou: anh là một trí thức xuất thân danh giá, nhưng chán ghét cuộc sống của chính mình. Tarrou giã từ cuộc đời nhung lụa sau một lần chứng kiến cha mình - một chưởng lý - buộc tội hành hình một bị cáo. Anh lưu lạc qua nhiều nước, tham gia vào nhiều cuộc chiến đấu. Tarrou xuất hiện ở Oran một cách bí ẩn, luôn ghi chép những sự kiện của thành phố vào cuốn sổ tay của mình. Là người đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Rieux chống lại bệnh dịch.
• Raymond Rambert: phóng viên của một tờ báo ở Paris đến Oran điều tra về cuộc sống ở đây. Dịch hạch làm anh kẹt lại thành phố, không thể trở về với người yêu. Ban đầu Rambert luôn cho mình là kẻ ngoài cuộc, anh tìm mọi cách để thoát khỏi Oran. Nhưng chính khi có cơ hội thì anh quyết định ở lại. Những hành động của Rieux và Tarrou đã thuyết phục Rambert.
• Cha Paneloux: ban đầu ông coi bệnh dịch là sự trừng phạt của Chúa, và những con chiên phải yên lòng đón nhận. Nhưng cuối cùng ông đã bị thuyết phục bởi Rieux, và nhất là sau khi chứng kiến cái chết của con trai ngài dự thẩm Othon. Trong buổi cầu kinh thứ hai, cha Paneloux đã kêu gọi: "Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại." Bản thân ông cũng tự nguyện tham gia vào đội cứu chữa.
• Joseph Grand: một nhân viên ở tòa thị chính. Anh ta có mơ ước trở thành nhà văn, thường sửa đi sửa lại một câu văn của mình. Grand cũng tham gia vào đội tình nguyện.
• Cottard: Một kẻ cơ hội, tìm cách kiếm lợi nhờ dịch hạch.
------
Cốt truyện
Oran là thành phố biển xấu xí của Pháp nằm ở phía Bắc Algérie. Sáng ngày 16 tháng 4 của một năm trong thập niên 1940, bác sĩ Rieux từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đá phải một xác con chuột chết; ngay chiều hôm đó đi về thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Lúc đầu người ta tưởng đó là trò nghịch ngợm của bọn trẻ, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần, dân cư thành phố lo sợ. Các bệnh nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện rồi xuất hiện những người chết đầu tiên. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan tràn Qua nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng chính quyền công nhận thành phố bị dịch hạch và quyết định đóng cửa thành phố để bệnh khỏi lây lan, gây nên nhiều xáo trộn cuộc sống với nhiều gia đình ly tán. Song dân chúng Oran cũng dần quen với thảm họa sau những hốt hoảng đầu tiên. Nhịp sống dần trở lại bình thường mặc những cảnh chết chóc, đốt xác chết, chôn người chết diễn ra hết sức phổ biến và ghê rợn.
Nổi lên trong tác phẩm là một số nhân vật không nề hà nguy hiểm giúp đỡ bệnh nhân hoặc nghiên cứu điều chế vacsin trị bệnh. Đó là Grand, một viên chức bình thường ở tòa thị chính; là nhà báo Rambert có người yêu ở Pari nhưng không nỡ rời thành phố chết chóc này để tìm hạnh phúc riêng tư; là cha Panelou, vị linh mục vừa tin bệnh dịch hạch là sự trừng phạt của chúa, vừa mong muốn làm giảm nỗi đau cho con người; là nhà trí thức Tarrou; đặc biệt là bác sĩ Rieux, người làm việc ngày đêm không mệt mỏi để cố tìm cách đẩy lùi bệnh dịch.
Sau nhiều ngày tháng Oran lâm vào cảnh chết chóc tang thương, bệnh dịch hạch dần chững lại và đến 25 tháng giêng bệnh coi như chấm dứt sau khi đã giết chết không biết bao nhiêu sinh mạng.
--------------------
Đặc điểm
Tác phẩm được kể ở ngôi thứ ba tuy thi thoảng lóe lên những nội dung cho biết người kể chuyện hoàn toàn không phải đứng ngoài cuộc vì chắc chắn cũng là dân của thành phố Oran. Gần cuối tác phẩm xuất hiện câu: "chuyện đến đây là kết thúc, đã đến lúc Bernard Rieux thú nhận chính ông là tác giả. Nhưng trước khi thuật lại những sự kiện cuối cùng, ít ra ông cũng muốn biện bạch cho sự can thiệp của mình và để cho mọi người hiểu rằng ông cố ý lấy giọng của một người chứng kiến khách quan. Tác phẩm bỗng như mang một dáng vẻ mới: cùng với nhân vật người kể chuyện đóng hai vai, nghe rõ hai giọng phân biệt hòa vào nhau là giọng của người kể chuyện không tên ít nhiều đồng nhất với nhà văn và giọng của bác sĩ Rieux.
Dịch hạch là cuốn tiểu thuyết nhưng mang dáng dấp ký sự. Bản thân ý nghĩa của khái niệm "dịch hạch" cũng cho thấy tính chất biểu tượng của nó. Tác phẩm ra đời ngay sau đại chiến thế giới thứ 2, nên tham họa miêu tả trong đó có thể khiến người ta liên tưởng đến chủ nghĩa phát xít, nhưng cũng có thể nó ám chỉ bất cứ hình thức bạo lực nào đang đe dọa cuộc sống loài người và có thể còn đè nặng lên nhân loại trong tương lai. Dù có những con người cố gắng nhập cuộc với tất cả sức lực, con tim và trí óc nhưng cũng không đi đến đâu vì bệnh tự đến và tự lui chưa biết bao giờ lại xuất hiện, điều đó phần nào toát lên tư tưởng bi quan của tác giả.
3/
Bài đưa trên trang mạng VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI
Thứ Tư, 19/02/2020
http://vannghequandoi.com.vn/…/dich-hach-cua-albert-camus-c…
----
Dịch hạch của Albert Camus: Câu chuyện dành cho chúng ta và mọi thời đại
----
Chủ nhân sáng tạo của tiểu thuyết Dịch hạch có thể đã ra đi mãi mãi, nhưng 60 năm sau cái chết của ông, với sự phát sinh của vô vàn những dịch bệnh thuộc kiểu này hay kiểu khác, hiện diện của cuốn sách này vẫn nghiễm nhiên hợp thời và bức thiết.
(Bài viết này được đăng trên Tạp chí The Guardian vào đầu năm 2015, khi đại dịch Ebola bùng phát nghiêm trọng ở Tây Phi. 5 năm sau, năm 2020, vừa đúng 60 năm sau tai nạn của Albert Camus, giữa khung cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Corona, chúng ta cùng đọc lại bài viết này để suy nghĩ về những gì Camus đã mô tả về con người trong những bối cảnh dịch bệnh).

Không nhiều nhà văn đặt để những tác phẩm của họ gần với cái chết như Albert Camus, một trong những nhà tiểu thuyết và tiểu luận vĩ đại nhất của thế kỉ 20, người đã phải chứng kiến sự kết thúc cuộc đời mình trong một tai nạn giao thông cách đây 50 năm trên tuyến đường Lyon-Paris Quốc lộ 6. Trong tất cả những tiểu thuyết mà Camus để lại cho hậu thế, không một cuốn nào miêu tả cuộc chiến đấu và cả cuộc chung sống giữa con người với cái chết một cách cặn kẽ và sinh động cùng một quy mô hoành tráng như trong La Peste, bản dịch tiếng Việt là Dịch hạch. Chúng ta hầu như đọc Dịch hạch khi còn là những thanh thiếu niên, và giờ có lẽ, tất cả ta đều nên đọc lại. Bởi một lần nữa: cuốn sách không chỉ bày biện ra tất cả những động thái ứng xử của loài người trước cái chết, mà ngay lúc này – cùng với những diễn biến của nạn dịch Ebola – tiểu thuyết của Camus đang thực sự trình hiện và đúng trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Dịch hạch của Camus là câu chuyện kể về một nhóm những người đàn ông tập trung lại để cùng nhau chống lại dịch bệnh. Trong kịch bản đó, chúng ta bắt gặp lòng can đảm, nỗi sợ hãi và cả những tính toán, đắn đo mà ta có thể đã đọc hoặc nghe trong tất cả những tin tức hàng ngày về nỗ lực của Tây Phi đang cố gắng ngăn chặn và chiến đấu với Ebola; thông qua những tự sự của Camus, chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng hình tượng bác sĩ Rieux với hàng trăm những bác sĩ người Cuba ngay lập tức đã lên đường tới vùng “Ground Zero” của dịch bệnh và những người như nữ y tá Schotland đang ngày đêm đấu tranh cho sự sống của chính mình tại bệnh viện Tự do Hoàng gia ở thủ đô London.


Tôi nghĩ Camus hoàn toàn có chủ đích trong việc gợi ra ở tác phẩm của mình những cách hiểu trên cả bề mặt câu chữ và những ngụ ngôn sau đó. Người ta vẫn thường đồng ý rằng, thứ dịch bệnh mà ông miêu tả là một ẩn dụ rõ ràng cho Đệ Tam Quốc xã. Dịch hạch được viết vào năm 1947, khi cả thế giới vẫn đang đắm chìm trong niềm sung sướng sau khi chiến tranh kết thúc và reo vang khẩu hiểu “Never again”, nhưng Camus vẫn không quên nâng cao cảnh giác với người đọc rằng: nạn dịch hạch tiếp theo “sẽ đánh thức đàn chuột của nó một lần nữa” để đổi lấy “sự đổ vỡ và tỉnh ngộ của con người”. Mặt khác, Camus cũng ý thức rất rõ những diễn biến nghiêm trọng của dịch tả châu Phi diễn ra ở vùng Oran, Algeria năm 1849 - bối cảnh khởi sự cuốn tiểu thuyết - và những nạn dịch khác trên chính ngôi làng Mondovi quê hương ông thuộc vùng nội địa Algeria.
Nhưng có những lí do khác khiến tất cả chúng ta nên đọc lại Dịch hạch, tốt nhất là trên bản gốc tiếng Pháp hoặc bản dịch tiếng Anh của Stuart Gilbert, bởi tự nó cũng xứng đáng được công nhận là một tác phẩm văn học. Như mọi tác phẩm có tính chất ngụ ngôn hay biểu tượng, Dịch hạch có thể phát biểu rất nhiều ý tưởng vượt ra ngoài những chủ ý ban đầu của chính nó, bao gồm cả những thứ dịch bệnh thuộc về khía cạnh đạo đức hay những ẩn dụ nằm phía sau cuộc đời của chính Camus. Nhà phê bình John Cruikshank còn cho rằng Dịch hạch phản ánh một cách siêu hình về tình trạng con người bị bỏ rơi ngay trên trái đất này. Những diễn giải sau Dịch hạch có thể dài vô tận tùy thuộc vào mỗi người đọc. Và nhân ngày kỉ niệm sự ra đi của Camus, chúng ta có thể đặt lại một vấn đề rằng: dịch hạch còn nói được với chúng ta điều gì nữa trong thời đại này.
Ngày nay, Dịch hạch có thể kể cho chúng ta nghe câu chuyện về bất cứ kiểu dịch bệnh nào, từ sự “quá liều”, thậm chí phá hoại của những kẻ theo chủ nghĩa vật chất cho đến tốc độ bành trướng chóng mặt của chủ nghĩa tư bản; và nó có thể trở thành hợp lý trong bất cứ một bài luận đương thời nào muốn phân tích lại nó. Tất cả bởi một lẽ: sự phi lý. Xã hội chúng ta đang sống đầy phi lý, và tiểu thuyết của Camus đã dẫn dắt mối quan hệ của chúng ta tới sự phi lý trong sự tồn tại này. Tác phẩm của ông có thể mô tả rất thuyết phục cách mà dịch bệnh sinh nở trong một xã hội mà ở đó, người ta có thể phát trên loa phóng thanh và vẽ ra một khung cảnh cực kì thảm thương về những khu vực nghèo nàn, cằn cỗi, và rồi, hàng nghìn người tình nguyện sẽ lũ lượt tới đó, trên những chiếc thuyền chết chóc và vượt qua những sa mạc địa ngục, chỉ để đi theo tiếng hô hào và những lời hứa vô nghĩa; và cái xã hội đó thậm chí cũng đã phá hủy thứ hằng tố mà nhờ nó, Camus có thể đo được sự bất tử của con người: đó là tự nhiên.
Điểm cốt lõi chi phối tới những ý tưởng hiện sinh của Camus nằm ở những khác biệt giữa quyền lực, vẻ đẹp của tự nhiên và sự hoang phế của tình trạng con người. Ngay từ rất sớm, ông đã thể hiện tình yêu của mình tới biển cả và sa mạc, đồng thời ông nhận ra sự bất tử của con người nằm trong cái ánh sáng đến từ những thứ rộng lớn, kì vĩ và lãnh đạm như vậy.
Một ông trùm khác của chủ nghĩa phi lý thế kỉ 20, đó là Samuel Beckett, người sinh trước Camus 7 năm nhưng cùng tham gia cuộc kháng chiến của Pháp khi quân đội Đức chiếm đóng đất nước này. Trong vở kịch Happy Days (Những ngày tươi đẹp) của Beckett, nhân vật Winne đã chiêm nghiệm được một điều rằng: “Đôi khi, tất cả đã xong xuôi để hết một ngày, tất cả đều đã được hoàn thành, tất cả đều đã được nói, tất cả đều đã sẵn sàng để tới đêm, và ngày lại không kết thúc, còn lâu nữa mới kết thúc, và đêm lại chưa sẵn sàng, còn lâu nữa mới sẵn sàng.” Ở đây, cũng như trong vở Chờ đợi Godot, tồn tại của con người thực ra chẳng có mục đích gì cả.
Tuy nhiên, trong Dịch hạch, phi lý là cội nguồn của giá trị, những giá trị và thậm chí là hành động. Nhóm những người đàn ông xoay quanh tự sự của Camus, có cảm giác như, chính họ đại diện cho tất cả những phản ứng có thể của con người trước tai ương. Mỗi người trong số họ kể câu chuyện của chính mình, kể cả là bác sĩ Rieux – người kể chuyện giấu mặt – đang chiến đấu với dịch bệnh ngay trong chính công việc và những liều thuốc của mình, giống như cách mà Camus bằng chính sự lao động ngôn từ của mình đang cố gắng chống lại, trước hết là sự bất công, sau đó là chủ nghĩa phát xít.
Điểm khác biệt của Beckett nằm ở đây: như cái cách mà tay thám tử, kẻ săn đuổi Molloy của Beckets đã tường thuật: “Rồi tôi trở về nhà và viết. Bây giờ là nửa đêm. Mưa xối xả ngoài ô cửa sổ. Lúc đó không phải nửa đêm. Lúc đó không mưa.”, bản thân những lời tường thuật tự phủ định chính nó. Nhưng những nhân vật của Camus trong Dịch hạch thì làm công việc minh họa cho điều này, cho dù họ hiểu rõ sự bất lực của mình trước dịch bệnh, họ vẫn đương đầu trực diện với nó, và chính điều này tự nó đã là một giá trị. Khi Camus nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1957, ông đã có một bài diễn thuyết tuyệt vời đầy khích lệ để khẳng định rằng: đây vừa là danh dự vừa là trọng trách của nhà văn, rằng họ cần “làm được nhiều thêm nữa, hơn chỉ là viết.”

Camus không hề tách bạch sự trống rỗng nắm mạch nguồn trong Người xa lạ và những nỗ lực nhiệt thành trong Dịch hạch. Ông từng một lần viết về “rượu vang của phi lý cùng bánh mì của sự lãnh đạm sẽ luôn nuôi dưỡng cái vĩ đại (của con người)”. Những bất lực trước sự phi lý không phải lí do để ta không hành động; Camus, với tất cả những cảm thức sâu nhất về phi lý, luôn kêu gọi chúng ta phải hành động.
Nhưng trong tự nhiên, không tồn tại một lãnh địa luân lý cho con người. Khoảng cách giữa quyền lực và vẻ đẹp của tự nhiên hiện diện như mội nỗi giày vò khổ sở: trong tiểu thuyết quy mô lớn đầu tiên của Camus, La Mort Heureuse (tạm dịch: Cái chết hạnh phúc), nhân vật Mersault đã từng đắm chìm vào những suy tư về “vẻ đẹp phi nhân của một buổi sáng tháng Tư”. Còn đối với nhân vật phản anh hùng Meursault trong Người xa lạ, với cái tên chỉ nhiều hơn Mersault một kí tự và bước ra từ một kiệt tác phức tạp và nhiều tham vọng hơn sau đó: y là một kẻ với hàng tá những câu hỏi mà không có câu trả lời. Y suy ngẫm về việc mình đã giết một người Ả Rập trên bãi biển, rằng: “Tôi hiểu là mình vừa vĩnh viễn phá hủy đi sự hài hòa của ngày hôm nay.”
Nhưng tại sao Dịch hạch vẫn là tiếng nói bức thiết với chúng ta ở thời điểm này? Từ rất sớm, Camus đã viết trong một tiểu luận mang tên Sa mạc của mình về một thứ chủ nghĩa duy vật khó ưa. Đó như là sự tiên tri và cảnh báo cho chúng ta của hiện tại, giữa một thế giới gánh một thứ chủ nghĩa vật chất nặng nề và nguy hiểm như một dịch bệnh. Mọi thứ chúng ta đang làm trong guồng quay chóng mặt của một thời đại tư bản, cùng với sự tàn phá thiên nhiên, đang “phá hủy đi sự hài hòa của ngày hôm nay”.
Trong tác phẩm giả tưởng của Camus, tất cả những gì chúng ta nghe được dội về từ phía các nhà chức trách và bộ máy chính quyền trong suốt thời kì bệnh dịch tại Oran là: “Không có con chuột nào trong khu nhà này cả”, ông lão gác cổng cũng một mực khăng khăng điều đó trong khi những con chuột chết ngay quanh chân ông. Truyền thông, báo chí thì cố gắng trấn an dân chúng bằng những tin tức rằng dịch bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát trong khi thực tế thì không hề như vậy.
Camus cung cấp cho chúng ta một cách để từ bỏ những chất vấn vô nghĩa lý trong tất cả chúng ta về chính bản thân mình, nhưng mặt khác, ông trao cho người đọc một con đường để dẫu có từ bỏ đặt câu hỏi, ta vẫn tiếp tục chiến đấu: vì vài thứ công lý, luân lý nhập nhằng, mù mờ, không rõ ràng mà ta chẳng thể nêu định nghĩa. Trong đoạn kết của Dịch hạch, bác sĩ Rieux, sau khi đón nhận tin vợ mình đã chết vì bệnh nặng tại một khu vực khác không hề liên can đến dịch bệnh, anh đứng ngắm nhìn khung cảnh những người trong gia đình và những người yêu của nhau sum họp tại nơi mà cánh cổng của Oran cuối cùng cũng đã được mở. Anh tự hỏi, sau quá nhiều những chịu đựng và đấu tranh vô nghĩa, ai còn có thể tìm thấy trong tâm trí mình sự yên bình hay cảm giác trọn vẹn khi mà những hi vọng đã không còn, rồi anh nhận ra rằng, có, điều đó có lẽ vẫn có thể, cho “những ai hiểu được rằng, nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì đó chính là tình yêu của con người.”
Đó là những người bằng lòng với những giới hạn của số phận và tình yêu nhỏ bé, khiêm nhường nhưng dữ dội của chính họ, đó là những người mà “nên dấn thân vào, nếu chỉ còn lúc này và một lần nữa, để đón lấy phần thưởng của mình”. Rieux chỉ vừa kịp nhận ra những điều này cách đó một vài dòng, ngay trước khi anh viết chúng xuống. Anh viết: “Nhưng đối với tất cả những ai muốn vượt lên trên con người để tìm kiếm một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, thì họ sẽ không thể có được câu trả lời”.
Không một câu trả lời. Thậm chí không một dòng mô tả nào gợi dẫn xem nó có thể là thứ gì. Nhưng những câu hỏi ủ ê và dằn vặt đòi hỏi chúng ta phải đi tìm và đưa ra một câu trả lời xem đó là gì, cho dù chúng ta đã sớm từ chối một định nghĩa cụ thể. Sự vô nghĩa, nhưng lại là thứ chắc chắn phải có mặt; có ý thức chính trị với một tấm bằng, nhưng lại hoàn toàn không thể có kiên nhẫn với cả hệ thống chính trị; luân lý, đạo đức tồn tại như là nghiễm nhiên, nhưng chẳng hề dễ dàng – và đối với mối nối kết quan trọng với cái kì vĩ, lớn lao của tự nhiên, thứ mà nhờ đó sự bất tử của con người có thể đong đếm được, thì chúng ta đang giết nó đi, từng ngày.
Đó là một vài thứ để chúng ta cùng suy nghĩ sâu hơn, khởi phát khi tôi lái xe vào ngày Chủ nhật cùng một chút lo âu trong cái ngày giỗ đặc biệt này của Camus, trên tuyến đường giờ là Quốc lộ 6 nối giữa Lyon và Paris, qua Villeblevin, nơi chiếc xe thể thao Facel Vega do người bạn của ông, Michel Gallimard điều khiển và khiến cả hai người đàn ông trên xe cùng tử nạn.


KIỀU CHINH theo Ed Vulliamy, tạp chí The Guardian




Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn